TRUYỀN THỐNG VÀ LINH ĐẠO CÁT-MINH

 Hương Vĩnh

 (TIẾP THEO)

  

VI.- MỘT NGÀY TRONG ĐAN VIỆN CÁT-MINH

 

Ở đây không thể nêu lên một thời khóa biểu chính xác, bởi vì thay đổi từ cộng đoàn nầy đến cộng đoàn khác, từ xứ này sang xứ khác. Thế nhưng nội dung chính yếu thì ở đâu cũng tuân giữ một cách chặt chẽ. Trên hết là sự cầu nguyện.

 

Thánh Thể

 Đối với con cái Đan Viện Cát-Minh, việc cử hành Thánh Thể hằng ngày là cách mật thiết nhất để cầu nguyện với Chúa Giêsu trong hy lễ của Ngài hiến dâng lên Chúa Cha. Đó là nơi thuận tiện nhất cho tất cả cộng đoàn được cùng nhau lãnh nhận tất cả và trao tặng tất cả. Chính đó là nơi thực sự xây dựng được sự hiệp thông giữa mọi người. Chính đó là lúc mọi dị biệt về nhân tính đều tan chảy thành một tình yêu lớn hơn.

 Giờ kinh thần vụ

 Kinh thần vụ là lời nguyện của Giáo Hội như trầm hương bay lên Thiên Chúa từ khắp nơi trên thế giới. Lời nguyện chen đều mọi giờ khắc trong ngày. Từ giờ Kinh Sáng hát lên lúc mới tinh mơ, cho đến giờ Kinh Tối trong đêm khuya, chẳng có khoảng thời gian nào không lấp đầy bằng kinh nguyện.

 

Nguyện ngắm

 Đây là việc cầu nguyện hoàn toàn chìm đắm trong thinh lặng, một giờ ban sáng, một giờ ban chiều, chú tâm một cách trìu mến và an bình vào mầu nhiệm Thiên Chúa hằng sống. Đó là giờ mà tấm lòng người con bé nhỏ, dù rất yếu đuối, dù mang bao vết thương, vẫn một niềm tin cậy, mở ra đón nhận tình âu yếm của Cha trên trời.

 Đó là giờ của tình bạn thân thiết với Chúa Giêsu, giờ mà dù người ta không nhận biết, ân sủng vẫn đang thấm nhập tâm hồn, thanh tẩy và từ từ làm cho tâm hồn biến đổi. Trong lãnh vực này, thánh Gioan Thánh Giá và thánh nữ Têrêxa Avila là những bậc thầy ít ai sánh kịp.

 Nguyện ngắm chính là hơi thở của Đan Viện Cát-Minh. Tất cả phần còn lại trong ngày, đều cố gắng sống trong nguyện ngắm, nghĩa là kết hợp với Thiên Chúa trong tất cả mọi sự. Dù đi làm việc gì, dù chuẩn bị gặp gỡ ai, tu sĩ vẫn luôn mang theo mình, tận đáy lòng, sự tưởng nhớ tới Chúa Giê-su.

 Làm việc trí óc, làm việc mục vụ, làm việc tay chân và vô vàn những việc khác để phục vụ cộng đoàn mà mỗi tu sĩ luôn đem hết tài năng đã lãnh nhận được để phục vụ lợi ích chung. Ở trong đan viện, bao giờ người ta cũng bận rộn làm một cái gì đó. Truyền thống luôn xác nhận rằng nhàn cư vi bất thiện: Ươn lười bị coi là kẻ thù tệ hại nhất, với ý nghĩa điều đó mở đường cho mọi tính hư tật xấu khác.

 

Làm việc

 Điều đó được coi là giá trị nhân bản và cũng là giá trị Tin Mừng hàng đầu. Chúa Giêsu đã nói: "Cha tôi vẫn hằng làm việc luôn thì tôi cũng làm việc" (Ga 5,17). Ai đã dâng lòng mình cho Chúa thì cũng đặt hết tấm lòng mình vào công việc của Ngài, và vì thế, họ rất yêu mến Giáo Hội. Làm việc với tình yêu thương chính là đi vào công trình vĩ đại của thập giá.

 Và Thánh Phaolô dạy: "Ai không chịu làm việc thì cũng đừng ăn... Mỗi người hãy ăn tấm bánh tự mình làm ra." (2Tx 3, 8-10). Do đó, bạn hiểu tại sao mỗi đan viện Cát-Minh là một tổ ong lặng lẽ mà ở đó mỗi người chu toàn phận vụ nhỏ bé của mình. Mặt khác, thời gian đã thay đổi, không còn là thời mà các gia đình cự phú có thể thành lập và bảo dưỡng một đan viện. Ngày nay, đời sống cầu nguyện không chước miễn khỏi trả tiền bất cứ hóa đơn nào! Và như thế lại tốt hơn.

 Các bữa ăn cũng giống như những bữa ăn của mọi người, tuy nhiên có phần kiêng khem và chay tịnh một cách kín đáo, đó là những giá trị không bao giờ được quên. Các đan sĩ thường dùng bữa trong thinh lặng, hoặc nghe đọc một đoạn sách thú vị hoặc một bản nhạc hay, điều đó giúp tinh thần được thư thái không thể tưởng được.

 

Ngày lễ

 Cũng nên nhắc đến các ngày lễ: lễ phụng vụ, lễ của người này người kia, những lễ kỷ niệm long trọng. Tùy mức độ quan trọng, các ngày lễ phụng vụ mang vẻ lễ lạc hơn, cả bữa ăn cũng thịnh soạn hơn và giờ giải trí cũng kéo dài hơn.

 Các nữ đan sĩ không bao giờ thiếu sáng kiến (các nam đan sĩ cũng cố gắng noi bước) để các ngày lễ đó thêm hương thêm sắc, cho mọi người đều vui vẻ: một bức ảnh, một bó hoa, một bài thơ, một câu hò điệu hát, có khi là cả một vở kịch, và còn bao thứ khác nữa!

 Thánh Têrêxa Avila kiên trì bảo tồn những ngày lễ ấy. Ngài muốn những ngày lễ phải rạng rỡ niềm vui. Chính ngài không ngần ngại gõ trống và ôm Chúa Hài Đồng trong vòng tay mà nhảy múa.

 

Những đan sĩ trọng tuổi và đau yếu

 Một điều cuối cùng không thể bỏ qua, vì cũng nằm trong cái thường ngày: Đó là tình thương dành cho các đan sĩ lão thành và đau yếu. Họ được cộng đoàn cưng chiều, ưu tiên hơn bất cứ ai khác. Họ mang lại cho cộng đoàn sự khôn ngoan, kinh nghiệm của một cuộc sống dài lâu, tấm gương hy sinh sống động về sự từ bỏ cũng như sự an vui thanh thản của họ. Những đan sĩ trẻ hơn thì đem sinh lực trẻ trung của mình phục vụ họ, trong lúc chờ đợi đến lượt mình, kẻ trước người sau...

 Các đan sĩ lão thành và các đan sĩ ốm đau bệnh tật được Đan Viện luôn giữ lại mãi cho đến cùng, chỉ trừ những khi vì lợi ích về sức khoẻ của họ hoặc việc điều trị cho họ buộc Đan Viện phải rời xa họ. Trong Đan Viện Cát-Minh, người ta chết giữa gia đình, được bao vây bởi những người từng chung sống suốt cả một đời.

 

Chấp nhận hy sinh

 Người ta có thể kể thêm bao nhiêu điều khác thật tốt đẹp, để giúp bạn thấy đời sống huynh đệ tỉ muội với nhau thắm thiết êm dịu biết bao. Ồ! dĩ nhiên không nên lý tưởng hoá! Các nam đan sĩ Cát-Minh không phải là những thiên thần (tạ ơn Chúa!). Các nữ đan sĩ Cát-Minh cũng không phải là những cô gái mẫu mực!

 Tất cả cái thường ngày vừa được phác họa trên đây đã được diễn ra không phải không gặp nhiều vấp váp, với những va chạm đôi khi xẹt lửa, và phải "bắt đầu trở lại hằng trăm lần".

 Bạn cũng quá hiểu rằng người ta không thể vươn tới những chân trời rực rỡ như thế mà lại thiếu những hy sinh bản thân! Con người cũ tội lỗi của chúng ta không dễ nhường chỗ cho con người mới, cho người con của Thiên Chúa! Tất cả chúng ta đều ương ngạnh, không thể một sớm một chiều có thể trở nên ngoan ngoãn…

 Thế nhưng phải chăng chính vì thế mà sẽ là một việc thật đẹp khi biết biến cái thường ngày thật giản dị và tầm thường thành một cái thường ngày của hy vọng và yêu thương? Dù thấy mình và biết mình đầy khốn cùng, người ta vẫn không bị đè bẹp hay bị tê liệt, khi hiểu rằng, cả với những cái khốn cùng ấy, Thiên Chúa vẫn làm nên được những điều kỳ diệu.

 Phải, dù bạn khốn cùng đến đâu chăng nữa, bạn vẫn có thể cứu vớt thế giới, nếu bạn biết biến tan đi trong cõi lòng Thiên Chúa.

 Trên tất cả, chính đó mới thật là một ngày trong đan viện Cát-Minh!

 Tu huynh Pierre Marie Salingardes

Đan sĩ Cát-Minh

 

(CÒN TIẾP)