Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm C
Đối với người Dothái, nhất là các kinh sư, luật sĩ và biệt phái, những ai làm nghề thu thuế là phạm tội. Họ không còn đáng là con cháu tổ phụ Abraham. Họ bị xem là phản bội Giao Ước. Họ đáng bị khinh miệt, bị coi là kẻ ngoại giáo. Họ bị loại khỏi sinh hoạt chung của cộng đoàn.
Trong khi Thiên Chúa, là chính sự thánh thiện, lại luôn yêu thương, đi tìm và tha thứ để ban ơn cứu độ cho con người. “Thiên Chúa thương xót mọi loài, vì Chúa có thể tác tạo mọi sự, và nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người để họ ăn năn sám hối. Chúa yêu thương mọi thụ tạo vật, và không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa đã tác thành: vì nếu Chúa ghét bỏ một vật gì, thì Người đâu có tác tạo nó” (Kn 11, 23-24).
I. Lòng thương xót của Chúa Giêsu.
Lòng thương xót của Thiên Chúa, càng trở nên cụ thể nơi hành động của Chúa Giêsu đối với tội nhân và những người cùng khổ. Người khẳng định về chính mình: Đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng kêu gọi những người tội lỗi (x. Lc 5,32).
Chúa Giêsu nhiều lần phá bỏ ranh giới của sự kỳ thị mà những người tự cho mình công chính dành cho người tội lỗi. Chúa vượt qua thái độ loại trừ khi phân biệt giữa thanh sạch và nhơ uế. Chúa thân tình và đồng bàn với người thu thuế. Chúa chấp nhận để người phụ nữ bị coi là tội lỗi lấy tóc lau chân… Chúa yêu mọi hạn người để gặp gỡ mọi thành phần con người trong xã hội.
Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những nội dung “cách mạng” ấy: Chúa chủ động gọi Giakêu, trưởng ty thuế vụ. Chúa còn tự mời mình vào nhà ông:“Này ông Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Người còn dùng với ông, bữa mặc cho thiên hạ xầm xì: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi” (Lc 19,7).
Chúa không quan tâm đến quá khứ của con người. Người chỉ để ý đến giây phút hiện tại, đến thiện chí muốn trở nên tốt lành của họ. Người chỉ nhắm cứu độ họ mà thôi.
Chúa đã chiến thắng. Ông Giakêu đã tỏ lòng sám hối: “Thưa Ngài, này đây phần nửa tài sản tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.
Điều đáng khen đó là, Giakêu tự nguyện buộc mình vào lời cam kết với Chúa. Ông quyết tâm làm một việc đền bù rộng rãi phi thường, vượt xa mức đòi hỏi của luật lệ. Bằng cách ấy, ông chứng tỏ lòng hoán cải thật của mình.
Ngay lập tức, không chỉ ông, mà còn cả nhà ông đều lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Chúa công khai tuyên bố lời tha thứ ấy: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.
II. Thái độ sống của chúng ta.
1. Chúng ta cần loại trừ thái độ kỳ thị xem mình là kẻ đạo đức, và xem thường những anh chị em nguội lạnh là người tội lỗi. Đó là sự kiêu ngạo.
Thói kiêu ngạo ấy có thể gây ra không biết bao nhiêu tai hại: phân chia giai cấp, phân biệt chủng tộc, kỳ thị tôn giáo. Nó vô cùng nguy hiểm vì đẩy chúng ta đến kiểu sống tự cô lập mình.
Ta cần ý thức luôn rằng, kiêu ngạo là tội đứng đầu mọi tội. Bởi thế, thay vì kỳ thị, ta hãy tự mình đấm ngực ăn năn xin Thiên Chúa tha thứ.
Hãy nhớ, ta không bao giờ được phép kết án ai để khỏi bị Thiên Chúa kết án. Nhưng chỉ khiêm nhường sống với Chúa cho trọn đạo làm tôi và với mọi người như anh chị em, như quà tặng mà Chúa ban cho mình.
2. Chúng ta không bao giờ được phép xét đoán ai. Bởi việc phán xét không phải là việc của loài người, nhưng là việc của Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền xét đoán mà thôi.
Ngược lại, chúng ta phải cảm thông với người yếu đuối, đón nhận người mà trước mắt mọi người, họ còn nguội lạnh đối với đức tin. Ta phải xóa bỏ mặc cảm và mặc lấy bao dung để sống với anh chị em mình theo cách thức của lòng thương xót mà Thiên Chúa và Chúa Giêsu thể hiện.
3. Hãy bắt chước ông Giakêu, ta cần ly thoát với của cải vật chất. Nhờ đó ta có thể gặp gỡ Chúa Giêsu trong sự thanh thoát, trong tinh thần nghèo khó, trong ơn bình an mà chính Người ban cho ta.
Từ câu chuyện giữa Chúa Giêsu và người trưởng ty thu thuế Giakêu nhắc chúng ta nhớ rằng: Tiền bạc không cho ta hạnh phúc thật; Chức quyền không bảo đảm sự sống đời đời. Hãy luôn luôn sống như có Chúa hiện diện. Hãy để ơn Chúa tưới ngập tràn tâm hồn và đời mình. Chỉ có như thế, nguồn bình an, niềm vui và hạnh phúc thật, sự sống thật mới thuộc về ta.