Một ủy ban độc lập đã phát hiện ra nhiều vụ lạm dụng tình dục trong Giáo Hội Công Giáo tại Pháp trong bảy thập kỷ qua, và đưa ra những lời kêu gọi cải cách.

Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo Hội, gọi tắt theo tiếng Pháp là CIASE đã bắt đầu hoạt động cách đây ba năm theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Pháp và Hội Đồng Các Bề Trên Thượng Cấp. Chúng tôi xin nhắc lại chi tiết này một lần nữa: Ủy ban này hoạt động độc lập NHƯNG DO CHÍNH CÁC GIÁM MỤC PHÁP và HỘI ĐỒNG CÁC BỀ TRÊN CÁC DÒNG TU THÀNH LẬP nhằm tìm hiểu một cách khách quan thực trạng của tội lỗi lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ.

Hôm thứ Ba 5 tháng 10, Ủy ban đã đưa ra một báo cáo dài 500 trang, kèm theo khoảng 2,000 trang tài liệu hỗ trợ. Ủy ban ước tính có khoảng 330,000 nạn nhân, trong đó có khoảng 216,000 nạn nhân bị các linh mục lạm dụng.

Con số cao như thế là ước tính cả các nạn nhân tiềm năng, tức là những người có thể đã bị lạm dụng nhưng không báo cáo. Nói cụ thể là như thế này, ủy ban đã xác định được 2,700 nạn nhân lạm dụng từ năm 1950 đến năm 2020 thông qua các cuộc phỏng vấn và 4,800 người khác thông qua nghiên cứu lưu trữ. “Từ đó, Ủy ban đã làm việc với một cơ quan thăm dò ý kiến và Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Pháp để ước tính tổng số nạn nhân có tiềm năng bị các giáo sĩ lạm dụng trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 2020, ở mức 216,000. Ủy ban ước tính có khoảng 3,200 kẻ đã thực hiện những hành vi lạm dụng đó.”

CIASE cho biết 2/3 số kẻ lạm dụng là các linh mục và tu sĩ, số còn lại là giáo dân làm việc cho Giáo hội. Khoảng 80% nạn nhân là trẻ em trai, chủ yếu là trẻ em từ 10 đến 13 tuổi.

Jean-Marc Sauvé, chủ tịch của ủy ban, cho biết trong một cuộc họp báo ở Paris hôm thứ Ba: “Giáo hội đã không nhìn thấy hoặc không nghe thấy, không nhận được các tín hiệu yếu ớt, không thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt cần thiết. Trong nhiều năm, Giáo hội đã thể hiện ‘sự thờ ơ sâu sắc, hoàn toàn và thậm chí tàn nhẫn đối với các nạn nhân’,” ông nói.

Sauvé chỉ ra rằng phản ứng của Giáo hội đối với tội lỗi lạm dụng tình dục bắt đầu thay đổi vào khoảng năm 2000. “Rõ ràng là tình thế đã có những tiến bộ trong 70 năm qua,” ông nói. “Nhưng một điểm chính là, cho đến đầu những năm 2000, Giáo Hội đã thể hiện sự thờ ơ sâu sắc, hoàn toàn và thậm chí tàn nhẫn đối với các nạn nhân. Tất nhiên, một sự thay đổi đã được khởi xướng từ những năm 2000 với sự bất khoan nhượng, lên án các hành vi lạm dụng trẻ em, v.v., nhưng chính sách đã chậm được đưa ra”.

Báo cáo cho biết hơn một nửa số vụ lạm dụng xảy ra từ năm 1950 đến 1969. “Các vụ lạm dụng tính dục giảm dần từ năm 1970 đến 1990, thời kỳ ơn gọi linh mục và ảnh hưởng của Giáo hội cũng giảm xuống, và sau đó đạt đến một mức không đổi kéo dài cho đến ngày nay”.

Người đứng đầu Hội đồng Giám mục Pháp, Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort của tổng giáo phận Reims, nhận xét tại cuộc họp báo: “Tôi bày tỏ sự xấu hổ, nỗi sợ hãi, và quyết tâm hành động với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục để thái độ từ chối không nghe, không thấy không xảy ra nữa, để ao ước muốn che dấu, và sự miễn cưỡng công khai lên án biến mất khỏi thái độ của các nhà chức trách Giáo Hội, các linh mục và mục tử, cũng như tất cả các tín hữu”.

Gọi quy mô của tội lỗi lạm dụng là “kinh khủng”, Đức Tổng Giám Mục de Moulins-Beaufort nói rằng tiếng nói của các nạn nhân “khiến chúng ta xúc động sâu sắc. Số lượng của các vụ lạm dụng tính dục khiến chúng ta choáng ngợp. Nó vượt xa những gì chúng ta có thể đã tưởng tượng ra”.

Ủy ban được thành lập vào năm 2018 bởi Hội đồng Giám mục Pháp và Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp, để đáp ứng với ngày càng nhiều các tuyên bố lạm dụng tình dục trong lịch sử. Ủy ban đã nghiên cứu hồ sơ của Giáo hội, tòa án và cảnh sát cũng như các báo cáo trên phương tiện truyền thông và nghe từ khoảng 6,500 người - cả nạn nhân và những người thân cận với họ.

Sơ Véronique Margron, Chủ tịch Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp, bày tỏ “nỗi buồn vô hạn” và “sự xấu hổ sâu xa” của mình khi đối mặt với điều mà sơ gọi là “tội ác chống lại nhân loại.”

Hai trong số các tội danh bị cáo buộc, vẫn có thể khởi kiện, đã được chuyển cho các công tố viên Pháp. Bốn mươi trường hợp đã hết thời hiệu nhưng các thủ phạm được cho là vẫn còn sống, đã được gửi đến các quan chức của Giáo hội.

Khuyến nghị

Ủy ban đã đưa ra 45 khuyến nghị để cải cách, bao gồm sửa đổi Bộ Giáo luật, cải thiện sự phân định và đào tạo cho các chủng sinh, và thiết lập các hoạt động nhìn nhận cụ thể như việc cử hành các nghi lễ công cộng, cử hành phụng vụ tưởng nhớ những đau khổ đã gây ra, tưởng niệm các nạn nhân và sự đau khổ của họ, v.v..

Một sửa đổi đối với Giáo luật sẽ có hiệu lực vào ngày 8 tháng 12, do Đức Thánh Cha Phanxicô khởi xướng, sẽ chuyển tội lỗi tấn công tình dục từ loại tội lỗi chống lại sự khiết tịnh sang loại tấn công vào tính mạng và phẩm giá của con người.

Sauvé, một quan chức cấp cao của Pháp và là cựu phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước cho biết: “Đó là bước đầu tiên”.

Nhưng CIASE khuyến nghị đi xa hơn nữa, yêu cầu Giáo hội xác định trong giáo luật “tất cả các tội phạm tình dục đối với trẻ vị thành niên hoặc một người dễ bị tổn thương, nêu bật các yếu tố cấu thành của mỗi tội, các tội danh và các hình phạt tương ứng.” Mục tiêu là “để tăng tính dễ hiểu của luật này, đưa ra mức độ nghiêm trọng của các vi phạm,” và “để hài hòa việc giải thích các tiêu chuẩn tham chiếu”.

Ủy ban cũng đề nghị xem lại câu hỏi về Ấn tín bí tích Giải tội, là nghĩa vụ mà một linh mục phải giữ bí mật mọi điều đã được biết trong tòa giải tội. Luật dân sự của Pháp tôn trọng điều đó, nhưng CIASE lập luận rằng nghĩa vụ pháp lý báo cáo bạo lực tình dục đối với trẻ vị thành niên hoặc những người dễ bị tổn thương được ưu tiên hơn nghĩa vụ giữ bí mật.

Báo cáo khuyến nghị rằng Giáo hội nên giải quyết “những tình huống khó xử về đạo đức và thậm chí cả thần học có thể là kết quả của sự xung đột” giữa hai nghĩa vụ này.
Source:Aleteia