Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đây là lần thứ ba ngài viếng thăm thành phố Assisi, quê hương của thánh Phanxicô. Lần đầu ngày 4 tháng 10, 2013, ngài đã hành hương thăm viếng ngôi mộ của Thánh Phanxicô và Thánh Clara. Ngài cũng đã gặp gỡ các trẻ em mắc bệnh hay tật nguyền, và những người nghèo. Gần đây, ngày 4 tháng 8 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 800 năm “Ơn xá giải thành Assisi”.
Ba ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức năm nay có đề tài là “Khát khao hoà bình. Đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hoá”.
Cộng đồng thánh Egidio đã được giao trách nhiệm tổ chức các ngày liên tôn cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi tiếp theo sau ngày cầu nguyện cho hoà bình tại Assisi đầu tiên do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tổ chức lần đầu tiên ngày 27 tháng 10 năm 1986. Năm nay là kỷ niệm 30 năm ngày liên tôn cầu nguyện cho hoà bình thế giới đầu tiên.
Sáng kiến của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hồi đó đã quy tụ được 50 đại diện các Giáo Hội Kitô và 60 đại diện các tôn giáo lớn toàn thế giới.
Phát biểu nhân dịp này Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Ngày cầu nguyện này tự nó là một lời mời gọi thế giới ý thức rằng có một chiều kích khác của hoà bình, và có một cách thức khác để thăng tiến hoà bình. Nó không phải chỉ là kết qủa của các cuộc thương thuyết hay các giàn xếp chính trị kinh tế. Lời cầu nguyện và chứng tá của các tín hữu thuộc bất cứ truyền thống tôn giáo nào cũng đều có thể góp phần rất nhiều cho nền hoà bình trên thế giới”.
Mặc dù cuộc gặp gỡ này đã đẩy mạnh sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tôn giáo, thăng tiến tình hữu nghị giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu để hỗ trợ các sáng kiến hòa bình cụ thể, nó vẫn không tránh khỏi bị chỉ trích là theo chủ nghĩa chiết trung, đạo nào cũng tốt.
Cần phải khẳng định rằng đó không phải là ý hướng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thực vậy, ngay từ đầu, ngài đã tuyên bố rõ ràng rằng: “Sự kiện chúng ta tới đây không bao hàm bất cứ ý định nào muốn đi tìm một đồng thuận tôn giáo giữa chúng ta hay thương lượng các xác tín trong đức tin của ta. Nó cũng không muốn nói rằng: các tôn giáo có thể hoà hợp với nhau trên bình diện một dấn thân chung vào một dự án thế trần… Nó cũng không phải là một tương nhượng đối với chủ nghĩa tương đối về các tín ngưỡng tôn giáo”.
Nhóm chỉ trích mạnh nhất Huynh Đoàn Thánh Piô 10 của Tổng Giám Mục Lefèvbre. Nhóm này rất kỳ vọng Đức Bênêđíctô XVI sẽ hủy bỏ cuộc gặp gỡ này, vì ngài là người mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa tương đối tôn giáo.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ Assisi năm 2006 để đánh dấu 20 năm cuộc gặp gỡ 1986, với sự tham dự của Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Phật Giáo, Thần Giáo, Đức Bênêđíctô XVI đã lên tiếng ca tụng cuộc gặp gỡ ấy, mô tả nó như “một sứ điệp sống động thăng tiến hòa bình và như một biến cố để lại dấu ấn trên lịch sử thời đại ta”. Ngài cũng ca ngợi cái nhìn sáng suốt và có tính tiên tri trong sáng kiến của vị tiền nhiệm mình.
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Sau 35 phút bay, lúc 11h05 Đức Thánh Cha đã đáp xuống sân thể thao Migaghelli của Vương Cung Thánh Đường Đức Maria Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần. Tại đây, ngài được Đức Cha Domenico Sorrentino, Tổng Giám Mục Assisi-Nocera đón tiếp cùng với ông Catiuscia Marini, chủ tịch miền Umbria và bà Stefania Proietti, là thị trưởng Assisi đón tiếp.
Đức Thánh Cha sau đó đã đi xe hơi đến Tu Viện Thánh Assisi. Đến nơi lúc 11:30, Đức Thánh Cha đã được cha Mauro Gambetti, Bề Trên Tu Viện đón tiếp cùng với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô là Thượng phụ thành Constantinople và cũng là Thượng phụ danh dự toàn Chính Thống Giáo, Đức Thượng Phụ Ignatius Ephrem II là Thượng Phụ Chính thống Syriac thành Antiôkia, Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo Justin Welby của Canterbury, Rabbi Do Thái Giáo David Rosen, và vị lãnh đạo của Phật Giáo Tendai Nhật Bản. Sau đó các vị đã di chuyển đến Phòng Họp Thánh Giáo Hoàng Sixtô Đệ Tứ nơi quy tụ 400 nhà lãnh đạo tôn giáo khác cùng với các Giám Mục miền Umbria.
Trước các nhà lãnh đạo các tôn giáo, Đức Thánh Cha nói:
“Chúng ta đến Assisi như những khách hành hương tìm kiếm hòa bình. Chúng ta khao khát hòa bình; chúng ta mong muốn làm chứng cho hòa bình.”
Ngài nói thêm là để đạt được hòa bình, thế giới phải “giải phóng mình khỏi những gánh nặng của chủ nghĩa cực đoan và sự thù ghét.”
Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng bữa trưa với những nhà lãnh đạo các tôn giáo và một số nạn nhân chiến tranh.
Sau bữa ăn trưa, lúc 3:15 Đức Thánh Cha đã có cuộc họp riêng với Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô, Đức Tổng Giám Mục Anh Giáo Justin Welby, Đức Thượng Phụ Ignatius Ephrem II, và Rabbi Do Thái Giáo David Rosen.
Lúc 4 giờ chiều, các nghi thức cầu nguyện theo từng tôn giáo đã diễn ra tại các địa điểm khác nhau. Riêng các hệ phái Kitô đã có buổi cầu nguyện đại kết tại tầng dưới Vương Cung Thánh Đường.
Sau các nghi thức cầu nguyện, các vị đã tập trung tại khán đài ở bên ngoài quảng trường đền thờ để dự nghi thức bế mạc.
Đức Tổng Giám Mục Domenico Sorrentino đã gởi lời chào đến các nhà lãnh đạo các tôn giáo và cộng đoàn đông đảo các tín hữu đứng chật quảng trường.
Một số chứng từ của các nạn nhân chiến tranh đã được đọc.
Trong bài phát biểu của mình, Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô đã nhấn mạnh đến tự do tôn giáo và việc tôn trọng thiên nhiên.
Đức Thượng Phụ nói:
“Không thể có hòa bình nếu không có sự tôn trọng và công nhận lẫn nhau, không thể có hòa bình nếu không có công bằng, không thể có hòa bình nếu không có sự hợp tác hiệu quả giữa tất cả các dân tộc trên thế giới. Hòa bình đòi phải có công lý. Công lý là sự canh tân nền kinh tế toàn cầu trong đó chú ý tới nhu cầu của người nghèo; công lý liên quan đến việc chăm sóc tình trạng của hành tinh chúng ta; công lý liên quan đến việc bảo vệ môi trường tự nhiên, là sự sáng tạo của Thiên Chúa cho các tín hữu, nhưng cũng là ngôi nhà chung của mọi người.”
Sau phát biểu của Đức Thượng Phụ là phát biểu của đại diện Hồi Giáo, Do Thái Giáo, Phật Giáo Nhật Bản và phát biểu của giáo sư Andrea Riccardi, là vị sáng lập Cộng đồng thánh Egidio.
Phát biểu sau cùng, Đức Thánh Cha nói:
Đứng trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta nghe những lời của Ngài vang lên với cả chúng ta nữa: “Ta khát” (Ga 19:28). Khát, hơn cả đói, là nhu cầu lớn nhất của nhân loại, và cũng là sự đau khổ lớn lao của nhân sinh. Chúng ta hãy chiêm ngắm mầu nhiệm của Thiên Chúa Toàn Năng Đấng vì lòng xót thương đã trở thành nghèo khó giữa nhân loại.
Chúa khao khát điều gì? Chắc chắn là nước, là thứ thiết yếu cho cuộc sống. Nhưng trên tất cả, Ngài khát khao cho tình yêu, là điều thiết yếu không kém cho cuộc sống. Ngài khao khát ban cho chúng ta nước hằng sống là tình yêu của Ngài, nhưng cũng khát khao nhận được tình yêu của chúng ta. Tiên tri Giêrêmia diễn tả khát khao của Thiên Chúa về tình yêu của chúng ta như sau: “Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn” (Gr 2: 2). Nhưng vị tiên tri cũng đề cập đến tiếng nói đau khổ của Thiên Chúa, khi con người bạc bẽo bỏ rơi tình yêu. Có vẻ như thể Chúa cũng đang nói những lời này ngày hôm nay – “chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước.” (c. 13). Đó là bi kịch của “một con tim khô héo”, của một tình yêu không được hồi đáp, một bi kịch được mở ra một lần nữa trong Tin Mừng, khi đáp lại cái khát của Chúa Giêsu, người ta đã đưa giấm chua cho Ngài uống. Như vịnh gia đã than thở một cách tiên tri: “Con khát nước, chúng lại cho uống giấm chua” (Tv 69:21).
“Tình yêu không được yêu”: thực tế này, theo nhiều trình thuật, là những gì làm Thánh Phanxicô thành Assisi khó chịu. Yêu mến Chúa chịu khổ đau, thánh nhân không ngại ngùng khóc to và ta thán (x. Fonti Francescane, số 1413). Thực tế này cũng phải ở trong trái tim của chúng ta khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh, là Đấng khao khát tình yêu. Mẹ Têrêsa Calcutta mong muốn rằng trong mỗi nhà nguyện của các cộng đoàn các nữ tu của Mẹ những lời “Ta khát” phải được viết ngay bên cạnh thánh giá. Phản ứng của Mẹ là để làm dịu cơn khát của Chúa Giêsu cho tình yêu trên Thánh Giá qua việc phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Cái khát của Chúa được dập tắt bởi tình yêu thương bác ái thực sự của chúng ta; Ngài được an ủi khi, trong danh Ngài, chúng ta cúi xuống trước những đau khổ của người khác. Vào ngày phán xét họ sẽ được gọi là những người được “chúc phúc” vì cho kẻ khát uống. Đó là những người trao ra những cử chỉ thương yêu thật sự cho những người đang túng quẫn: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”(Mt 25:40).
Những lời của Chúa Giêsu thách thức chúng ta. Những lời ấy kiếm tìm một chỗ trong con tim chúng ta và một phản ứng liên quan đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Trong tiếng “Ta khát” của Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của sự thống khổ, tiếng than của những người vô tội đang bị thế giới này từ khước, lời cầu xin buồn thảm của những người nghèo và những người tha thiết cần đến hòa bình. Chiến tranh đang làm nhơ bẩn nhân loại với sự thù ghét và làm dơ trái đất này với vũ khí. Những nạn nhân của chiến tranh cầu xin hòa bình; anh chị em của chúng ta, đang sống dưới sự đe dọa của bom đạn và bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ ra đi vào một phương trời bất định, bị tước đoạt tất cả mọi thứ, đang khẩn khoản van xin hòa bình. Họ đều là anh chị em của Đấng chịu đóng đinh, là những người nhỏ bé trong Vương Quốc của Ngài, là các thành viên bị thương và bị khô héo của thân thể Ngài. Họ khát. Nhưng, như Chúa Giêsu, họ thường xuyên được trao cho dấm chua cay đắng của sự khước từ. Ai lắng nghe họ? Ai chịu khó đáp lại họ? Quá thường khi họ gặp phải sự im lặng điếc đặc của sự thờ ơ, sự ích kỷ của những bực mình vì bị quấy rầy, cái lạnh lùng của những ai bịt tai trước tiếng kêu của họ mong được giúp đỡ dễ dàng như thay đổi một kênh truyền hình trên TV.
