1. Ankara đe dọa Nicosia sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ công kích chính quyền Síp, cáo buộc nước này vi phạm thềm lục địa của mình bằng cách cấp giấy phép cho Exxon Mobil và Qatar Petroleum để thăm dò vùng biển dầu và khí đốt tự nhiên.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ankara cho biết nước này “sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia, công ty hoặc tàu nước ngoài nào thực hiện các hoạt động thăm dò hydrocacbon trái phép trong phạm vi lãnh hải của mình”.

Cuộc đối đầu mới nhất này xảy ra ngay sau chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Síp và Hy Lạp để khởi động lại các giá trị của lòng khoan dung, đối thoại, chào đón người di cư và hòa bình ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp lại chuyến tông du này bằng một mặt trận căng thẳng mới đang mở ra giữa giới lãnh đạo Ankara và Nicosia.

Ankara cáo buộc người Síp vi phạm biên giới trên biển và nhắc lại rằng họ không sẵn sàng dung thứ cho việc khoan và thăm dò bất hợp pháp ở khu vực mà họ coi là “vùng đặc quyền kinh tế” ở phía đông Địa Trung Hải.

Khu vực này đã trở thành một khu vực trọng tâm trong cuộc chạy đua khai thác khí đốt và hydrocacbon cho Síp, Israel và Ai Cập, với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đụng độ trực tiếp giữa các đối thủ kình chống nhau hàng thế kỷ. Hơn nữa, yếu tố kinh tế được kết hợp bởi yếu tố tôn giáo, cụ thể là sự chia rẽ sâu sắc giữa các Kitô hữu ở phần Hy Lạp và người Hồi giáo ở phần Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đã có dấu hiệu “Hồi giáo hóa” mọi cư dân.

Liên Hiệp Âu Châu đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Ankara xoa dịu căng thẳng, tái khẳng định ý định bảo vệ lợi ích của các nước thành viên là Síp và Hy Lạp. Câu trả lời của Thổ Nhĩ Kỳ rất nhanh chóng, vì họ không có ý định lùi một bước nào trong các khẳng định liên quan đến các lợi ích kinh tế, chính trị và thương mại, cũng như bảo vệ các lợi ích trong khu vực họ chiếm đóng trái phép của Síp.

Trong số các nút thắt chưa được giải quyết là thiếu một thỏa thuận về giới hạn các thềm lục địa giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ
Source:Asia News

2. Biến thể Omicron bùng phát mạnh khiến nhiều người quan tâm đến phép lạ máu Thánh Gennariô hóa lỏng

Ngày 16 tháng 12, năm ngoái 2020, tại Naples tiếng Ý gọi là Napoli, máu của Thánh Gennariô đã khô đặc, không có bất cứ dấu chỉ hóa lỏng nào, một giọt cũng không có.

Diễn biến này được nhiều người Ý xem là một điềm rất xấu. Ở nhiều thành phố trên đất Ý, đợt bùng phát đại dịch coronavirus lần thứ tư đã khiến cho nhiều nhà thờ không thể cử hành thánh lễ Đêm Giáng Sinh. Biến thể Delta hay B.1.617 được phát hiện đầu tiên vào cuối Tháng 11 ở Ấn Độ đã tràn vào Âu Châu.

Vài ngày trước đó, một cây cầu đột nhiên gẫy làm đôi trong đêm. Một chiếc xe chở khách đã lao xuống dòng sông. Tổn thất cho đến nay vẫn chưa được báo cáo đầy đủ.

Trong khi đó, tính đến chiều tối thứ Tư 16 tháng 12, 2020 tử vong tại Ý đã lên đến 66,537 người, trong số 1,888,144 trường hợp nhiễm coronavirus. Số trường hợp nhiễm bệnh trong một ngày 15 tháng 12 thôi là 14,840 người. Cũng trong ngày 15 tháng 12, có 846 người đã chết vì virus Tầu độc địa, nghĩa là ngang ngửa với con số người chết trong một ngày tại đỉnh cao của đại dịch coronavirus hồi cuối tháng Ba. Ngày 27 tháng Ba được kể là ngày đen tối nhất, số trường hợp tử vong trong ngày hôm ấy là 921 người.

Cha Vincenzo de Gregorio, phụ trách nhà nguyện Thánh Gennariô ở nhà thờ chính tòa Naples cho biết:

“Khi chúng tôi lấy thánh tích từ két sắt ra, máu đã hoàn toàn khô đặc và vẫn hoàn toàn khô đặc.”

Sau Thánh lễ sáng ngày 16 tháng 12 tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Maria, theo thông lệ bình máu Thánh Gennariô đã được đưa ra cho anh chị em giáo dân kính viếng.

Trước sự thất vọng của họ, máu Thánh Gennariô đã không hóa lỏng như trông đợi.

Trong đoạn video này, chúng ta có thể thấy phản ứng mất bình tĩnh của anh chị em giáo dân. Nhiều người đã cất tiếng đọc kinh, và những người khác đọc theo.

Cha Vincenzo de Gregorio an ủi họ và nói rằng phép lạ đôi khi xảy ra vài giờ sau đó trong ngày. Ngài nói “cách đây vài năm vào lúc 5 giờ chiều, máu đã hóa lỏng. Vì vậy, chúng ta chưa thể chắc chắn điều gì sẽ xảy ra”.

“Tình trạng thực tế hiện nay, như anh chị em có thể thấy, hoàn toàn khô đặc. Không có bất cứ dấu chỉ nào, thậm chí một chút cũng không có. Nhưng không sao đâu, chúng ta sẽ chờ đợi dấu chỉ này với niềm tin của chúng ta”.

Tuy nhiên, đến cuối thánh lễ buổi tối máu vẫn còn khô đặc.

Tình hình năm nay xem ra cũng có những dấu chỉ tương tự. Trong những ngày cuối cùng của tháng 11 vừa qua, biến thể Omicron hay B.1.1.529 cũng đang bùng phát và lây lan siêu nhanh.

Trong bản báo cáo hôm 3 tháng 12, Tổ chức Y tế Thế giới, gọi tắt là WHO, cho biết Omicron đã được phát hiện ở 38 quốc gia nhưng không có trường hợp tử vong nào liên quan đến biến thể Omicron được báo cáo cho đến nay.

Tuy chưa ai được ghi nhận là qua đời vì biến thể Omicron, khả năng lây lan siêu nhanh đã khiến Israel và Nhật Bản đóng cửa hoàn toàn với thế giới. Lệnh đóng cửa của Nhật Bản gieo rắc nỗi đau khổ cho người nước ngoài, và các doanh nghiệp. Trong khi đó, lệnh đóng cửa của Israel đã đập tan ước mơ có một mùa Giáng Sinh khởi sắc của người dân Bethlehem.

Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan kêu gọi mọi người không nên hoảng sợ trước sự xuất hiện của biến thể Omicron coronavirus và cho biết còn quá sớm để nói liệu vắc xin COVID-19 có phải được sửa đổi để chống lại nó hay không. Bất kể sự trấn an của WHO, lo sợ đã gia tăng rất mạnh sau khi Israel báo cáo hai người đã tiêm đến 3 mũi vắc xin Pfizer mà vẫn nhiễm phải biến thể Omicron.

Thánh Gennariô là giám mục thành Benevento, nước Ý. Ngài được chọn làm quan thầy của thành Naples nước này. Thánh nhân chịu tử đạo trong cuộc bách hại dưới triều hoàng đế La Mã Diôclêtiô vào ngày 19 tháng 9 năm 305.

Ngài bị chặt đầu cùng với các phó tế Festus, Sosius và Proculus; thầy đọc sách Desiderius và hai giáo dân Eutyches và Acutius. Tất cả đều bị bắt khi đến thăm Sosius, là phó tế và đang bị tù ở Pozzuoli. Sau khi bị bắt, họ bị quăng vào đấu trường để gấu xé xác nhưng chúng không làm hại các ngài, bởi đó họ bị chém đầu.

Một lọ máu khô của ngài được lưu trữ trong nhà thờ chánh tòa Naples. Một hiện tượng kỳ lạ không giải thích được là máu khô của ngài hóa lỏng mỗi năm ba lần: vào ngày 19 tháng 9, ngày lễ kính thánh nhân; ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng Năm, kỷ niệm di tích của ngài được rước vào nhà thờ chánh tòa Naples; và vào ngày 16 tháng 12, kỷ niệm vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Giáo Hội chưa từng chính thức tuyên bố đây là phép lạ, mặc dù Đức Tổng Giám Mục Naples thường xuyên chủ sự các buổi lễ tại đó và hộp đựng máu khô được đặt trên bàn thờ và phép lạ được công bố khi máu của ngài hóa lỏng.

Ngày 16 tháng 12 năm 2016, bửu huyết của Thánh Gennariô đã không hóa lỏng như dự kiến. Chỉ một tuần sau đó, các nhà khoa học cho biết một hỏa diệm sơn ngoài khơi bờ biển đảo Sicily, gần Naples, đã rục rịch hoạt động trở lại.

Hỏa diệm sơn Campi Flegrei là núi lửa lớn hơn rất nhiều so với ngọn núi lửa Vesuvius, từng phun trào phún xuất thạch phá hủy toàn bộ thành phố cổ Pompeii. Núi lửa Campi Flegrei, một khi bùng nổ có thể gây nguy hiểm cho nhiều nước châu Âu.

Nhiều cư dân của Naples tin rằng việc máu của thánh nhân không hóa lỏng là một dấu chỉ cho thấy các bi kịch sẽ xảy đến cho thành phố. Gần đây nhất, khi máu của thánh nhân không hóa lỏng vào năm 1980, một trận động đất đã xảy ra ít ngày sau ở phía nam thành phố Naples làm hơn 2,500 người thiệt mạng. Một trường hợp tương tự vào năm 1939, khi một bệnh dịch tả tấn công thành phố ngay trước khi bùng nổ Thế chiến thứ hai; và vào năm 1943, khi quân đội Đức Quốc xã chiếm đóng Ý. Trong quá khứ xa xôi nhất, sự vắng mặt của các phép lạ thường được kết hợp với các tổn thất quân sự, các vụ phun trào núi lửa, và sự bùng phát của các dịch bệnh.

3. Đức Giáo Hoàng nói rằng Đức Tổng Giám Mục Paris là nạn nhân của “tin đồn”

“Tôi chấp nhận sự từ chức của Đức Cha Aupetit không phải trên bàn thờ sự thật, mà trên bàn thờ của sự giả hình,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói trên máy bay trở về Rôma sau chuyến tông du đến Síp và Hy Lạp vào ngày 6 tháng 12 năm 2021. Cần lưu ý rằng trong ngữ cảnh Đức Thánh Cha nói, ngài không có ý nói Đức Tổng Giám Mục Paris là người đạo đức giả.

Thật vậy, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo cho biết ngài coi Đức Tổng Giám Mục Paris là nạn nhân của “tin đồn” đã phá hủy danh tiếng của ngài và ngăn cản ngài cai quản. “Đó là một sự bất công”.

Hôm 2 tháng 12, không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit khỏi chức vụ Tổng Giám mục Paris. Vị giám mục 70 tuổi đã bàn giao tương lai của ngài cho Đức Thánh Cha định đoạt sau khi một bài báo trên tạp chí hàng tuần Le Point được công bố vào ngày 22 tháng 11. Le Point đưa tin rằng vị giám mục đã có quan hệ tình cảm với một phụ nữ vào năm 2012. Bài báo cũng đưa ra vấn đề với phong cách quản lý của tổng giám mục.

Được các nhà báo đặt câu hỏi về quyết định của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành thời gian để bày tỏ sự phẫn nộ của mình về cách mà mọi thứ đang diễn ra.

Đức Thánh Cha bắt đầu bằng cách nói rằng ngài không biết chính xác “Đức Cha Aupetit đã làm điều gì nghiêm trọng đến mức phải từ chức”. “Nếu không biết nguyên nhân thì không thể lên án. Nguyên nhân là gì? Ai biết?” ngài hỏi các nhà báo, và yêu cầu họ điều tra.

Sau đó, ngài khẳng định rằng chính “dư luận” và “tin đồn” đã hãm hại Đức Tổng Giám Mục Paris.

Về phần mình, trong một bài phát biểu cách đây vài ngày với Đài Notre Dame, Đức Tổng Giám Mục phủ nhận có quan hệ tình cảm với một người phụ nữ. Ngài thừa nhận rằng khi chưa là một Giám Mục, một người phụ nữ đã tiếp xúc “nhiều lần qua các cuộc thăm viếng, thư từ, v.v., đến mức đôi khi tôi phải thực hiện các bước để tạo khoảng cách giữa chúng tôi.” Ngài nói rằng “hành vi của ngài đối với cô ấy có thể không rõ ràng, do đó ngụ ý rằng giữa chúng tôi tồn tại một mối quan hệ thân mật và quan hệ tình dục, là điều mà tôi mạnh mẽ bác bỏ. Tôi quyết định không gặp lại cô ấy nữa và tôi đã thông báo cho cô ấy biết điều này”.

Đức Thánh Cha nói: “Aupetit là một người tội lỗi. Tôi cũng thế. Thánh Phêrô cũng vậy”.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý những cáo buộc chống lại Đức Tổng Giám Mục Aupetit là “một lỗi chống lại điều răn thứ 6, không hoàn toàn, mà cùng lắm là những cái vuốt ve, xoa bóp nhỏ mà ngài dành cho thư ký của mình. Đó là lời buộc tội”.

Đức Giáo Hoàng nói những hành động được cho là đã xảy ra này “là một tội lỗi”, mặc dù ông nói thêm rằng tội lỗi xác thịt “không phải là nghiêm trọng nhất”.

“Đức Cha Aupetit là một người tội lỗi. Tôi cũng thế, và Thánh Phêrô, vị giám mục mà Chúa Giêsu Kitô đã thành lập Giáo hội, cũng thế,” vị Giáo hoàng thứ 266 nói.

Và một lần nữa ngài hỏi: “Làm thế nào cộng đồng ngày đó có thể chấp nhận một giám mục tội lỗi?”

Đối với Đức Giáo Hoàng, “một Giáo hội bình thường” phải quen với việc luôn cảm thấy mình có tội. Giáo hội của thời Thánh Phêrô, Giáo hội sơ khai, là “một Giáo hội khiêm tốn”. Ngài tố cáo thái độ thường hời hợt ngày nay đối với các giám mục khi nói rằng, “chúng ta giả vờ nói: ‘Giám mục của tôi là một vị thánh’. Nhưng trên thực tế, “tất cả chúng ta đều là kẻ có tội”.

“Bàn thờ của sự giả hình”

Để kết thúc câu trả lời của mình, Đức Giáo Hoàng đã tóm tắt lập trường của mình như sau: “Khi tin đồn ngày càng phát triển… chúng phá hủy danh tiếng của một người, đến mức người ấy không còn có thể cai quản được nữa. Đối với anh ta, tình huống như vậy là ‘một sự bất công’, bởi vì danh tiếng của anh ta bị hủy hoại, không phải vì tội lỗi của anh ta […] mà vì tin đồn.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết luận bằng công thức táo bạo này: “Đây là lý do tại sao tôi chấp nhận sự từ chức của Aupetit, không phải trên bàn thờ của sự thật, mà là trên bàn thờ của sự giả hình.”

Tung tin đồn là một trong những tội lỗi mà Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng chống lại thường xuyên và mạnh mẽ nhất. Ngài đã so sánh nó với một kiểu khủng bố - như khi một quả bom được tung ra một cách ẩn danh, tiêu diệt tất cả những người trong khu vực.
Source:Aleteia

4. Tập Cận Bình muốn 'dân chủ hóa' việc cai quản trong các tôn giáo

Tân Hoa xã đưa tin, Tập Cận Bình muốn cải thiện “dân chủ hóa” việc điều hành các tôn giáo. Chủ tịch Trung Quốc phát biểu cuối tuần qua tại một hội nghị tôn giáo quốc gia, lần đầu tiên được tổ chức ở Trung Quốc kể từ năm 2016.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh về dân chủ của Joe Biden từ 9 đến 10 tháng 12, ông Tập tiếp tục che giấu các chính sách của chế độ bằng những cạm bẫy dân chủ, xuyên tạc các thuật ngữ để áp dụng trong nước ý nghĩa thực sự của thuật ngữ “dân chủ”.

“Dân chủ hóa” việc điều hành các tôn giáo không gì khác hơn là sự đàn áp lớn hơn đối với các tôn giáo bởi chế độ Cộng sản. Trước hết, nó có ý nghĩa là hàng giáo phẩm phải chia bớt quyền hạn cho các nhóm giáo dân, thực tế là bọn giáo gian được cài vào để khống chế các tôn giáo.

Ngoài ra, ông Tập cho biết đất nước sẽ thúc đẩy hơn nữa việc “Trung quốc hóa” tôn giáo, là một quá trình được chính thức triển khai vào năm 2015, bao gồm cả việc kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động tôn giáo trực tuyến.

Ông Tập lưu ý rằng các hoạt động tôn giáo phải tuân thủ pháp luật và không can thiệp vào các hoạt động hành chính, tư pháp và giáo dục của nhà nước cũng như đời sống xã hội của đất nước.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin rằng tuần trước, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa Trung Quốc vào danh sách các quốc gia “cần quan tâm đặc biệt” vì vi phạm tự do tôn giáo.

Trung Quốc đã đáp trả mạnh mẽ bằng cách xuất bản một báo cáo rất quan trọng về tình trạng dân chủ ở Hoa Kỳ.

Theo Bắc Kinh, nền chính trị Hoa Kỳ bị chi phối bởi tiền bạc, được kiểm soát bởi một số ít người, và bị bế tắc bởi các quyền phủ quyết lẫn nhau của các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội.

Đây thực ra chính là thực tại dân chủ của Trung Quốc vì các quyết định chính của đất nước được đưa ra bởi nhóm bảy người, cụ thể là các thành viên không được bầu của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, với một nhân vật chi phối tất cả là đại đế Tập Cận Bình, tổng bí thư Đảng.

Phát biểu cuối tuần qua tại một hội nghị tôn giáo do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, ông Tập giải thích rằng các tôn giáo phải thích ứng với thực tế rằng Trung Quốc là một quốc gia xã hội chủ nghĩa.

Theo nhà lãnh đạo tối cao, quần chúng tín hữu phải đoàn kết xung quanh Đảng và chính quyền, từ chối mọi ảnh hưởng của nước ngoài.

Vào tháng Hai, Cơ quan Quản lý Nhà nước về Các vấn đề Tôn giáo đã ban hành các quy tắc hành chính công khai đối với các nhân viên tôn giáo, về cách quản lý các thành viên của hàng giáo phẩm, tức là các nhà sư, các linh mục, giám mục, v.v.

Vào tháng 2 năm 2018, UBND xã đã thông qua các quy định mới về hoạt động tôn giáo, theo đó các nhân viên tôn giáo chỉ có thể thực hiện chức năng của mình nếu họ là thành viên của các cơ quan chính thức và chịu sự điều động của UBND xã.

Đối với Giáo Hội Công Giáo, Thỏa thuận Trung-Vatican 2018 về việc bổ nhiệm giám mục, được gia hạn vào tháng 10 năm 2020, vẫn chưa ngăn chặn được việc đàn áp các quan chức và thành viên của Giáo hội, đặc biệt là trong các cộng đồng thầm lặng.
Source:Asia News