Truyền Thống và Linh Đạo Cát-Minh

Hương Vĩnh


VII.- MỘT TRUYỀN THỐNG - NHIỀU KHUÔN MẶT

 

(TIẾP THEO)

 

2.- SỰ KHAI SINH ĐOÀN SỦNG ĐAN TU

NHỮNG ĐAN SĨ ĐẦU TIÊN


 

Hãy đứng lên và đi về hướng đông

 

Êlia, vị ngôn sứ của Chúa đó, là đan sĩ đầu tiên. Ngài là nguồn cội của cơ chế thánh thiện này. Thực vậy, nhằm được chiêm ngắm Thiên Chúa, khao khát tiến thật nhanh trên đường trọn hảo, ngài xa lánh phố phường, giũ bỏ mọi của cải trần gian. Và như thế, ngài đã là người đầu tiên, một cách hoàn toàn tự nguyện, bắt đầu đời sống ẩn sĩ, tu sĩ và ngôn sứ.

 

Cuộc sống được khởi đầu và theo đuổi dưới sự linh hứng và theo lệnh của Thánh Thần. Bởi vì Thiên Chúa đã hiện ra với ngài, ra lệnh cho ngài phải xa lánh nơi loài người cư ngụ, ẩn mình trong sa mạc, cách xa các đám đông và sống đời đan sĩ trong cô tịch, theo quy luật đã chỉ cho ngài.

 

Thánh Kinh làm chứng về điều đó cách minh bạch, không thể hiểu khác được. Trong sách Các Vua chúng ta đọc thấy như sau: “Lời Thiên Chúa phán cùng Êlia rằng: Hãy đi khỏi đây, mà về hướng Đông, ngươi sẽ ẩn mình trong Khe Carith, đối diện với sông Jourdain. Ngươi sẽ uống nước Khe, và Ta truyền lệnh cho quạ nuôi dưỡng ngươi ở đó.”

 

Đó là những mệnh lệnh cứu độ mà Thánh Thần đã soi sáng cho Êlia vâng theo, là những lời hứa đáng mơ ước, mà Thánh Thần đã khiến ông đứng lên thực hiện. Những lời ấy, các đan sĩ, ẩn sĩ, đều phải xem xét từng chữ một cả về mặt lịch sử, và hơn nữa, về mặt thần bí. Càng áp dụng, càng thấy những lời ấy chứa đựng một cơ chế phong phú: cung cách để đạt tới đỉnh trọn hảo trong ơn gọi ngôn sứ và đạt tới đích điểm của cuộc sống ẩn tu.

 

Hai mục tiêu

 

Trong cuộc sống ấy, chúng ta phân biệt hai mục tiêu: mục tiêu thứ nhất chúng ta có thể đạt tới do cố gắng lao nhọc và sự thực hành các nhân đức với ân sủng Chúa hỗ trợ: dâng hiến cho Thiên Chúa một tâm hồn thánh thiện, trắng trong, sạch mọi vết nhơ tội lỗi hiện tại.

 

Mục tiêu ấy chúng ta sẽ đạt được khi chúng ta trở nên hoàn thiện, khi chúng ta đến Khe Carith, tức ẩn náu trong đức ái, như lời Đấng Khôn Ngoan đã dạy: “Đức ái phủ lấp mọi tội lỗi”. Thiên Chúa muốn cho Êlia đạt tới mục tiêu đó, nên Ngài đã bảo ông: “Hãy đi ẩn mình trong Khe Carith".

 

Mục tiêu thứ hai của cuộc sống ấy được đề ra cho các đan sĩ như một hồng ân hoàn toàn do Thiên Chúa ban không. Điều đó cốt yếu ở chỗ hưởng nếm một cách nào đó trong lòng ta, và cảm nghiệm được trong tâm trí ta sức mạnh sự hiện diện của Thiên Chúa và cái dịu ngọt của vinh quang bởi trời, không chỉ sau khi chết, mà ngay giữa lòng cuộc sống trần gian.