Trước Đức Kitô chịu đóng đinh, là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cor 1:24), chúng ta được mời gọi để chiêm ngưỡng mầu nhiệm của tình yêu không được yêu thương, và được kêu mời tuôn đổ lòng thương xót ra với thế giới này. Trên thập giá, cây sự sống, cái ác đã được cải biên thành điều thiện; chúng ta cũng như các môn đệ của Đấng chịu đóng đinh, được mời gọi trở thành “cây của sự sống” hấp thụ cái ô nhiễm của sự thờ ơ, để rồi phục hồi lại không khí tinh khiết của tình yêu cho thế giới. Từ cạnh sườn Chúa Kitô trên Thánh Giá nước chảy ra, đó là biểu tượng của Chúa Thánh Thần Đấng mang lại sự sống (Ga 19,34); để từ chúng ta, những môn đệ của Ngài, lòng từ bi cũng được tuôn chảy ra cho những ai đang khát ngày hôm nay.
Như Đức Maria dưới chân Thánh Giá, xin Chúa ban cho chúng ta được kết hợp với Người và gần gũi với những ai đang đau khổ. Khi đến gần với những ai sống như đang chịu đóng đinh, và khi được củng cố bởi tình yêu của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, cầu xin cho sự hòa hợp và hiệp thông của chúng ta được sâu đậm hơn nữa. “Chính Người là bình an của chúng ta” (Eph 2:14), “Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (c. 17). Cầu xin Ngài giữ gìn tất cả chúng ta trong tình yêu của Ngài và hiệp nhất chúng ta, để chúng ta có thể nên “một” (Ga 17:21) như Ngài mong muốn.
Trước khi bế mạc các nhà lãnh đạo tôn giáo đã ký một tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và khoan dung. “Đây là tinh thần linh hoạt chúng ta: mang đến các cuộc gặp gỡ thông qua đối thoại và phản đối mọi hình thức bạo lực và lạm dụng tôn giáo để tìm cách biện minh cho chiến tranh và khủng bố”.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo khẳng định rằng “Danh của Thiên Chúa là sự bình an. Chiến tranh nhân danh tôn giáo là một cuộc chiến chống lại chính tôn giáo.”
Toàn văn tuyên bố của các nhà lãnh đạo tôn giáo như sau:
Là những người nam nữ thuộc các tôn giáo khác nhau, chúng tôi họp nhau như những người lữ hành tại thành của thánh Phanxicô. Tại đây cách đây 30 năm, vào năm 1986, theo lời mời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, các vị đại diện tôn giáo toàn thế giới, lần đâu tiên tham dự một cách trọng thể, để khẳng định mối liên hệ không thể tách rời giữa đại thiện ích hòa bình và thái độ tôn giáo chân chính. Từ biến cố lịch sử ấy, đã khởi sự một cuộc lữ hành dài, qua nhiều thành phố trên thế giới, đưa nhiều tín hữu can dự vào cuộc đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình; đã liên kết nhưng không tạo nên sự lẫn lộn, mang lại những tình bạn liên tôn vững chắc và góp phần dập tắt không ít các cuộc xung đột. Đây là tinh thần đang linh hoạt chúng tôi: thực hiện cuộc gặp gỡ trong đối thoại, chống lại mọi hình thức bạo lực và lạm dụng tôn giáo để biện minh cho chiến tranh và khủng bố. Tuy nhiên, trong những năm qua, vẫn còn bao nhiêu dân tộc đang bị thương tổn đau thương vì chiến tranh. Người ta vẫn luôn không hiểu rằng chiến tranh làm cho thế giới xấu hơn, để lại gia sản đau thương và oán thù. Tất cả bị mất mát với chiến tranh, kể cả những kẻ thắng trận.
