Sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 14 thường niên C 2019
Hơn 40 năm về trước, khi đất nước Việt nam chìm ngập trong chiến tranh lửa đạn, ngày nào cũng đầy ắp “tin buồn”, nhất là tin buồn “ngày mai đi nhận xác chồng” như lời thơ của nữ thi sĩ Lê Thị Ý :
Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình…
Chính vì thế, chỉ cần có tin “cuộc trở về của người lính chiến”, cho dù anh trở về như cách diễn tả của cố nhạc sĩ Phạm Duy trong bài hát “Kỷ vật cho em”, thì vẫn là tin vui ngút ngàn, dạt dào cho những người thân yêu đang đêm ngày ngóng đợi !:
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân…
Từ câu chuyện “tin vui” của đời thường cuộc sống, Lời Chúa của Chúa Nhật 14 thường niên năm C lại hướng chúng ta tới “tin vui của Thiên Chúa”, “tin vui của mầu nhiệm Nước Trời”.
Trước hết là “tin vui” giải thoát “khỏi kiếp lưu đày”, khỏi thân phận nô lệ, “tha phương cầu thực”, khỏi cuộc đời lưu vong mất nước… mà đoàn dân Ít-ra-en bao năm tháng buồn tênh gánh chịu, để được về lại Giêrusalem, tìm lại được niềm hạnh phúc và chan hoà bình an; đó chính là “tin vui” đích thực từ chính Chúa (trên nền tảng Giao Ước), do sứ ngôn Isaia loan báo vào khoảng 6 thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh mà chúng ta vừa được nghe lại trong Bài đọc 1 hôm nay :
Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem, và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối…”
Người ta cho rằng : chính nhờ niềm xác tín vào những “tin vui” của “Giao ước” mà dân Do Thái đã kiên cường giữ vững cái “hồn dân tộc”, kiên định với niềm hy vọng vững chắc “có ngày hồi hương, có thời đại hoà bình”, cho dù phải trải qua bao ngàn năm mất nước, lưu đày, âm mưu tận diệt…của bao thế lực xung quanh[1].
Cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay, trong một ý nghĩa nào đó, cũng là một cuộc “lưu đày” với bao nỗi xót xa, cay đắng. Giữa cuộc sống đầy “bất an và thử thách” đó, chúng ta luôn biết “ngẩng đầu lên”, lắng tai để lắng nghe “Tin Mừng bình an” của Thiên Chúa, “tin vui đích thực” mà Thiên Chúa gởi đến.
Nhưng làm sao nhận ra “tin vui đích thực”, “bình an đích thực” của Thiên Chúa ?
Chắc chắn đây không phải là thứ vui mừng, bình an của sự “thoả hiệp, ích kỷ hay chào thua” theo kiểu tính toán vô trách nhiệm, tìm chox yên thân như Philatô : “Ta vô can trong vụ đổ máu người nầy. Mặc các ngươi liệu lấy” (Mt 27,24) ; hoặc sự bình an dựa trên những giá trị vật chất : tiền tài, sắc đẹp, danh vọng và những sự bảo đảm nhờ chỗ dựa nơi quyền lực (kinh tế, chính trị) của người phú hộ : “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12,18-19)
Cách đây 2000 năm, nhiều người Do Thái, sau khi chứng kiến các dấu lạ : nào được ăn no nê trong hoang mạc, nào kẻ què đi, kẻ điếc nghe, phung cùi được lành sạch, kẻ chết được hoàn sinh, ma quỷ bị trục xuất…đã chắc mẩm : hạnh phúc đây rồi, bình an đây rồi, đế quốc Rôma hết thời rồi, vương quyền Ít-ra-en được phục hồi rồi…Đấng Mêsia đã trở về trong uy quyền và chiến thắng….
Và rồi, tất cả “tin vui” hừng hực đó đã đổ sập, nhường chỗ cho một thất vọng lênh láng với tin buồn lan ra khắp nẻo Giêrusalem : Giêsu Na-da-rét bị đóng đinh thập giá.
Vâng, họ tìm kiếm nơi Đức Kitô một thứ “tin vui”, một thứ “bình an”, một niềm hy vọng mang đầy chất trần tục.
Thế nhưng, theo những chỉ dẫn của Lời Chúa :
- Chúng ta chỉ thực sự gặp được bình an của Thiên Chúa trong “thinh lặng của tôn thờ và lắng nghe” như Samuel trong đền thánh, như Đức Trinh Nữ Maria trước “sứ điệp Truyền Tin”, như Thánh Giuse trong “im lặng thực hành Thiên ý”…
- Chúng ta chỉ thực sự có được niềm vui bình an đến từ Thiên Chúa trong khiêm hạ đổi đời của Giakê, trong dứt khoát “bỏ bàn tiền thu thuế của Matthêu”, trong “niềm trông cậy vững vàng của người trộm lành” vào Vương quốc phục sinh của Đấng đang bị đóng đinh !…
- Chúng ta chỉ có được niềm vui và bình an đích thực khi ta tìm gặp Đức Kitô Phục sinh đang hiện diện (trong khoang thuyền Hội Thánh dẫu phong ba bão táp…) qua các cử hành Phụng vụ Bí tích, qua những kẻ nghèo hèn được ta rửa chân, qua những người anh em là thù địch được ta khoan dung tha thứ…
Nói cách khác, niềm vui đích thực, sự bình an đích thực mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta phải nhờ và qua chính Con Một của Ngài; điều đó đồng thời cũng có nghĩa là phải đi qua “nẻo đường thập giá”, phải được trổ sinh từ “mảnh đất của khổ nạn”.
Đó chính là sự “bình an” được trao ban từ Đấng sống lại từ cõi chết, là Tin Mừng được loan báo bởi những kẻ đã sống và trải nghiệm chính “con đường thập giá của Đức Kitô”, như chứng từ của Tông Đồ Phaolô để lại cho chúng ta trong thư gởi giáo đoàn Galata nơi bài đọc 2 hôm nay :
“Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Đức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới”.
Và mọt khi có được sự bình an của Thiên Chúa, người Ki-tô hữu phải trở thành tông đồ của tin vui, của sự bình an. Đó chính là sứ mệnh mà Chúa Giê-su trao cho các Tông đồ, cho 72 môn đệ mà trích đoạn Tin mừng Luca hôm nay nhắc lại cho cộng đoàn chúng ta :
"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này'.
Lời chào chúc đó gói ghém tất cả sứ vụ tông đồ của người Ki-tô hữu : Vâng chúng ta phải là tông đồ của sự bình an, và sự giải thoát, là những chứng nhân cho niềm hy vọng về một thế giới mới, một triều đại mới của tình yêu, chân lý và ân sủng; và hành trang mang theo cũng chính là những giá trị ngàn đời của Phúc âm : niềm tin yêu phó thác, sự đơn giản khó nghèo, lòng can đảm nhiệt thành cho sứ vụ, và liên kết mật thiết với Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật, Sự sống…
Đó cũng chính là “mệnh lệnh và hành trang” cần thiết cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá hôm nay. Bởi vì, thật ra Chúa nào có đòi chúng ta phải làm những chuyện chọc trời khuấy nước, những chiến tích lừng danh, những đóng góp phải thật to, thật nhiều…thì mới kể là có giá trị, mới hiệu quả trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Không, chính Chúa đã xác quyết với nhân vật bà góa trong Tin mừng Mác-cô 12,41-44 : “Thầy bảo thật anh em : bà góa nầy đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết…” dù chỉ với “hai đồng tiền kẻm”.
Như thế, không phải chúng ta không có những đồng xu ten để cho đi, mà vì chúng ta đánh mất “tấm lòng của bà góa” !
Thánh lễ hôm nay là “Bàn tiệc của hiệp thông và an bình”, bởi vì chúng ta được chia sẻ một Chén và một Bánh chính là Đức Ki-tô, Ngôi Lời Hằng sống. Và khi Thánh lễ kết thúc, chúng ta lại nhận lãnh sứ vụ “ra đi” để loan truyền “Tin Vui” và xây dựng an bình cho muôn người nhân thế bằng chính thứ “hành trang” khó nghèo và phó thác, hay cụ thể, đó chính là “tấm lòng của bà góa” !
Trương Đình Hiền.
[1] Vũ Văn An, bài viết : “Nhân ngày 30 tháng Tư, đọc lại cuộc lưu đầy và hồi hương của Do Thái” : “Họ đã đứng vững trước nhiều rủi ro khôn lường, các cố gắng nhằm cải đạo họ, các lưu đày phát vãng và trục xuất, và ngay cả các âm mưu tận diệt họ. Không những chỉ sống sót, họ còn giữ cho hoài niệm Giêrusalem luôn sống động và với một phép lạ lớn lao nhất trong hế kỷ 20, họ đã lại trở về cố hương xưa một lần nữa.”. Nguồn :
http://vietcatholic.net/News/Html/97553.htm
Hơn 40 năm về trước, khi đất nước Việt nam chìm ngập trong chiến tranh lửa đạn, ngày nào cũng đầy ắp “tin buồn”, nhất là tin buồn “ngày mai đi nhận xác chồng” như lời thơ của nữ thi sĩ Lê Thị Ý :
Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình…
Chính vì thế, chỉ cần có tin “cuộc trở về của người lính chiến”, cho dù anh trở về như cách diễn tả của cố nhạc sĩ Phạm Duy trong bài hát “Kỷ vật cho em”, thì vẫn là tin vui ngút ngàn, dạt dào cho những người thân yêu đang đêm ngày ngóng đợi !:
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân…
Từ câu chuyện “tin vui” của đời thường cuộc sống, Lời Chúa của Chúa Nhật 14 thường niên năm C lại hướng chúng ta tới “tin vui của Thiên Chúa”, “tin vui của mầu nhiệm Nước Trời”.
Trước hết là “tin vui” giải thoát “khỏi kiếp lưu đày”, khỏi thân phận nô lệ, “tha phương cầu thực”, khỏi cuộc đời lưu vong mất nước… mà đoàn dân Ít-ra-en bao năm tháng buồn tênh gánh chịu, để được về lại Giêrusalem, tìm lại được niềm hạnh phúc và chan hoà bình an; đó chính là “tin vui” đích thực từ chính Chúa (trên nền tảng Giao Ước), do sứ ngôn Isaia loan báo vào khoảng 6 thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh mà chúng ta vừa được nghe lại trong Bài đọc 1 hôm nay :
Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem, và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: "Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ. Các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối…”
Người ta cho rằng : chính nhờ niềm xác tín vào những “tin vui” của “Giao ước” mà dân Do Thái đã kiên cường giữ vững cái “hồn dân tộc”, kiên định với niềm hy vọng vững chắc “có ngày hồi hương, có thời đại hoà bình”, cho dù phải trải qua bao ngàn năm mất nước, lưu đày, âm mưu tận diệt…của bao thế lực xung quanh[1].
Cuộc sống của mỗi người chúng ta hôm nay, trong một ý nghĩa nào đó, cũng là một cuộc “lưu đày” với bao nỗi xót xa, cay đắng. Giữa cuộc sống đầy “bất an và thử thách” đó, chúng ta luôn biết “ngẩng đầu lên”, lắng tai để lắng nghe “Tin Mừng bình an” của Thiên Chúa, “tin vui đích thực” mà Thiên Chúa gởi đến.
Nhưng làm sao nhận ra “tin vui đích thực”, “bình an đích thực” của Thiên Chúa ?
Chắc chắn đây không phải là thứ vui mừng, bình an của sự “thoả hiệp, ích kỷ hay chào thua” theo kiểu tính toán vô trách nhiệm, tìm chox yên thân như Philatô : “Ta vô can trong vụ đổ máu người nầy. Mặc các ngươi liệu lấy” (Mt 27,24) ; hoặc sự bình an dựa trên những giá trị vật chất : tiền tài, sắc đẹp, danh vọng và những sự bảo đảm nhờ chỗ dựa nơi quyền lực (kinh tế, chính trị) của người phú hộ : “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12,18-19)
Cách đây 2000 năm, nhiều người Do Thái, sau khi chứng kiến các dấu lạ : nào được ăn no nê trong hoang mạc, nào kẻ què đi, kẻ điếc nghe, phung cùi được lành sạch, kẻ chết được hoàn sinh, ma quỷ bị trục xuất…đã chắc mẩm : hạnh phúc đây rồi, bình an đây rồi, đế quốc Rôma hết thời rồi, vương quyền Ít-ra-en được phục hồi rồi…Đấng Mêsia đã trở về trong uy quyền và chiến thắng….
Và rồi, tất cả “tin vui” hừng hực đó đã đổ sập, nhường chỗ cho một thất vọng lênh láng với tin buồn lan ra khắp nẻo Giêrusalem : Giêsu Na-da-rét bị đóng đinh thập giá.
Vâng, họ tìm kiếm nơi Đức Kitô một thứ “tin vui”, một thứ “bình an”, một niềm hy vọng mang đầy chất trần tục.
Thế nhưng, theo những chỉ dẫn của Lời Chúa :
- Chúng ta chỉ thực sự gặp được bình an của Thiên Chúa trong “thinh lặng của tôn thờ và lắng nghe” như Samuel trong đền thánh, như Đức Trinh Nữ Maria trước “sứ điệp Truyền Tin”, như Thánh Giuse trong “im lặng thực hành Thiên ý”…
- Chúng ta chỉ thực sự có được niềm vui bình an đến từ Thiên Chúa trong khiêm hạ đổi đời của Giakê, trong dứt khoát “bỏ bàn tiền thu thuế của Matthêu”, trong “niềm trông cậy vững vàng của người trộm lành” vào Vương quốc phục sinh của Đấng đang bị đóng đinh !…
- Chúng ta chỉ có được niềm vui và bình an đích thực khi ta tìm gặp Đức Kitô Phục sinh đang hiện diện (trong khoang thuyền Hội Thánh dẫu phong ba bão táp…) qua các cử hành Phụng vụ Bí tích, qua những kẻ nghèo hèn được ta rửa chân, qua những người anh em là thù địch được ta khoan dung tha thứ…
Nói cách khác, niềm vui đích thực, sự bình an đích thực mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta phải nhờ và qua chính Con Một của Ngài; điều đó đồng thời cũng có nghĩa là phải đi qua “nẻo đường thập giá”, phải được trổ sinh từ “mảnh đất của khổ nạn”.
Đó chính là sự “bình an” được trao ban từ Đấng sống lại từ cõi chết, là Tin Mừng được loan báo bởi những kẻ đã sống và trải nghiệm chính “con đường thập giá của Đức Kitô”, như chứng từ của Tông Đồ Phaolô để lại cho chúng ta trong thư gởi giáo đoàn Galata nơi bài đọc 2 hôm nay :
“Anh em thân mến, phần tôi, ước gì tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ cây thập giá mà thế gian đã chịu đóng đinh cho tôi, và tôi cho thế gian. Vì chưng trong Đức Kitô, có cắt bì hay không cũng chẳng có giá trị gì, điều quan trọng là trở nên một tạo vật mới”.
Và mọt khi có được sự bình an của Thiên Chúa, người Ki-tô hữu phải trở thành tông đồ của tin vui, của sự bình an. Đó chính là sứ mệnh mà Chúa Giê-su trao cho các Tông đồ, cho 72 môn đệ mà trích đoạn Tin mừng Luca hôm nay nhắc lại cho cộng đoàn chúng ta :
"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: 'Bình an cho nhà này'.
Lời chào chúc đó gói ghém tất cả sứ vụ tông đồ của người Ki-tô hữu : Vâng chúng ta phải là tông đồ của sự bình an, và sự giải thoát, là những chứng nhân cho niềm hy vọng về một thế giới mới, một triều đại mới của tình yêu, chân lý và ân sủng; và hành trang mang theo cũng chính là những giá trị ngàn đời của Phúc âm : niềm tin yêu phó thác, sự đơn giản khó nghèo, lòng can đảm nhiệt thành cho sứ vụ, và liên kết mật thiết với Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự Thật, Sự sống…
Đó cũng chính là “mệnh lệnh và hành trang” cần thiết cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá hôm nay. Bởi vì, thật ra Chúa nào có đòi chúng ta phải làm những chuyện chọc trời khuấy nước, những chiến tích lừng danh, những đóng góp phải thật to, thật nhiều…thì mới kể là có giá trị, mới hiệu quả trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Không, chính Chúa đã xác quyết với nhân vật bà góa trong Tin mừng Mác-cô 12,41-44 : “Thầy bảo thật anh em : bà góa nầy đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết…” dù chỉ với “hai đồng tiền kẻm”.
Như thế, không phải chúng ta không có những đồng xu ten để cho đi, mà vì chúng ta đánh mất “tấm lòng của bà góa” !
Thánh lễ hôm nay là “Bàn tiệc của hiệp thông và an bình”, bởi vì chúng ta được chia sẻ một Chén và một Bánh chính là Đức Ki-tô, Ngôi Lời Hằng sống. Và khi Thánh lễ kết thúc, chúng ta lại nhận lãnh sứ vụ “ra đi” để loan truyền “Tin Vui” và xây dựng an bình cho muôn người nhân thế bằng chính thứ “hành trang” khó nghèo và phó thác, hay cụ thể, đó chính là “tấm lòng của bà góa” !
Trương Đình Hiền.
[1] Vũ Văn An, bài viết : “Nhân ngày 30 tháng Tư, đọc lại cuộc lưu đầy và hồi hương của Do Thái” : “Họ đã đứng vững trước nhiều rủi ro khôn lường, các cố gắng nhằm cải đạo họ, các lưu đày phát vãng và trục xuất, và ngay cả các âm mưu tận diệt họ. Không những chỉ sống sót, họ còn giữ cho hoài niệm Giêrusalem luôn sống động và với một phép lạ lớn lao nhất trong hế kỷ 20, họ đã lại trở về cố hương xưa một lần nữa.”. Nguồn :
http://vietcatholic.net/News/Html/97553.htm