Cuộc phỏng vấn Ðức Cha Mai Thanh Lương đến từ Hoa Kỳ


do Cha Stêphanô Bùi Thượng Lưu thực hiện
tại ÐHCGVN kỳ 29 tại Cộng Hoà Liên Bang Đức
dịp Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 15.05.2005



Cha Stêphanô Lưu:- Thưa Ðức Cha, chúng con rất vui mừng được đón tiếp Ðức Cha ở Ðại hội và chúng con là Nguyệt san Dân Chúa được tiếp xúc với Ðức Cha (ÐC) và được có dịp nói chuyện với ÐC trong ngày hôm nay để gửi đến tất cả ông bà anh chị em ở nước Ðức cũng như cả thế giới có thể được nghe tiếng ÐC đến tham dự Ðại Hội với chúng con. Chúng con vui mừng vì được chia sẻ niềm vinh dự của Giáo hội Hoa Kỳ, nhất là của Giáo hội Việt Nam và các Cộng đồng bên đó, bởi Ðức Cha là vị Giám mục đầu tiên của Cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở Hải ngoại. Chúng con cũng vui mừng vì sự nối kết giữa 2 Giáo hội Hải ngoại với nhau và qua ÐC chúng con được nối kết với Giáo hội Việt Nam. Vậy chúng con bắt đầu xin ÐC cho chúng con biết cảm tưởng của ÐC đến với chúng con trong những ngày vừa qua. Chúng con biết ÐC sống với chúng con rất tận tình và giáo dân quý mến ÐC rất nhiều, vì thế chúng con xin ÐC chúng con biết cảm nhận đầu tiên của ÐC.


Ðức Cha Mai Thanh Lương: - Cảm ơn Cha Bùi Thượng Lưu. Báo Dân Chúa là báo 6 anh em chúng tôi thành lập ở New Orlean ngày chúng tôi làm việc chung với nhau. Lúc đó có Cha Việt Châu, Cha Trần Cao Tường, Cha Vũ Hân, Cha Phạm Văn Tuệ và tôi. Anh em làm mục vụ với nhau nhưng tối đến phải có cái gì để làm với nhau, thành thử mới nghĩ ra việc thành lập tờ báo Công giáo, rồi từ đó chắc chắn nó lan sang đây. Cho nên chúng ta có một sự liên đới rất đặc biệt như giữa 2 gia đình thông gia với nhau. Rồi khi tôi đến đây tôi biết rằng dân số ở đây không bằng như ở bên Mỹ, nhưng Ðại Hội vừa rồi đã nói lên tinh thần của dân chúng ở đây rất đặc biệt, nhất là “Linh mục đoàn” gồm khoảng 19 Linh mục đã đến họp và tham dự Thánh Lễ đại trào hôm qua. Ðó là điều rất đặc biệt và tôi có dịp nói chuyện với từng Cha một. Tinh thần của các Linh mục ở đây nếu tôi nhận xét thì tôi thấy rất đoàn kết và như thế Liên đoàn sẽ đoàn kết với nhau hơn. Dĩ nhiên khi ít người thì chúng ta dễ làm việc với nhau hơn. Chúng ta nhận thấy một trong những yếu điểm của người Việt là khi chúng ta làm việc chung rất khó vì thế chúng ta phải học hỏi, có lẽ do dân Ðức đã dạy chúng ta rất nhiều nên đó cũng là một điểm đặc biệt.


- Ðiểm thứ 2 là người Việt chúng ta vẫn giữ được truyền thống văn hóa nên các em rất lễ phép, khác hẳn với những trẻ địa phương ở đây. Trong các Lễ các em vẫn rất lễ phép và vẫn giữ đời sống gia đình, đó là điều rất quan trọng. Cha mẹ và con cái phải đùm bọc nhau, nhất là ở nơi hải ngoại này, khi chúng ta càng ít người thì chúng ta càng duy trì hơn tinh thần đó nhiều hơn.


- Tôi cũng chúc mừng “Dân Chúa” vì nội dung rất phong phú và cách trang trí rất là đẹp. Chắc chắn là nhờ người Chủ bút và người Chủ nhiệm rất nhiều, cho nên chúc mừng Cha rất nhiều.


