Chúa Nhật V Phục Sinh A
“Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.
Khi thốt lên những lời như thế ngay trước lúc lìa xa môn đệ, Chúa Giêsu như muốn diễn tả tất cả nỗi lòng của Người. Đó là thứ tình cảm da diết, luyến nhớ, yêu thương… Một tình cảm rất con người.
Chúa Giêsu sắp từ giã các môn đệ để đi về cùng Cha. Các môn đệ phải ở lại. Họ phải lìa xa Chúa cách hữu hình. Họ phải gánh trách nhiệm và cơ đồ mà Chúa trao. Sự lưu luyến làm cho mọi người trong cuộc đau lòng.
Vì thế, Chúa bọc lộ ước hẹn của Chúa: sẽ có ngày gặp lại. Đó là ngày Chúa trở lại để đoàn môn đệ được mang đến nơi tốt đẹp mà Chúa dọn sẵn và chờ đợi. Ước hẹn trở lại có sức xoa dịu niềm đau bằng viễn ảnh hạnh phúc ngày gặp lại. Họ cần được hứa hẹn điều tốt đẹp ngày Thầy trò đoàn tụ.
Ước hẹn trở lại là diễn tả nỗi lòng gắn bó, nhung nhớ, yêu thương… Chúa ước hẹn tha thiết, như gởi gắm sự hiện diện của người đi cho người ở.
Qua ước hẹn đó, Chúa tiếp tục củng cố sức mạnh để đoàn môn đệ có thể vượt qua mọi khó khăn, mọi thác ghềnh khi không còn Thầy bên cạnh.
Ước hẹn cũng là cách Chúa an ủi đoàn môn đệ để họ không quá u buồn, chán nản mà buông xuôi những trách nhiệm cần phải thực hiện, nhất là họ cần can đảm để xông vào công cuộc truyền giáo còn dang dở.
Lời ước hẹn ngay trước khi thật sự giã từ nhau là lời làm người ta khó quên nhất. Chắc chắn sẽ ghi khắc trong tim cả người đi lẫn người ở, để đau đáu nhớ về nhau, sống cạnh lòng nhau, dù thực tế xa cách ngàn trùng.
Đó cũng là lời động viên giúp đoàn môn đệ thêm nghị lực vượt qua tình cảm chia cắt mà bước tiếp con đường Thầy đã hướng dẫn. Đó cũng là lời giải thích lý do và ý nghĩa của việc Chúa rời xa các môn đệ.
Chúa biết, một khi lãnh nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa, các tông đồ và toàn Hội Thánh, không thể tránh khỏi những khó khăn xảy đến trong cuộc sống.
Lời ước hẹn đó cũng dành cho mỗi chúng ta là những môn đệ trong thời đại mới. Ngày nay, chúng ta bằng lòng với sự hiện diện thiêng liêng của Chúa, nhất là sự hiện diện của Chúa nơi Thánh Thể, một sự hiện diện không thể kiểm chứng bằng giác quan, nhưng bằng lòng tin.
Câu chuyện tử đạo của thánh Giám mục Pôlycapô như tấm gương cho ta vững tin, giúp vượt qua mọi khó khăn, quyết đi đến cùng trong sự trung thành với ước hẹn của Chúa: mai này sẽ đến nơi mà Chúa đã chuẩn bị.
Năm 165 (sau Chúa Giáng Sinh) là thời gian đế quốc Rôma bách hại các Kitô hữu dữ dội. Thánh Giám mục Pôlycapô là đồ đệ của các tông đồ, nhất định không lẫn trốn, nhưng ở lại Rôma để an ủi các tín hữu.
Giám mục Pôlycapô bị bắt, nhiều lần bị buộc phải thề trung thành với hoàng đế Xêsarê và nói lời xúc phạm chối Chúa Kitô để được tha.
Đức Cha Pôlycapô khẳng khái trả lời: "Tôi đã theo phục vụ Chúa từ bao năm nay, Chúa đã không làm gì hại tôi, làm sao tôi có thể nói lời xúc phạm đến Ngài là Vua và là Chúa của tôi được".
Hiều lần hăm dọa bằng tra tấn, không thể khuất phục thánh nhân chối bỏ Chúa, kẻ hành quyền ra lệnh thiêu sống thánh Pôlycapô.
Không run sợ, ngài dõng dạc nói: "Lửa trần gian này có thể đốt tôi trong vòng một giờ rồi tắt, nhưng lửa thiêu đốt những lời nói xúc phạm đến Thiên Chúa thì sẽ không bao giờ tắt. Tôi không sợ và không chối bỏ Chúa".
Thật lạ lùng. Lửa không đốt ngài mà lại cuộn thành hình vòng cung bao bọc thánh nhân. Cuối cùng một người lính cầm gươm đâm thẳng vào ngực thánh Pôlycapô. Thánh nhân chết để làm chứng cho Chúa.
Chúng ta, đoàn môn đệ của Chúa Kitô hôm nay cũng đang trong thời gian lữ hành tiến về nơi mà Chúa “đã dọn sẵn”. Như các môn đệ xưa, như thánh Pôlycapô, chúng ta đặt hết niềm tin vào Chúa để luôn sống trong hy vọng về ngày hạnh phúc được Chúa cho ở cùng.
Dù cuộc lữ hành có khó khăn thế nào, ta vẫn không đầu hàng, nhưng luôn hướng tương lai để sống tích cực, sống thánh thiện. Chính niềm tin vào Chúa soi sáng cho ta biết phương cách vượt qua mọi nỗi cheo leo trong đời.