Suy Niệm Chúa Nhật XXXI THƯỜNG NIÊN C

Tin mừng Chúa Nhật XXXI Thường niên năm C hôm nay, Thánh Luca làm nổi bật thái độ của Đức Giêsu, một người Cha nhân lành, luôn “đi tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”; thái độ của ông Giakêu, một tội nhân mong muốn được thấy Đức Giêsu và khi gặp được Ngài, ông đã thực sự “biến đổi cuộc đời mình”; thái độ của những người biệt phái tự cho mình là thánh thiện, luôn rình mò để lên án và bắt bẻ người khác.

1. Thái độ của Đức Giêsu

Trong thông điệp Truyền giáo năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ một cách cao cả và trọn vẹn nhất nơi Đức Giêsu”. Trong ba năm đời sống công khai, Ngài không chỉ rao giảng cho mọi người biết về Giáo huấn của Ngài, mà Ngài còn làm nhiều phép lạ để chữa lành các bệnh bệnh hoạn tật nguyền. Đặc biệt, Ngài tìm kiếm, gặp gỡ, và cứu chữa “những kẻ đã hư mất”: Ngài đã đích thân tìm đến bàn thu thuế để kêu gọi Mathêu và tha thứ tội lỗi cho ông; Ngài đã tha thứ tội lỗi cho cô gái điếm Madalêna; Ngài đưa mắt âu yếm nhìn Phêrô sau khi ông chối Thầy ba lần; Ngài tha thứ tội lỗi cho Phaolô và mời gọi ông làm Tông đồ cho dân ngoại…Ngài đã hành động như lời sách Khôn Ngoan diễn tả trong bài đọc thứ I: “Chúa từ từ sửa phạt những kẻ lầm lạc, khuyên răn và dạy bảo những kẻ phạm lỗi, để họ từ bỏ tội ác mà tin theo Chúa”(Kn 12,2).

Tin mừng hôm nay còn cho chúng ta biết, trên con đường đi lên Giêrusalem, Ngài đi ngang qua thành Giêricô. Trong đám đông những người tụ tập hôm đó, Ngài quan tâm đặc biệt đến ông Giakêu, một người thu thuế. Ngài ngước mắt nhìn ông khi ông đang ngồi trên cây sung. Ngài gọi ông xuống, và quyết định đi tới nhà ông, bất chấp sự phê bình, chỉ trích, dòm ngó của những người biệt phái. Hơn thế nữa, Ngài tha thứ tội lỗi cho ông khi tuyên bố: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái của Abraham”(Lc 19,9). Ngài thực sự đến thế gian là “để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (x. Lc 19,10).

Theo gương Đức Giêsu, mỗi người chúng ta cần phải có tấm lòng rộng lượng: biết quan tâm những người xung quanh; biết đem tình thương và ơn cứu độ đến cho mọi người; luôn tạo điều kiện thuận lợi để những người như Giakêu có cơ hội trở về với Thiên Chúa và đền bù những sai lỗi của mình.