Cha Stêphanô Lưu:- Cảm ơn ÐC, chúng con cũng xin lỗi ÐC vì thời gian qua do sơ suất nên không có … báo đến ÐC, chúng sẽ tiếp tục gửi đến ÐC báo Dân Chúa.


Ðức Cha Mai Thanh Lương: - Trước đây ở New Orleans tôi vẫn nhận, nhưng khi đổi địa chỉ thì bị gián đoạn và tôi cũng có ít thời giờ hơn. Còn lúc này ít làm việc với người Việt hơn nên tôi cần phải đọc nhiều.


Cha Stêphanô Lưu: - Vâng ! Sáng nay ÐC cùng dâng Lễ với một ÐC Phụ tá thuộc Giáo phận Freiburg, ÐC có cảm tưởng gì giữa Giáo hội Ðức và Giáo hội Việt Nam ở đây, xin ÐC cho chúng con biết cảm nghiệm của ÐC khi lần đầu tiên ÐC cùng dâng Thánh Lễ với một ÐC người Ðức.


Ðức Cha Mai Thanh Lương: - Khi gặp Ngài, tôi không biết là các Giám mục Ðức có giống nhau hay không mà tôi thấy họ rất bình dân. Ðó là một điều chắc chắn, vì gặp nhau lần đầu tiên mà chúng tôi nói chuyện với nhau rất vui vẻ và Ngài cũng đã mời tôi đến thăm Giáo phận của Ngài nếu có dịp. Ngài có nói đến Giám mục Kasper là người quản nhiệm trước đây trong Giáo phận của Cha Lưu. Tôi có gặp Ngài ở Rôma. Ngài rất thân với Giám mục ở Giáo phận Orange. Ngài mới viết một cuốn sách “ Leader in the Church”, Lãnh đạo trong Giáo hội, đó là một cuốn sách mà tôi rất thích. Nếu cuốn sách này được dịch sang tiếng Việt thì rất hay, vì trong đó có những điểm nói về những điều rất đặc biệt như sự liên hệ giữa sự tổ chức của Xã hội và Giáo hội. Ý của Ngài là cho chúng ta biết GH hiện nay không chỉ là GH mà có cả XH trong đó nữa. Do đó Ngài kêu gọi chúng ta hòa hợp giữa 2 tổ chức đó thì có lẽ GH của chúng ta sẽ hoàn hảo hơn. Tôi thấy đó là một tầm nhìn xa mà trong thời đại này chúng ta cần phải làm như vậy.


Cha Stêphanô Lưu: - Thưa ÐC, trong 2 Giáo phận Rottenburg và Stuttgart nơi con đang làm việc và Giáo phận Freiburg bên Cha Huỳnh Văn Lộ thuộc Tiểu bang Baden-Württemberg gồm có khoảng 4,5 triệu Giáo dân Công giáo được chia ra trong 2 Giáo phận. Ở Freiburg khoảng 2,2 triệu và bên con cũng độ 2,2 triệu. Mỗi GP như vậy có khoảng 3 hay 4 Giám mục. Ðức Cha đã ghé thăm 2 Giáo phận của chúng con và giờ đây con kính mời ÐC đến thăm GP München là GP của Giáo Hoàng đương nhiệm. ÐC đến ngay lúc nước Ðức đang kỷ niệm mừng Chiến tranh thế giới đệ nhị kết thúc, đây cũng là dịp để người Ðức có thể ngẩng mặt lên với thế giới. Chúng con kính mời ÐC nếu có dịp đến thăm 2 GP này và nhất là GP München, như đi thăm Oktober-Fest hay đi hành hương nơi xuất thân của ÐGH. Chúng con hy vọng sẽ được chào đón ÐC. Trở lại với Cộng đồng Việt Nam thì chúng con thấy ÐC đến vào dịp 30 năm. Sau 30 năm chúng con phải tự lập, vì thế ÐC có điều gì nhắn nhủ với Cộng đoàn chúng con để chúng con có một cái nhìn như thế nào về tương lai và cần nhìn làm sao.


