1. Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 7/11/2021

Chúa Nhật 7 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 32 Mùa Quanh Năm.Bài Tin Mừng theo Thánh Marcô có chủ đề “Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: “Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn”. Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: “Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình”.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Khung cảnh được Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay mô tả diễn ra bên trong Đền thờ Giêrusalem. Chúa Giêsu quan sát, nhìn những gì xảy ra ở nơi này, nơi thánh thiêng nhất, và thấy cách thức các thầy thông luật thích bước đi để được chú ý, chào đón, tôn kính và chiếm những ghế nhất. Và Chúa Giêsu nói thêm rằng “họ ăn tươi nuốt sống nhà cửa của các bà goá và cầu nguyện lâu giờ để được nhìn thấy” (Mc12:40). Cùng lúc đó, mắt Ngài thoáng hiện ra một cảnh khác: một góa phụ nghèo, là một trong những người bị thế lực bóc lột, đang bỏ vào kho của Đền thờ “mọi thứ bà ấy có để sống” (câu 44). Tin Mừng nói như vậy, bà ấy bỏ mọi thứ bà có để sống vào kho bạc. Tin Mừng cho chúng ta thấy sự tương phản nổi bật này: người giàu, người cho đi những gì dư thừa để được nhìn thấy, và một người phụ nữ nghèo, lặng lẽ, trao ra tất cả những gì mình có. Đó là hai biểu tượng về thái độ sống của con người.

Chúa Giêsu nhìn vào hai cảnh. Và chính động từ này - “nhìn” - đã tóm tắt lại lời dạy của Ngài đối với những người sống đức tin hai lòng, như những kinh sư, “chúng ta phải tự bảo vệ mình” để không trở nên giống họ; còn đối với người góa phụ thì chúng ta phải “nhìn vào” bà ấy như một gương mẫu. Chúng ta hãy chú ý đến hai điều này: hãy coi chừng những kẻ giả hình và hãy nhìn vào bà góa nghèo.

Trước hết, hãy cẩn thận với những kẻ đạo đức giả, nghĩa là, hãy cẩn thận không đặt cuộc sống dựa trên sự sùng bái ngoại hình, vẻ bề ngoài, và sự chăm sóc quá mức cho hình ảnh của ta. Và, trên hết, hãy cẩn thận đừng bẻ cong niềm tin cho tư lợi của mình. Những thầy thông luật đó đã dùng danh Chúa che đậy cho hư danh của họ, và tệ hơn nữa, họ sử dụng tôn giáo để kinh doanh, lạm dụng quyền hành và bóc lột người nghèo. Ở đây chúng ta thấy thái độ đó thật tồi tệ vì ngay cả ngày nay chúng ta cũng thấy ở nhiều nơi, ở rất nhiều nơi, chủ nghĩa giáo sĩ, đè nặng lên những người bé mọn, bóc lột họ, “đánh đập” họ, trong khi lại cảm thấy mình hoàn hảo. Đây là tội lỗi của chủ nghĩa giáo sĩ. Đó là lời cảnh báo cho mọi thời đại và cho tất cả mọi người, Giáo hội và xã hội: đừng bao giờ lợi dụng vai trò của mình để đè bẹp người khác, đừng bao giờ kiếm lợi trên lưng những kẻ yếu đuối nhất! Và hãy cảnh giác, để không sa vào sự phù phiếm, để không xảy ra tình trạng chau chuốt vẻ bề ngoài, tha hoá và sống hời hợt. Chúng ta hãy tự hỏi mình, vì điều đó sẽ giúp chúng ta: trong những gì chúng ta nói và làm, chúng ta muốn được đánh giá cao và hài lòng hay chúng ta muốn phục vụ Thiên Chúa và người lân cận, đặc biệt là những người yếu đuối nhất? Chúng ta hãy đề phòng sự giả dối của con tim, nó còn nguy hơn sự giả hình, vốn là một căn bệnh nguy hiểm của tâm hồn! Đó là lối suy nghĩ kép, đánh giá kép, như bản thân từ này đã nói: “che dấu suy nghĩ”, bề ngoài thì khác mà bên trong lại suy nghĩ khác. Đó là những kẻ hai lòng.

