(Cảm tưởng sau khi đọc TUYÊN CÁO của Cộng Đồng Công Giáo VN/GP Orange ngày 20-11-2002 lên tiếng ủng hộ Văn Thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi nhà cầm quyền CSVN ngày 9 tháng 10-2002 và lời kêu gọi tham dự ĐÊM THẮP NẾN CẦU NGUYỆN CHO TỰ DO TÔN GIÁO tại Việt Nam lúc 7 giờ tối 7-12-2002 tại Trung Tâm CGVN/GP Orange).

Ngày 20-11-2002, Linh Mục Mai Khải Hoàn, Chủ Tịch Hội Đồng Linh Mục, Cộng Đồng Công Giáo VN Giáo Phận Orange, Nam California và Bác Sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Chủ Tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam GP Orange đã ký bản TUYÊN CÁO nội dung như sau: "Trong tinh thần hiệp thông với Giáo Hội Việt Nam tại quê nhà, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange nhiệt liệt ủng hộ VĂN THƯ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ngày 9 tháng 10 năm 2002, gửi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Nội dung VĂN THƯ phản đối nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã xâm nhập vào nhà giáo dân đập phá bàn thờ, ảnh tượng, tịch thu sách vở, chuỗi hạt và buộc giáo dân phải ký giấy cam đoan bỏ đạo, bỏ học Giáo Lý, bỏ loan báo Tin Mừng. Và một phái đoàn đại diện Tòa Thánh do Đức Ông Celestino Migliore dẫn đầu đã đến Việt Nam, nhưng đã không được nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cho phép viếng thăm mục vụ các Giáo Phận Thanh Hóa, Xuân Lộc, Kontum và Ban Mê Thuột.

"Đứng trước việc vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam vừa nêu trên, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange mạnh mẽ tuyên cáo:

1.Đồng tâm và nhiệt liệt ủng hộ sự lên tiếng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam qua Văn Thư gửi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

2. Cực lực lên án hành động đàn áp tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

3.Kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc can thiệp để tự do tôn giáo và nhân quyền phải được tôn trọng tại Việt Nam và buộc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam trả tự do tức khắc cho linh Mục NGUYỄN VĂN LÝ, Hòa Thượng HUYỀN QUANG, HÒA THƯỢNG QUẢNG ĐỘ, Cụ LÊ QUANG LIÊM, Luật Sư LÊ CHÍ QUANG và các tù nhân lương tâm khác.

"Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam mời gọi toàn thể giáo dân tiếp tục cầu nguyện cho hàng Giám Mục Việt Nam được thêm sức mạnh và Ơn Khôn Ngoan dể hướng dẫn dân Chúa. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam cũng thiết tha mời gọi đồng hương chung sức tranh đấu cho tự do tín ngưỡng và nhân quyền tại quê hương dấu yêu Việt Nam"

Tiếp theo TUYÊN CÁO nầy, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam GP Orange cũng kêu gọi mọi người tham gia "Đêm Thắp Nến Cầu Nguyện Cho Tự Do Tôn Giáo" sẽ được tổ chức vào lúc 7 giờ tối Thứ Bảy, ngày 7 tháng 12 năm 2002 tại Trung Tâm Công Giáo VN/GP Orange, 1538 N.Century Blvd.,Santa Ana, CA 92703.

Sau khi nhận được "TUYÊN CÁO" nầy, Báo Chí, Đài Phát Thanh, T.V tại Nam Cali cũng như nhiều nơi khác trên nước Mỹ và trên thế giới, nhất là những nơi có nhiều người Việt tỵ nạn cư trú, đã phổ biến tin tức về "ĐÊM THẮP NẾN tối 7-12-2002" tại Trung Tâm Công Giáo VN/GP Orange do Cộng Đồng CGVN/GP Orange tổ chức.