 

Như thế mới đúng là uống nước nơi mạch suối niềm vui của Thiên Chúa. Mục tiêu này, Thiên Chúa đã hứa ban cho ngôn sứ Êlia khi bảo ngài: “Ở đấy, ngươi sẽ uống nước Khe”.

 

Để đạt mục tiêu

 

Chính là để thực hiện hai mục tiêu đó mà đan sĩ phải dấn bước vào đời ẩn tu, như vị ngôn sứ đã minh chứng: “Trong một vùng đất hoang vu khô cằn và không ai lui tới, con đã ra trước mặt Ngài như trong đền thánh, lạy Chúa, để chiêm ngưỡng quyền năng và vinh quang Chúa.”

 

Bởi ngài chọn ở lại trong “một vùng đất hoang vu, khô cằn và không ai lui tới” để ra trước mặt Thiên Chúa “như trong đền thánh”, tức là với tâm hồn sạch mọi tội lỗi, ông đã chỉ rõ mục tiêu thứ nhất của đời sống đan sĩ mà ông chọn: dâng hiến cho Thiên Chúa một tâm hồn thánh thiện, tức sạch mọi tội lỗi hiện tại.

 

Và khi ông nói thêm: “Để con được nhìn ngắm quyền năng và vinh quang của Chúa”, ông đã nêu rõ mục tiêu thứ hai của đời ẩn tu: cảm nghiệm cách nào đó ngay ở trần gian này, hay là nhìn thấy cách thần bí trong lòng mình sức mạnh sự hiện diện của Thiên Chúa và nếm trước hương vị êm ái ngọt ngào của vinh quang trên trời.

 

Người ta đạt tới mục tiêu thứ nhất, tức sự trong sáng của tâm hồn, bằng khổ công tập luyện các nhân đức, với sự trợ giúp của ân sủng Thiên Chúa.

 

Rồi nhờ sự trong sáng của tâm hồn, sự trọn hảo của tình yêu, người ta đạt tới mục tiêu thứ hai, tức cảm nghiệm về sức mạnh của Thiên Chúa và vinh quang trên trời, như lời Chúa đã phán: “Ai yêu mến Thầy, sẽ được Cha Thầy yêu mến, và chính Thầy cũng yêu mến họ và sẽ tỏ mình ra cho họ.”

 

Qua những lời trên đây, khi đề ra các mục tiêu ấy cho ngôn sứ Êlia trong tư cách là vị thủ lãnh đầu tiên của các đan sĩ là những người sẽ nối bước theo ngài, trên hết, Thiên Chúa đã muốn họ phải noi gương bắt chước chính Ngài “trở nên trọn hảo như Cha chúng ta trên trời là Đấng trọn hảo”, và trên hết mọi sự, còn phải có đức ái là mối dây ràng buộc mọi điều trọn hảo.

 

Như thế, muốn đạt tới ơn nên trọn hảo và được nhìn ngắm vinh quang Chúa đã hứa, đan sĩ chăm chú lắng nghe với sự sáng suốt nhận định theo đúng trật tự từng lời trên đây và chăm chú thực sự theo sát phương cách mà Thiên Chúa đã đề ra cho Êlia để đạt tới mục tiêu ấy.

 

Khi nói với ngôn sứ Êlia, Thiên Chúa cũng nói với mọi đan sĩ của Cựu Ước và Tân Ước: “Hãy đi khỏi đây” tức ra khỏi các sự vật dễ hư nát và chóng qua của trần gian, và “hãy tiến về phương Đông” tức ngược với hướng các dục vọng của xác thịt, “hãy ẩn mình trong Khe Carith” để thoát khỏi cái xô bồ của các thành thị và đám đông, “đối diện sông Jourdain” tức để được tránh xa tội lỗi nhờ đức ái.