Và để chữa khỏi căn bệnh này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào người đàn bà góa nghèo. Chúa tố cáo những kẻ bóc lột người phụ nữ này, là người mà để thực hiện việc đóng góp này, sẽ phải trở về nhà trong tình trạng không còn gì cả dù chỉ là một chút để mà sống. Thật là quan trọng biết bao khi chúng ta biết giải phóng tâm hồn mình khỏi mọi ràng buộc đối với tiền bạc! Chúa Giêsu đã nói điều đó trong một dịp khác: một người không thể làm tôi hai chủ. Hoặc là anh chị em phục vụ Chúa - và chúng ta nghĩ câu tiếp theo Chúa sẽ nói là “hoặc là phục vụ ma quỷ”, không - Chúa đề cập đến tiền của. Ngài là một bậc thầy, và Chúa Giêsu nói rằng chúng ta không nên là đầy tớ của tiền của. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng ca ngợi việc bà góa này trao ra tất cả những gì mình có vào kho bạc. Bà ấy không còn gì cả, nhưng bà ấy tìm thấy mọi thứ của mình trong Chúa. Người phụ nữ ấy không sợ mất đi cái ít ỏi mình có, vì bà ấy tin cậy nơi sự phong phú của Thiên Chúa, và sự phong phú của Thiên Chúa nhân lên niềm vui của những người cho đi. Điều này cũng khiến chúng ta liên tưởng đến một bà góa khác, là bà goá đã gặp gỡ tiên tri Êlisê. Bà góa ấy sắp làm một chiếc bánh bằng đấu bột cuối cùng và chút dầu cuối cùng. Tiên tri Êlisê nói với bà: “Hãy cho tôi ăn” và bà cho; và bột sẽ không bao giờ cạn, đó là một phép lạ (xem 1 Các Vua 17,9-16). Chúa luôn luôn đi xa hơn. Trước sự quảng đại của con người, Ngài càng rộng lượng hơn. Nhưng không phải là vì hám lợi của chúng ta. Đây là lúc Chúa Giêsu đề nghị bà như một vị thầy về đức tin, bà này không đến Đền thờ để thanh tẩy lương tâm, bà không cầu nguyện để được nhìn thấy, bà không phô trương đức tin của mình, nhưng dâng hiến bằng cả tấm lòng, hào phóng và tình nghĩa. Đồng tiền của bà có âm hưởng đẹp hơn của dâng cúng rất lớn của những người giàu có, bởi vì chúng thể hiện một đời sống chân thành dâng hiến cho Thiên Chúa, một đức tin không sống dựa vào vẻ bề ngoài mà dựa trên sự tin tưởng vô điều kiện. Chúng ta học được ở bà ấy: một đức tin không nhắm đến vẻ bề ngoài, nhưng tín thác vô điều kiện từ bên trong; một đức tin được hình thành từ tình yêu thương khiêm nhường đối với Thiên Chúa và anh em.

Và bây giờ chúng ta hướng về Đức Trinh Nữ Maria, Đấng với tấm lòng khiêm nhường và trong sáng đã biến cả cuộc đời mình thành một món quà cho Thiên Chúa và cho dân tộc của Người.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Tôi lo lắng theo dõi tin tức đến từ khu vực Sừng châu Phi, đặc biệt là từ Ethiopia, nơi bị rung chuyển bởi một cuộc xung đột đã diễn ra hơn một năm và đã gây ra nhiều nạn nhân và một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Tôi mời mọi người cầu nguyện cho những dân tộc đang bị thử thách nghiêm trọng, và tôi lặp lại lời kêu gọi của mình xin cho sự hòa hợp huynh đệ và cách thức đối thoại hòa bình sẽ chiếm ưu thế.

Và tôi cũng xin cam đoan những lời cầu nguyện của tôi dành cho các nạn nhân của đám cháy sau một vụ nổ nhiên liệu ở ngoại ô Freetown, thủ đô của Sierra Leone.

Hôm qua tại Manresa, Tây Ban Nha, ba vị tử đạo vì đức tin đã được tuyên xưng là chân phước, thuộc Dòng Tu sĩ Capuchin Hèn mọn: đó là các Chân Phước Benet de Santa Coloma de Gramenet, Josep Oriol de Barcelona và Domènech de Sant Pere de Riudebitlles. Họ đã bị giết trong thời kỳ bách hại tôn giáo của thế kỷ trước ở Tây Ban Nha, họ đã đưa ra những chứng tá can đảm làm chứng cho Chúa Kitô. Ước gì gương sáng của các ngài giúp các Kitô hữu ngày nay luôn trung thành với ơn gọi của mình, ngay cả trong những lúc thử thách. Xin anh chị em một tràng pháo tay cho những Chân Phước mới này!

Tôi chào tất cả các bạn, những tín hữu thân yêu của Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là những người đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Bồ Đào Nha. Tôi chào các nhóm tín hữu từ Prato và Foligno; và các chàng trai trong Nhóm Tuyên Xưng Đức Tin Bresso.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana

2. Các Giám mục Pháp quỳ gối đền tội vì hàng chục năm lạm dụng tình dục trẻ em bởi hàng giáo sĩ

Các thành viên cấp cao trong hàng giáo phẩm Công Giáo của Pháp đã quỳ gối để tỏ lòng sám hối tại đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức vào thứ Bảy, một ngày sau khi các giám mục nhận trách nhiệm của Giáo Hội sau nhiều thập kỷ lạm dụng trẻ em.

