2.4 Thương Xót và Công Lý
“Thương xót và trung thành sẽ gặp nhau; chính trực và hòa bình sẽ hôn nhau” (Tv 85:11). Nếu kết hợp hai nửa của câu thánh vịnh này lại với nhau, thì hạn từ đặt song song với thương xót chính là công lý. Như một nhân đức, thương xót không xa lạ gì với công lý. Như Đức Hồng Y Kasper nói rất đúng, theo chiều hướng này, ta không thể dành chỗ cho một lòng thương xót bất chính, vì như thế sẽ làm cho mạc khải của Thiên Chúa ra sai lạc. Việc này sẽ diễn ra khi một sự thiện liên hệ tới nhân phẩm bị hư hại (29).
Trong trường hợp này, công lý mà ta đang nói tới không phải là một thỏa thuận giữa những con người nhân bản, mà đúng hơn là việc kết hợp với Thiên Chúa. Chúng ta đang bàn tới một điều lớn hơn trật tự chỉ có tính phàm nhân, và do đó không được hiểu nó ở đây như thứ công lý pháp chế. Điều cần là phải phân tích nền tảng của nó. Về diểm này, trong bài diễn văn của ngài, Đức Hồng Y Kasper đã theo điều trước đó, ngài đã trình bầy trong Lòng Thương Sót, trong đó, ngài hãnh diện trích dẫn Thánh Tôma Aquinô làm nguồn của ngài. Do đó, ta hãy dựa vào Thánh Tiến Sĩ làm người hướng dẫn việc khảo sát vắn vỏi của ta.
Để giải thích đoạn này, Thánh Tôma đặc biệt trích dẫn Thánh Vịnh 85 là Thánh Vịnh, theo Bản Phổ Thông, đã nói như sau: “misericordia et veritas obviaverunt sibi” (thương xót và sự thật đã gặp nhau) (30). Đây là lý do tại sao, trong cách ngài sắp xếp câu hỏi của ngài, thánh nhân đã đưa sự thật vào làm gạch nối giữa thương xót và công lý (31), để nhấn mạnh rằng người ta không bao giờ có thể hành động chống lại công lý, nhưng họ có thể hành động vượt qua nó, và đây chính là không gian được lòng Chúa thương xót mở ra. Do đó, một hành vi bất chính không bao giờ có tính thương xót cả. Điều làm cho lòng thương xót khác với sự cảm thương (compassion) đơn thuần là sự kiện này: mục đích của thương xót là “diệt trừ sự thống khổ của người khác” (32); nói cách khác, thương xót có tính tích cực chống lại sự ác mà một người khác đang phải chịu. Nếu một người nào đó chịu một sự ác nào nhưng không thoát ra được mà ta tới an ủi một cách lầm lẫn rằng đây chỉ là một sự ác ít xấu hơn thì quả không phải là thương xót.
Đức Hồng Y Kasper không ngừng nhấn mạnh tới tính trổi vượt rõ ràng của lòng thương xót, do Thánh Tiến Sĩ Thiên Thần đề xuất, coi nó như đối nghịch với công lý hiểu như phẩm tính của Thiên Chúa, ngược với truyền thống công lý mà thôi, như chủ trương của các môn đệ Thánh Anselm (33). Tuy nhiên, ngài bất cập khi khai triển lý do nền tảng của việc này, nghĩa là, trật tự bên trong của hành động, vốn phát sinh từ tình yêu. Đây là lý do tại sao, câu quả quyết mạnh mẽ nhất về thương xót của thánh nhân “Công trình công lý của Thiên Chúa luôn giả thiết công trình thương xót của Người và luôn được xây dựng trên đó” (34) không là gì cả nếu không phải là song hành với câu sau đây: “Cho nên, điều hiển nhiên là mọi tác nhân, bất kể là ai, đều làm mọi hành động vì tình yêu loại nào đó” (35). Trong các trước tác của Thánh Tôma, thay vì một nền siêu hình về lòng thương xót, điều ta tìm thấy nơi các trước tác của Thánh Tôma Aquinô là một nền siêu hình cao về tình yêu (36), như đã được chính lời lẽ của ngài chứng tỏ rõ ràng: “Thiên Chúa thương hại chúng ta (nghĩa là tỏ lòng thương xót chúng ta) qua tình yêu mà thôi vì Người yêu ta như những kẻ thuộc vế Người” (37). Ta nên hiểu lòng thương xót như là “gốc rễ của tình yêu nơi Thiên Chúa” (38) vì nó tự biểu lộ một cách như hệ ở một nguyên lý xúc cảm; nói cách khác, nó là sự kết hợp yêu thương giữa tình yêu và người được yêu, đây là nguyên lý của mọi hành động (39). Quả thế, trong bất cứ hành động nào của con người, lòng thương xót như một nhân đức cũng được đức ái điều khiển (40); chính đức ái ban cho nó cái nhìn đúng đắn; trên hết, nó hành động một cách luôn hướng về việc kết hợp với Thiên Chúa, hay nói cách khác, về việc sống thực giao ước với Người.
Việc nhắc đến năng động tính của tình yêu làm nền tảng cho lòng thương xót này không hề là điều tình cờ, nhưng đúng hơn nó dẫn chúng ta vào năng động tính gồm hai đối tượng sau đây: người được yêu và sự thiện được thông truyền cho họ, cả hai đều được bao gồm trong sự thật của hành vi yêu thương (41). Năng động tính này hết sức chủ yếu đối với việc hiểu làm thế nào lòng thương xót được thông truyền cho người có tội. Người có tội được yêu thương nhưng sự thiện mà người yêu có ý định thông truyền nhằm mục đích quay đầu khỏi tội lỗi, làm sao để người tội lỗi không ở trong tội nữa, vì đó là một điều xấu cho họ. Bởi thế, lòng thương xót của Thiên Chúa trực tiếp tái hợp với công lý, và do đó, không liên hệ gì tới bất cứ thứ khoan dung nào đối với tội lỗi; đúng hơn, đây là việc tìm kiếm sự hồi tâm nơi người có tội, một việc cần có thời gian.
Do đó, sự thật về dây hôn phối bất khả tiêu, mà trên đây chúng ta đã thảo luận như là một mặc khải cụ thể, có tính lịch sử của tình yêu dứt khoát nơi Thiên Chúa, rất thích hợp với ý tưởng công lý này, như là một sự thiện cần phải duy trì một cách độc đáo trong Tân Ước. Bởi thế, lòng thương xót đối với một con người từng bất trung đối với cuộc kết hợp này không hệ ở việc tuyên bố rằng giao ước không còn nữa, hay nó đã bị hủy bỏ vô phương cứu chữa (42), nhưng đúng hơn, hệ ở việc quả quyết rằng có một “nền công lý lớn lao hơn”, một nền công lý chỉ khả hữu nhờ hồng phúc của Thiên Chúa phát sinh từ việc tha thứ của Người. Bất kể tất cả các điều này, chỉ có thể hiểu bất cứ hành vi tha thứ hay thương xót nào với ý định sẽ tái lập công lý đã mất bằng ơn hoà giải.
Thành thử, điều chính xác là quả quyết rằng “lòng thương xót là nguyên tắc của khoa chú giải để giải thích sự thật” (43). Do đó, đây có ý nói về “sự chính trực cao hơn” (44) với 2 nghĩa: nó “lớn hơn” vì nó có khả năng tái sinh công lý đã bị vi phạm nhờ một ơn tha thứ nhưng không, một điều mà một mình công lý không thể làm được; đàng khác, nó bảo vệ công lý để việc vi phạm công lý không bị coi là dấu chỉ hiển nhiên của việc thiếu thương xót. Yêu cầu công lý tìm ngoại lệ cho công lý là bước theo con đường lầm lạc. Tha thứ không phải là một hành vi bất công, nhưng đúng hơn nó vượt quá công lý theo nghĩa đây không phải là quyền được hưởng (due), và điều này càng đúng hơn trong trường hợp Thiên Chúa. Ý muốn tha thứ chân chính là trở về với công lý, sửa chữa những điều bất công đã vi phạm. Điều này phải có thì lòng thương xót mới trọn vẹn; nó phục hồi công lý ở một trật tự cao hơn, nhưng không bao giờ chống lại công lý, như, bằng cách mưu toan biện minh cho sự bất trung.
