CHÚA NHẬT XXX

YÊU THƯƠNG LÀ TRUYỀN GIÁO

Có bao giờ mỗi người trong chúng ta tự hỏi xem, vì sao Chúa lại dạy phải yêu Chúa và yêu người?

Lấy ví dụ: ta có con đi học. Khi thấy nó lười học, thì nói với nó: “Con phải lo học bài, con phải siêng học”. Sở dĩ chúng ta bảo con mình chịu khó học là vì nó chưa chăm học.

Chúa dạy loài người phải yêu Chúa yêu người vì loài người chưa yêu Chúa và cũng chưa yêu nhau. Hoặc chưa yêu một cách trọn vẹn như Chúa muốn. Yêu như Chúa muốn, đó là: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn. Và yêu kẻ khác như yêu chính mình”.

Yêu Chúa là phải yêu bằng cả tấm lòng, cả linh hồn, cả trí khôn. Tấm lòng, linh hồn, trí khôn là thành phần trọng yếu nhất của con người. Nếu thiếu tấm lòng, nghĩa là thiếu trái tim, con người chỉ là một cái xác. Nếu không có linh hồn, không phải là người nữa. Nếu thiếu trí khôn, dù mang hình dáng con người, người đó cũng trở nên ngu đầng.

Yêu Chúa bằng tất cả tấm lòng, cả linh hồn và trí khôn, yêu bằng tất cả thành phần chủ yếu của một con người là yêu vô cùng, yêu không tính toán, yêu Chúa một cách mạnh mẽ.

Nhưng chỉ có lòng mến Chúa thôi, chưa đủ. Lòng yêu mến Chúa đòi phải có một giới răn khác bổ túc. Đó là yêu người. Yêu người cũng quan trọng không kém giới răn yêu Chúa. Chính Chúa Giêsu nói: “Giới răn thứ hai cũng quan trọng như giới răn thứ nhất là: ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi”.

Yêu Chúa và yêu người luôn đi đôi với nhau. Nếu nói rằng yêu Chúa mà trong thực tế không yêu tha nhân, không giúp đỡ người khác, là nói dối. Ngược lại, chính khi yêu thương và giúp đỡ người khác là bằng chứng minh chứng mình yêu mến Thiên Chúa.

Chúa nhật tuần trước, chúng ta cử hành ngày thế giới truyền giáo, từng người ý thức: Chúa sai chúng ta đi vào cuộc đời như những nhà truyền giáo. Nhưng sẽ không có truyền giáo đúng nghĩa nếu không biết yêu thương. Lòng yêu thương anh em là cách truyền giáo hữu hiệu, vì nhân loại luôn luôn cần đến tình yêu.

Chính vì đặt tình yêu lên trên mọi chuẩn mực của mọi hành vi đạo đức, nên đạo Công Giáo cũng là đạo của tình yêu. Không thể nói với ai, rao giảng cho ai về tình yêu mà bản thân ta không hề biết yêu thương. Đó là sự mâu thuẫn lớn mà ta phải trút bỏ đi.

Nếu ta không biết yêu thương thì cũng không thể truyền giáo. Ngược lại, ta có một đời sống yêu thương thật sự, tử tế, vui vẻ với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ người khác, những việc làm tốt đó, tự bản thân nó đã chứng minh ta là người có đạo, đã là nhà truyền giáo rồi.

Nhưng không phải lúc nào cũng có thể nói về Chúa được. Lấy ví dụ: một thầy cô giáo có đạo, đi dạy ở một trường học, chắc chắn thầy cô đó không thể vào lớp học để nói về đạo, về Chúa. Nhưng điều mà người thầy có thể làm được là chứng minh đời sống đạo của mình như: vui vẻ với đồng nghiệp, yêu thương, độ lượng với học trò…

Trong đời sống hằng ngày, mọi người có thể làm được những chuyện rất bình thường như: lượm một cục đá trên đường bỏ vào một nơi nào đó để các em nhỏ đi không bị vấp, các cụ già không bị ngả. Hoặc ta biết giữ vệ sinh chung, đừng ném mọi thứ rác rưởi ra đường, ở nơi công cộng… Tất cả những việc làm đó đều là những việc làm cụ thể, ai cũng làm được.

Với tất cả những phương thế thực hành vừa đề nghị bên trên, không phải là thể hiện lòng yêu Chúa, yêu tha nhân hay sao? Dù chỉ là những việc nhỏ, nhưng chúng ta cố gắng thực hành bằng tất cả lòng yêu mến của mình. Đó chính là cách chúng ta có thể làm chứng cho Chúa.



Tin rằng mỗi người đều luôn là những người cố gắng sống tốt, để người ngoài nhìn vào có thể nói rằng: anh hay chị ấy sống tốt vì họ là người Công Giáo. Chỉ cần gieo vào lòng người khác cảm tình tôn giáo đối với đức tin của mình, ta đã khởi sự truyền giáo.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trái tim biết yêu thương, để chúng con sống với mọi người bằng chính lòng yêu thương ấy. Chúng con tin, một khi chúng con thể hiện lòng yêu thương của mình, chúng con đã có thể loan báo về Chúa cho anh chị em của chúng con. Amen.