CẬY MÌNH MÀ QUÊN CẬY TRỜI
“Ông Noe được ơn nghĩa trước mặt Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một sự trùng hợp lý thú khi sách Sáng Thế và Tin Mừng hôm nay nói đến một điều mà Thiên Chúa gớm ghiếc, đó là kiêu ngạo. Loài người kiêu ngạo, hướng về đàng xấu; Thiên Chúa nổi giận, huỷ diệt tất cả, trừ gia đình ông Noe. Cũng thế, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ, hãy coi chừng và giữ mình khỏi thói kiêu căng, một loại men biệt phái khi ‘cậy mình mà quên cậy trời’.
Sách Sáng Thế nói, “Thiên Chúa thấy tội ác loài người lan tràn trên mặt đất, tư tưởng lòng người luôn hướng về đàng xấu; Người đau lòng mà nói, ‘Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất loài người Ta đã dựng nên… Ta lấy làm tiếc đã tạo dựng nó’”. Vậy mà lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn thể hiện khi Người chừa lại gia đình Noe; Sáng Thế nói, “Ông Noe được ơn nghĩa trước mặt Chúa”. Tại sao Thiên Chúa đoái mắt đến Noe và gia đình ông? Trong cuốn “The Purpose Driven Life”, “Sống Theo Đúng Mục Đích”, một bestseller được người viết biên dịch, Rick Warren nhận định, “Ông Noe là người đã khiến Thiên Chúa mỉm cười”; bởi lẽ, “Ông yêu Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác trên trần gian, cả khi không có ai khác yêu Người; ông đã đem niềm vui cho Thiên Chúa, vì ông có một tâm hồn ca ngợi và tạ ơn; ông tin cậy Thiên Chúa hoàn toàn và điều đó khiến Người mỉm cười. Giữa loài người kiêu căng, ai ai cũng ‘cậy mình mà quên cậy trời’; thì Noe, một người ‘cậy Trời mà không cậy mình’; ông cậy trông Thiên Chúa, ông tuyệt đối khiêm nhường”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy cho các môn đồ bài học khiêm nhường nhân việc họ quên mang bánh. Phải chăng Ngài đã đọc được sự tự phụ nơi các môn sinh của mình, có lẽ Ngài đã đọc ra ý tưởng ‘cậy mình mà quên cậy trời’ nơi họ; họ đổ lỗi cho nhau khi nói, “Tự mình không mang bánh”. Họ biết rằng, trên thuyền chỉ còn một chiếc bánh; nhưng họ lại quên, ngoài chiếc bánh lúa mì từ đất ấy, còn có một chiếc bánh hằng sống từ trời có tên là Giêsu. Phải, Giêsu Thầy họ đã từng nuôi đến mấy ngàn người với chỉ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã nhắc cho họ điều đó. Vì thế, Ngài bảo, “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái”. Người biệt phái coi mình tài giỏi, đạo đức, giữ luật hơn người; họ cho mình là may mắn bởi họ cầu nguyện nhiều, ăn chay nhiều và nhiệm nhặt giữ luật. Đó là lý do để họ vênh váo, cho mình là công chính, rồi coi khinh kẻ khác; thậm chí, họ coi khinh cả thầy trò Chúa Giêsu.
Ngày kia, có một bánh xe gỗ, nó rơi mất một mảnh; khập khà khập khiễng, nó vụng về lăn đi khắp các nẻo đường để tìm lại mảnh vỡ đã mất. Ngày này qua ngày khác, nó tìm mãi nhưng không thấy; và rồi, nó cũng quen dần với tật nguyền của mình… Ngạc nhiên thay! Chính nhờ sự khiếm khuyết này mà nó trở nên thân thiết hơn với bạn bè hai bên đường. Nó dừng lại chuyện trò với hoa, đùa giỡn với bướm và đôi khi, nhún nhảy thân thiện với lũ chim mà quên đi sự bất toàn của bản thân. Cho đến một ngày, tình cờ, bánh xe tìm được mảnh vỡ, nó vui mừng và cố sức ráp lại; để rồi, nó thấy mình tròn trịa duyên dáng. Thế nhưng, cũng từ hôm ấy, nó cảm thấy có một cái gì đó thay đổi bên trong khiến nó mất bình an; vì giờ đây, nó không còn thân thiện như trước. Nó xé gió, lao đi vun vút; cỏ cây, chim chóc, ong bướm hai bên đường phải khiếp sợ. Một chiều kia, nó dừng lại, cô đơn, trống vắng; cỏ hoa run rẩy thu mình trước nó, ong bướm chẳng dám đến gần; dạn dĩ như đàn sẻ cũng tránh xa nó. Chưa bao giờ nó cảm thấy lạc lõng cô đơn đến thế. Vậy là nó quyết định tháo ngay mảnh vỡ nghiệt ngã kia và ném nó thật xa. Và rồi, nó bắt đầu trở nên chính mình trong dáng vẻ trước đó; lần thần, khiêm hạ, khoan thai, từ tốn. Lạ thay, nó an bình hơn bao giờ hết, và chim chóc, ong bướm, cả cảnh vật đang đón chờ nó.