Ðức Cha Mai Thanh Lương: - Nói chung chung là tất cả những người Việt ở hải ngoại đều kêu gọi chúng ta đã trưởng thành. Hình như các nước ở Châu Âu có truyền thống là khi chúng ta đến tuổi 30 là tuổi trưởng thành thì chúng ta phải tự lo lấy, cha mẹ không còn lo cho chúng ta nữa, mặc dù vẫn còn theo dõi chúng ta. Tôi thấy tư tưởng đó rất hay vì sau 30 năm định cư ở nước ngoài và nhiều người Việt đã an cư lạc nghiệp rồi và con cái chúng ta đã thành công trong học vấn, cho nên ta phải bước thêm một bước nữa là trưởng thành về mọi mặt. Tôi cũng kêu gọi không chỉ ở đây mà cả bên tôi cũng thế là chúng ta cần phải đoàn kết, nhất là khi làm việc chung. Ðể người Ðức hoặc những dân tộc khác thấy rằng chúng ta tuy ít nhưng làm được những chuyện phi thường nhờ chúng ta đoàn kết với nhau. Chẳng hạn một việc điển hình nhỏ là ngay sau khi Thánh Lễ vừa kết thúc mà các tham dự viên đã thu dọn bàn ghế xong và lau chùi sạch sẽ, có lẽ do nhiều người đã ở lại giúp cho Ban tổ chức chứ không phải Ban tổ chức làm hết. Ðây là một điều thể hiện chúng ta giúp đỡ tương trợ cho nhau.


Cha Stêphanô Lưu: - Thưa ÐC, ÐC có nhắn nhủ đặc biệt nào với Cộng đoàn CGVN ở Ðức không ?


Ðức Cha Mai Thanh Lương: - Ðặc biệt thì tôi nghĩ rằng các Linh mục Tuyên úy và Giáo dân Việt Nam nên cố gắng cộng tác với nhau để phát triển những phong trào sống Ðạo hợp với văn hóa và truyền thống Việt Nam. Chẳng hạn những phong trào tôi mới khám phá ra như tổ chức “Gia đình Chúa” đã xuất hiện ở Việt Nam năm 1975 và khi sang đây vẫn được duy trì rất là hay. Trong tờ thông tin vừa rồi tôi sẽ đưa cho Cha một bản để Cha đọc những thông tin về tôn chỉ của họ rất đặc biệt, rất dễ dàng và họ có những câu châm ngôn rất ngắn gọn và dễ sống như: “Nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt” thì chúng ta sẽ đỡ được biết bao nhiêu công việc và tránh được nhiều những xung đột với nhau. Ðấy là những điều tôi mong rằng chúng ta nên khám phá ra. Nhất là phong trào cầu nguyện với Phúc âm vì trong thời đại này Lời Chúa là vấn đề chủ chốt của chúng ta về đời sống đức tin. Tôi biết bên này có một số Cha đã viết những bài về đề tài này, vì thế chúng ta nên ngồi lại để soạn ra một tài liệu để cầu nguyện với nhau bằng Lời Chúa và bằng Thánh Kinh chẳng hạn. Ðó là một cách rất hay mà chúng ta thực hiện cũng rất dễ để chúng ta đưa Thánh Kinh và sự đạo đức, vào đời sống mầu nhiệm của Chúa Cứu Thế hợp với năm Phụng vụ. Ðiều này Mỹ và Âu châu nói rất nhiều nhưng chúng ta nên đi vào thực hành vì tôi nghĩ bên đây người Việt sống xa nhau nên chúng ta dùng những dây linh thiêng đó để chúng ta liên kết gắn bó với nhau giữa các Giáo sĩ và các Giáo dân thì chúng ta sẽ thấy ít nhất sự thành công như Cha Tường có nói là còn đường tu đức của Việt Nam. Nên chúng ta đi đến những linh đạo đó để giúp cho Giáo dân ở Hải ngoại này sống phong phú hơn.


Cha Stêphanô Lưu: - Thưa ÐC, tháng 8 năm nay chúng con có Ðại hội giới trẻ thế giới. Hôm nay chúng con cũng vận động các bạn trẻ lần cuối để các bạn trẻ đến tham dự. Chúng con cũng mong được đón tiếp ÐC ở ÐH với phái đoàn Việt Nam đến từ Hoa Kỳ. Như hôm qua Cha Tuấn có nói là Sư huynh Phong đến với 40 cái trống cái để chúng con đứng trên khán đài đón ÐTC Bênêđictô với người Việt Nam ở hải ngoại. Xin ÐC chuẩn bị để đến với chúng con.


