TRUYỀN THỐNG VÀ LINH ĐẠO CÁT-MINH
Hương Vĩnh
(tiếp theo)
VII.- MỘT TRUYỀN THỐNG - NHIỀU KHUÔN MẶT
(TIẾP THEO)
6.- CHÂN PHƯỚC ÉLISABETH CHÚA BA NGÔI (1880-1906)
Lời ca tụng Vinh Quang
Cuộc đời ngắn ngủi
Cuộc đời Élisabeth thật ngắn ngủi! Chào đời năm 1880, chị vào Đan Viện Dijon năm 1901, ở tuổi 21, và 5 năm sau qua đời, ngày 09-11-1906, ở tuổi 26. Cuộc đời ngắn ngủi ấy khiến người ta nghĩ đến Têrêxa Lisieux, và cũng như Têrêxa, chỉ trong vài năm ấy, Élisabeth đã trải qua một cuộc phiêu lưu tâm linh đẹp biết ngần nào! Khi mà Tình Yêu Thiên Chúa chiếm hữu một người trẻ và đốt cháy đến tàn rụi...
Sứ điệp
Vừa qua đời, Élisabeth đã tỏa rạng qua một số bút tích của chị, nhất là qua lời nguyện nổi tiếng: “Ôi lạy Thiên Chúa Ba Ngôi con thờ kính”. Qua việc tôn phong chân phước cho chị mới đây ngày 25-11-1984, Giáo Hội đã nhìn nhận chứng từ và sứ điệp của chị.
Élisabeth không hề có ý định đưa ra một giáo thuyết riêng tư hay độc đáo nào. Giáo thuyết tâm linh của chị, đã được chị thu nhặt từ Thánh Kinh, cách riêng từ Tin Mừng theo Thánh Gioan, và các thư của Thánh “Phaolô thân yêu” của chị.
Élisabeth đã đọc, đọc đi đọc lại, suy niệm các bản văn Kinh Thánh. Chị đã đặt mình “hoàn toàn lắng nghe lời Thiên Chúa”. Đến lượt chúng ta, chúng ta hãy lắng nghe chị Élisabeth truyền đạt lại những gì chị đã múc được nơi nguồn suối tuôn chảy của Thánh Kinh.
Tên gọi “Élisabeth Chúa Ba Ngôi”
Ngày rước lễ lần đầu, hồi 11 tuổi, Élisabeth đã được nghe một nữ tu bề trên Cát-Minh giải thích ý nghĩa tên của chị trong tiếng Do-Thái: Élisabeth là “Nhà Thiên Chúa”. Thiên Chúa cư ngụ trong chị từ ngày nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy. Lời giải thích ấy đã ghi dấu sâu đậm cuộc đời của chị.
Về sau, trước khi vào dòng Cát-Minh, chị được cha Vallée – bề trên dòng Đa-Minh ở Dijon – soi sáng cho về những nét rực rỡ trong Mầu nhiệm Ba Ngôi và về vẻ đẹp của tên gọi chị sắp nhận: Élisabeth Chúa Ba Ngôi (thoạt đầu, chị đã mong khi vào dòng sẽ được chọn tên Élisabeth Chúa Giê-su).
Chị dần dần khám phá ra “Mầu nhiệm Ba Ngôi và cả một ơn gọi trong tên của chị” (thư 113). “Tôi yêu thích tên tôi biết bao; nó nói lên tất cả ơn gọi của tôi. Mỗi lần nghĩ đến nó, tâm hồn tôi đều hướng tới diễm phúc lớn lao được hưởng kiến mầu nhiệm trên hết các mầu nhiệm, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Đấng ngay từ đời này đã là nội cấm, là nơi cư ngụ của chúng ta” (thư 185).
Điều đánh động Élisabeth là với đức tin, ta có thể sống thân mật với Ba Ngôi Thiên Chúa, nếm trước phúc lạc trên trời. “Ngay từ đời này, Thiên Chúa đã cho ta được sống thân mật với Ngài, và có thể nói là đã được bắt đầu sống cuộc sống đời đời, khi cùng kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa! Ôi nhiệm mầu thay!” (L 223).