Chúng tôi đã dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa, xin Ngài ban hồng ân hòa bình cho thế giới. Chúng tôi nhìn nhận sự cần thiết phải liên lỷ cầu nguyện cho hòa bình, vì lời cầu nguyện bảo vệ và soi sáng thế giới. Hòa bình là danh xưng của Thiên Chúa. Ai khẩn cầu danh Thiên Chúa để biện minh cho khủng bố, bạo lực và chiến tranh, thì không đi theo con đường của Chúa: chiến tranh nhân danh tôn giáo trở thành chiến tranh tôn giáo. Với xác tín mạnh mẽ, chúng tôi tái khẳng định rằng bạo lực và khủng bố trái ngược với tinh thần tôn giáo chân chính.
Chúng tôi đã lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, các trẻ em, các thế hệ trẻ, các phụ nữ và bao nhiêu anh chị em đang đau khổ vì chiến tranh; cùng với họ chúng tôi mạnh mẽ nói rằng: Không chấp nhận chiến tranh! Ước gì tiếng kêu đau thương của bao nhiêu người vô tội được lắng nghe. Chúng tôi khẩn thiết xin các vị lãnh đạo các dân nước hãy giải trừ những động lực chiến tranh: sự ham hố quyền bính và tiền bạc, lòng tham lam của những kẻ buôn bán võ khí, những lợi lộc phe phái, những trả thù vì quá khứ. Xin gia tăng sự dấn thân cụ thể để lại trừ những nguyên nhân tiềm ẩn của các cuộc xung đọt: những tình trạng nghèo đói, bất công, và chênh lệch, sự bóc lột và coi rẻ sự sống con người.
Sau cùng, hãy mở ra một thời đại mới, trong đó thế giới hoàn cầu hóa trở thành gia đình các dân tộc. xin thực thi trách nhiệm kiến tạo hào bình chân thực, quan tâm đến những nhu cầu đích thực của con người và của các dân tộc, vượt thắng những xung đột bằng sự cộng tác, chiến thắng những oán thù và vượt lên trên những hàng rào bằng cuộc gặp gỡ và đói thoại. Không gì bị mất mát khi thực sự thi hành đối thoại. Không gì là không có thể nếu chúng ta ngỏ lời với Thiên Chúa trong kinh nguyện. Tất cả đều có thể là những người xây dựng hòa bình; từ Assisi chúng tôi quyết tâm canh tâm dấn thân trở thành những người xây dựng hòa bình với sự phù giúp của Thiên Chúa, cùng với tất cả những người nam nữ thiện chí.
Sau khi tuyên ngôn hòa bình được công bố, mọi người đã thinh lặng mặc niệm các nạn nhân chiến tranh, trước khi các vị đại diện tôn giáo ký vào Lời Kêu Gọi hòa bình, và thắp sáng hai cây đèn nhiều ngành.
Ngày cầu nguyện được kết thúc với cử chỉ trao ban bình an giữa các tham dự viên.
[Trúc Ly]
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Lúc 6:30, Đức Thánh Cha đã đi xe hơi ra sân thể thao Migaghelli của Vương Cung Thánh Đường Đức Maria Nữ Vương Các Thánh Thiên Thần. Tại đây, ngài đã đáp trực thăng về lại Vatican lúc 7:35 tối.
Trước đó, vào buổi sáng khi dâng thánh lễ tại Vatican trước khi đáp máy bay trực thăng đến Assisi, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài đã viết thư cho tất cả các giám mục trên thế giới, yêu cầu các ngài tham gia trong lời cầu nguyện vào ngày hòa bình thế giới tại Assisi.
Đức Thánh Cha nói:
“Không có thần chiến tranh. Đó là điều ác. Chính là ma quỷ phát động chiến tranh và muốn giết tất cả mọi người”.