Ðức Cha Mai Thanh Lương: - Thực sự là trước đó tôi chưa có ý đi. Nhưng khi ÐGH Bênêdictô được tuyển chọn thì tôi đổi ý định đi và ÐC chính bên đó cũng nói là tôi nên đi. Hôm qua tôi được sơ thư ký cho biết tôi có mấy ngày rảnh nên tôi sẽ đi vào dịp đó. Tuy nhiên tôi không phải đi với phái đoàn Việt Nam mà bên đó có những người Việt Nam đi riêng. Ðúng ra là đi chung với giới trẻ Mỹ, và tôi cùng đi với họ. Riêng đội trống của Sư huynh An Phong thì rất nổi tiếng bên Hoa Kỳ vì đã từng biểu diễn nhiều ở những nơi Mỹ và Việt, như lần ở ÐHGT bên Canada mà Cha có tham dự, đó là một màn diễn rất hay và mang sắc thái dân tộc.


- Trong dịp ÐHCG kỳ này tôi thấy Cha Tuấn và Cha Thủy kêu gọi các bậc phụ huynh quyên góp tài chánh để giúp cho các em tiếp khách không ở hải ngoại mà cả Việt Nam nữa. Nếu tôi sinh hoạt tôi sẽ có gắng tổ chức đối thoại giữa giới trẻ Việt Nam trong và ngoài nước để chúng ta chia sẻ những kinh nghiệm với nhau và để nối một nhịp cầu đặc biệt qua ÐH này.


Cha Stêphanô Lưu: - Vâng, ÐC đến với chúng con vào dịp 30 năm chúng con xa quê hương, 30 tháng tư mà người ta gọi là biến cố “Quốc hận” hay là biến cố mất nước. Ở đây chúng con đã được dân tộc Ðức chào đón rất là quý. ÐC đã thấy ông bà Thị trưởng đến. Sau 30 năm ÐC thấy CÐCGVN hải ngoại nói chung, CÐCGVN ở Mỹ hay ở Ðức cũng như CÐ ở trên khắp thế giới mà ÐC đã có dịp tiếp xúc thì ÐC thấy thế nào ?


Ðức Cha Mai Thanh Lương: - Theo tôi nhận thấy khách quan là người Việt chúng ta tiến nhanh và tiến mạnh như vấn đề học vấn của các em chẳng hạn, hay là vấn đề thương mại. Tôi biết ở bên này không như bên Mỹ là cơ hội làm ăn hay làm giàu rất dễ dàng nếu mình cần cù, vì thế ở Mỹ có nhiều người Việt rất giàu. Ðiều này tôi được biết lúc sang bên Cali tôi có dịp tiếp cận với người Việt. Nhờ vậy người Việt tham gia các Giáo xứ Mỹ rất là đông. Ngày thường tôi đi Lễ nhà Thờ Mỹ tôi thấy 70 đến 80 % là người Việt Nam tham dự, cho nên sự hiện diện của mình trong cộng đoàn của họ là một điều rất quý đối với họ. Tôi thấy rất nhiều ông bà già Việt đi Lễ, không biết họ có hiểu hết không, nhưng đã tham gia và hiệp thông với Mỹ. Nhất là trong những Giáo phận đông người Việt như Giáo phận của tôi ở Orange có những Giáo xứ người Việt chiếm tới 75 % nên họ gần như là thành phần chính trong Giáo xứ do Linh mục Mỹ coi sóc. Từ khi tôi đến thì chúng ta đã có 4 Linh mục Việt Nam làm Cha sở. Cho nên mức trưởng thành của chúng ta rất đặc biệt và tôi nghĩ bên Ðức rồi cũng sẽ có Cha sở là người Việt hay như bên Úc cũng thế.


