Thần học gia Công Giáo thế kỷ 20 nổi tiếng bậc nhất và kiêm nhiều danh hiệu nhất phải kể là linh mục Hans Urs von Balthasar. Thật vậy, ngài vừa là linh mục, vừa là thần học gia, tác giả viết nhiều nhất, nhà xuất bản, chủ bút, dịch giả, sáng lập một hội dòng đời và một tạp chí thần học nổi tiếng, hiện có tới 11 ấn bản khắp thế giới, trong đó có ấn bản Ba Lan mà Karol Wojtyla (Đức Gioan Phaolô II) có thời làm chủ bút.



Tuy không được cử làm chuyên viên Công Đồng Vatican II như 2 người đồng sáng lập tạp chí Communio(Henry de Lubac và Joseph Ratzinger tức Đức Bênêđíctô XVI), một phần do sự kiện ngài ra khỏi Dòng Tên vì sự hợp tác với người tân tòng kiêm thị nhân von Speyr, ngài được Đức Phaolô VI rất ưu ái và năm 1969, đã cử ngài vào cơ quan mới thành lập là Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, đồng thời là thư ký thần học của Kỳ họp Thường lệ Toàn thể Lần Thứ hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Chức Linh Mục năm 1971.

Khỏi nói, Đức Gioan Phaolô II hết lòng ngưỡng mộ ngài. Năm 1984, Đức Gioan Phaolô II trao tặng ngài Giải thưởng Quốc tế Phaolô VI. Một năm sau, tại Rôma, một hội nghị chuyên đề về von Speyr, người vốn là nguyên nhân của nhiều nghi ngờ nhắm vào ngài trước đây, đã được tổ chức, hoàn toàn nhằm vinh danh ngài trong cố gắng truyền bá các viễn kiến và cả các thị kiến của người phụ nữ ưu tú và nhiều đặc sủng này. Chính vị Giáo Hoàng này đã chính thức nâng ngài lên hàng Hồng Y. Nhưng ngài qua đời hai ngày trước khi mũ Hồng Y được chính thức đội lên đầu ngài.

Trong điện văn chia buồn nhân tang lễ ngài ngày 30 tháng 6 năm 1988, Đức Gioan Phaolô gọi ngài là “người con vĩ đại của Giáo Hội, một con người xuất chúng của thần học và nghệ thuật, người xứng đáng một chỗ đứng đặc biệt vinh dự trong đời sống Giáo Hội và văn hóa đương thời”.

Cũng trong lễ an táng trên, dù là bậc thầy và gợi hứng lớn của Balthasar, Đức Hồng Y Henry de Lubac ca ngợi công trình của ngài “thật mênh mông về tầm cỡ và chiều sâu đến độ Giáo Hội đương thời chưa thấy có gì so sánh bằng”.

Đức Hồng Y nhận định thêm: “Trong một thời gian dài sắp tới, toàn thể Giáo Hội sẽ dược hưởng nhờ nó. Dù chắc chắn những điều này không thể thiếu, Hans Urs von Balthasar không phải là người cho các ủy ban, các cuộc thảo luận, các công thức thỏa hiệp, hay các dự thảo tập thể. Nhưng các bản văn Công Đồng từ chúng mà có, của Vatican II và của mọi Công Đồng trước đó, tạo ra một kho báu không phải một sớm một chiều mà có được: các Công Đồng là công việc của Chúa Thánh Thần, và do đó, các bản văn này chứa đựng nhiều hơn là các vị biên soạn khiêm tốn của chúng có ý thức đặt vào trong chúng. Khi thời sau này chịu khai thác kho báu này, họ sẽ thấy để hoàn thành trách vụ này, không công trình nào hữu ích và đầy tài nguyên bằng công trình của Balthasar”.