Bởi thế, phải hiểu lòng Chúa thương xót như một điều rất khác với việc đơn thuần khoan dung sự ác, và không bao giờ như một việc chấp nhận tội lỗi cách mặc nhiên. Điều rõ ràng là Thiên Chúa có khoan dung sự ác, và nhất là tội lỗi, với ý định muốn có sự thiện lớn hơn; tuy nhiên, theo Tiến Sĩ Thiên Thần, việc này luôn diễn ra trong sự thật luân lý chuyên biệt, nói cách khác, trong trật tự công lý có thể được vượt qua nhưng vẫn hiện diện ở đấy (45). Do đó, trong trường hợp tội lỗi, Thiên Chúa khoan dung sự kiện nó bị vi phạm với ý hướng sẽ có sự ăn năn trong tương lai của người có tội, kẻ mà Người yêu thương. Lòng thương xót nẩy sinh từ tình yêu đối với một con người để chữa họ khỏi căn bệnh bất trung vốn làm họ khổ sở và ngăn cản họ sống trong giao ước với Thiên Chúa. Điều này rất khác với việc bằng lòng với sự bất trung mà không có sự biến đổi nội tâm nhờ ơn thánh, như thể Thiên Chúa che đậy tội lỗi ta chứ không hoán cải trái tim bằng cách tẩy rửa nó. Đây là một dị biệt tín lý quan trọng giữa quan niệm của Công Giáo và quan niệm của Phái Lutêrô về công chính hóa.
Thứ thương xót để chúng ta ở lại tình trạng tội lỗi đã không đạt được mục đích năng động của nó, một tính năng động luôn tìm sự hồi tâm và thanh tẩy cõi lòng để hối nhân tham dự vào địa vị con yêu dấu trong Chúa Con, hợp nhất với Chúa Cha trong hoà hợp. Nơi nào có lòng thương xót đích thực, nơi đó không có tội lỗi.
“Theo tín lý Công Giáo, không lòng thương xót nào, cả của Thiên Chúa lẫn của con người, lại bao hàm việc bằng lòng với sự ác hay khoan dung sự ác. Lòng thương xót luôn được nối kết với giây phút dẫn người ta từ sự ác qua sự thiện. Nơi nào có lòng thương xót, thì sự ác phải đầu hàng. Khi sự ác còn đó, thì sẽ không có lòng thương xót, nhưng chúng ta hãy nói thêm: nơi nào không có lòng thương xót, sự ác sẽ tiếp diễn. Thực thế, sự thiện không thề phát sinh từ sự ác” (46).
“Tín nghĩa mọc lên từ đất thấp, công lý nhìn xuống tự trời cao” (Tv 85:12). Tín hữu Kitô nào lãnh nhận được ơn thương xót là thửa đất hứa hẹn sinh nhiều hoa trái nhờ biết đáp trả một cách trung thành và trở thành có khả năng hưởng được công lý của Thiên Chúa là được kết hợp với Người; nói cách khác, họ có khả năng sống theo kế hoạch của mình. Đây là sự thật về một đời sống được sinh ra và lớn lên, chứ không phải sự thật về một đối tượng đạt được. Năng động tính của một đời sống luôn luôn là một lời hứa được sự thiện lớn hơn; sự dồi dào của ơn phúc là thực tại thương xót vì “chính CHÚA sẽ tặng ban phúc lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái” (Tv 85:13).
Kỳ tới: 2.5 Một Bí Tích của Giao Ước Mới Bất Khả Tiêu, tại Tâm Điểm của “Nhiệm Cục Thiên Chúa”