Hôm Thứ Năm, 5 tháng 12 năm 2002, Bác Sĩ Nguyễn Đức Tuấn, Mục Sư Trần Thanh Vân, Ông Lê Quang Dật (Gia đình Phật tử Quảng Đức) đã lên T.V kêu gọi mọi người không phân biệt tôn giáo, đến tham dự "ĐÊM THẮP NẾN..." cầu gnuyện cho tự do tôn giáo tại Việt Nam vào tối 7-12-02 tại TTCGVN...Trả lời phỏng vấn của Thanh Thúy, các vị nói trên đã cho biết tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam và bày tỏ lòng mong muốn tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo hãy cùng nhau tranh đấu cho tự do tôn giáo tại quê hương Việt Nam, hậu thuẫn cho các nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam hiện đang bị áp bức, giam cầm...

TỪ 23-10-1997 TRONG VỤ MEETING và BIỂU TÌNH TẠI SÂN VẬN ĐỘNG SANTA ANA do Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tổ chức với sự tham dự của các tôn giáo bạn như Phật Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo...và các đoàn thể, hội đoàn, phong trào, chính đảng... nói chung là các tổ chức tranh đấu của người Việt tỵ nạn tại Nam Cali với sự tham dự của trên 10,000 người và TRONG VỤ CHỐNG TREO CỜ "ĐỎ SAO VÀNG" của CSVN và ảnh HỒ CHÍ MINH tại tiệm TRẦN TRƯỜNG...thì đây là lần đầu tiên, các tôn giáo lớn đứng ra kêu gọi mọi người "ĐOÀN KẾT" tranh đấu cho tự do tôn giáo tại quê nhà.

Từ khi có cuộc tranh đấu của Linh Mục Nguyễn Văn Lý vào đầu năm 2000 và các cuộc tranh đấu của Hòa Thượng Huyền Quang, Hòa Thượng Quảng Độ, Cụ Lê Quang Liêm, v.v...trước đó, người ta thấy Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại (tổ chức của những người Kitô hữu dấn thân vào các lãnh vực trần thế: chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo...) đứng ra tổ chức các cuộc hội thảo phản đối nhà cầm quyền CSVN vi phạm quyền tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền, đàn áp, bắt giam, xét xử bất công đối với Linh Mục Nguyễn Văn Lý và các vị lãnh đạo tôn giáo bạn ở trong nước...

Phong Trào Giáo Dân cũng đứng ra tổ chức các lễ cầu nguyện...cho Linh Mục Nguyễn Văn Lý cũng như các vị nói trên mà không thấy Cộng Đồng Công Giáo đứng ra làm các công việc đó.

Dư luận bên ngoài cho rằng phía Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (trong nước cũng như ở hải ngoại) có vẻ tránh né vấn đề nầy. Nói rõ hơn là"có thái độ kỳ thị đối với LM Nguyễn Văn Lý"!. Sự thực có đúng như vậy hay không? Chúng ta nhớ lại, chỉ cách nay có hơn một năm mà thôi, vào dịp Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hàng năm được tổ chức tại Sân Vận Động Santa Ana (tháng 11-2001) trong Lời Cầu Nguyện dâng lên Thiên Chúa được đọc khi Dâng Thánh Lễ, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam đã chính thức "dâng lời cầu nguyện" cho LM Nguyễn Văn Lý...Và trên Nguyệt San Hiệp Nhất (tiếng nói chính thức của Cộng Đồng CGVN/GP Orange) cũng như trên các báo...đã từng đăng tải các "TUYÊN CÁO" của Cộng Đồng CGVN về việc Cha Lý bị bắt giam...giáo dân bị đàn áp...

Chúng ta cũng không quên rằng chính Đức Ông Nguyễn Đức Tiến và Linh Mục Mai Khải Hoàn (Giám Đốc Trung Tâm CGVN/GP Orange) đã từng xuống đường biểu tình đòi hỏi tự do tôn giáo sau vụ Linh Mục Nguyễn Văn Lý...vào đầu năm 2001 tại đường Bolsa. Cũng có người nói rằng Hội Đồng Giám Mục VN "im lặng" một sự "im lặng khó hiểu" sau vụ Linh Mục Nguyễn Văn Lý...