Đó đã là thiên đàng dưới thế, đã là thiên đàng trong đức tin rồi. Élisabeth muốn truyền lại cho chúng ta lòng sùng kính Ba Ngôi như đã truyền lại cho em chị là cô Guite: “Chị để lại cho em lòng sùng kính Ba Ngôi, chị gửi em lại cho ‘Tình Yêu’. Em hãy sống trong lòng em với Chúa Ba Ngôi, trong thiên đàng của tâm hồn em” (thư 269).
Yêu mến Chúa Kitô
“Tôi yêu mến Chúa Kitô của tôi biết bao!” (thư 99). Tiếng thốt lên từ con tim của Élisabeth mấy ngày trước khi chị nhận tu phục, cho chúng ta chiếc chìa khóa để hiểu trọn ơn gọi Cát-Minh của chị. “Một đan nữ Cát-Minh là một tâm hồn đã nhìn ngắm Đấng Bị Đóng Đinh Vào Thập Giá…” (thư 133). Élisabeth đã triền miên chiêm ngắm Đấng Bị Đóng Đinh Vào Thập Giá.
Chị đã bị “tình yêu quá rộng lớn” của Ngài chiếm hữu (thư 298) theo kiểu nói của Thánh Phaolô (Ep 2, 4) mà chị thường nhắc đi nhắc lại. Chị muốn đáp lại Đấng đã quá yêu chị, bằng tình yêu, bằng sự dâng hiến chính mình.
"Thánh tông đồ đã kêu lên: ‘Không phải tôi sống, chính Chúa Kitô sống trong tôi...’. Đó là điều tâm hồn Cát-Minh của tôi hằng mơ ước... Một cách nào đó, chúng ta hãy trở thành một nhân tính phụ thêm cho Chúa, để nơi đó, Ngài có thể tái diễn tất cả mầu nhiệm của Ngài” (thư 214). Mầu nhiệm ấy, chính là mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng tôn thờ Cha và cứu độ loài người.
Trong suốt cơn bệnh của chị, Élisabeth cố gắng thể hiện sâu sắc hơn “việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Con” như thánh Phaolô đã nói tới trong Rm 8,29, nhờ đau khổ mà được trở thành đồng hình đồng dạng “với Đấng Bị Đóng Đinh Vào Thập Giá vì yêu thương” (thư 306-307) và được dự phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô vì lợi ích của thân thể Ngài là Giáo Hội (Col 1,24 - thư 309).
Ca Tụng Vinh Quang
Élisabeth đã đọc bản thánh ca mở đầu thư gửi các tín hữu Ê-phê-sô (1, 12), và đã ghi nhận một thành ngữ quan trọng, nhìn thấy nó là ơn gọi của chị. “Ước mơ của tôi là trở thành lời ca tụng cho vinh quang Thiên Chúa: Tôi đã đọc thấy điều này trong thư thánh Phaolô, và Đức Phu Quân của tôi đã cho tôi hiểu rằng đó là ơn gọi của tôi ngay từ chốn lưu đày này, trong khi chờ đợi trở về ca hát bài Sanctus (Thánh) vĩnh cửu trong kinh thành các thánh” (thư 256). Kể từ đó, chị đã ký tên vào một số thư từ và bài thơ bằng thành ngữ Latinh “Laudem Gloriae” (Ca Tụng Vinh Quang).
Cái ơn gọi “Ca Tụng Vinh Quang” ấy cũng đã được Élisabeth đem đề nghị với cô em Guite và Mẹ bề trên Germaine, bởi vì mỗi Kitô-hữu đều được mời trở thành “lời ca tụng cho vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi”. “Đó là niềm mơ ước to lớn trong trái tim của Thiên Chúa”. Élisabeth viết như thế.
Và ít lâu trước khi chết, chị còn mô tả trong niềm hớn hở an bình cái phận vụ ca tụng vinh quang ấy, phận vụ thực hiện ngay từ đời này bản nhã ca vĩnh cửu: “Trong thiên đàng tâm hồn mình, mỗi người chúng ta hãy là những lời ca tụng vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi... Một ngày kia, bức màn sẽ rơi xuống, chúng ta sẽ được đưa vào cung điện vĩnh cửu, và ở đó, chúng ta sẽ hát ca giữa lòng Tình Yêu Vô Biên. Và Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta tên mới đã hứa cho kẻ chiến thắng. Tên đó là gì? ‘Laudem Gloriae’” (Thiên đàng trong niềm tin, 44).