Cha Stêphanô Lưu: - Chúng con cũng có một câu hỏi liên quan đến Giáo hội Việt Nam nhiều hơn. Như ÐC thấy chúng ta đã 30 năm xa quê hương và con cũng như ÐC lúc nào cũng giữ mảnh đất quê hương trong lòng. Con thấy ÐC tiếp xúc với các Giám mục VN rất nhiều. Con thì chưa có dịp nào về thăm lại quê hương và ÐC cũng vậy. Thế thì ÐC thấy chúng ta nên có sự đóng góp như thế nào cho Giáo hội VN trong giai đoạn này ?


Ðức Cha Mai Thanh Lương: - Tôi thì có về một lần khi tôi mới là Ðức Ông, còn khi làm GM tôi chưa về và dự định cuối năm nay hoặc đầu năm tới tôi sẽ về. Tôi sẽ đi thăm hết tất cả các Giáo phận. Tôi cũng có dịp tiếp xúc rất nhiều Ðức Cha khi có dịp sang đây đều đến thăm, thành thử tôi có cơ hội chia sẻ với nhau. Có những ưu tư các Ngài nói với tôi cần đến sự giúp đỡ của CÐVNHN. Như các Ngài rất cần đến nhân sự nên nói Hoa Kỳ là nơi để các Ngài có thể gửi các tu sĩ sang đây tu học hoặc tu nghiệp rồi trở về giúp cho GHội. Chúng ta trồng người là điều đặc biệt quan trọng. Các Ngài cũng cần tài chánh để dạy chữ cho các em mù chữ ở các làng. Một khi mù chữ thì có học thêm như học nghề cũng chẳng được. Ðấy là điểm chúng ta cần ủng hộ cho GHVNam những chương trình như vậy. Như thế chúng ta giúp cho toàn diện người Việt không phân biệt Tôn giáo để họ có tương lai hơn. Tôi mới họp với 13 Hội Từ thiện và được biết sắp tới họ sẽ giúp đào tạo nghề cho những người Việt Nam trong nước, không những dạy nghề mà giúp mình có việc làm ăn nữa, bằng cách dạy cho mình các tiểu công nghệ để mình có thể tự sản xuất bán ra thị trường. Tôi có biết các Sư huynh có dạy điêu khắc ở một trường và tuy vẫn còn nhỏ lắm. Cho nên tôi nói các sư huynh nên hợp nhau lại và mở rộng ra, tuy mình làm lớn quá họ không cho phép, nhưng mình làm nhỏ quá thì không có lợi. Và còn rất nhiều dịch vụ khác mà chúng ta phải giúp đỡ họ. Trong 30 năm qua phải nói là chính quyền VN không để ý gì đến quá trình giáo dục, hoặc nếu có thì khi ra trường thì những kỹ sư không có việc làm, cho nên cái học vô lý, không có ý nghĩa gì cả.


Cha Stêphanô Lưu: - ÐC thấy trong cuộc đời Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 luôn đặt Việt Nam trong trái tim của Ngài và Ngài đã bao nhiêu lần ước mơ được đặt chân đến VN. Tuần trước ÐGH Bênêđictô tiếp đón phái đoàn Ngoại giao của 175 nước có thiết lập ngoại giao với Tòa Thánh, trong đó người ta đặt vấn đề Ngài xin thiết lập ngoại giao với 3 nước là Việt Nam, Trung Cộng và Cuba, vậy thưa ÐC rằng trong tương lai gần hoặc xa Tòa Thánh cũng sẽ lập ngoại giao với VN, như thế chúng ta có hy vọng đón tiếp ÐTC đến thăm quê hương của chúng ta không ?


Ðức Cha Mai Thanh Lương: - Tôi nghĩ rằng điều đó có thể đến, vì Ðức cố GH Gioan Phalô Ðệ nhị đã mơ ước nhưng Ngài chưa thực hiện được và ÐGH Bênêđictô đang đi vào đường hướng của Ðức cố GH GP 2, cho nên khi Ngài đi thăm các nước thì VN sẽ là nơi đầu tiên của Ngài sẽ thăm viếng, tôi nghĩ như thế. Còn việc bang giao mà Cha nhắc đến thì tôi thấy đó là một điều tốt. Chúng ta đã thấy khi ÐGH GP 2 qua đời chính phủ VN đã gửi thư chia buồn, đó là điều mà trước kia họ không để ý tới. Như vậy họ đã mở một cánh cửa và qua đó ÐGH mới nói đến việc bang giao giữa VN với Tòa Thánh.


