TÒA GIÁM MỤC

156 Trần Phú - Đà Nẵng

Tc : 01/2005


Kính gởi: các Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ, Chủng Sinh,

và toàn thể cộng đồng dân chúa địa phận Đà Nẵng

Đẹp thay! Ôi đẹp thay! Những bước chân gieo mầm cứu rỗi

Đẹp thay! Ôi đẹp thay! Những bước chân rảo khắp nẻo đường
(Is 52,7)

Phải, đó là những bước chân đã sống và làm theo lệnh Chúa: “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Mừng cho mọi người” (Mc 16,15).

Chúng ta đã sống Năm Thánh Truyền Giáo theo lời kêu gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Ngày hôm nay, địa phận Đà Nẵng làm lễ bế mạc Năm Thánh ấy. Bế mạc không phải là chấm dứt việc truyền giáo, song chỉ là chấm dứt giai đoạn cao điểm của việc quan tâm truyền giáo. Chấm dứt giai đoạn cao điểm, song vẫn tiếp tục sống và hoạt động như một “tinh binh của Chúa Kitô” (2 Tm 2,3). Đây phải là châm ngôn sống và hành động của cả đời một kitô hữu. Đừng quên rằng: ra đi, rao giảng Tin Mừng cho khắp thế gian là lệnh Chúa Giêsu truyền, chứ không phải lời khuyên. Trả lời cho chất vấn của các tông đồ ngay trước khi Chúa lên trời, Chúa Giêsu xác định rõ sứ mệnh của các ông và của bất cứ Kitô hữu nào là: “Anh em sẽ nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần (...). Bấy giờ anh em sẽ làm chứng về Thầy tại Giêrusalem, cả xứ Giuđêa, Samari, cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Như vậy chúng ta phải rao giảng Tin Mừng cho người cùng sống trong gia đình, trong cộng đoàn của mình (đối với các tông đồ là Giêrusalem), cho đất nước Việt Nam của chúng ta (đối với các tông đồ là Giuđêa), đi sang các nền văn hoá khác (đối với các tông đồ là Samari), và đến các nước khác (=khắp nơi trên thế giới=đến cùng trái đất). Nghĩa là cùng lúc phải truyền giáo trong mọi môi trường sống, chứ không phải từng bước một. Bởi vì không phải ai cũng là linh mục, tu sĩ, hội đoàn chuyên biệt tông đồ... Đã là Kitô hữu thì lệnh truyền giáo của Chúa Giêsu ràng buộc cả đời họ.

Vậy truyền giáo thế nào?

Như đã gợi ý trong thư chung của địa phận nhân dịp khai mạc Năm Thánh 2000, chúng ta phải truyền giáo trước hết bằng cầu nguyện, tham dự sốt sắng các thánh lễ, chầu Thánh Thể, lễ hội đạo Chúa.

Phải sống gương mẫu xứng phận Kitô hữu. Lời nói bay đi, gương lành lôi kéo (=verba volant, exempla trahunt) như ngạn ngữ Latinh nói. Dân Nga cũng thường nói: Trăm nghe không bằng một xem. Cũng bởi đó, chúng ta thấy tác dụng phi thường của thông tin bằng tivi

hơn bằng radio. Mắt thấy hình, tai nghe tin, lòng người bị kích động, con người biểu lộ tức khắc thái độ reo vui, hoảng sợ, đồng tình hay phản đối...(1)

Truyền giáo từ gương lành của đời sống tốt giống như từ năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã hoá ra nhiều để nuôi dân chúng, lại còn thừa 12 thúng bánh vụn. Phần chúng ta, chúng ta sẽ lấy bánh và cá nào để Chúa có thể nhân nhiều lên mà đáp ứng lòng người ngày nay đang đói Tin Mừng cứu rỗi của Chúa? Mẹ Têrêxa thành Avila đã gợi ý cho ta: “Chỉ có đôi bàn tay là của bạn, với đôi tay ấy Ngài có thể làm việc của Ngài. Chỉ có đôi mắt là của bạn, qua đó, lòng thương xót của Ngài có thể chiếu sáng trên một thế giới bất ổn” (tiếng Anh in trong Vision 2000 trang 16).

Là Kitô hữu, ước gì ta có thể nói như Abraham Lincohn: (sau khi tôi chết) “tôi ước được nói về tôi rằng tôi đã nhổ đi cỏ dại và đã trồng hoa bất cứ ở đâu tôi nghĩ hoa có thể mọc lên” (x. Vision 2000 trang 24). Bởi vậy, dù sống ở môi trường nào, làm việc gì, sống với ai, tôi hãy nở hoa Tin Mừng cứu rỗi của Chúa tại đó. Hãy sống sao cho tám phối phúc thật, bác ái, công bằng xã hội, hoà bình được sáng tỏ. Thánh Phaolô giầu kinh nghiệm đời người đã khuyên dạy rất thực tế: “Hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành, thương yêu nhau với tình anh em, coi người khác trọng hơn mình”. “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa”, “đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn”, “đừng lấy ác báo ác”, “đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,9...17).

Chính Chúa Giêsu đã làm gương trước cho chúng ta. Ngài đến thế gian để rao giảng tình thương của Thiên Chúa đối với loài người tội lỗi, yếu đuối. Hôm nay là ngày kỷ niệm việc Chúa Giêsu xuống thế làm người để bày tỏ cho ta biết Thiên Chúa, đồng thời lấy chính cuộc sống mình lôi kéo chúng ta đến với Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ quả quyết: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống người phàm, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7) để ta có mẫu gương mà bắt chước sống phận con cái Chúa. Vì thế, chính việc Chúa giáng sinh làm người nơi hang đá Bêlem đã là một việc truyền giáo rồi.

Chủ đề Ngày quốc tế cầu cho Hoà Bình năm 2005 được Đức Thánh Cha chọn để suy nghĩ, học tập và sống theo là: “Đừng để sự ác thắng được anh, anh hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21). Sống được như vậy là rao giảng Tin Mừng cứu rỗi cho lương dân, cho mọi người. Hữu xạ tự nhiên hương! Mùi thơm của hoa hồng, ngọc lan, hoa lài... đã thu hút bao người đến thưởng thức.

Cầu chúc anh chị em sống được như vậy suốt cả năm 2005 theo gương Chúa Giêsu.

Xin Chúa Hài Đồng ban nhiều ơn lành cho anh chị em và các cộng đoàn giáo xứ, để mỗi ngày chúng ta trở nên người nhiệt tình làm chứng cho Chúa Giêsu hơn.

Đà Nẵng, Giáng Sinh 2004

GIÁM MỤC ĐÀ NẴNG