 

Qua bốn giai đoạn trên, bạn sẽ tiến đến đỉnh trọn hảo trong đoàn sủng ngôn sứ: “Ở đó, bạn sẽ uống nước Khe, uống nước nguồn, nước mạch.”

 

Trích “Các bản văn cổ nhất của Cát-Minh”

(trang 110 - 113 - Coll. Vie du Carmel.)

 

Mẹ Maria - Vẻ Đẹp Cát-Minh

 

Vào đầu thế kỷ 13, một khách hành hương đi qua núi Cát-Minh đã thuật lại như sau: “Trên triền núi Cát-Minh ấy, có những ẩn sĩ gốc Latinh (thuộc Giáo Hội Rôma) mà người ta gọi là các tu huynh Cát-Minh. Họ đã xây dựng tại đó một ngôi nhà nguyện nhỏ thật xinh xắn cho Đức Mẹ.”

 

Như thế, ngay từ đầu, các đan sĩ Cát-Minh tiên khởi đã phó mình cho sự che chở của Đức Mẹ Maria. Chắc chắn họ đã nhìn thầy nơi Ngài mẫu gương trọn hảo cho đời sống chiêm niệm. Quả thế, làm thế nào phục vụ Chúa Giêsu “với tâm hồn trong sáng và lương tâm ngay lành” (như Quy Luật dạy) mà không nhìn ngắm Mẹ Chí Thánh của Ngài?

 

Đan Sĩ Cát-Minh ngày nay – nam cũng như nữ - đều thuộc dòng dõi các đan sĩ tiên khởi đàn anh, những ẩn sĩ đã rút sâu vào trong cô tịch của Cát-Minh để “nhìn thấy Thiên Chúa”. Nhìn thấy Thiên Chúa với Đức Mẹ Maria, với người mà cuối cùng họ đã gọi là chị của họ, để hết sức sống theo Ngài và nhờ Ngài. Bởi lẽ, ở núi Cát-Minh, Đức Mẹ Maria quả là một huyền nhiệm của sự hiện diện và sự noi gương bắt chước.

 

Và theo một hình ảnh Kinh Thánh đã trở thành truyền thống trong Đan Viện, Đức Mẹ Maria là sắc đẹp, là vẻ huy hoàng diễm lệ của Cát-Minh. Địa danh vốn được ngưỡng mộ ấy có nghĩa “cánh vườn” gợi đến thực tại tâm linh: Đức Mẹ Maria là cánh vườn của Thiên Chúa. Các ẩn sĩ đầu tiên đã bị chinh phục bởi vẻ trong sáng của Đức Mẹ. Mẹ thật xinh đẹp nhờ chính vinh quang của Ngôi Lời.

 

Cho nên không có gì phải ngạc nhiên khi họ muốn thuộc về Đức Mẹ Maria. Đó chẳng phải là ý nghĩa của mảnh áo Đức Bà (đã do Đức Mẹ Maria ban cho thánh Simon Stock hồi thế kỷ 13), dấu chỉ hữu hình của sự lệ thuộc tâm linh? Chắc hẳn là thế rồi. Mặc lấy mảnh áo Đức Bà là mặc lấy sự hiện diện của Ngài để dần dần tiến sâu vào đời sống nội tâm kỳ diệu với Ngài.

 

Trong đêm tối đức tin, Đức Mẹ là ngôi sao dẫn vào cõi lòng của Thiên Chúa. Đức Mẹ càng là Nữ Vương đời tôi, Chúa Thánh Thần càng trở nên sự sống cho tôi...

 

Cát-Minh “hoàn toàn thuộc về Mẹ Maria”. Cát-Minh muốn cùng với Đức Mẹ Maria sống lại tất cả các mầu nhiệm của Con Ngài…

 

Tu huynh Marie Michel - Nữ Vương Vô nhiễm

Đan-sĩ Carmel

(CÒN TIẾP)