Để chứng minh, Henry de Lubac cho hay: “Một điều chúng ta thấy ngay: không có đề tài nào được Vatican II bàn luận mà lại không tìm thấy một bàn luận sâu sắc, và trong cùng một tinh thần và chiều hướng như Công Đồng, trong công trình của ngài. Mạc khải, Giáo Hội, đại kết, chức linh mục, phụng vụ Lời Chúa, và phụng vụ Thánh Thể chiếm phần đáng kể. Những tầm nhìn thông sáng đầy giá trị về đối thoại, về dấu chỉ thời đại và về các phương tiện truyền thông xã hội cũng tìm thấy ở đó...Trước khi các nghị phụ Công Đồng nhấn mạnh rằng vai trò nổi bật của Chúa Kitô phải được nhìn nhận trong các sơ đồ về Giáo Hội và mạc khải, von Balthasar đã thấy nó cần thiết rồi. Tiếng nói của ngài là tiếng vang đi trước, có thể nói như thế, của các tiếng vang phát ra tại Nhà Thờ Thánh Phêrô yêu cầu phải có một tuyên bố thỏa đáng về vai trò Chúa Thánh Thần. Trinh nữ Maria trong mầu nhiệm Giáo Hội, nguyên mẫu và sự hoàn thành dự ứng của ngài vốn là một trong các chiêm niệm ưa thích của ngài. Từ tốn nhưng đầy sức mạnh yêu thương, ngài vốn lên án những cơn cám dỗ muôn thuở của các chức sắc Giáo Hội, “quyền lực” và “chiên thắng”, và cùng một lúc nhắc nhở mọi người sự cần thiết làm chứng nhân bằng “phục vụ”.

Henry de Lubac nói thêm: “Người đàn ông này có lẽ là người học thức nhất thời ngài. Nếu có một nền văn hóa Kitô giáo, thì đây là chính nó! Cổ điển cổ đại, các nền văn chương vĩ đại Âu Châu, truyền thống siêu hình, lịch sử các tôn giáo, các khám phá thăm dò đa dạng con người đương thời và trên hết, các khoa học thánh, Thánh Tôma, Thánh Bonaventura, giáo phụ học, chưa nói tới Kinh Thánh, không môn nào không được trí tuệ vĩ đại này nghinh đón và làm cho sinh động. Các nhà văn và thi sĩ, các nhà huyền nhiệm và triết gia, cũ và mới, Kitô hữu mọi hệ phái, tất cả được mời gọi góp phần đặc thù của họ. Tất cả đều cần thiết cho thành tựu sau cùng của ngài, tạo vinh quang lớn lao hơn cho Thiên Chúa, cho hợp xướng Công Giáo”.

Đức Bênêđíctô XVI mô tả Hans Urs von Balthasar và Henry de Lubac như “hai nhà thần học được ngài đánhh giá cao hơn cả”. Trong cuộc phỏng vấn năm 2016, lúc đã hưu trí, Đức Bênêđíctô XVI nói rằng ngài có chung “ý hướng nội tâm” và “viễn kiến” với Balthasar, nhận định một cách tích cực “quả không tin được những điều người đàn ông này viết và làm”.

Tháng 10 năm 2005, nhân dịp một hội nghị quốc tế mừng 100 năm ngày sinh của Balthasar, “nhà thần học người Thụy Sĩ mà tôi biết và hân hoan được gặp thường xuyên”, Đức Bênêđíctô XVI đã gửi một thông điệp tới hội nghị. Trong đó, ngài cho biết ngài coi “suy tư thần học của ngài duy trì nguyên vẹn tính thời sự sâu sắc của nó cho tới tận ngày nay và vẫn còn khuấy động nhiều người chịu vào sâu hơn các chiều thăm thẳm của mầu nhiệm đức tin, tay trong tay với hướng dẫn viên có thế giá nhất này”.

Điều được Đức Bênêđíctô XVI lưu ý là Balthasar đặt việc nghiên cứu của ngài phục vụ Giáo Hội, vì ngài xác tín rằng thần học chỉ có thể có âm sắc Giáo Hội. Theo quan niệm của ngài, thần học phải kết duyên với linh đạo, chỉ có thế, nó mới sâu sắc và hữu hiệu.