Anh Chị em,
Muốn nên như các vị thần, tội kiêu ngạo của Ađam đã kéo theo bao nhiêu hệ luỵ xấu xa, đến nỗi Thiên Chúa lấy làm tiếc vì đã dựng nên con người; kiêu ngạo manh nha trong máu và có mùi trong hơi thở của tất cả con cháu Ađam, loài bởi đất mà ra. Ngày nay, khoa học càng tiến bộ, con người càng kiêu ngạo ‘cậy mình mà quên cậy trời’. Sau hơn một năm, cả thế giới đảo điên vì Corona; một vị tổng thống Phi Châu đã nói, “Chỉ có Thiên Chúa mới diệt được Corona!”. Đúng thế! Khi con người càng xua trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới, ra khỏi lòng mình, nó càng cảm thấy trống vắng và bất lực.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con hợm hĩnh ‘cậy mình mà quên cậy trời’, nhất là khi con đang giã từ những ngày xuân để đi vào Mùa Chay; cho con xác tín rằng, trong mọi việc, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa, kể cả việc con nên thánh trong mùa hồng phúc này”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Ông Noe được ơn nghĩa trước mặt Chúa”.
Kính thưa Anh Chị em,
Một sự trùng hợp lý thú khi sách Sáng Thế và Tin Mừng hôm nay nói đến một điều mà Thiên Chúa gớm ghiếc, đó là kiêu ngạo. Loài người kiêu ngạo, hướng về đàng xấu; Thiên Chúa nổi giận, huỷ diệt tất cả, trừ gia đình ông Noe. Cũng thế, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ, hãy coi chừng và giữ mình khỏi thói kiêu căng, một loại men biệt phái khi ‘cậy mình mà quên cậy trời’.
Sách Sáng Thế nói, “Thiên Chúa thấy tội ác loài người lan tràn trên mặt đất, tư tưởng lòng người luôn hướng về đàng xấu; Người đau lòng mà nói, ‘Ta sẽ huỷ diệt khỏi mặt đất loài người Ta đã dựng nên… Ta lấy làm tiếc đã tạo dựng nó’”. Vậy mà lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn thể hiện khi Người chừa lại gia đình Noe; Sáng Thế nói, “Ông Noe được ơn nghĩa trước mặt Chúa”. Tại sao Thiên Chúa đoái mắt đến Noe và gia đình ông? Trong cuốn “The Purpose Driven Life”, “Sống Theo Đúng Mục Đích”, một bestseller được người viết biên dịch, Rick Warren nhận định, “Ông Noe là người đã khiến Thiên Chúa mỉm cười”; bởi lẽ, “Ông yêu Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác trên trần gian, cả khi không có ai khác yêu Người; ông đã đem niềm vui cho Thiên Chúa, vì ông có một tâm hồn ca ngợi và tạ ơn; ông tin cậy Thiên Chúa hoàn toàn và điều đó khiến Người mỉm cười. Giữa loài người kiêu căng, ai ai cũng ‘cậy mình mà quên cậy trời’; thì Noe, một người ‘cậy Trời mà không cậy mình’; ông cậy trông Thiên Chúa, ông tuyệt đối khiêm nhường”.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng dạy cho các môn đồ bài học khiêm nhường nhân việc họ quên mang bánh. Phải chăng Ngài đã đọc được sự tự phụ nơi các môn sinh của mình, có lẽ Ngài đã đọc ra ý tưởng ‘cậy mình mà quên cậy trời’ nơi họ; họ đổ lỗi cho nhau khi nói, “Tự mình không mang bánh”. Họ biết rằng, trên thuyền chỉ còn một chiếc bánh; nhưng họ lại quên, ngoài chiếc bánh lúa mì từ đất ấy, còn có một chiếc bánh hằng sống từ trời có tên là Giêsu. Phải, Giêsu Thầy họ đã từng nuôi đến mấy ngàn người với chỉ năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã nhắc cho họ điều đó. Vì thế, Ngài bảo, “Các con hãy coi chừng và giữ mình cho khỏi men biệt phái”. Người biệt phái coi mình tài giỏi, đạo đức, giữ luật hơn người; họ cho mình là may mắn bởi họ cầu nguyện nhiều, ăn chay nhiều và nhiệm nhặt giữ luật. Đó là lý do để họ vênh váo, cho mình là công chính, rồi coi khinh kẻ khác; thậm chí, họ coi khinh cả thầy trò Chúa Giêsu.
Anh Chị em,
Muốn nên như các vị thần, tội kiêu ngạo của Ađam đã kéo theo bao nhiêu hệ luỵ xấu xa, đến nỗi Thiên Chúa lấy làm tiếc vì đã dựng nên con người; kiêu ngạo manh nha trong máu và có mùi trong hơi thở của tất cả con cháu Ađam, loài bởi đất mà ra. Ngày nay, khoa học càng tiến bộ, con người càng kiêu ngạo ‘cậy mình mà quên cậy trời’. Sau hơn một năm, cả thế giới đảo điên vì Corona; một vị tổng thống Phi Châu đã nói, “Chỉ có Thiên Chúa mới diệt được Corona!”. Đúng thế! Khi con người càng xua trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới, ra khỏi lòng mình, nó càng cảm thấy trống vắng và bất lực.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để con hợm hĩnh ‘cậy mình mà quên cậy trời’, nhất là khi con đang giã từ những ngày xuân để đi vào Mùa Chay; cho con xác tín rằng, trong mọi việc, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa, kể cả việc con nên thánh trong mùa hồng phúc này”, Amen.
(Tgp. Huế)