TÂY NINH -- Mùa hè có những ngày nghỉ quí báu, tôi tận dụng thời gian để đi nơi này nơi khác, làm những việc cần làm. Mỗi nơi để lại trong lòng tôi những cảm xúc khác nhau, mỗi việc làm cũng làm tôi có những suy tư khác nhau. Nhưng chuyến đi về miền biên giới tây nam tổ quốc để lại trong lòng tôi một tâm tình riêng biệt.

Tôi đến thị trấn Châu Thành của tỉnh Tây Ninh vào một buổi chiều. Sáu năm về trước, tôi đi nhờ chiếc xe hơi sang trọng đến nơi này, không ngờ chính sự sang trọng của xe làm tôi ủ rũ vì lạnh, chẳng hiểu hết nơi đây ra sao; nay đi bằng xe đò công cộng tôi lại tỉnh táo nhận ra cảnh vật thay đổi khá nhiều. Nhà thờ Cao Xá được sửa lại to hơn, tháp chuông cao được sơn nhiều màu hơn. Hai bên sân nhà thờ cây cỏ được trồng khá đẹp, chỉ có những con đường dẫn vào các ngôi nhà trong làng thì vẫn còn đầy bùn nhão của đất pha cát màu vàng nhạt.

Một giờ đồng hồ sau, trời mưa lất phất làm cảnh vùng quê nhuốm màu buồn. Tôi và người quen vẫn xăm xăm đội nón đi ra khỏi căn nhà đơn sơ mà tôi trú chân đêm nay. Đi ngang những mảnh vườn trồng hoa màu, nhìn những luống cải thẳng tắp tôi thấy vui mắt. Tôi reo lên khi lần đầu tiên trông thấy cây vừng (mè), quả màu xanh bé bằng đầu ngón tay nhưng bên trong có chứa những hạt mè màu đen hoặc màu vàng; cây cà tím trông rất hiền lành. Có thể phân lọai thế này: vườn trồng hàng bông thì có các thứ rau cải, hành hẹ; còn rẫy thì có các cây cho trái nhỏ như cà, khổ qua, đậu đũa, bắp, khoai mì. Đặc biệt là củ sắn dây chế biến ra bột sắn là một thứ đặc sản ở vùng này.

Ngôi nhà nuôi người già ở trong khu vực khá rộng. Những cụ già muôn thuở biểu hiện những giới hạn của con người: đi chậm, mắt kém, lãng tai, lưng còng…..nhưng các phụ nữ tuổi lưng chừng sống nhờ ở đây rất lịch sự khi tôi nói lời thăm hỏi. Trước đây trại này còn nghèo nhưng nhờ sự khéo léo của vị quản lý, nay đã có môt dãy nhà khang trang sạch sẽ làm cho những cuộc đời chưa vui không còn vật vờ khắc khoải nữa.

Trời còn đủ sáng để chúng tôi đi thăm tiếp một số gia đình các em học sinh được giới thiệu để chúng tôi trợ giúp đầu năm học này. Đa số những căn nhà chúng tôi đến thì tềnh toàng, quá đơn sơ, thậm chí dưới mức nghèo khổ cho phép. Có nhà nằm ngay trên con đường của làng, có nhà sâu tuốt trong rẫy phải đi qua những lối mòn đầy cỏ dại. Trẻ con vùng này gầy và đen nhưng trông có vẻ khỏe. Nhiều gia đình đông con mà hiếu khách. Nhiều em học sinh giỏi nhưng sống trong những gia đình khập khiễng, tức là mồ côi bố hoặc mẹ. Một nhà kia có đến bảy đứa con. Đứa con gái thứ hai người mỏng mảnh, học lớp bảy, đã biết cùng bố chăm sóc hoa màu. Nhìn đám trẻ lóc nhóc chia kẹo, tôi thoáng nghĩ xa xôi về tương lai các cháu.

Đến nhà nọ, tôi cao giọng hỏi đứa bé: “ Mẹ có nhà không? “ Nó nhìn tôi rồi chạy vào nhà khá nhanh rồi lại chạy ra nói to: “ Cô ơi, mẹ cháu bảo đàn chó nhà cháu được chích cả rồi! “ Tôi ớ người ra chưa hiểu thì được người đi cùng giải thích: “ Trông cô giống mấy người đi chích ngừa cho chó nên nó hiểu lầm! “ Thì ra tướng tá của tôi quá “ sang trọng “ nên cháu bé mới hồn nhiên như thế! Đi gần được chục nhà, tôi mới thấy hối hận vì đi thực tế nơi này quá trễ.

Đêm ở vùng quê khá buồn, chẳng nhậu nhẹt, đàn đúm. Có lẽ do phần lớn thanh niên lên thành thị kiếm sống, còn lại nhiều người già và trẻ em nên ít chuyện ồn ào của xóm. Những con đường làng tối om. Trời càng về khuya càng lạnh.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi lên vùng biên giới bằng con đường đất đỏ tương đối dễ đi để đến điểm truyền giáo của giáo xứ Cao Xá, cách đó 20 km. Giáo điểm Hòa Thạnh là một nhà thờ nhỏ, mái tôn, vách đất, nền lát gạch Tàu, ghế ngồi đơn sơ, không có thánh giá gắn trên nóc nên trông như ngôi nhà dài hơn bình thường mà thôi. Cả tuần chỉ có một thánh lễ vào lúc 9 giờ 30 sáng Chúa nhật. Giáo dân có người ở cách đó năm, bảy cây số là chuyện thường. Có những người Việt làm ăn ở sát bên kia biên giới Campuchia - Việt, cũng về đây dâng lễ. Được biết, giáo điểm này có đến 603 giáo dân là cả một sự cố gắng, kiên trì của các linh mục ở Cao Xá.

Chúng tôi đến đây trước thánh lễ một giờ đồng hồ mà đã có những người lớn đến đây ngồi chờ dâng lễ, một vài đứa trẻ chơi ô quan. Sáng sớm nay, cha đi từ Cao Xá đến giáo họ Hòa Bình dâng lễ, cách đó 10 km, rồi mới đến đây. Cách biên giới rất gần nên đứng ở nơi này, phóng tầm mắt ra xa, có thể nhìn thấy những ngôi nhà tranh vách lá của người dân Campuchia. Tôi hỏi chuyện hai đứa bé chăn trâu da ngăm đen, có mái tóc xoăn, đang đi thong thả với đàn trâu trên đường, nhưng chúng không biết nói tiếng Việt nên tôi cũng chẳng biết gì hơn.

Nắng lên cao mà không khí vẫn mát dịu. Trên đường về, chúng tôi ghé vào giáo họ Hòa Bình thuộc xã Thành Long. Có 517 giáo dân, nơi đây đã tươm tất, có ban bệ, có ca đòan, thiếu nhi, có người trông coi giáo xứ. Lúc này, chúng tôi khát nước quá mà không có quán xá nào quanh đó. May quá, vào tham quan nhà xứ, được dựng bằng lá, chúng tôi được tiếp đón nước non tử tế. Một thầy giáo trẻ nhà ở gần đó, thường giúp cha một số lớn việc của giáo họ, một người trong chúng tôi thốt lên: “ Thầy hoạt bát, nhanh nhẹn, trắng trẻo sao không đi tu để trông coi chỗ này? “ Thầy khiêm tốn nói: “ Cứ trông nõn nà là đi tu sao! Chúa biết từng người và có cách, có chương trình trên cuộc đời của từng người mà, đừng có lo! ” Có tiếng trả lời: “ Cám ơn cha phó! “ Tất cả lại cười.

Chúng tôi ra về khi bóng nắng đứng trên đầu. Tôi hít thật sâu không khí trong lành khi đi ngang mấy cây thốt nốt cao to, lòng có những suy tư đơn sơ: Các nhà thờ của vùng sâu vùng xa thường bắt đầu bằng một giáo điểm, rồi thành giáo họ, theo thời gian phát triển thành giáo xứ. Các nhà thờ có mặt trên từng cây số của đất nước làm thành một màng lưới nằm trong công cuộc truyền giáo, dưới mắt tôi quả là những công trình tuyệt vời. Chuyến đi của chúng tôi kết thúc bằng sự mệt mỏi và nụ cười.