Còn Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô, chúng tôi chưa có tài liệu nào cho thấy ngài tuyên bố gì về Balthasar. Elise Harris của CNA, trong bài “The theological formation of Pope Francis” đăng trên trang mạng của CNA ngày 17 tháng 3 năm 2018, cho hay Đức Hồng Y Bergoglio “quen thuộc với Hans Urs von Balthasar... được coi là một trong số thần học gia gây ảnh hưởng nhiều nhất của thế kỷ 20”. Tu Thanh Ha, trên The Global and Mail (https://www.theglobeandmail.com/news/national/theologians-parse-popes-words-for-the-gospel-of-balthasar/article10548791), trích dẫn Carolyn Chau, một nhà thần học của Cao đẳng King thuộc Đại Học Tây Ontario, cho hay: triều Giáo Hoàng Phanxicô chắc chắn cũng tiếp tục đường hướng Balthasar như hai triều Giáo Hoàng trước. Nhà thần học này cho rằng “chủ trương sống đạm bạc và việc nhấn mạnh đến việc phục vụ người nghèo nối kết Đức Phanxicô với các khía cạnh chủ chốt trong công trình của nhà thần học người Thụy Sĩ”. Balthasar vốn từng viết về việc cần thiết Giáo Hội phải từ bỏ giầu có vốn gây trở ngại nhiều hơn là chứng tá. Trong thần học của Balthasar, cũng có nói nhiều đến việc thánh thiện đơn giản.

Tu Thanh Ha cũng nhắc đến hồi còn là Hồng Y Jorge Bergoglio, Đức Phanxicô, nhân tham dự Đại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 49 tại Quebec năm 2008, một đại hội có sự tham dự và thuyết trình của em gái Đấng Đáng Kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, có trích dẫn Balthasar để nói rằng: “sự thánh thiện của Giáo Hội không phát xuất từ đặc quyền bản thân hay xã hội mà đúng hơn từ việc phục vụ”.

Trên Tạp chí Homiletic and Pastoral Review (https://www.hprweb.com/2015/02/we-will-be-judged-by-love-and-other-insights-of-jorge-bergoglio), tác giả Eduardo Echeverria đặt cuốn Only Love Can Save Us gồm các thư từ, bài giảng và bài nói chuyện trong các năm từ 2005 tới 2013 của Đức Hồng Y Bergoglio, bên cạnh cuốn Love Alone Is Credible của Balthasar, cho thấy hai vị này rất ăn ý với nhau về chủ đề tình yêu.

Theo Echeverria, Đức Hồng Y Bergoglio dạy rằng trong bất cứ cuộc gặp gỡ đồng loại nào, chúng ta đều sẽ bị Thiên Chúa phán xét bởi lượng tình yêu tuyệt đối mà Người đã mạc khải trong Chúa Kitô. Như Bergoglio đã nhìn rất đúng, dưới ánh sáng “hồng ân Cứu Chuộc vô lường, nhờ hiểu ra “rằng mọi sự đã được sáng kiến tự do của Thiên Chúa ban cho chúng ta”, thì hồng ân này “không thể không dẫn chúng ta tới lòng biết ơn, và rồi chuyển tải các hoa trái của nó một cách đầy yêu thương”. Hồng ân này là tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa và là thước đo qua đó, tất cả chúng ta đều được phán xét. Balthasar thì viết trong Love Alone Is Credible rằng “nếu chúng ta sống trong một đức tin đầy yêu thương, thì cuối cùng, tiêu chuẩn đạo đức của chúng ta được lấy khỏi tay ta và đặt trong tình yêu (tuyệt đối) của Thiên Chúa”. Balthasar viết thêm, vì hành động của Kitô hữu đối với người lân cận “trước hết, là phản ứng đệ nhị đẳng đối với phản ứng đệ nhất đẳng của Thiên Chúa (trong Chúa Kitô) đối với con người, nên tiêu chuẩn phán xét của ta là tình yêu tuyệt đối, chứ không hẳn sự kiện chúng ta có chung một nhân tính, sống trong một cộng đồng, và do đó, chịu trách nhiệm lẫn nhau.

Không, thước đo tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa là sự tha thứ vô giới hạn của Người, và do đó, “không có giới hạn cho lòng nhân từ của con người”. Balthasar giải thích: “mọi biên giới được san bằng: Vì Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi, khi tôi còn là kẻ thù của Người (Rm 5:10), tôi phải tha thứ cho các đồng tạo vật của tôi, khi họ còn là kẻ thù của tôi; vì hồng ân Thiên Chúa ban cho tôi, đến độ tự để mất chính Người (Mt 27:46), là các hồng ân ‘không tính toán’, nên giờ đây tôi phải bỏ cái thứ tính toán cán cân giữa cho và phần thưởng hữu hình (Mt 6:1-4; 6:19-34)”.

Đôi dòng tiểu sử

Chúng tôi dựa vào tiểu sử chính thức đăng trên trang mạng balthasarspeyr.org của Cộng đồng Thánh Gioan, một cộng đồng do chính Balthasar và Speyr thiết lập, để trình bầy đôi nét về nhà thần học và văn hóa Công Giáo nổi tiếng này.

Hans Urs von Balthasar sinh ngày 12 tháng 8 năm 1905 tại Lucerne, Thụy Sĩ. Gia đình Balthasar là một gia đình qúi phái nổi tiếng về thành tích lâu dài phục vụ thành phố và tổng Lucerne. Oskar, cha của Hans Urs, điều hành sở công chánh của tổng. Mẹ của ngài, Gabriele nhũ danh Pietzker-Apor, là hậu duệ của các nam tước Hung Gia Lợi.

Nhà thần học tương lai bắt đầu học trung học như là học sinh nội trú tại Trường Đan viện của Engelberg, Thụy Sĩ, nhưng sau đó chuyển đến trường Dòng Tên nằm ngay bên kia biên giới Áo ở Feldkirch. Sau khi học xong trung học năm 1923, ngài học văn chương và triết học ở Vienna, Berlin, và Zurich. Chính tại đó, năm 1928, ngài bảo vệ luận án tiến sĩ về “Lịch sử Vấn đề Cánh chung trong Văn chương Đức hiện đại”, công trình tạo cơ sở cho bộ ba cuốn sách đầu tiên của ngài, Apocalypse of the German Soul (Ngày Chung cuộc của Linh hồn Đức) (1937-1939). Từ đó, việc gắn bó với lịch sử tư tưởng dưới ánh sáng Mạc khải mãi sẽ là một đặc điểm quan trọng trong công trình của ngài.

Ngay từ khi còn nhỏ, Balthasar đã rất say mê âm nhạc. Là một nghệ sĩ dương cầm tài năng được đào tạo bởi một học trò của Clara Schumann, ban đầu ngài mong muốn trở thành một nhạc trưởng nhạc giao hưởng. Tác phẩm đầu tiên được xuất bản của ngài - viết khi ngài vẫn còn học đại học - cũng là về âm nhạc: “Về việc Phát triển của Ý niệm Âm nhạc. Hướng tới một Tổng hợp Âm nhạc”(1925).

Gặp gỡ Thánh Inhaxiô và vào Dòng Tên

Trong một cuộc tĩnh tâm theo khuôn mẫu Thánh Inhaxiô ở Black Forest năm 1927, Balthasar đã nhận được một “ơn gọi đột ngột, bất ngờ” bước theo Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến. Việc đáp trả lời kêu gọi này đã dẫn ngài đến chỗ gia nhập Dòng Tên hai năm sau đó.

Là một học viên của Dòng Tên, Balthasar học triết học ở Pullach (gần Munich) và thần học ở Lyon-Fourvière. Trong thời gian này, ngài chịu ảnh hưởng rất nhiều của hai tu sĩ Dòng Tên: Erich Przywara và Henri de Lubac. Người trước đã giúp ngài khám phá ra nguyên tắc loại suy ở trung tâm của đức tin Công Giáo, trong khi người sau giới thiệu với ngài tinh thần phổ quát của thần học giáo phụ.

Một thành quả quan trọng trong thời gian Balthasar ở Lyon là một loạt các chuyên khảo về Origen, Grêgôriô thành Nyssa, và Maximus Hiển Tu; với các chuyên khảo này, ngài sẽ bổ sung nhiều bản dịch và tuyển tập của các Giáo phụ, đặc biệt là của Thánh Augustinô. Trong những năm ở Lyon của ngài, Balthasar cũng trở nên quen thuộc với văn thi sĩ Péguy, Bernanos và Claudel-những nhà văn mà ngài sẽ giúp giới thiệu với thế giới nói tiếng Đức qua các bản dịch, tuyển tập và nghiên cứu của ngài.

Năm 1936, Balthasar được Hồng Y Faulhaber, Tổng giám mục can đảm chống Đức quốc xã của Munich, truyền chức linh mục. Tấm thiệp kỷ niệm thánh lễ đầu tiên của ngài mô tả Thánh Gioan dựa vào ngực Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly. Phương châm mà ngài chọn để đi kèm với hình ảnh, “benedixit, fregit, deditque” (Người tạ ơn, bẻ ra và trao cho), nói lên lý tưởng của ngài trong tư cách một tu sĩ Dòng Tên và một linh mục: dứt khoát tự hiến cho Chúa và sẵn sàng được bẻ ra và phân phát một cách thánh thể cùng với Thầy Chí Thánh.

Sau khi hoàn tất chương trình học, Balthasar được bề trên cử đi làm chủ bút tờ Stimmen der Zeit (Tiếng Thời Đại), một tạp chí của Dòng Tên đặt trụ sở tại Munich. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ngài với Stimmen der Zeit đã bị cắt ngắn do việc ngài bị trục xuất khỏi Đức Quốc xã vào năm 1939. Năm sau, ngài từ chối lời đề nghị làm giáo sư tại Đại học Gregoriana danh tiếng của Rôma, thích phục vụ các sinh viên và các chuyên gia trẻ trong tư cách tuyên úy tại Đại học Basel.

Cuộc gặp gỡ với Adrienne von Speyr và buổi đầu sự hợp tác của họ

Ngay sau khi đảm nhận chức vụ của mình ở Basel, Balthasar đã gặp Bác sĩ Adrienne Kaegi-von Speyr, vợ của một giáo sư lịch sử nổi tiếng tại trường đại học của thành phố. Là một người Thệ phản lưu tâm nhiều tới đạo Công Giáo, Adrienne đã tìm kiếm cơ hội để nói chuyện với ngài về hành trình tôn giáo của bà. Balthasar, người cuối cùng sẽ trở thành cha giải tội của bà, đã tiếp nhận bà vào Giáo Hội qua phép rửa vào ngày 1 tháng 11 năm 1940 và giảng dạy bà các điều căn bản của đức tin Công Giáo.

Cuộc gặp gỡ của Balthasar với von Speyr sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời ngài. Ngay sau khi trở lại, bà đã bắt đầu nhận được một loạt các ân sủng huyền nhiệm mà việc giải thích chính xác, trong và đối với Giáo hội, cần sự giúp đỡ của một cha giải tội. Đặc sủng của bà bao gồm một năng khiếu đặc biệt để chú giải Kinh thánh một cách tiết lộ được sự phong phú của nó đối với việc cầu nguyện chiêm niệm. Điều này cũng cần đến sự giúp đỡ của Balthasar. Trong nhiều năm sau, Adrienne sẽ đọc khoảng 70 tập tài liệu, tất cả đều được Balthasar viết tốc ký và chuẩn bị để xuất bản. Johannes Verlag, hay Nhà Xuất Bản Thánh Gioan, mà ngài thành lập năm 1947, đã phục vụ việc xuất bản các tác phẩm này của Adrienne - cũng như để phổ biến các tiếng nói cổ điển và đương thời khác của truyền thống Công Giáo sống động.

Công việc chung được ủy thác cho Balthasar và von Speyr đạt đến đỉnh cao vào năm 1945 với sự thành lập Cộng đồng Thánh Gioan (Johannesgemeinschaft), một viện thế tục dành để sống các lời khuyên Phúc âm ở giữa lòng thế gian. Thánh quan thầy của Cộng đồng là người môn đệ được Chúa yêu mến, mặc dù Thánh Inhaxiô thành Loyola cũng đóng một vai trò quan trọng, tuy kín đáo, trong Cộng đồng. Hai nhân vật này, đối với Balthasar và Adrienne, được kết hợp với nhau trong việc các vị đánh giá cao mối liên hệ giữa tình yêu và đức vâng lời, vốn được Đức Kitô hiện thân như một nguyên mẫu, được phản ảnh nơi những người được kêu gọi đi theo Người.

Sự hợp tác của Balthasar với Adrienne (dưới dấu hiệu của Thánh Gioan, người được Giáo hội Đông phương tôn là “nhà thần học” xuất sắc) đã có ảnh hưởng quyết định đến công trình thần học của chính ngài. Trên hết, nó củng cố cam kết của ngài đối với một nền “thần học quỳ gối,” gắn liền với đức tin sống động, lấy chứng tá của các thánh và các nhà huyền bí (“Thần học và Thánh thiện”, tựa đề một trong những tiểu luận của ngài từ những năm 1940, cũng tóm tắt chương trình thần học của riêng ngài). Trong tất cả những điều này, như chính Balthasar sau này đã nhận định, trung tâm công trình của ngài mãi là “Cộng đồng Thánh Gioan. Thứ hai mới là Nhà Xuất Bản, dành riêng cho kho tài liệu khổng lồ các trước tác của Adrienne von Speyr cùng với công trình của nhiều tác giả khác. Các ấn phẩm của riêng tôi, tôi sẽ đặt ở thứ ba và cuối cùng ”(Hans Urs von Balthasar, Zu Seinem Werk).

Khoảng thời gian hoạt động mạnh mẽ này cũng là thời gian tự vấn lương tâm của Balthasar. Sau một cuộc biện phân lâu dài mà đỉnh cao là một cuộc tĩnh tâm theo khuôn mẫu của Thánh Inhaxiô, ngài đã đưa ra quyết định đau lòng, với sự đồng ý của bề trên, là rời bỏ “quê hương [Dòng Tên] vô cùng yêu dấu” của ngài trước khi khấn lần cuối cùng. Sau khi hoàn thành bước này, ngài đã lặp lại cam kết của ngài đối với các lời khuyên Phúc âm tại nhà thờ đan viện Maria Laach. Phần còn lại của cuộc đời linh mục của ngài bây giờ sẽ được dành cho sứ mệnh Inhaxiô (và Gioan) mà Chúa đã gọi ngài.

Phục vụ Giáo hội theo chân Thánh Gioan và Thánh Inhaxiô

Sau một thời gian ngắn cư ngụ ở Zurich, Balthasar cuối cùng định cư ở Basel, nơi ngài dành tâm huyết để hướng dẫn Cộng đồng Thánh Gioan, xuất bản các tác phẩm của Adrienne, và chỉ đạo Johannes Verlag (ngài đã biên tập 13 loạt sách và sản xuất nhiều bản dịch, tuyển tập, và lời nói đầu). Hoàn toàn dấn thân trong tư cách một nhà văn và một diễn giả, ngài cũng được nhiều người yêu cầu làm linh hướng và một bậc thầy về giảng phòng, đặc biệt là cho giới trẻ và các sinh viên.

Năm 1961 có việc xuất bản tập mở đầu của bộ sách sẽ trở thành kiệt tác (magnum opus) của ngài, tức Bộ ba, trình bày Mạc khải thần linh dưới góc độ chân, thiện, mỹ. Phần đầu tiên của Bộ ba, The Glory of the Lord [Vinh quanh của Chúa] (1961-1969), xoay quanh sự biểu hiện huy hoàng của vẻ đẹp thần linh, phần thứ hai, Theo-drama [Thần kịch] (1973-1983), tập chú vào cuộc đối đầu bi đát giữa tự do thần linh và tự do nhân bản, trong khi phần thứ ba và phần cuối cùng, Theo-logic [Thần luận lý] (1985-1987), được dành cho việc loại suy giữa chân lý của Thiên Chúa và chân lý của thế gian. Cả ba phần đều thể hiện sự pha trộn rất đặc trưng của Balthasar giữa tính độc đáo của thần học và khả năng sáng tạo bậc thầy của tư tưởng phương Tây.

Cùng với Bộ ba trên, Balthasar đã cho ra đời nhiều trước tác nói về đời sống của Giáo hội. Trong Razing the Bastions [san bằng các pháo đài] (1952), ngài đã tiên liệu chương trình đích thực cho Công đồng Vatican II: bắt tay không sợ hãi với thời hiện đại, một việc bắt tay vốn giả định bản sắc Công Giáo hơn là thay đổi nó. Chính việc thay đổi này bị ngài kiên quyết phản đối sau Công đồng với những tác phẩm như Who is a Christian?(Ai là Kitô hữu?) (1965) và Cordula (Dây Thìa Canh) (1966). Từ đầu đến cuối, Balthasar đã nhìn mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới qua lăng kính nền thần học thánh hiến giáo dân (lay consecration) được hướng dẫn bằng sự hiểu biết về các bậc sống trong giáo hội khai triển trong các tác phẩm như The Christian State of Life (Bậc sống Kitô giáo) (1977). Ngài nghĩ, ý nghĩa thần học của thế gian không nằm ở vương quốc tự trị của con người, mà nằm ở Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu.

Mặc dù công trình của Balthasar đã được đọc với sự đánh giá cao ở khắp châu Âu vào đầu thập niên 50, nhưng việc nhìn nhận phần đóng góp của ngài cho Giáo hội chỉ bắt đầu một cách nghiêm túc vào nửa sau của thập niên. Năm 1969, ngài được Đức Phaolô VI bổ nhiệm vào Ủy ban Thần học Quốc tế. Huy chương Thánh giá Vàng trên Núi Athos, mà ngài nhận được vào năm 1965, nhấn mạnh ý nghĩa đại kết trong công việc của ngài - cũng như sự gắn bó hàng thập niên của ngài với nhà thần học Thệ phản Karl Barth, người mà ngài chia sẻ niềm đam mê với âm nhạc, đặc biệt là Mozart.

Vào đầu những năm 70, Balthasar đã nổi bật như một điểm tham chiếu quan trọng trong việc giải thích xác thực Công đồng Vatican II. Chính để thúc đẩy công việc tái về nguồn thần học chân chính của Công đồng, mà cùng với Joseph Ratzinger, Henri de Lubac và nhiều người khác, tạp chí thần học quốc tế Communio đã ra đời, bắt đầu xuất bản vào năm 1973 và sau cùng sẽ xuất bản bằng mười bốn ngôn ngữ khác nhau.

Danh tiếng quốc tế của Balthasar được chứng thực bằng nhiều giải thưởng và danh hiệu gần như cùng thời kỳ: Giải thưởng Trung ương Thụy Sĩ về Văn hóa (1956), các bằng tiến sĩ danh dự từ Edinburgh (1965), Münster (1965), Freiburg (1967), và Đại học Công Giáo của Mỹ (1980), Giải thưởng Romano Guardini do Hàn lâm viện Công Giáo Bavaria (1980), Giải thưởng Gottfried Keller của Zurich (1975), và Giải thưởng Salzburg Wolfgang Amadeus Mozart (1987).

Năm 1984, Balthasar được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trao Giải thưởng Phaolô VI, vị Giáo Hoàng vốn biết và đánh giá cao công trình của ngài. Cũng chính vị Đức Gioan Phaolô II, khi phong ngài làm Hồng Y vào ngày 28 tháng 5 năm 1988, đã đặt dấu ấn cuối cùng lên việc phục vụ của ngài cho Giáo Hội sub Petro et cum Petro (dưới và cùng với Đức Giáo Hoàng).

Balthasar qua đời tại nhà riêng ở Basel vào ngày 26 tháng 6 năm 1988 - chỉ ba ngày trước khi chính thức gia nhập Hồng Y đoàn. Tang lễ của ngài được cử hành bởi Đức Hồng Y Ratzinger tại Nhà thờ Hofkirche ở Lucerne, nơi ngài cũng đã được an nghỉ. Cuốn sách cuối cùng của Balthasar - xuất bản sau khi ngài qua đời, Unless You Become Like This Child (ngoại trừ các ông trở thành như đứa trẻ này) (1988) - làm chứng cho tinh thần trẻ thơ theo Tin Mừng mà ngài vẫn sống cho đến cuối đời.

“Có thể tóm tắt những điều Balthasar mong muốn trong câu nói của Thánh Augustinô: ‘Toàn bộ nhiệm vụ của chúng ta trên đời này, thưa anh em thân mến, hệ ở việc chữa lành đôi mắt của trái tim để chúng nhìn thấy Thiên Chúa'. Đó là điều quan trọng đối với ngài, chữa lành đôi mắt của trái tim để chúng nhìn thấy điều chủ yếu, lý do và mục tiêu của thế giới và của đời sống chúng ta: Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống” (Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Bài giảng trong Lễ tang của Hans Urs von Balthasar, Communio 15 [Mùa đông năm 1988]).

Kỳ tới: Công trình đồ sộ của Hans Urs von Balthasar