LỊCH SỬ GIÁO XỨ TÂN HÒA, PHÚ NHUẬN.

I. Con Người Và Vùng Đất Kiến Thiết.

Phú Nhuận vào những năm 1955 - 1975, đơn vị hành chánh là Xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình, Tỉnh Gia Định. Xã Phú Nhuận có 8 ấp: Đông Nhất, Đông Nhì, Đông Ba, tây Nhất, Tây Nhì, Tây Ba, Trung Nhất và Trung Nhì. Tân Hoà thuộc Ấp Tây Ba, xã Phú Nhuận, Quận Tân Bình.

Theo thống kê 1970:

Diện tích Xã Phú Nhuận là 4,9 Km2, dân dố 163.033 người.

Diện tích xã Phú Thọ Hoà là 6,5 km2, dân số 61.879 người.

Diện Tích Xã Tân Phú là 4, 7km2, dân số 23.709 người.

Diện Tích xã Tân Sơn Hoà 7,3km2, dân số 101.710 người.

Diện tích Xã Tân Sơn Nhì 17,0 km2, dân số 52.014 người.

Diện tích Xã Vĩnh Lộc 56,7km2, dân số 10.238 người.

Nhìn bảng này chúng ta thấy diện tích Xã Phú Nhuận khá nhỏ nhưng mật độ dân số lại đông nhất trong những năm 1970.

Năm 1930 Pháp trưng dụng Tân Sơn Nhất làm sân bay quân sự, 1933 sân bay Tân Sơn Nhất mở đường bay Sài Gòn - Paris. Con đường nối liền giữa sân bay và trung tâm SàiGòn là con đường (Mac Mahon) được mở rộng ra, gía đất hai ven đường lên cao và những người giàu có mua lại những miếng đất này làm nhà nghỉ cuối tuần. Dân cư lúc bấy giờ còn thưa.

Từ Cầu Trương Minh Giảng đến Lăng Cha Cả vào những năm 1940, còn là con đường nhỏ hẹp, mang tên là Eryaud des Vergnes, đất đỏ, dân cư thưa thớt, và cũng là những xóm lao động nghèo, họ làm các nghề vặt ở Lò Đúc hay làm công trong các công xưởng. Thỉnh thoảng có vài căn biệt thự của những người giàu có làm nơi nghỉ cuối tuần hoặc cư ngụ sau những giờ làm việc ở công sở. Năm 1945, con đường này đổi tên là đường Trương Minh Ký, cháu của Trương Minh Giảng, cộng tác đắc lực với Pháp. Đường này nằm cạnh những hố đổ rác của Thành Phố, chỉ mới được tráng nhựa, phóng dài đến Tân Sơn Nhất vào những năm 1950, do nhu cầu mở rộng sân bay cho các đường bay dân sự, hỗ trợ cho đường Công Lý tránh quá tải. Con đường này đi ngang qua Phường 13, 14 Quận Phú Nhuận là địa bàn của Giáo Xứ Tân Hoà.

Giáo Xứ Tân Hoà nằm trên con đường Nguyễn Huỳnh Đức, nay là đường Huỳnh Văn Bánh, trước kia là đường Chùa Phật. Sở dĩ tên gọi con đường đầu tiên là đường Chùa Phật là vì con đường này có rất nhiều Chùa hiện diện. Quả là, đất lành chim đậu, nơi vùng đất giàu thiên nhiên và phong phú đời sống nội tâm, môi trường thiên nhiên đã làm cho con đường này có một tên gọi của tâm linh: Chùa Phật. Theo Phan kế Bính, cuối thế kỷ 19, Phú Nhuận có trên 70 ngôi Chùa, xưa nhất là Chùa Phú Long, ngôi Chùa này nằm trên con đường Nguyễn Huỳnh Đức, còn gọi là Chùa Làng, nơi những đồng bào nghèo đến cầu nguyện sau những ngày lam lũ. Ngôi Chùa Làng được xây dựng do quỹ Làng Phú Nhuận xuất ra, khởi công từ giữa thế kỷ 19, cùng lúc với Đình Làng Phú Nhuận. Khởi đầu bằng ván, lợp lá do Ông Gia trụ trì, tu theo phái Lâm Tế Chánh Tông, có Tổ Đình là Giác Lâm Tự ở Phú Thọ. Chùa Làng có sắc tự của vua phong (không rõ đời nào), có chuông đồng đúc từ thời Tây Sơn.

Con đường Chùa Phật, người Pháp đọc là Chu Phát, đi ngang qua các Chùa: Chùa Phú Thạnh, còn gọi là Chùa Cây Sai (Vì có cây Sai cổ thụ, gốc 3 nhánh, hơn hai người ôm). Đây là Đình Làng đầu tiên của Phú Nhuận, vì nằm trong vùng trũng bên kênh Nhiêu Lộc, nên Đình được dời từ năm 1852 đến địa điểm hiện nay là Phường 10.

Mộ của Phan Tấn Huỳnh (Phường 12) xây năm 1825, nguyên là Tổng Trấn Phiên An, sau về già tuẫn tiết. Mộ mặt phẳng vòng rào khoảng 20 m2, tuy nhỏ nhưng mang những nét kiến trúc đương thời, với tường rào dày và thấp, có cột trụ hoa sen búp, văn bia lớn, cổng bán nguyệt.

Nhà Thờ Tân Hoà xưa kia còn gọi là Nhà Thờ Kiến Thiết (1960), vì Nhà Thờ toạ lạc trong khu vực cư xá Kiến Thiết, cư xá này được xây dựng từ năm 1960, gồm hai khu: Khu Ngói Đỏ, và Khu Ngói Trắng. Khu Ngói Trắng được xây dựng vào năm 1957, Khu ngói Đỏ xây dựng năm 1960. Hai khu này do Ông Chánh Trương của Giáo Xứ Tân Hoà, đảm nhận xây cất: Ông Micae Vũ văn Hoạt, lúc bấy giờ ông Hoạt làm trong sở địa chính Sài gòn. Nhà Thờ Kiến Thiết nằm ngay phía cuối của Khu Ngói Trắng, lúc bấy giờ còn là sình lầy, cỏ mọc xanh um tùm. Số giáo dân khi mới thành lập vài chục nóc gia, chưa đầy 100 người. Sau này, nhờ hình thành cư xá Khu Ngói Đỏ nên số giáo dân có gia tăng khoảng 400 người. Điện Thánh Mẫu Tân Hoà.

Ngôi Thánh đường đầu tiên được xây dựng năm 1966, từ ngôi nhà nguyện nhỏ nguyên thuỷ. Thánh đường xây dựng lần nhất lợp tôn mái khung sắt, nền thấp, thường ngập lụt sau mỗi trận mưa. Chung quanh nhà thờ có 3 diện tích ao hồ, mỗi ao hồ khoảng 150 m2. Có các lớp mẫu giáo xây dựng trên mặt ao hồ, sau năm 1975 những lớp học này được tháo dỡ, hoặc không còn sử dụng được. Trong khi xây dựng lần 2, lấp 2 ao hồ để một dựng núi Đức Mẹ, một biến thành vườn cây thiên nhiên cho hợp với kiến trúc mới.

Tháng 11 năm 1995, xây dựng Thánh Mẫu Điện dâng kính Mẹ Maria, trong đó có giữ lại những nguyên tích có giá trị của Ngôi Thánh Đường cũ, sẽ nói sau những di tích này.

Nếu có dịp ghé thăm Tân Hoà, trên bục giảng bằng đá đặt trên gian Cung Thánh Nhà Thờ, có khắc lại những dòng chữ này trên mặt bục giảng và bên hông phía trong:

Trên bề mặt:

Thành lập Họ Kiến Thiết: 25 - 12 - 1957.

Do Đức Cha Simon Hoà Hiền

Ký sắc thành lập Giáo Xứ Tân Hoà: 22 - 8 - 1960.

Cha Chánh Xứ tiên Khởi:

Giuse Đỗ Trọng Kim (1960 - 1973).

Xây dựng Thánh Đường lần 1: 03 - 12 - 1966.

Ngày Chầu thứ Năm hằng tuần lần 1: Mùng 6 Tết Đinh Tỵ.

Bên hông phía trong:

II. Điện Thánh Mẫu Tân Hoà.

Công trình của tình thương và lòng biết ơn.

Xin dâng lên Chúa và Mẹ Maria trong năm thánh 2000.

được phép bề trên Giáo phận: 24 - 11 -1994.

lấy ý kiến giáo dân tiết kiệm xây dựng: 1 - 1 - 1995.

Lễ đặt viên đá đầu tiên, do Đức Cha G.B. Phạm Minh Mẫn, Giáo Phận Mỹ Tho, ngày 19 - 11 - 1995.

Khởi công xây dựng, dịp kỷ niệm Chầu Mình Thánh Chúa (hằng tuần vào thứ Năm) lần thứ 1000. Ngày 24 - 11 - 1995.

Lễ đặt Thánh cốt, do Đức Ông G.B. Trần Văn Hiến Minh chủ sự, ngày 26 - 1 - 1997.

Bàn thánh Được Thánh Hiến, lần chầu thứ 1161, Noel 1998.

Xức dầu thánh hiến 1 - 5 - 2000, do Đức Tổng Giám Mục, G.B. Phạm Minh Mẫn.

Đây là bản tóm lược về Thánh Mẫu Điện Tân Hoà hình thành và phát triển. Nôi dung của việc hội nhập văn hoá sẽ được trình bày ở phần kế tiếp.

III. Tân Hoà Là Của Mẹ

Vào những ngày đầu năm, Miền nam Việt Nam lúc bấy giờ còn nhiều tang tóc của chiến tranh, một khát mong duy nhất của dân tộc là thấy ngày hoà bình trên quê hương. Thánh tượng Nữ Vương Hoà Bình[3] được Đạo Binh Xanh quốc Tế rước tới Việt nam ngày 31 - 1 - 1974 và lưu tại Việt Nam ba ngày. Trong Ban Tổ Chức đón tiếp Đức Mẹ Thánh du tại Việt nam có Linh mục Đa Minh Bùi Minh Sơn theo Thánh Tượng Mẹ đi nhiều nơi trong miền đất Nam Việt Nam. Theo lời kể lại của Linh Mục Đa Minh Bùi Minh Sơn:

“ Vào buổi tối hôm Thánh tượng Đức Mẹ ở phi trường Huế, một tối trời mưa lâm thâm những cơn mưa không dứt của miền đất Huế. Bầu trời tối đen, lâu lâu những điểm sáng của vài trái hoả châu rực sáng rồi tắt ngúm. Cảnh tượng của bầu trời gợi nhớ những hình ảnh của những ngày tang tóc, đau thương trên quê hương Đất Việt, không lúc nào hơn những tâm tình khát vọng hoà bình của con dân Việt lại loé sáng như ánh hoả châu hơn thế. Thánh tượng Đức mẹ được cung nghinh đến nghinh đài, nghinh đài được làm giống như đồn luỹ, nghĩa là cũng với những bao cát chống đạn được xếp thành, Đức Mẹ được đặt trên những bao cát ấy, chung quanh chỉ dám thắp một vài cây nến[4], Đức Tổng Giám Mục Huế khó khăn lắm mới leo lên được để đứng dưới chân Thánh tượng để dâng lên lời cầu nguyện của mình thay cho Giáo phận Huế, ngài mở đầu:

“Mẹ Ơi! Huế là của Mẹ đó!”

Nghe lời mở đầu ấy tôi rùng mình sởn gai ốc, nhớ đến đoàn dân Chúa tại Tân Hoà nơi tôi đang phụ trách, có biết bao nhiêu chàng trai trẻ đang làm mồi cho lửa đạn, tôi cũng thầm nguyện dâng con cái của mình cho Đức mẹ và tự nhủ:

“Mẹ ơi, Tân Hoà là của Mẹ đó!”.

Sự trào dâng niềm dâng kính này mạnh mẽ hơn khi bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền trong Thánh Lễ tại Thánh Địa La Vang:

“Mẹ đã đến với chúng con, Mẹ đã đến với quê hương trầm thống này. Quê hương này đã có tết Mậu Thân ngập tràn lửa máu, réo rắt tiếng bom đạn. Có Tết Mậu Thân, có những vụ hạ sát tập thể, chôn vùi tập thể biết bao người vô tội, lương có, giáo có.

Quê hương này còn có mùa hè đỏ lửa, con người tang tóc trong chiến tranh. Có vô số nhân mạng chết tất tưởi, oan khuất. Cũng quê hương này, hỡi Mẹ Fatima mầu nhiệm vô biên, đã có đại lộ kinh hoàng, nơi hàng đoàn người lánh nạn gục chết trong lùm cây, bụi cỏ, trong ống cống, trên đường xe lửa chạy ngang. Tất cả là nạn nhân của chiến tranh, và những cái chết không nguôi được đó, làm cho tất cả những ai còn sống còn thở cũng mong đến hoà bình.

Hỡi Mẹ hiền lành! mẹ hãy đoái thương đến Miền Trung nghèo khổ còn đang điêu đứng vì chiến tranh, đã chịu đựng quá nhiều thiên tai gíang xuống. Xin Mẹ hãy thương dân tộc Việt nam bất hạnh, để Việt nam được sống trong hoà bình, để Việt nam này sớm kết thúc chiến tranh. Mẹ fatima, vì Mẹ là Nữ Vương Hoà Bình và cũng vì Mẹ là bậc từ mẫu; là người Mẹ - Mẹ hơn ai hết - Mẹ thấu hiểu những nỗi lòng của người mẹ Việt Nam, trải qua mấy chục năm chỉ những dâng trào dòng lệ. Những người mẹ Việt nam đã khóc thương cho những đứa con đứt ruột của mình, của những đứa con đã chết vì chiến tranh, những đứa con tàn phế vì chiến tranh và những đứa con bị bắt đi biệt tích. Chiến tranh đã cướp đi của bao bà mẹ Việt Nam những tài sản tinh thần quý báu nhất trên đời. Chiến tranh đã làm cho bao nhiêu người mẹ Việt nam mắt mờ đi vì than khóc ngày đêm, gan ruột héo hon đi vì thương, vì nhớ, vì hận, vì sầu.

Mẹ fatima, xin Mẹ bằng quyền phép, bằng địa vị cao quý Nữ Vương Hoà Bình, hãy biến những giọt nước mắt xót xa tủi hận kia thành những giọt nước mắt của mừng mừng tủi tủi. Xin Mẹ hãy cho những bà mẹ Việt nam môi nở nụ cười, xin đem về cho họ những đứa con bấy lâu xa vắng. Xin cho họ được ôm ấp con trong lòng, được vuốt ve khuôn mặt mái tóc của những đứa con yêu, tưởng không bao giờ gặp lại được. Xin Mẹ hãy đem lại trong mái ấm nơi gia đình họ những tiếng cười hoan lạc hạnh ngộ, đoàn viên và vĩnh viễn không còn những tiếng thở dài ảo não. Xin Mẹ hãy đem tới hoà bình, vì chỉ khi không còn chém giết thì bất hạnh mới tiêu tan và hạnh phúc mong chờ mới tới được”.

“Tân Hoà là của Mẹ đó”, những gia đình đang bị xâu xé, những gia đình đang hạnh phúc, những gia đình đang khổ đau. Tân Hoà là của Mẹ đó, những trẻ thơ, những gia đình đang núp dưới cánh áo Mẹ, xin dâng Mẹ tất cả những người con thân thương của Mẹ. Một lần nữa và ghi mãi trong lịch sử Tân hoà là của Mẹ, bằng lời hát trìu mến: “Đã bao năm rồi Tân Hoà là của Mẹ đây, Tân Hoà yêu thương trìu mến, Tân Hoà tình Mẹ thiết tha, Tân Hoà đẹp lắm Mẹ ơi”.

IV. Phú Nhuận, Tên Biểu Hiện Người.

“Phú Nhuận là một mỹ danh (tên có ý nghĩa tốt đẹp) đặt cho đơn vị hành chánh xã thôn từ khi mới khai lập. có lẽ hai chữ Phú Nhuận trích từ câu: “Phú Nhuận ốc, đức nhuận thân”, câu này có thể tạm hiểu là: Giàu có làm đẹp nhà cửa, đức độ làm đẹp bản thân. Nguyên văn là ở chương 6 sách Đại Học thích nghĩa chữ “thành ý”: Tăng Tử viết: “thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ - Phú Nhuận ốc, đức nhuận thân, tâm quảng, thể bàn. cố quân tử tất thành kỳ ý”. Tạm dịch nghĩa: “Ông Tăng Tử nói: ở chỗ mười mắt trông vào, mười tay chỉ đến, thì mình chẳng giữ cho nghiêm cẩn sao?- Người giàu có thì trưng bày dọn nhà cửa đẹp đẽ; người có đạo đức thì thân thể sáng láng nghiêm trang đàng hoàng, tâm chi quảng đại thì cốt cách trung dung, đó là cảnh bên trong lộ ra ngoài. Cho nên người quân tử ắt làm cho ý mình thành thật” (xin cám ơn nhà ngữ học Vũ Văn Kính đã tầm chương thích nghĩa cho đoạn trích này- NĐĐ).

Khi Nguyễn Hữu Cảnh đến lập phủ huyện, dân số đã có “dư tứ vạn hộ”, đất đai đã có trên ngàn dặm. Riêng Phú Nhuận mới có độ vài dặm đất với mấy chục người thôi, vì nơi Phú Nhuận không phải là nơi có ruộng đất phì nhiêu như ở Gò vấp và cũng không phải là nơi có chợ búa như ở Sài Gòn, Bến Nghé hay Đồn Dinh. Cho nên, chúng ta có thể phỏng đoán không sai lầm là: Ngay từ thời ấy, dân ở đây tương đối nghèo tuy có nhiều danh lam thắng cảnh. đất ở đây thuận lợi cho sự cư trú cao ráo thoải mái, cho việc lập điền vui thú tuổi già hay cho cả những ngôi mộ khang trang để an nghỉ giấc ngàn thu, chứ đây không phải là đất để người dân có thể làm giàu về nông nghiệp, thương nghiệp hay công nghiệp gì khác. Ngay từ xưa, người dân ở đây thường phải đi làm công ở nơi lân cận để sinh sống. Phải chăng vì hoàn cảnh đặc biệt đó mà người dân ở đây đã biết hài hoà giữa giá trị vật chất với giá trị tinh thần, giữa phú với đức, nên có chung một hoài bão là: “Phú Nhuận ốc, đức nhuận thân” và lấy tên Phú Nhuận đặt cho quê hương nhỏ bé và thân thiết của mình.”[1]

Phú Nhuận có lẽ đã xuất hiện từ sớm, theo giáo sư Nguyễn Đình Đầu thì vào khoảng năm 1698.

Tân Hoà được hình thành từ những năm 1957, trên mảnh đất thuộc Phú Nhuận, lúc bấy giờ là một họ nhỏ, trực thuộc Giáo Xứ Bùi Phát, về danh xưng ban đầu là Họ Đức Bà, Tân Hoà là do Đức Cha Simon Hoà Hiền ký sắc lệnh thành lập Giáo Xứ Tân Hoà, ngày 22 - 8 - 1960, đặt cha Giuse Đỗ Trọng Kim làm cha chánh xứ tiên khởi.

Tân Hoà là địa danh miền đất của một giáo xứ mới thành hình. Về ý nghĩa của từ ngữ thật rõ ràng, đó là “miền đất an hoà mới” và Chữ “Hoà” cũng là ghi dấu đứa con tinh thần mà Đức Cha Simon Hoà Hiền khai sinh. Tại sao lại là miền đất an hoà mới? Đó là dựa trên ý nghĩa của từ Phú Nhuận, Tân Hoà như một địa chỉ nhỏ trong vùng đất Phú Nhuận, Tân Hoà cũng hưởng những công đức của người đi trước, được sinh ra là được hưởng những phúc lộc của miền đất Mẹ. Tân Hoà còn có một ý nghĩa thực tế, sau những ngày di cư vào Nam 1954, những người con trên miền đất này có một chỗ cư trú an hoà mới. Rất gần với tâm thức khát khao người Việt: “an cư lạc nghiệp”, miền đất Tân Hoà này từ thưở đầu đã dâng kính cho Mẹ Maria, theo bút tích sớm nhất còn lưu tại Giáo xứ: Nhà thờ Tân Hoà, được dâng kính cho Đức Bà và gọi là nhà thờ Đức Bà Tân Hoà vào những năm 1960, do cha Giuse Đỗ trọng Kim coi sóc, bổn mạng của Giáo xứ là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, cho nên đôi khi bút tích cũng để lại trên sổ hôn phối là Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, mừng vào ngày Trái Tim Đức Mẹ sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Tiếp tục với ân nghĩa của những người đi trước, những người con Tân Hoà ước nguyện giữ mãi những gì truyền thống của đất mẹ Phú Nhuận.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan