1. Bài giảng đầy kịch tính của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit trong thánh lễ chia tay với tổng giáo phận Paris

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã chủ sự thánh lễ tiễn biệt giáo phận của mình và tạ ơn trong nhà thờ Thánh Xuân Bích (Sulpice) nghẹt người. Hơn 2,000 người đã chen chân trong ngôi thánh đường, trong khi một số đông khác phải chịu đứng ngoài trong cái lạnh giá và gió lớn vào tối 10 tháng Mười Hai. Bên cạnh anh chị em giáo dân Paris, còn có cả những người đến từ các vùng ngoại ô, thậm chí là từ Nanterre nơi Đức Cha Aupetit từng làm giám mục.

Nhiều linh mục và giám mục từ khắp vùng Ile de France, chứ không chỉ trong phạm vi Paris, và những nơi khác, chẳng hạn như Đức Cha Luc Crepy, giám mục Versailles, Đức Cha Antoine de Romanet, giám mục tổng giáo phận Quân đội Pháp, Đức Cha Jean-Yves Riocreux, cựu giám mục của Pontoise và giám mục hiệu tòa của Basse-Terre, Đức Cha Jacques Benoit-Gonnin, giám mục của Beauvais.

Những tràng pháo tay tự phát vang lên, là một điều không bình thường đối với các cử hành phụng vụ ở Pháp, khi đoàn đồng tế tiến lên bàn thờ. Những tràng pháo tay này gần như không dứt, cho đến khi Đức Tổng Giám Mục Aupetit xoay người lại, ra dấu bằng cách đặt một ngón tay trên môi xin anh chị em đừng vỗ tay nữa.

Đức Cha Georges Pontier, giám quản tông tòa của Paris trong khi chờ Tòa Thánh bổ nhiệm tân giám mục đã chào đón Đức Cha Aupetit.

Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit nguyên là một bác sĩ Y khoa, cho đến năm 39 tuổi ngài mới bước vào cuộc sống tu trì. Vì thế, ngài có một kiến thức uyên bác về đạo đức sinh học.

Những sách bán rất chạy của ngài như “La mort, et après? Un prêtre médecin témoigne et répond aux interrogations”, “L'homme, le sexe et Dieu: Pour une sexualité plus humaine”, “Qu'est ce que l'homme?”, “L'embryon, quels enjeux?” và “Contraception: la réponse de l'Eglise” tạo ra một ảnh hưởng rất lớn trong Giáo Hội Pháp.

Nếu không có cơ hội đọc những tác phẩm của ngài, chỉ cần đọc các bài giảng thánh lễ đã được chúng tôi dịch ra Việt Ngữ, quý vị và anh chị em cũng có thể thấy ngài là một Giám Mục thuộc hàng kiệt xuất trên thế giới.

Ngay bài giảng thánh lễ này cũng là một ví dụ điển hình.

Bài Phúc Âm được đọc theo Phụng Vụ trong ngày Thứ Sáu Tuần thứ 2 Mùa Vọng. Khắp nơi trong thế giới Công Giáo đều đọc bài Phúc Âm ấy. Một cách thật ngẫu nhiên, bài Phúc Âm này thật phù hợp với hoàn cảnh của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit.

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 11:16-19)

Khi ấy Chúa Giêsu nói với đám đông dân chúng rằng:

“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói:

“Tụi tôi thổi sáo cho các anh,

mà các anh không nhảy múa;

tụi tôi hát bài đưa đám,

mà các anh không đấm ngực khóc than.”

Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám.” Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, anh chị em bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.”


Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói:

Những lời Chúa Giêsu nói về thói đời hay chê bai thật rõ ràng biết chừng nào! Thánh Gioan Tẩy Giả là một người khổ hạnh, và người ta nói ngài bị quỷ ám. Còn Chúa Giêsu ăn uống bình thường thì họ nói Ngài là một kẻ háu ăn và say xỉn. Giải thích thế nào đây cho thói đời ngang trái này? Chúng ta phải hiểu thế nào về sự càm ràm thường xuyên này của nhân loại chúng ta? Chúa Giêsu không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đó. Người chỉ nói về sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự khôn ngoan này là của Thiên Chúa, Đấng chỉ ra cho chúng ta thấy Thánh Gioan Tẩy Giả là người vĩ đại nhất trong số những phàm nhân đã lọt lòng mẹ. Và là Đấng xác định với chúng ta, Chúa Giêsu, là Con yêu dấu của Ngài.

Đúng là chúng ta thường cố gắng làm hài lòng con người bằng cách cố gắng vượt qua những mâu thuẫn với họ. Đặc biệt là khi chúng ta cố giành cho được lá phiếu của họ như chúng ta có thể thấy ngay bây giờ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra. Đó không phải là những gì Chúa Giêsu đã làm. Chúa Giêsu không phải là một chính trị gia cố gắng khéo léo luồn lách giữa các thầy thượng tế, những người Sađốc, và sau đó là những người Pharisêu nghiêm khắc, vụ luật. Nếu Chúa Giêsu là chính trị gia, tình cảnh Ngài chắc sẽ khá hơn. Không! Chúa Giêsu là người tự do, là tình yêu giải phóng anh chị em.

Tình yêu khiến anh chị em tự do, nhưng tình yêu khiến anh chị em chấp nhận rủi ro. Rủi ro khi đi ăn với người tội lỗi: với ông Giakêu, với Matthêu và phường thu thuế của ông ấy. Tại sao lại có rủi ro này? Thưa: Để cứu họ. Nguy cơ khi được rửa chân một cách kính cẩn bởi một người phụ nữ có cuộc sống khét tiếng. Tại sao? Thưa: Để cứu cô ấy. Nguy cơ tiết lộ căn tính thần thánh của mình khi tha thứ cho một người bại liệt đến chỉ để xin được chữa lành. Tại sao? Thưa: Để cứu anh ấy. Rủi ro khi nói chuyện một mình với một người phụ nữ, một người nước ngoài, một phụ nữ Samaritanô. Tại sao? Thưa: Để cứu cô ấy và những đồng bào của cô ấy. Nguy cơ mở ra Thiên đường cho một tên trộm bị đóng đinh ở bên cạnh mình. Tại sao? Thưa: Để cứu anh ấy.

Đó là một xì căng đan! Đúng, đó là một xì căng đan. Tất nhiên rồi, nhưng tình yêu là một rủi ro, một rủi ro thường trực.

Nếu chúng ta vẫn đứng trong vòng những rào cản của các nguyên tắc thận trọng tâm linh, câu hỏi sẽ là liệu chúng ta có thực sự yêu hay không, chúng ta có yêu như Chúa Giêsu yêu không.

Một nhà báo đã viết: “Đức Tổng Giám Mục Paris đã thua vì tình yêu”. Đúng rồi! Đúng như thế! Nhưng cô ấy quên những từ ngữ ở cuối câu rồi! [Cộng đoàn vỗ tay nhiệt liệt, Đức Tổng Giám Mục khoát tay để ngăn chặn tiếng vỗ tay tiếp tục] Câu đầy đủ là thế này: “Đức Tổng Giám Mục Paris đã thua vì tình yêu của Chúa Kitô! “Hôm qua! [Cộng đoàn lại vỗ tay nhiệt liệt, Đức Tổng Giám Mục ra hiệu xin cộng đoàn cho ngài nói tiếp] Hôm qua, tôi đã thua vì tình yêu của Chúa khi tôi vào chủng viện. Hôm nay, tôi đang thua vì tình yêu của Chúa Kitô! Ngày mai tôi sẽ lại thua vì tình yêu của Chúa Kitô. Bởi vì tôi nhớ lời này của Chúa: “Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. [Cộng đoàn vỗ tay nhiệt liệt, nhiều người ứa nước mắt, Đức Tổng Giám Mục phải ra hiệu để xin cộng đoàn yên lặng]

Tình yêu, tình yêu để cứu rỗi. Chúng ta, tất cả chúng ta, những người đã được thụ phong, đứng ở vị trí của mình để tỏ bày ơn cứu rỗi này do Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ban cho. Và chúng ta phải mạo hiểm yêu thương như Chúa Giêsu ngõ hầu mở ra cho tất cả anh chị em chúng ta ơn cứu rỗi mà Ngài ban tặng. Câu hỏi duy nhất nảy sinh là: chúng ta có tin vào ơn cứu rỗi không? Chúng ta có thực sự tin vào cuộc sống vĩnh cửu không? Chúng ta có tin chắc rằng Chúa sẽ đến, Chúa sẽ mang đến cho chúng ta sự viên mãn, rằng Chúa nhìn xa hơn chúng ta không?

Kitô Hữu, tất cả Kitô Hữu biết rằng họ có một tương lai, rằng cuộc sống của họ không kết thúc trong hư vô. Câu hỏi duy nhất là tôi có đam mê vĩnh cửu không? Những ước mơ của tôi, những chân trời của tôi là gì? Phải chăng là thành công nghề nghiệp, sự nghiệp lên cao như diều gặp gió? Phải chăng là một tình yêu chớm nở? Phải chăng là sức khỏe hoàn hảo? Ồ, tất cả những điều đó, quả thực là những điều tốt đẹp thật đấy, nhưng chỉ cần nhìn vào thế giới, chúng ta nhận ra ngay có mấy người thực sự đạt được những điều đó. Và rồi những người thủ đắc được những điều đó cuối cùng thấy cái gì khi họ phải đối mặt với câu hỏi về cái chết, là điều nhất thiết khiến chúng ta phải đặt vấn đề: được như thế để làm gì? Tất cả những thứ ấy có ích gì?

Nhưng hương vị của sự dang dở này mở ra cho chúng ta một niềm hy vọng: Chúa Kitô đã đi qua con đường của chúng ta. Ngài đã đến Vương quốc của cái chết và chinh phục nó. Những người chỉ chờ đợi Ngài cho thế giới này sẽ thất vọng. Nhưng những ai chờ đợi Ngài cho vĩnh hằng biết rằng Đấng thiên sai được chờ đợi này đã làm cho sự phục sinh của Ngài tỏa sáng, và mở ra một tương lai cho chúng ta, khiến chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng. Với Ngài, một thông lộ đã được mở ra và đó là niềm hy vọng, đó là đặc thù của những người tin. Tuy nhiên, hy vọng này không làm cho chúng ta chạy trốn khỏi thế giới, trái lại là khác. Khác rất xa với việc gạt chúng ta ra khỏi thế giới, nó kích thích chúng ta, nó khuyến khích chúng ta xây dựng ở đây ngay dưới thế này, một thế giới công bằng và huynh đệ. Bởi vì cuộc sống trên trái đất là một “prologue”, một khúc dạo đầu, một khoảng thời gian nhất định để chúng ta học “bảng chữ cái thần thánh”.

Tôi thực sự thích cụm từ “l’alphabet divin” – “bảng chữ cái thần thánh” - này vì nó không phải của tôi: nó là của Đức Cha Favreau người tiền nhiệm của tôi ở giáo phận Nanterre. Ngài nói rằng cuộc sống của chúng ta trên trái đất này là để “học bảng chữ cái thần thánh”. Và bảng chữ cái thần thánh là bảng chữ cái của tình yêu. Vâng, khi nghĩ về từ đẹp đẽ này, từ người tiền nhiệm của tôi ở Nanterre, tôi tự nhủ rằng chúng ta phải học toàn bộ bảng chữ cái này. Đúng thế, hãy bắt đầu bằng chữ A.

Chữ A, tôi sẽ nói đó là sự tự ái. Nhưng điều đó không cần phải nói! Ai trong chúng ta không yêu chính mình? Trừ khi người ấy mắc một chứng bệnh như trầm cảm… ngoài ra, mọi người đều yêu bản thân. Chữ cái đầu tiên, “A”: “Tôi yêu bản thân mình”.

Thứ hai: “B”. À, “B” có thể là tình yêu của cha mẹ chúng ta khi chúng ta được họ yêu thương từ khi mới sinh ra. Một cách tự nhiên, rất tự nhiên, tình yêu này đến với chúng ta.

Chữ “C” là khi chúng ta mở rộng tình yêu của mình đến những người xa hơn, đến anh chị em bạn bè của chúng ta chẳng hạn. Anh chị em thấy rằng trong bảng chữ cái này, tất cả các chữ A, B, C đều có thể đạt được. Nhưng trong một bảng chữ cái, anh chị em còn nhiều chữ lắm: A, B, C, D… Z! Chữ cái “Z” là gì? Hỡi anh chị em, chúng ta cần phải đi xa đến tận chữ “Z” và chữ “Z”, tôi tin rằng, bao gồm việc yêu thương kẻ thù của anh chị em như Chúa Giêsu đã làm.

Đối mặt với mầu nhiệm của sự dữ và hận thù, trước những hiểu lầm, trước sự oán giận vì những bất công, không có cách khắc phục nào khác, không có cách chữa trị nào khác hơn là đi thật xa đến chữ “Z”. Và cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh của Ngài để yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu kẻ thù của Ngài. Nếu không, chúng ta đã không tuân giáo huấn của Ngài.

Và điều khiến chúng ta có thể hiểu được những từ trong bảng chữ cái này là làm chứng cho Tin Mừng. Chính tình yêu của Chúa cho phép chúng ta hiểu mọi thứ, nắm bắt mọi thứ và sống những điều đó.

Anh chị em thấy đấy, thường có một quan niệm sai lầm về cuộc sống thành công là gì hay cuộc sống thất bại là như thế nào. Một cuộc sống thành công là thành quả của việc học bảng chữ cái thần thánh này, vốn chuẩn bị cho chúng ta vào cuộc sống mai hậu, cuộc sống dồi dào, cuộc sống mà cá nhân tôi đã hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa Kitô và cho Giáo Hội của Người. Và tôi đã lấy đó làm phương châm giám mục, mà chúng ta tìm thấy trong Phúc âm của Thánh Gioan, từ miệng Chúa Giêsu: “Ta đến để họ có được sự sống, sự sống dồi dào”, chứ không phải sự sống tù túng, sự sống dồi dào là sự sống dành cho những ai đã học được bảng chữ cái thần thánh đến vần cuối cùng.

Chúng ta đang chờ đợi sự trở lại của Chúa Kitô và chúng ta đang ở trong Mùa Vọng, và sự quang lâm của Chúa Kitô sẽ kết thúc mọi thứ trong tình yêu.

Hai nghìn năm trước, than ôi, một số người đã không nhận ra Đấng Mêsia mà họ mong đợi. Chúng ta, anh chị em và các bạn bè thân yêu, đừng chạy trốn sự hiện diện của Người, đừng bỏ lỡ sự trở lại của Người. Ngài đến giữa lòng thế giới, đến với trái tim dân Chúa, đến với cây thập tự giá đức tin của các tín hữu. Những ai đã được rửa tội thì Nước Trời “đã đến rồi”, cũng thế, những người thánh hiến làm chứng bằng đời sống của họ cho Nước Trời. Và chúng ta, những linh mục, thừa tác viên được truyền chức, phó tế, giám mục, chúng ta ở vị trí của mình khi phục vụ, khi mang lại và ban phát những ân lành của Thiên Chúa.

Vâng, tôi tin điều đó, chính trong sự kín nhiệm của tất cả con tim, Chúa đến trong thế giới và chính ở đó tôi đã khám phá ra Người. Trong tâm hồn của những người yếu đuối, dễ bị tổn thương, nghèo khổ nhất, tôi đã nhận ra sự hiện diện của Chúa. Tôi nhận ra điều đó nơi mỗi người trong anh chị em, những người mở rộng tâm hồn mình để đón nhận sự hiện diện của Chúa, ở đây, ngay bây giờ. Mong chúng ta thực sự trải nghiệm nó và giúp nhau cùng trải nghiệm.
Source:KTO TV

2. Đức Hồng Y Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao kêu gọi các linh mục nhấn mạnh đến hiệu quả chữa lành của bí tích hòa giải trong mùa Giáng Sinh này.

Bí tích hòa giải có khả năng chữa lành mà các linh mục nên đặc biệt nhấn mạnh để giúp mang tình yêu và sự an ủi của Thiên Chúa đến cho một thế giới bị thiệt hại bởi đại dịch coronavirus kéo dài hai năm. Đó là lời khuyên dành cho các cha giải tội từ Đức Hồng Y Mauro Piacenza, khi ngài nhấn mạnh tính cấp thiết trong công việc của các cha giải tội đối với nhân loại.

Đức Hồng Y Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao nói: “Trong Mùa Vọng, mọi cha giải tội đều được kêu gọi để hướng nhìn, và với ân sủng siêu nhiên, theo một cách nào đó đồng nhất với Gioan Tẩy Giả, lặp lại với thế giới: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’”.

Văn phòng của ngài là một tòa án của Tòa Thánh có thẩm quyền đối với các ân xá và việc xá giải những tội lỗi nặng nhất.

Trong một thông điệp gửi đến các cha giải tội cho Lễ Giáng sinh năm nay, Đức Hồng Y cho biết Lễ Giáng sinh là thời điểm để “nhấn mạnh hơn nữa những khía cạnh chữa lành đó” của Bí tích Hòa giải.

“Cha giải tội, với lòng khiêm tốn và trung thành thi hành chức vụ của mình, phải cho thế giới thấy rằng Chúa đang hiện diện: ngài hiện diện như một vòng tay nhân hậu, như tình yêu và công lý, như sự thật và ân sủng, như sự an ủi và dịu dàng. Tình trạng mất phương hướng của thời đại chúng ta đang tạo ra sự cô đơn hiện sinh mà khi này khi khác rất bi thảm. Điều cấp bách và cần thiết là cho thấy sự hiện diện của Chúa cùng nhân loại trong thế giới. Làm chứng cho sự hiện diện của Chúa với tư cách là Đấng Cứu Rỗi duy nhất, trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ”.

Thời gian kéo dài của đại dịch có nghĩa là càng có nhiều cha giải tội sẽ phải thi hành “chức vụ an ủi”, bản thân nó là một tên gọi khác của lòng thương xót. Đồng thời, các ngài phải sẵn sàng dành nhiều thời gian hơn cho các hối nhân xưng tội.

“Sự hiện diện và sẵn có của chúng ta sẽ khuyến khích các tín hữu muốn tiếp cận bí tích hòa giải hoặc những người, khi nhìn thấy chúng ta, nhận được từ chúng ta một số hiểu biết siêu nhiên. Người ta hành động và chuyển đổi chỉ vì sự hiện diện, chứ không bao giờ vì sự vắng mặt!”

Người tín hữu cũng có thể nhận được sự nâng đỡ tinh thần từ Đức Trinh Nữ Maria. “Ánh sáng của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trên con đường dẫn đến Lễ Giáng Sinh, được phản chiếu và làm mới lại thành quả của hành trình Mùa Vọng và trấn an các tâm hồn trong một thời kỳ mờ mịt về tương lai, và không dễ dàng cho cuộc sống của tất cả mọi người.”

Đức Hồng Y Piacenza nhấn mạnh rằng: Đức tin Kitô không loan báo một vị thần là “người ngoài hành tinh” hay “xa cách” với các vấn đề của con người. Đúng hơn, “Thiên Chúa đã chọn để mạc khải chính mình, đi vào lịch sử, trở thành một người tham gia vào câu chuyện nhân loại, để cứu chúng ta trong chính câu chuyện này”. Thiên Chúa thực hiện điều này “bằng cách tồn tại trong thời gian, qua mầu nhiệm của Giáo hội, qua căn tính và hành động bí tích của Giáo hội.”

Ngài nói thêm: “Tính duy nhất của Chúa Kitô trong ơn cứu rỗi” làm cho ơn cứu rỗi trở nên khả thi và hiện thực “nếu Chúa Giêsu thành Nazareth không phải là Đấng Cứu Rỗi duy nhất, thì đơn giản là sẽ không có sự cứu rỗi.”

“Thừa tác vụ hòa giải được kêu gọi để công bố tính duy nhất cứu độ này, trong những hoàn cảnh mà ‘những lời hô hào mất phương hướng’ đang được nhân lên, và nghịch lý thay, ngay trong bối cảnh đó, khát khao chân lý và công lý, khát khao tự do và giải phóng thực sự, đang bùng phát trong nhân loại”

Cha giải tội phải giúp tiết lộ “sự hiện diện của Chiên Con của Thiên Chúa trong thế giới.” Linh mục giải tội, qua Bí tích Truyền Chức Thánh, cũng được kêu gọi để đồng nhất với sự hiện diện này. Nhờ quyền năng tha tội của Chúa Giêsu Kitô, mỗi cha giải tội mở rộng “chính sứ mệnh của Chúa Giêsu: đó là hòa giải loài người với Thiên Chúa, trong công lý và sự thật, là điều mà trong Chúa Cha được gọi là Lòng Thương Xót.”

Đức Hồng Y hỏi: “Anh em có thể tưởng tượng ra sứ mệnh nào là cần thiết và cấp bách hơn đối với nhân loại không? Nếu những sự dữ của thế gian luôn liên kết với tội lỗi theo một cách nào đó, thì điều gì có thể hữu ích và cần thiết hơn là việc ‘giải thoát khỏi sự dữ’, thông qua sứ vụ hòa giải?”

“Trong việc thực thi sứ vụ quý giá này, một sứ vụ đang bị phớt lờ và thậm chí bị tấn công bởi một thế giới tục hóa đến mức không còn hiểu được bản chất và nhu cầu thiết yếu của chính mình, cha giải tội biết rõ rằng mình đang tham gia vào cuộc cách mạng đích thực duy nhất: đó là lòng thương xót và lòng nhân hậu, sự thật và công lý. Đó là cuộc cách mạng của tình yêu tiết lộ cho chúng ta thấy rằng chính Thiên Chúa là Tình yêu”.

Đức Hồng Y đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải có quan điểm rõ ràng lấy Chúa Kitô làm trung tâm, vì bên ngoài điều đó mọi lời hứa cứu rỗi đều là chuyện không tưởng, mọi sự phân tâm khỏi quan điểm này đều là dối trá, và đến từ kẻ lừa dối. Chỉ có sự hoán cải cá nhân theo Chúa Kitô mới xây dựng Giáo hội và thế giới.”

Đức Hồng Y nói lên “lòng biết ơn sâu sắc nhất” của mình đối với tất cả các cha giải tội vì “sự phục vụ siêu nhiên của các ngài đối với Chúa Kitô và Giáo hội, đối với các linh hồn và toàn thể xã hội.” Ngài phó dâng các vị cho Đức Trinh nữ Maria và chúc các vị một Mùa Giáng sinh thánh thiện.
Source:Catholic News Agency

3. Colombo để tang doanh nhân bị đánh chết ở Pakistan

Hài cốt của Priyantha Kumara, một công nhân Công Giáo bị giết ở Silkiot, Pakistan, trong những ngày gần đây, đã đến Sri Lanka trên chuyến bay của Sri Lankan Airlines từ Lahore. Chờ anh ở sân bay quốc tế Bandaranaike là vợ anh Nilushi và các thành viên khác trong gia đình.

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith, Tổng Giám Mục của Colombo, đã bày tỏ lời chia buồn và lên án vụ giết người. “Các nhà lãnh đạo của mọi quốc gia phải làm việc cần mẫn để ngăn chặn những hành động tàn bạo khủng khiếp được gây ra dưới vỏ bọc đức tin. Không có khoảnh khắc nào bi thảm hơn trên thế giới khi những kẻ cực đoan giết người nhân danh tôn giáo để đạt được mục tiêu chính trị cá nhân. Đó là một sự xúc phạm đối với tất cả các tôn giáo”.

Hoàn cảnh xảy ra cái chết của anh Priyantha Kumara, 48 tuổi, như sau: Ngày 3 tháng 12 vừa qua anh đến xưởng thợ ở Sialkot, Pakistan nơi anh làm đốc công. Trong lúc dọn dẹp anh quăng một số giấy tờ anh nghĩ là những quảng cáo vào trong xọt rác. Tuy nhiên, một số công nhân theo đạo Hồi đứng gần đó bắt đầu la hét phản đối. Bất chấp lời bênh vực của một công nhân nói rằng anh ta không biết chữ Urdu, đám đông xúm lại và bắt đầu tấn công anh. Anh nhảy lên mái nhà cố gắng thoát thân nhưng bị đám công nhân nhào lên theo và dùng gậy, kéo để đánh và đâm anh nhiều nhát. Sau đó, họ thiêu sống anh.

Shantha Kumara Diyawadana, em của Priyantha, đã nói về nỗi đau của chính mình với AsiaNews. “Anh trai tôi bị buộc tội báng bổ để kẻ có tội có thể trốn tránh pháp luật,” anh nói. “Người không có tội thậm chí không con nguyên hình hài, nhưng thân thể của anh tôi đã được trả lại cho chúng tôi từng mảnh một. Dù tôi nói hay làm gì thì anh tôi cũng không còn nữa”.

Hài cốt của Priyantha Kumara đã được đưa đến bệnh viện Negombo, nơi khám nghiệm tử thi. Thi thể sau đó được bàn giao cho gia đình.

Việc xúm lại đánh chết người doanh nhân này đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối ở Pakistan và Sri Lanka. Hàng chục nhóm xã hội dân sự đã tổ chức một cuộc biểu tình im lặng trước phái đoàn ngoại giao Pakistan ở Colombo. Các nhà lãnh đạo của các cộng đồng tôn giáo khác nhau đã gửi một lá thư cho đại sứ Pakistan tại Sri Lanka kêu gọi Islamabad tiến hành một cuộc điều tra khách quan. Liên quan đến vụ giết người, cảnh sát Punjab cho đến nay đã bắt giữ hơn 130 người.

Một số thành viên trong hàng giáo sĩ sau đó đã gặp phái đoàn ngoại giao Pakistan để thảo luận thêm về quan hệ song phương giữa hai nước và đề xuất hỗ trợ kinh tế cho gia đình doanh nhân. Hôm nay, Hội đồng Bộ trưởng đã thông qua đề xuất tặng 2.5 triệu rupee (gần 11 triệu euro) cho vợ và các con, ghi nhận đóng góp của Kumara với tư cách là một doanh nhân nhập cư tại Pakistan, nơi anh đã sống và làm việc 11 năm.
Source:Asia News