Cha Stêphanô Lưu: - Với tất cả niềm hy vọng chúng con hướng về Ðức Mẹ, là Linh đạo của tất cả người Công giáo VN ở Hải ngoại, chắc chắn không thể nào không gắn bó với quê hương qua Ðức Mẹ La Vang và các Thánh Tử Ðạo VN. Cuối cùng con xin ÐC kết thúc với hình ảnh Ðức Mẹ La Vang cho bà con Giáo dân Hải ngoại được biết rõ.


Ðức Cha Mai Thanh Lương: - Về việc kỷ niệm 200 năm Ðức Mẹ La Vang thì có tổ chức rất lớn tại Thủ đô Washington của nước Mỹ, lúc đó 130 Linh mục và khoảng 15 ngàn người vùng Ðông Bắc nước Mỹ tụ họp về một Thánh đường lớn, đó là Thánh đường Ðức Mẹ Vô Nhiệm Nguyên Tội của Giáo hội Hoa Kỳ. Về mọi mặt thì Ðức Hồng Y ở Thủ đô đã khen và chính Ðức Khâm sứ lúc bấy giờ là Ðức Tổng Giám Mục Casia Vilan nói nhỏ rằng: “ Các bạn tổ chức còn lớn hơn cả Hoa Kỳ. “ Cho nên tôi đã xin phần chỗ cuối cùng của Thánh đường đó để thiết lập một Nhà Nguyện cho Ðức Mẹ La Vang. Nhưng thực sự chúng ta là người VN và Ðức Mẹ La Vang đã hiện ra trong truyền thống và văn hóa của người VN. Lời truyền khẩu Ðức Mẹ đã nói rằng: “ Lời tin nguyện của chúng con đã kéo Mẹ từ Thiên đàng đến chốn này, cho nên những ai đến đây cầu khẩn Mẹ thì Mẹ sẽ không bao giờ không trả lời. “


Ðấy là lời hứa mà có lẽ không có nơi nào trên thế giới này khi Ðức Mẹ hiện ra và hứa như vậy. Nơi nào Ðức Mẹ cũng đặt điều kiện phải giữ được cái này thì mới đạt được cái kia, như hòa bình thế giới chẳng hạn. Nhưng ở La Vang Ðức Mẹ lại hứa như vậy, cho nên đó là một lời thách đố cho người Việt Hải ngoại và ngay cả trong nước là làm sao sống đúng chứng từ đó và sứ điệp đó. Rồi chúng ta biết rằng các Thánh Tử Ðạo VN luôn ở bên cạnh Ðức Mẹ La Vang vì Ðức Mẹ hiện ra để che chở những Giáo hữu và trong lúc bị bách hại thì những người Công giáo VN đã tề tựu chung quanh tà áo từ bi của Ðức Mẹ, cho nên 117 vị Thánh Tử Ðạo luôn ở bên cạnh Ðức Mẹ. Nhưng không chỉ 117 mà có đến 130 ngàn vị Tử Ðạo và do đó chúng ta có một sức mạnh rất đặc biệt trên Thiên đàng cầu bầu cho cá nhân, cho gia đình, cho công đoàn và tập thể Công giáo ở Quốc nội cũng như Hải ngoại.


Cha Stêphanô Lưu: - Chúng con cảm ơn ÐC rất nhiều đã dẫn dắt chúng con một cuộc nói chuyện rất tâm tình và nhiều ý nghĩa cũng như hướng dẫn chúng con ở trong cuộc sống. Ðức Cha đã kể lại cho chúng con rằng khi ÐC chịu chức Giám Mục thì ÐGH Gioan Phaolô 2 trao cho ÐC 3 cây Thánh Giá, con xin Ðức Cha vác 3 cây Thánh Giá đó với tất cả niềm tin theo chân các Thánh Tử Ðạo Việt Nam. Chúng con xin chúc Ðức Cha trở về thượng lộ bình an và cho con gửi lời thăm tất cả bên đó.