1. THẢM CẢNH 39 NGƯỜI TRẺ CHẾT TRONG CONTAINER ĐÔNG LẠNH TẠI ANH QUỐC.

Những ngày qua, khoảng 25 gia đình ở Nghệ An và Hà Tĩnh đang từng giờ từng phút ngóng tin người thân là con cháu của mình, khi có thông tin về vụ 39 người được phát hiện đã chết trong quá trình vượt biên sang Anh.

Bởi trong chính thời điểm này, họ mất liên lạc hoàn toàn với con cháu, những người mà khi bắt đầu vào nước Anh, đã từng gọi điện về thông báo cho gia đình đường đi của mình.

- Thứ bảy 19.10.2019:

Tài xế Mo Robinson là người Bắc Ireland, 25 tuổi, chuyên lái xe đầu kéo. Anh bắt đầu lên xe (không có container) từ Bắc Ireland. Xe lần lượt tới Dublin (thủ phủ Bắc Ireland), lên phà để đi Holyhead (xứ Wales).

- Thứ ba 22.10.2019:

Tại cảng Zeebrugge (Bỉ quốc), container đông lạnh có nhiệt độ bên trong là 25 độ dưới không (nghĩa là lạnh khủng khiếp), có chứa 39 người, được đưa lên tàu. Chiếc tàu đã thực hiện hải trình dài đến 10 tiếng đồng hồ băng qua eo biển Manch để đến cảng Purleef (thuộc thành phố Essex của nước Anh) lúc 0 giờ 30 phút ngày thứ tư 23.10.2019.

- Thứ tư 23.10.2019:

Từ Holyhead, tài xế Mo Robinson cho xe đến cảng Purleef và nhận container để đưa lên xe đầu kéo của mình. Anh tiếp tục điều khiển xe trên đoạn đường chừng một tiếng đồng hồ để đến khu công nghiệp Waterglade ở Essex (nước Anh). Tại đây, lúc 1 giờ 40 phút, người ta phát hiện 39 xác chết bên trong container đã đông cứng. Trong đó 38 người đều chỉ ở tuổi 30 trở xuống và một ở tuổi vị thành niên. Về giới tính: 31 thuộc phái nam và 8 thuộc phái nữ.

Điều đáng nói là, các trạm kiểm soát an ninh của cả Bỉ và Anh đều được trang bị camera tối tân, có thể phát hiện những vật thể bên trong thùng sắt ở nhiệt độ lạnh.

Nhưng nhiệt độ trong container này lạnh đến mức các camera đều không thể phát hiện bằng ấy số người bên trong. Có người nghi ngờ rằng, có lẽ khi đưa 39 nạn nhân vào container, lúc đầu, các tay buôn người chỉ để chế độ lạnh vừa phải. Nhưng do vận chuyển từ biên giới nước này đến biên giới nước khác, chúng đã giảm nhiệt độ thật thấp để qua mặt hải quan?

Ai cũng biết, con người không thể chịu nổi nhiệt độ quá thấp. Nhưng những kẻ buôn người hết sức tàn độc, trước sau gì chúng vẫn chỉ nghĩ đến đồng tiền mà dám đánh đổi gần 40 sinh mạng đồng loại.

Bởi dù biết chắc gần 40 người này sẽ nguy hiểm trong container lạnh cóng, không có dưỡng khí (vì bị đóng bít bùng), với lộ trình dài đến hơn 10 tiếng đồng hồ, chúng vẫn tống họ vào và nhẫn tâm trục lợi trên chính mạng sống của họ.

- Cảnh sát điều tra.

Khi trung tâm cứu hộ nhận được tin dữ, ngay trong đêm, cảnh sát đã đến hiện trường. Hành động đầu tiên sau khi mở container, đó là họ cúi đầu chào và mặc niệm các nạn nhân xấu số.

Cho đến nay, những người đầu tiên bị bắt là:

- Tài xế Mo Robinson. Cho đến lúc này, anh ta bị cáo buộc đến 43 tội danh.

- Cặp vợ chồng Thomas và Joanna Maher đều 38 tuổi. Họ cho biết, thùng container trước đây là của họ, nhưng được bán đi từ trước. Tuy nhiên, họ bị cáo buộc là buôn người và ngộ sát.

- Một người đàn ông khác, 48 tuổi, cũng là người Bắc Ireland, bị bắt tại sân bay Stansted và bị cáo buộc là buôn người, ngộ sát.

2. THƯƠNG QUÁ ĐỒNG BÀO TÔI.

Đang làm chấn động cả thế giới là vụ án tại Luân Đôn - Anh quốc. Cho đến nay (28.10.2019) đã có thể gần như chắc chắn 25 trong số 39 người là người Việt Nam. Hình như cả 25 người được xác định quê gốc tại Hà Tĩnh và Nghệ an.

Theo tin từ một linh mục của giáo phận Vinh, số người tìm đường đến châu Âu, trong chuyến đi mới nhất có lẽ có trên một trăm người. Không biết 39 người chết tức tưởi và đau thương lần này có nằm trong số một trăm người ấy?