2. Thái độ của ông Giakêu

Ông Giakêu là thủ lãnh của những người thu thuế. Vào thời đó, ai làm nghề thu thuế là làm việc cho ngoại bang, thường lợi dụng chức quyền để đặt ra những khoản thu nặng nề, quá mức cho phép, dễ tham ô, tham nhũng. Cho nên, người thu thuế thường bị đồng hóa với kẻ tội lỗi, bị xa lánh và khinh thường. Dầu bị xa lánh và coi thường, ông Giakêu vẫn chọn nghề thu thuế, nhưng hằng ngày ông vẫn quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh. Đặc biệt, ông nghe nói về Đức Giêsu, về những lời giảng dạy “đầy khôn ngoan” và về những phép lạ Ngài làm. Ông mong muốn được thấy Đức Giêsu, dù chỉ một lần. Vì thế, khi nghe tin Đức Giêsu sắp đi ngang qua đây. Cơ hội đã đến với ông. Nhưng làm sao thấy được Ngài? Vì cùng đi với Ngài có các môn đệ, có đám đông, đặc biệt là đám đông của dân thành Giêricô. Ông lại là người thấp bé. Ông suy nghĩ và tìm ra giải pháp. Cuối cùng, ông quyết định trèo lên một cây sung gần bên cạnh đường. May thay, khi Đức Giêsu đi ngang qua đó, Ngài đã nhìn thấy ông trước khi ông thấy Ngài. Ngài mời gọi ông và ông đã “tụt xuống”. Hành động “trèo lên” và “tụt xuống” nói lên tất cả sự quyết tâm của ông. Ông mong muốn được thấy Đức Giêsu, được gặp Ngài nên ông bất chấp tất cả. Ông quên cả địa vị, trở nên như trẻ nhỏ và không sợ người ta cười chê. Ông chỉ ước mong được thấy Đức Giêsu, giờ đây ông lại được Đức Giêsu gọi ông, quyết định tới nhà ông. Ông vui mừng và mau mắn đi cùng Đức Giêsu trở về nhà mình. Những gì diễn ra tại nhà ông còn cho chúng thấy sự quyết tâm biến đổi cuộc đời của ông. Ông tự nguyện đứng lên thưa với Đức Giêsu rằng “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8). Với tâm tình sám hối công khai và quyết tâm đền bù tội lỗi của mình trước mặt Đức Giêsu và mọi người, ông Giakêu đã được biến đổi hoàn toàn. Chính Đức Giêsu đã nói: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”(Lc 19,9). Tinh thần sám hối và sự quyết tâm đền bù tội lỗi của ông Giakêu là mẫu mực cho con người qua mọi thời đại.

Trong cuộc sống, không ai tránh khỏi sai lỗi. Nhưng không phải ai cũng có tinh thần sám hối như Giakêu: Có những người không muốn gặp Đức Giêsu vì sợ phải thay đổi đời sống tội lỗi của mình, sợ mất đi những khoản thu trái phép, sợ phải lìa xa những mối tình bất chính, sợ phải đền bù những thiệt hại do mình gây nên, sợ phải làm việc bác ái…Là người Kitô hữu, chúng ta được gặp gỡ Đức Giêsu hằng ngày qua Lời Chúa, qua đời sống cầu nguyện và các Bí tích, hãy bắt chước ông Giakêu quyết tâm thay đổi đời sống, hãy làm phúc bố thí, và nếu có làm thiệt hại của ai thì hãy đền trả theo lẽ công bằng.

3. Thái độ của các Biệt phái

Biệt phái là nhóm người luôn cho mình thánh thiện và coi khinh người khác. Đặc biệt, họ coi thường những người thu thuế. Họ đồng hóa người thu thuế với kẻ tội lỗi. Đối với họ, những kẻ tội lỗi như hạng thu thuế thì không đáng được nhận lãnh ơn lành của Thiên Chúa. Vì vậy, họ không bao giờ tiếp xúc với những người thu thuế và nếu thấy ai tiếp xúc với hạng người đó thì bị họ lên án, chỉ trích. Cho nên, khi thấy Đức Giêsu vào nhà ông Giakêu, họ lẩm bẩm rằng: “Ông này đến trọ tại nhà một người tội lỗi”(x. Lc 19,7).

Trong thực tế cuộc sống, có lễ nhiều khi chúng ta vẫn có thái độ như những người Biệt phái: Đó là khi chúng ta tự cho mình là thánh thiện, coi khinh người khác; đó là khi chúng ta xa lánh, loại trừ những người mà chúng ta cho là kẻ tội lỗi; đó là khi chúng ta ngăn cản không cho người khác đến với Chúa để được lãnh hồng ân tha thứ... Vậy, hãy biết loại trừ khỏi chúng ta óc kiêu ngạo của Biệt phái và hãy tập sống khiêm nhường. Sách Huấn Ca khuyên chúng ta dù làm được gì tốt, dù sống đạo đức thánh thiện thì chúng ta cũng phải luôn có thái độ khiêm nhường: “Con ơi, hãy tự hào một cách khiêm nhường, và tự trọng đúng với giá trị của con” (x. Hc 10,28).

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con có tấm lòng thương xót như Chúa, có tinh thần sám hối như Giakêu, xin loại ra khỏi chúng con tính kiêu ngạo, ích kỷ của những người Biệt phái. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành