Marta Rodriguez vừa được một công việc mới hồi tháng Năm, 2017, có lẽ là một công việc bà không bao giờ mong có được, ở một chỗ bà không bao giờ ngờ mình được làm việc.



Marta, một phụ nữ tận hiến thuộc Hội Dòng Regnum Christi, là tân giám đốc (thực sự, đầu tiên) của sở các vấn đề phụ nữ tại Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống của Tòa Thánh. Đây là Thánh Bộ mới do Đức Phanxicô thiết lập năm 2016, và vị bộ trưởng của nó là Đức Hồng Y Kevin Farrell. Nhiệm vụ của Marta là giúp Giáo Hội hiểu phụ nữ và sự đóng góp thích đáng của họ cho thế giới, làm phụ nữ có nghĩa gì trong thế giới ngày nay, và phụ nữ đang đi về đâu trong tương lai.

Đây là một nhiệm vụ to lớn, nhưng Marta nhận công việc mới này sau khi đã làm giám đốc Viện Cao Học Phụ Nữ (Istituto di StudiSuperiorisulla Donna) của Giáo Hoàng Học Viện Regina Apostolorum ở Rôma. Chắc chắn bà là một nhà tranh đấu cho phụ nữ, nhưng không phải như thứ duy nữ người ta vốn hiểu: biểu tình ngoài đường, ném gạch ném đá và hô hoán những câu khó nghe. Không, Marta Rodriguez là một nhà duy nữ trong lòng Giáo Hội, với một trái tim như Đức Maria.

Bà cho hay: “việc cử nhiệm này cho thấy lời mời gọi của Giáo Hội, mà đối với tôi, là lời mời gọi của Thiên Chúa. Tôi cảm thấy rất nhỏ bé đối với sứ mệnh này, nhưng tôi cảm thấy một sự chắc chắn trong lòng rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị lòng tôi cho việc phục vụ mà Người vừa mời gọi tôi bước vào này. Từ năm 2000, tôi đã liên tục làm việc trong các vấn đề về phụ nữ, cả trong nghiên cứu lẫn trong hành động về một số dự án; một trong các dự án quan trọng nhất là giúp thành lập Viện Cao Học Phụ Nữ năm 2003. Viện này ra đời nhằm cổ vũ thiên tài nữ giới, một điều được Đức Gioan Phaolô II yêu cầu.

“Tôi tin rằng một trong các thách đố lớn lao đối với phụ nữ hiện đại là khám phá ra ý nghĩa của việc làm một người đàn bà. Một khi người đàn bà khám phá ra nàng là ai, thì cuối cùng nàng sẽ khám phá ra sự phong phú của nữ tính; nàng sẽ có thể đóng góp cho thế giới văn hóa và thế giới giáo hội một cách tận tụy hơn, mạnh dạn hơn, tự do hơn.”

Sau mấy tháng đảm nhiệm công việc mới, Marta được Hãng Tin Zenit phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn này, Marta cho biết tháng 2 năm 2016, Đức Hồng Y Kevin Farrell yêu cầu bà đảm nhận nhiệm vụ này, một nhiệm vụ, bà không thể từ chối vì tận thâm tâm, bà cảm thấy chính Thiên Chúa kêu gọi bà làm việc ở đây. Bà nói với Đức Hồng Y như thế. Chứ không hẳn vì tài cán, khả năng… những điều không bao giở đủ cho một nhiệm vụ như thế này. Bà cảm thấy được kêu gọi lãnh nhận nhiệm vụ này với trái tim của Đức Mẹ. Có lẽ đó là sự đóng góp lớn nhất của bà. Bà yêu cầu được duy trì việc điều khiển Viện Cao Học thêm hai năm nữa để có đủ thì giờ huấn luyện vị tân giám đốc của Viện. Lời yêu cầu của bà được chấp thuận. Vả lại bà còn muốn tiếp tục việc học vì năm ngoái, bà bắt đầu dọn thi tiến sĩ triết tại Đại Học Gregorian.

Theo Marta, Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống vẫn còn đang thành lập đội ngũ làm việc. Nhiều chức vụ vẫn còn để trống, như các chức vụ phó tổng thư ký chẳng hạn. Vị tổng thư ký mới nhậm chức hồi tháng Chín vừa qua. Thành thử hiện nay Bộ vẫn còn trong giai đoạn “an cư” chưa hẳn “lạc nghiệp”. Cuối tháng Mười vừa qua, Đức Phanxicô tới thăm Bộ. Ngài khuyến khích các nhân viên làm việc với một não trạng mới, mở rộng các chân trời và lắng nghe các nhịp đập đương thời của thế giới, để có thể rao giảng về Chúa Kitô một cách nới mẻ. Marta nghĩ đó chính là bầu khí và ý hướng của toàn thể Bộ này.

Theo bà, được mở rộng chân trời là điều rất vui. Vì cho tới nay, bà chỉ quanh quẩn với quan điểm và não trạng Âu Châu. Nay được dịp lắng nghe nhu cầu và yêu cầu từ Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ. Đó là một kích thích vĩ đại và làm bà hết sức phong phú.

Bà rất thích học hỏi, nhất là gặp gỡ người ta. Bà cho biết bà học hỏi từ người ta nhiều hơn từ sách vở. Nhiệm vụ mới sẽ tạo cho bà chiếc cửa sổ kỳ diệu để nhìn ra thế giới, và rất nhiều dịp để học hỏi.

Được hỏi về cơ hội và thách đố, bà cho rằng phải tách khỏi đại học và những người ở đó là một điều khó khăn đối với bà. Đại học giống như một gia đình đối với bà, Bà từng nhận được nhiều linh hứng và động viên từ Đức Mẹ. Ngài trở thành Mẹ Giáo Hội khi chỉ có mỗi gia bảo là cõi lòng mình. Marta cảm thấy 1 điều tương tự khi bắt đầu làm việc tại Bộ. Bà được kêu gọi mang hoa trái từ Cõi Lòng Giáo Hội, và dòng đời trôi qua việc dâng hiến cõi lòng nhỏ bé của bà.

Bà cũng vật lộn với nhịp độ và thời gian. Đời sống ở Tòa Thánh có một nhịp độ khác với ở bên ngoài. Mọi sự đều cần phải suy nghĩ và phân tích rất lung. Nay bà chỉ là Marta, nhưng bà đại diện cho Tòa Thánh. Điều ấy đòi phải khôn ngoan, và các quyết định đòi nhiều thì giờ hơn. Bà chưa quen với đòi hỏi ấy và thấy thiếu kiên nhẫn, muốn sự việc diễn tiến nhanh hơn. Bà còn nhiều điều phải học.

Nói về các việc làm trước đây trong lãnh vực phụ nữ, Marta cho hay bà bắt đầu các buổi thuyết trình về nữ tính cho các phụ nữ lập gia đình, giải thích nữ tính từ thân xác họ. Bà rất có ấn tượng khi họ được đánh động trên bình diện hiện sinh. Bà hiểu ra rằng ngày nay, phụ nữ chưa hiểu hết ý nghĩa của việc là một người đàn bà. Đây là một vấn đề về bản sắc. Thành thử bà đã khai triển một khóa học và trình bầy khóa học này dưới nhiều hình thức cho các sinh viên đại học, nữ tu, phụ nữ tận hiến. Việc này dẫn bà đến việc khai triển ý niệm về tầm quan trọng phải tích nhập các khía cạnh tính dục và xúc cảm vào đời tận hiến, và trong hai năm qua, bà đã giảng 7 khóa thâm cứu về chủ đề này cho các nhóm tu trì khác nhau. Đó quả là một trải nghiệm tươi đẹp về Chúa Thánh Thần. Luận đề của bà là: tận hiến phải là một cách chu toàn và làm triển nở trọn bộ nữ tính của ta. Khi ta “ít đàn bà” hơn là chúng ta chưa tận hiến trọn vẹn. Trong các giảng khóa này, bà thấy Chúa Thánh Thần hoạt động một cách sâu sắc trong tâm hồn các chị em của bà, biến mọi sự ra mới mẻ.

Như một hệ quả, bà đã khai triển khóa học này để áp dụng cho các linh mục và chủng sinh và đã tổ chức nhiều buổi thuyết trình và học tập cho các nhóm này.

Được hỏi bà có phải là một nhà duy nữ hay không, bà cho hay: có rất nhiều kiểu duy nữ; trong đó, bà nhận diện bà ở một số và không nhận diện ở một số khác. Bà là duy nữ theo nghĩa tin tưởng sâu sắc vào tính thiên tài của nữ giới và thiên tài này được cần đến xiết bao trong gia đình, trong văn hóa, trong chính trị, khoa học. Nhưng bà không thích nói nhiều về phụ nữ, hay chỉ nói với phụ nữ. Bà nghĩ nay là lúc để suy nghĩ về việc là một người đàn bà và một người đàn ông có nghĩa gì, nhưng phải suy nghĩ với nhau. Bà thích các nhóm hỗn hợp thay vì các nhóm chỉ có đàn ông hay chỉ có đàn bà. Bà nghĩ văn hóa và việc làm cần sự đóng góp của cả hai với nhau, sự hợp động (synergy) của cả hai. Nhìn nhận việc này thì dễ, nhưng có khá nhiều cản trở ngăn chặn sự hợp động này. Bà đồng ý phải loại bỏ các trở ngại này, cả trong lẫn ngoài Giáo Hội, nhưng bà không đồng ý đối với việc giải thích chúng một cách theo biện chứng, một giải thích vốn kết luận rằng đàn ông tự nhiên là nguồn gây bạo lực và tùng phục. Theo bà, ta tìm thấy bản sắc mình trong cuộc gặp gỡ người khác, và chỉ cùng nhau, ta mới thực sự có óc sáng tạo.

Theo bà, trong lịch sử, có lúc Giáo Hội coi người đàn bà như công dân hạng nhì. Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô, nhưng Giáo Hội cũng là một định chế của con người. Nó lệ thuộc nền văn hóa nơi nó sống. Thời ta, bà cho hay, trong tư cách một định chế, Giáo Hội nhìn nhận phẩm giá phụ nữ, không hề coi họ như công dân hạng nhì. Lướt qua giáo huấn của 4 vị giáo hoàng gần đây nhất cũng đủ chứng mình điều này.

Nhưng một điều là lý thuyết và một điều là đời thực. Vẫn còn khá nhiều rào cản và sợ sệt về văn hóa. Bà nghĩ hiện chúng ta đang có trước mắt một thách đố quan yếu về giáo dục. Đây là một điểm bà coi thuộc sứ mệnh của bà, tức cổ vũ sự hợp tác đàn ông đàn bà bên trong và bên ngoài Giáo Hội. Để làm việc này, ta cần giáo dục cả các linh mục, tu sĩ và giáo dân về mối liên hệ thích đáng.

Được hỏi đâu là vai trò sinh tử của phụ nữ trong Giáo Hội, bà cho biết: mỗi người chúng ta đều là thành viên sinh tử của nhiệm thể Chúa Kitô. Đúng, người đàn bà đem đến thiên tài nữ giới và chức phận làm mẹ thiêng liêng. Nên, thay vì coi vai trò sinh tử của phụ nữ như những công việc, tước hiệu hay chức vụ đặc biệt, bà tin rằng vai trò thực sự sinh tử của họ là thực sự làm người đàn bà giữa lòng Giáo Hội, dưỡng nuôi, yêu thương, dẫn dắt, theo dõi, như Đức Maria từng làm.