Nhưng một số nạn nhân bị lạm dụng - và các giáo dân ủng hộ họ - cho biết họ vẫn đang chờ đợi các chi tiết về bồi thường và một cuộc cải tổ toàn diện của Giáo Hội.

Tại Lộ Đức, nơi hành hương của các tín hữu trên toàn thế giới, khoảng 120 tổng giám mục, giám mục và giáo dân đã tụ tập để công bố một bức ảnh tượng trưng cho đầu của một đứa trẻ đang khóc.

Theo yêu cầu của các nạn nhân, các giáo sĩ đã không mặc các phẩm phục tôn giáo của các ngài trong buổi lễ.

Bức tường có bức ảnh sẽ là “nơi tưởng nhớ” cho các nạn nhân. Bản thân bức ảnh được chụp bởi một trong những nạn nhân bị lạm dụng và những đau khổ mà anh ta phải chịu đựng được trình bày chi tiết trong một đoạn văn do một người khác đọc.

Tại buổi lễ hôm thứ Bảy, Hugues de Woillemont, phát ngôn viên của Hội đồng Giám mục Pháp, cho biết: “Chúng tôi muốn đánh dấu địa điểm Lộ Đức này như là chứng từ tượng hình đầu tiên tưởng nhớ rất nhiều bạo lực, kịch tính và các cuộc tấn công.”

Chỉ một ngày trước đó, sau một cuộc bỏ phiếu tại hội nghị thường niên của các ngài, các giám mục của Pháp cuối cùng đã chính thức chấp nhận rằng Giáo Hội Công Giáo phải chịu một “trách nhiệm thể chế” trong hàng ngàn vụ lạm dụng trẻ em.

Các trường hợp lạm dụng, kéo dài từ những năm 1950 và ảnh hưởng đến ít nhất 216,000 trẻ vị thành niên, đã được nêu chi tiết trong một báo cáo độc lập được công bố cách đây một tháng. Con số 216,000 là cao một cách bất thường. Tính trung bình một kẻ lạm dụng đã gây hại cho hàng trăm trẻ em. Điều này, khiến nhiều người nghi ngờ tính chính xác của bản báo cáo.

Đức Tổng Giám Mục Eric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, gọi tắt là CEF, cho biết, hội nghị cũng thừa nhận rằng Giáo Hội Pháp đã lúng túng khiến cho những hành vi lạm dụng trở thành “có hệ thống”.

Một nạn nhân bị lạm dụng, Veronique Garnier, cho biết cô đã rất xúc động trước buổi lễ.

Garnier, người đã hợp tác chặt chẽ với CEF, cho biết điều quan trọng là công lý phải được thực hiện cho các nạn nhân.

Theo AFP, Cha Jean-Marie Delbos, người khi còn nhỏ là nạn nhân của sự lạm dụng, đã giận dữ bác bỏ buổi lễ.

“Sự ăn năn, đó là một sự giả tạo,” vị linh mục 75 tuổi nói về buổi lễ. Nói chuyện với các nhà báo, ông kêu gọi vị linh mục đã lạm dụng ông phải bị trừng phạt và huyền chức.

Khoảng 20 thành viên giáo dân của đức tin, với những dải ruy băng màu tím buộc quanh tay hoặc cổ, tụ tập bên dưới một biểu ngữ kêu gọi “4 R-nghĩa là công nhận, có trách nhiệm, sửa chữa và cải cách.

“Chúng tôi có vai trò của mình trong tiến trình đó,” Anne Reboux, 64 tuổi, đến từ thành phố Toulouse phía tây nam nói.

Bà lập luận rằng càng có nhiều thành viên giáo dân đóng vai trò tích cực trong Giáo Hội, thì hàng giáo phẩm càng ít bị cám dỗ lạm dụng quyền lực.

Tại Paris, vài chục người, trong đó có một số người tự nhận mình là nạn nhân của lạm dụng, đã tập trung bên ngoài trụ sở CEF.

“Chúng tôi hy vọng, sự hiện diện của chúng tôi sẽ được tính đến trong việc xây dựng kế hoạch hành động và lịch trình sẽ phải đưa ra mức bồi thường,” một trong những người tổ chức, Yolande Fayet de la Tour, nói với AFP-TV.

Dự kiến sẽ có quyết định về việc bồi thường cho các nạn nhân của vụ lạm dụng vào ngày cuối cùng của hội nghị CEF, vào thứ Hai.
Source:Swiss Info