Bí quyết hạnh phúc
Élisabeth đã rất nhiều lần nói đến điều chị gọi là “bí quyết hạnh phúc”, và chị muốn truyền lại cho chúng ta cái bí quyết hạnh phúc ấy. Đó là sống thân mật với Thiên Chúa. “Ôi, tôi hết sức ước ao được nói cho mọi tâm hồn biết họ sẽ gặp được những nguồn mạch nào của sức mạnh, an bình, và cả hạnh phúc nữa, nếu họ chịu sống trong sự thân mật ấy” (thư 302). Vì “sống thân mật với Thiên Chúa thật quá giản dị” (thư 301).
Élisabeth không ngừng lập đi lập lại: “Có một Đấng là tình yêu và Ngài muốn chúng ta chung sống với Ngài” (thư 327). Đó là sứ điệp cuối cùng chị từng lặp lại trong các bức thư sau hết. Đối với chúng ta, đó cũng như thể một di chúc của Élisabeth.
“Tôi để lại cho các bạn niềm tin của tôi, niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa, của vị Thiên Chúa thuần tình yêu cư ngụ trong tâm hồn chúng ta. Tôi xin thổ lộ với các bạn điều này: Chính việc sống thân mật với Ngài ‘ở bên trong’ đã là mặt trời đẹp nhất chiếu sáng đời tôi, dường như thể ngay ở đây và bây giờ tôi đã được nếm trước thiên đàng rồi vậy” (thư 333).
“Tin rằng có một Đấng mang tên là Tình Yêu, tin Ngài ở trong chúng ta từng giây phút cả ngày lẫn đêm và tin rằng Ngài mời ta chung sống với Ngài, đồng thời lãnh nhận cả mọi niềm vui và mọi nỗi khổ đau như trực tiếp đến từ tình thương của Ngài. Những điều ấy nâng tâm hồn vượt lên trên những gì đang qua đi, những gì đang nghiền nát chúng ta, và ban cho tâm hồn được an nghỉ trong niềm an bình, trong tình yêu trường cửu của các con cái Thiên Chúa” (thư 330).
Tu huynh Jean Philippe Houdret
Đan sĩ Cát-Minh
(CÒN TIẾP)
Hương Vĩnh
(tiếp theo)
VII.- MỘT TRUYỀN THỐNG - NHIỀU KHUÔN MẶT
(TIẾP THEO)
6.- CHÂN PHƯỚC ÉLISABETH CHÚA BA NGÔI (1880-1906)
Lời ca tụng Vinh Quang
Cuộc đời ngắn ngủi
Cuộc đời Élisabeth thật ngắn ngủi! Chào đời năm 1880, chị vào Đan Viện Dijon năm 1901, ở tuổi 21, và 5 năm sau qua đời, ngày 09-11-1906, ở tuổi 26. Cuộc đời ngắn ngủi ấy khiến người ta nghĩ đến Têrêxa Lisieux, và cũng như Têrêxa, chỉ trong vài năm ấy, Élisabeth đã trải qua một cuộc phiêu lưu tâm linh đẹp biết ngần nào! Khi mà Tình Yêu Thiên Chúa chiếm hữu một người trẻ và đốt cháy đến tàn rụi...
Sứ điệp
Vừa qua đời, Élisabeth đã tỏa rạng qua một số bút tích của chị, nhất là qua lời nguyện nổi tiếng: “Ôi lạy Thiên Chúa Ba Ngôi con thờ kính”. Qua việc tôn phong chân phước cho chị mới đây ngày 25-11-1984, Giáo Hội đã nhìn nhận chứng từ và sứ điệp của chị.
Élisabeth không hề có ý định đưa ra một giáo thuyết riêng tư hay độc đáo nào. Giáo thuyết tâm linh của chị, đã được chị thu nhặt từ Thánh Kinh, cách riêng từ Tin Mừng theo Thánh Gioan, và các thư của Thánh “Phaolô thân yêu” của chị.
Élisabeth đã đọc, đọc đi đọc lại, suy niệm các bản văn Kinh Thánh. Chị đã đặt mình “hoàn toàn lắng nghe lời Thiên Chúa”. Đến lượt chúng ta, chúng ta hãy lắng nghe chị Élisabeth truyền đạt lại những gì chị đã múc được nơi nguồn suối tuôn chảy của Thánh Kinh.
Tên gọi “Élisabeth Chúa Ba Ngôi”
Ngày rước lễ lần đầu, hồi 11 tuổi, Élisabeth đã được nghe một nữ tu bề trên Cát-Minh giải thích ý nghĩa tên của chị trong tiếng Do-Thái: Élisabeth là “Nhà Thiên Chúa”. Thiên Chúa cư ngụ trong chị từ ngày nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy. Lời giải thích ấy đã ghi dấu sâu đậm cuộc đời của chị.
Về sau, trước khi vào dòng Cát-Minh, chị được cha Vallée – bề trên dòng Đa-Minh ở Dijon – soi sáng cho về những nét rực rỡ trong Mầu nhiệm Ba Ngôi và về vẻ đẹp của tên gọi chị sắp nhận: Élisabeth Chúa Ba Ngôi (thoạt đầu, chị đã mong khi vào dòng sẽ được chọn tên Élisabeth Chúa Giê-su).
Chị dần dần khám phá ra “Mầu nhiệm Ba Ngôi và cả một ơn gọi trong tên của chị” (thư 113). “Tôi yêu thích tên tôi biết bao; nó nói lên tất cả ơn gọi của tôi. Mỗi lần nghĩ đến nó, tâm hồn tôi đều hướng tới diễm phúc lớn lao được hưởng kiến mầu nhiệm trên hết các mầu nhiệm, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Đấng ngay từ đời này đã là nội cấm, là nơi cư ngụ của chúng ta” (thư 185).
Điều đánh động Élisabeth là với đức tin, ta có thể sống thân mật với Ba Ngôi Thiên Chúa, nếm trước phúc lạc trên trời. “Ngay từ đời này, Thiên Chúa đã cho ta được sống thân mật với Ngài, và có thể nói là đã được bắt đầu sống cuộc sống đời đời, khi cùng kết hợp với Ba Ngôi Thiên Chúa! Ôi nhiệm mầu thay!” (L 223).
Đó đã là thiên đàng dưới thế, đã là thiên đàng trong đức tin rồi. Élisabeth muốn truyền lại cho chúng ta lòng sùng kính Ba Ngôi như đã truyền lại cho em chị là cô Guite: “Chị để lại cho em lòng sùng kính Ba Ngôi, chị gửi em lại cho ‘Tình Yêu’. Em hãy sống trong lòng em với Chúa Ba Ngôi, trong thiên đàng của tâm hồn em” (thư 269).
Yêu mến Chúa Kitô
“Tôi yêu mến Chúa Kitô của tôi biết bao!” (thư 99). Tiếng thốt lên từ con tim của Élisabeth mấy ngày trước khi chị nhận tu phục, cho chúng ta chiếc chìa khóa để hiểu trọn ơn gọi Cát-Minh của chị. “Một đan nữ Cát-Minh là một tâm hồn đã nhìn ngắm Đấng Bị Đóng Đinh Vào Thập Giá…” (thư 133). Élisabeth đã triền miên chiêm ngắm Đấng Bị Đóng Đinh Vào Thập Giá.
Chị đã bị “tình yêu quá rộng lớn” của Ngài chiếm hữu (thư 298) theo kiểu nói của Thánh Phaolô (Ep 2, 4) mà chị thường nhắc đi nhắc lại. Chị muốn đáp lại Đấng đã quá yêu chị, bằng tình yêu, bằng sự dâng hiến chính mình.
"Thánh tông đồ đã kêu lên: ‘Không phải tôi sống, chính Chúa Kitô sống trong tôi...’. Đó là điều tâm hồn Cát-Minh của tôi hằng mơ ước... Một cách nào đó, chúng ta hãy trở thành một nhân tính phụ thêm cho Chúa, để nơi đó, Ngài có thể tái diễn tất cả mầu nhiệm của Ngài” (thư 214). Mầu nhiệm ấy, chính là mầu nhiệm của Chúa Kitô, Đấng tôn thờ Cha và cứu độ loài người.
Trong suốt cơn bệnh của chị, Élisabeth cố gắng thể hiện sâu sắc hơn “việc trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Con” như thánh Phaolô đã nói tới trong Rm 8,29, nhờ đau khổ mà được trở thành đồng hình đồng dạng “với Đấng Bị Đóng Đinh Vào Thập Giá vì yêu thương” (thư 306-307) và được dự phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô vì lợi ích của thân thể Ngài là Giáo Hội (Col 1,24 - thư 309).
Ca Tụng Vinh Quang
Élisabeth đã đọc bản thánh ca mở đầu thư gửi các tín hữu Ê-phê-sô (1, 12), và đã ghi nhận một thành ngữ quan trọng, nhìn thấy nó là ơn gọi của chị. “Ước mơ của tôi là trở thành lời ca tụng cho vinh quang Thiên Chúa: Tôi đã đọc thấy điều này trong thư thánh Phaolô, và Đức Phu Quân của tôi đã cho tôi hiểu rằng đó là ơn gọi của tôi ngay từ chốn lưu đày này, trong khi chờ đợi trở về ca hát bài Sanctus (Thánh) vĩnh cửu trong kinh thành các thánh” (thư 256). Kể từ đó, chị đã ký tên vào một số thư từ và bài thơ bằng thành ngữ Latinh “Laudem Gloriae” (Ca Tụng Vinh Quang).
Cái ơn gọi “Ca Tụng Vinh Quang” ấy cũng đã được Élisabeth đem đề nghị với cô em Guite và Mẹ bề trên Germaine, bởi vì mỗi Kitô-hữu đều được mời trở thành “lời ca tụng cho vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi”. “Đó là niềm mơ ước to lớn trong trái tim của Thiên Chúa”. Élisabeth viết như thế.
Và ít lâu trước khi chết, chị còn mô tả trong niềm hớn hở an bình cái phận vụ ca tụng vinh quang ấy, phận vụ thực hiện ngay từ đời này bản nhã ca vĩnh cửu: “Trong thiên đàng tâm hồn mình, mỗi người chúng ta hãy là những lời ca tụng vinh quang Thiên Chúa Ba Ngôi... Một ngày kia, bức màn sẽ rơi xuống, chúng ta sẽ được đưa vào cung điện vĩnh cửu, và ở đó, chúng ta sẽ hát ca giữa lòng Tình Yêu Vô Biên. Và Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta tên mới đã hứa cho kẻ chiến thắng. Tên đó là gì? ‘Laudem Gloriae’” (Thiên đàng trong niềm tin, 44).
Bí quyết hạnh phúc
Élisabeth đã rất nhiều lần nói đến điều chị gọi là “bí quyết hạnh phúc”, và chị muốn truyền lại cho chúng ta cái bí quyết hạnh phúc ấy. Đó là sống thân mật với Thiên Chúa. “Ôi, tôi hết sức ước ao được nói cho mọi tâm hồn biết họ sẽ gặp được những nguồn mạch nào của sức mạnh, an bình, và cả hạnh phúc nữa, nếu họ chịu sống trong sự thân mật ấy” (thư 302). Vì “sống thân mật với Thiên Chúa thật quá giản dị” (thư 301).
Élisabeth không ngừng lập đi lập lại: “Có một Đấng là tình yêu và Ngài muốn chúng ta chung sống với Ngài” (thư 327). Đó là sứ điệp cuối cùng chị từng lặp lại trong các bức thư sau hết. Đối với chúng ta, đó cũng như thể một di chúc của Élisabeth.
“Tôi để lại cho các bạn niềm tin của tôi, niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa, của vị Thiên Chúa thuần tình yêu cư ngụ trong tâm hồn chúng ta. Tôi xin thổ lộ với các bạn điều này: Chính việc sống thân mật với Ngài ‘ở bên trong’ đã là mặt trời đẹp nhất chiếu sáng đời tôi, dường như thể ngay ở đây và bây giờ tôi đã được nếm trước thiên đàng rồi vậy” (thư 333).
“Tin rằng có một Đấng mang tên là Tình Yêu, tin Ngài ở trong chúng ta từng giây phút cả ngày lẫn đêm và tin rằng Ngài mời ta chung sống với Ngài, đồng thời lãnh nhận cả mọi niềm vui và mọi nỗi khổ đau như trực tiếp đến từ tình thương của Ngài. Những điều ấy nâng tâm hồn vượt lên trên những gì đang qua đi, những gì đang nghiền nát chúng ta, và ban cho tâm hồn được an nghỉ trong niềm an bình, trong tình yêu trường cửu của các con cái Thiên Chúa” (thư 330).
Tu huynh Jean Philippe Houdret
Đan sĩ Cát-Minh
(CÒN TIẾP)