Vì muốn tìm đường ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, cách đây mấy chục năm của thế kỷ trước, nhiều đồng bào của chúng ta đã phải vượt biên trên những chiếc thuyền bé xíu, chen chút những người là người, vật lộn cùng sóng gió giữa trùng khơi.

Trong số đó, quá nhiều người làm mồi cho mọi sự dữ: gió bão, chìm tàu, cướp biển, hãm hiếp, đánh đập, ngược đãi, đói khát, bệnh tật, bị khinh bỉ, bị hành hạ trong các trại tập trung, bị công quyền và người dân của nhiều quốc gia kéo ngược trở ra biển, bị tù tội, bị xem là phản quốc...

Đó là chưa kể nhiều người vượt biên bằng đường bộ phải băng rừng, lên non, xuống suối đầy gian nan, muôn trùng hiểm nguy rình rập. Thực tế đã có lớp lớp người bỏ xác trong rừng thẳm, trên núi cao, hoặc mất tích mãi mãi.

Bây giờ, nhìn những anh chị em Việt kiều, thấy họ ăn mặc trơn láng, rủng rỉnh ngoại tệ trong túi, giúp đỡ gia đình và người thân ăn học, mua nhà, mua đất, mua xe..., cứ tưởng họ dễ dàng làm ra đồng tiền.

Thực ra, sống ở trên đời có được gì mà không phải trả giá. Nhất là phải chen chân vào cuộc sống ở đất khách quê người, càng phải chấp nhận nhiều tủi phận.

Các quốc gia giàu có, họ đâu dại gì để chúng ta dễ dàng "chia phần" huê lợi mà không đòi chúng ta phải đáp trả. Có khi còn đáp trả nặng nề. Họ ngày càng có nhiều những luật lệ khắt khe để loại trừ, ít nhất thì cũng là sự chối từ theo kiểu "lịch sự" những người bị mang tiếng là "di dân".

Họ sợ "đám di dân" (nói theo cách nghĩ tiêu cực) trở thành gánh nặng, trở thành món nợ của đồng bào họ, dâng tộc họ, quốc gia họ, nền kinh tế, an sinh và an ninh của họ...

Có biết bao nhiêu anh chị em Việt kiều sống lây lất, vất vả, thậm chí vắt kiệt sức để kiếm chút ít đồng tiền.



Càng xót xa hơn, quặn lòng hơn, khi nghe đâu đó có những người phải trốn chui, trốn nhủi vì không có giấy tờ hợp pháp.

Hoặc để có thể tồn tại, hay khỏi bị trở lại quê nhà mà không có chút ít vật chất, hay phải lo cho cả một gánh nặng người thân ở quê nhà, mà đành lao thân phạm pháp, lao thân làm việc trong những vườn thuốc phiện cùng nhiều những công việc tệ hại khác.

Có người phải làm việc quần quật cho chủ nợ vừa để mưu sinh, vừa để trả nợ. Những chủ nợ ấy chính là những kẻ đã từng môi giới trong các tổ chức buôn người, các tổ chức đưa người ra khỏi biên giới, giờ đây, chúng quay lại bóc lột người nhập cư, cũng chính là nạn nhân đầy thương tâm của chúng.

Nhiều lần phải đau xót nghe những bản tin về anh chị em đồng bào của mình bị bán đứng. Nữ thì bị đưa vào nhà chứa, bị bán vào các gia đình xa lạ để gọi là làm dâu, nhưng thực tế là một thứ nô lệ đúng nghĩa.

Hoặc bàng hoàng khi được biết nhiều anh chị em phải sống bởi những nghề tủi nhục, hay làm việc trong các môi trường khắc nghiệt, bị đối xử hà khắc, thậm chí bị đối xử không ra một con người...

Ở xứ người, nếu không có những điều kiện tốt như học thức, có tay nghề, và một chút cơ may, thì bức tranh cuộc sống nhiều mảng tối hơn sáng.

Cũng có biết bao nhiêu người may mắn sống sót sau những cú bị sự dữ hành hạ, giờ đây không dám nhắc đến quá khứ, hay cố che đậy những vết thương lòng bằng những nụ cười, bằng sự rạng rỡ trên khuôn mặt... Có thể những vết thương lòng ấy, bây giờ, sau một bề dày thời gian, đã phần nào nguôi ngoai, nhưng làm sao có thể xóa!

Người Việt Nam nào, dù ở đâu, cũng phải đối diện cùng quá nhiều đau khổ. Vì thế, người Việt Nam nào, dù ở đâu, cũng đều đáng thương, đáng quý vô cùng.

Bây giờ, với những hình thức vượt biên khác: lấy chồng nước ngoài, hợp tác lao động, đi du học, làm con thiêu thân trong các đường dây buôn người (như vụ án 39 thi thể trên một kiện hàng đông lạnh đang làm rúng động thế giới)..., đồng bào của chúng ta vẫn đầy những bất trắc, vẫn đầy những đau khổ, vẫn đầy sự đáng thương.

Đồng bào ơi, thương quá.

Sao chúng ta cứ mãi đói nghèo?

Sao chúng ta cứ mãi lầm than?

Sao chúng ta vẫn mãi bị xem thường?

Sao mạng sống dân mình cứ hoài rẻ mạt?