1. Thông tấn Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ca ngợi nam nữ tu sĩ Việt Nam tại bệnh viện dã chiến

Hôm 23 tháng 9, Thông tấn xã Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục có bài “Prayers for dead among religious’ duties at Vietnamese field hospital”, nghĩa là “Những lời cầu nguyện cho người chết nằm trong số các nghĩa vụ của các tu sĩ tại một bệnh viện dã chiến”.

Đúng 7h30 tại bệnh viện dã chiến số 16, các nam nữ tu sĩ bắt đầu ca trực bằng những lời cầu nguyện cho những bệnh nhân vừa tử vong vì COVID-19.

Các nhân viên tuyến đầu là thành viên của các dòng khác nhau ở thành phố phía Nam. UCANews cho biết các vị là những người tình nguyện hỗ trợ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm coronavirus cũng như thực hiện công tác hậu cần.

Vào tháng 7, giới cầm quyền ở Việt Nam đã kêu gọi các tình nguyện viên ở Sài Gòn giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ngay sau đó, khoảng 700 tình nguyện viên từ các tổ chức tôn giáo đã tham gia tại các bệnh viện dã chiến.

Bên cạnh việc chăm sóc người bệnh và hậu cần, họ còn thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt: đó là Cầu nguyện trước phòng lạnh của những người đã chết vì COVID-19 mỗi ngày.

“Tất cả nhân viên y tế và tình nguyện viên đều ý thức được vai trò là người nhà của bệnh nhân, vì bệnh nhân đến đây một mình. Nếu bệnh nhân tử vong, ngay cả gia đình cũng không thể có mặt. Vì vậy, tôi luôn muốn làm điều gì đó cho họ. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho tất cả các bệnh nhân ở đây”, Sơ Thùy Linh, một thành viên của Dòng Nữ tu Thánh Phaolô thành Chartres, nói.

Sơ đã so sánh đại dịch này với một cuộc chiến mà không ai có thể tưởng tượng được: “Đây quả thực là một trận chiến vô cùng khốc liệt. Nhận thấy sự khốc liệt đó, chúng tôi có nghĩa vụ góp sức với các bác sĩ, và y tá. Chúng tôi đến đây để hỗ trợ và làm việc với các nhân viên y tế”.

Thầy Quang Phùng, một chủng sinh Dòng Chúa Cứu Thế, giải thích những gì các tình nguyện viên thực sự làm trong bệnh viện dã chiến: “Chăm sóc bệnh nhân là một thuật ngữ chung. Đặc biệt, chúng tôi thay tã, thay giường, lấy thức ăn cho bệnh nhân ăn, thăm hỏi, khích lệ. Nếu bệnh nhân cần bất cứ thứ gì, chúng tôi sẽ đi lấy cho họ”.

Sơ Thùy Linh cho biết đây không phải là công việc dễ dàng, nhất là khi sơ phải mặc đồ bảo hộ y tế dã chiến.

Sơ nói: “Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ. Xung quanh tôi là những người cần thở. Trong khi tôi vẫn có thể thở, tôi cần phải giúp họ”.

Cha Anphongsô Trần Ngọc Hương, linh mục Dòng Chúa Cứu Thế cảm thấy xúc động khi xem một đoạn video của các tình nguyện viên và viết: “Tôi thấy các nam nữ tu sĩ đang đứng trước các thùng chứa, cầu nguyện cho những người đã qua đời do COVID-19 để linh hồn họ được yên nghỉ và họ có thể nhẹ nhàng và thanh thản ra đi. Tôi cũng thấy họ làm dấu thánh giá. Trái tim tôi cảm thấy thực sự bồi hồi. Tôi tự hỏi bản thân: Mỗi ngày, tôi làm dấu thánh giá như một thói quen bao nhiêu lần, và bao nhiêu lần tôi làm với tinh thần tin tưởng như những tình nguyện viên đó?”
Source:Crux

2. Các giám mục Đức kêu gọi tiếp tục trợ giúp nhân đạo cho Afghanistan

Các giám mục Công Giáo Đức kêu gọi tiếp tục trợ giúp nhân đạo cho dân Afghanistan, cả sau khi Taliban lên nắm chính quyền tại nước này.

Tuyên bố hôm 22/9 vừa qua, tại Đại hội mùa thu của Hội đồng Giám mục Đức, tiến hành tại thành phố Fulda, Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Đức về Giáo hội hoàn vũ, nói rằng: “Chúng ta cần nói chuyện với những người Taliban để tiếp tục và mở rộng các hoạt động trợ giúp. Nhiều người dân Afghanistan đang bị nạn đói đe dọa và chúng ta không thể dửng dưng trước tình trạng này. Vấn đề bây giờ là tìm kiếm những khả thể mới để giúp đỡ, đặc biệt cho các phụ nữ”.

Theo Hội đồng Giám mục Đức, hai cơ quan từ thiện của Công Giáo Đức, là Misereor và Phân bộ Caritas quốc tế, vẫn còn hoạt động tại Afghanistan. Tuy nhiên, nhiều dự án hiện thời không thể tiếp tục được. Tất cả các cộng tác viên người Đức đã rời khỏi Afghanistan.

Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Đức là Đức Cha Heiner Wilmer, nói rằng đây là một nghĩa vụ luân lý cần giúp đỡ. Đức Cha đặc biệt lo âu cho những người Afghanistan nam, nữ đã cộng tác với các tổ chức trợ giúp phát triển của Đức. “Chúng tôi có những tin tức cho biết những người Taliban đã thiết lập danh sách những người đã cộng tác với các cơ quan Đức, và đây không phải là điều tốt”.

Đức Cha Wilmer, là giám mục giáo phận Hildesheim, e ngại rằng các trẻ nữ và phụ nữ đã được giáo dục trong những năm qua và được tự lập, sẽ lâm vào tình trạng thê thảm. Ngài kêu gọi phân tích sâu rộng về những lý do tại sao nhiều sứ vụ tại Afghanistan trong những năm qua đã không đạt mục tiêu và tại sao Tây phương bây giờ đang đối đầu với những thất bại của sự dấn thân quốc tế. Đức Cha phê bình sự can thiệp quân sự tại Afghanistan hầu như không để ý đến văn hóa của dân chúng địa phương và chỉ để ý đến những nhu cầu an ninh ngắn hạn.
Source:Der Tagesspiegel

3. Một Chút Tâm Tư Của Y Bác Sĩ Công Giáo Nơi Tuyến Đầu

Bao tháng ngày qua, dịch bệnh hoành hành kéo dài không dứt, với con số người nhiễm bệnh vẫn cứ tăng cao. Trong bao tháng ngày của đại dịch đó, các y bác sĩ phải ngày đêm gồng mình đi phục vụ tại các bệnh viện dã chiến, tạm xa gia đình người thân, gác lại những dự tính của cá nhân, quên mình vì người khác... Các vị đã hi sinh âm thầm lặng lẽ, chỉ mong sao cứu sống các bệnh nhân mà mình đang chăm sóc.

Khi làm thiện nguyện viên, tôi có làm việc chung với nhiều y bác sĩ là người Công Giáo tại bệnh viện Hồi Sức Cấp Cứu. Tôi thấy họ vất vả làm việc, không than vãn, cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân qua cơn nguy kịch, âm thầm cầu nguyện cho các bệnh nhân sắp ngưng thở... Tôi hỏi về tâm tư của các anh chị thì có một nữ bác sĩ trẻ chia sẻ chút tâm tư:

“Hôm nay nhận được tin nhắn từ một thầy đã từng tham gia thiện nguyện trong mùa Covid, được hỏi về nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, về tâm tư khi đi chống dịch, bất chợt trong lòng tôi có một chút bâng khuâng. Mỗi người, một nỗi niềm riêng; để trong lòng hay nói ra thì đó cũng là chuyện riêng tư…

Với tôi, ở nơi xa ấy có người cha già đau yếu, ngày ngày chống chọi với căn bệnh mãn tính. Anh chị tôi làm công nhân cũng vật lộn với cái khó chung của xã hội. Dù ít nói chuyện, ít gặp gỡ, nhưng có một mối dây vô hình là tình thương bao bọc lẫn nhau.

Còn với tính cách của tôi, tôi vẫn lặng lẽ dõi theo, âm thầm quan tâm đến người thân, vì với gia đình, tôi không đủ can đảm và mạnh mẽ như bên ngoài mà mọi người vẫn thấy. Thậm chí có lúc tôi còn làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi vẫn mong rằng mọi người sẽ vì thế mà bớt quan tâm tới tôi. Tôi đã nợ họ quá nhiều, nhiều hơn rất nhiều so với những điều tôi làm được cho họ.

Dần dần tôi nhận ra, thời gian sẽ qua đi, nên tôi muốn cho tình yêu được thể hiện nhiều hơn theo đúng nghĩa của nó. Vì thế, tôi đã khác, tôi đã cho người thân trong gia đình thấy tôi cười nhiều hơn. Chỉ vậy thôi nhé, tôi xin phép không nhắc đến những mất mát, những thương tích của những người thân yêu ấy.

Lần này tôi đi theo tiếng gọi của đất nước, cũng là đi theo tiếng lòng muốn dấn thân của tôi. Tôi đã nguyện dâng và phó thác mọi sự cho Đức Trinh Nữ Maria - Mẹ của đời tôi. Gia đình thân yêu của tôi, chắc chắn Mẹ Maria đã thay tôi chăm sóc và Mẹ còn ban ơn cho gia đình tôi nhiều hơn những gì tôi có thể nghĩ ra được.

Tôi cũng không nhớ nhà, chỉ có chạnh lòng mỗi lúc nghe tin cha tôi trở bệnh. Nhưng tôi vẫn tin có Mẹ Maria lo cho cha tôi. Tôi đã nói dối gia đình rằng: tôi không tiếp xúc với bệnh nhân Covid vì sợ mọi người lo lắng. Đó là tôi sợ thôi, chứ biết đâu họ lại rất mong tôi làm việc có ích như thế thì sao nhỉ? Nhưng dù sao, tôi vẫn cứ sợ họ lo lắng…

Nhưng vào đây rồi, đã qua một khoảng thời gian không ngắn không dài, tôi xác tín: Những người bệnh tôi gặp chính là người thân của tôi, và tôi sẽ là người thân của họ. Có nỗi đau nào như nỗi đau chia ly: lúc yếu đuối nhất, chính là giờ phút cuối đời, cũng không gặp được người mình thương. Những bệnh nhân covid đã trải qua những nỗi đau thật đau ấy. Vậy nỗi đau, nỗi sợ riêng tư của tôi đâu có là gì. Không là gì cả!

Tôi lại nhận ra rằng: Tình yêu thương sẽ là liều thuốc tốt, cùng với các trị liệu khác, sẽ cho bệnh nhân thêm chút an lòng. Tình yêu sẽ lớn hơn mọi nỗi sợ hãi và đớn đau. Tôi cũng học được điều đó nơi những đồng nghiệp, những tình nguyện viên đang trao gửi yêu thương ở đây.

Đó là một chút tâm tư cá nhân. Tôi chia sẻ một chút thôi, không đại diện cho tổ chức, không đại diện cho một ai khác, mà chỉ là tâm tư của cá nhân tôi.

Hy vọng bầu trời xanh mãi xanh, tình yêu mãi là tình yêu chân thành. Trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh, dù có ra sao, hãy tin rằng một vầng sáng tươi đẹp vẫn ở đâu đó. Nếu bạn thực sự muốn tìm, bạn sẽ thấy. Nguyện chúc bình an của Đức Kitô đến cho tất cả mọi người.”

Trong nơi bệnh viện này, các y bác sĩ không phân biệt bệnh nhân là ai, từ đâu đến, họ luôn chăm sóc bệnh nhân như chính người thân của mình. Một chị điều dưỡng chia sẻ:

“Con đang trực đêm tại bệnh viện, có một bác 65 tuổi mới vô, đang ngủ và được theo dõi sát, mà bác đó không ăn cơm, còn mặc đồ lịch sự thắt dây nịt. Tự nhiên con nhớ đến ba con. Xong rớt nước mắt, mong ba mẹ luôn bình an trong sự quan phòng của Chúa.

Chỉ cần nhìn thấy các bác lớn tuổi, mà một thân một mình vô bệnh viện vì Covid là lòng con lại nghĩ đến ba mẹ ở nhà. Trong đại dịch này, con cảm nhận được Chúa muốn dùng con làm việc của Chúa, dù con yếu đuối... nên Chúa ơi, Chúa cùng con làm việc của Chúa. Vậy xin Chúa gìn giữ những người con thương yêu, Chúa nhé!”

Xin cám ơn tấm lòng, trái tim của các y bác sĩ - đã dành cho bệnh nhân là chính anh em của mình như Chúa đã dạy “hãy yêu thương nhau”.

Xin Chúa luôn đồng hành cùng các anh chị trên con đường phục vụ này.

Xin Chúa ra tay ngăn chặn cơn dịch bệnh để các anh chị trở về với gia đình, trở lại cuộc sống bình thường. Cái ‘bình thường cũ’ đã qua đi rồi, chúng ta cùng sống trong cái ‘bình thường mới’...

Linh mục Antôn Chung Chí Tâm, LaSan