Thật ra, năm nào Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng có đặt vấn đề với nhà cầm quyền CSVN...Và, năm nào Tòa Thánh Vatican cũng gởi phái đoàn qua Việt Nam để thương lượng hay đúng hơn là "đặt vấn đề" với nhà cầm quyền CSVN...Trên Nguyệt San Hiệp Nhất, chúng tôi đã đăng lại một vài lần "Văn Thư của Hội Đồng Giám Mục VN" do Đức Giám Mục Nguyễn Minh Nhật (lúc đó là Chủ Tịch HĐGMVN) ký, gửi nhà cầm quyền CSVN, mạnh mẽ lên án những vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam...Thái độ của Giáo Hội Công Giáo là "đối thoại trong hòa bình".

Dưới chế độ CSVN, vì sự khôn ngoan, Giáo Hội tránh các hình thức tranh đấu như "biểu tình, meeting, bạo động lật đổ..." GIÁO HỘI TUYÊN XƯNG MÌNH LÀ "MẸ"(MATER) VÀ LẠY "THẦY" (MAGISTRA) thì phải làm cho tròn nhiệm vụ của Thiên chức đó. LÀ MẸ (MATER) thì phải lo cho con cái, không những về mặt đạo đức, về phần linh hồn mà còn cả về "phần xác" nữa. Thiên Chúa dựng nên con người gồm cả hai phần"linh hồn và thân xác". Con người phải có cơm ăn, áo mặc, được săn sóc về sức khỏe, được học hành, được hưởng các quyền "tự do dân chủ" của người công dân. Chính vì thế, chúng ta thấy bên cạnh "Nhà Thờ" có trường học, có bệnh viện, có cô nhi viện, có trại cùi...Khi con cái của Giáo Hội bị nhà cầm quyền CSVN tước đoạt các quyền chính đáng nói trên, thì Giáo Hội bắt buộc phải bênh vực, phải tranh đấu, phải đòi hỏi cho con cái nói riêng và cho toàn thể đồng bào, cho dân tộc Việt Nam nói chung được hưởng các quyền lợi đó.

Khi Linh Mục Nguyễn Văn Lý lên tiếng đòi hỏi cho người giáo dân Việt Nam (cũng như tất cả mọi tín đồ các tôn giáo khác), cho người công dân Việt Nam được các quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền...thì chính lúc đó, ngài đã làm nhiện vụ không những của một công dân mà còn là một Linh Mục, người thay mặt Giáo Hội coi sóc các con chiên, ngài đã hành sử vai trò của NGƯỜI LÀM MẸ (MATER) mà Giáo Hội đã tuyên xưng. Bên cạnh Cha Lý còn có các Linh Mục bạn của ngài tại Giáo Phận Huế như LM Phan Văn Lợi, LM Nguyễn Hữu Giải...

Ngoài ra trong THỈNH NGUYỆN THƯ của trên 150 Linh Mục VN ở hải ngoại gởi lên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ II cũng như sự lên tiếng của Hội Đồng Giám Mục Đức Quốc, Hội Đồng Giám Mục Úc Châu (mới đây) cũng như tất cả mọi người khác trên thế giới (Chính Quyền, Quốc Hội, các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, các Cộng Đồng người Việt tỵ nạn...) đều là những tiếng nói "ủng hộ lập trường tranh đấu của LM Nguyễn Văn Lý"...là tiếng nói của Linh Mục (với tư cách là MẸ dối với con chiên), là tiếng nói của con người (với tư cách là con người có lương tâm, bất bình trước sự bất công trong xã hội nên phải lên tiếng)...

Khi LM Nguyễn Ngọc Sơn (một trong 3 vị Linh Mục trong Ban Thư Ký của Hội Đồng Giám Mục VN) cho thông tấn xã Fides của Tòa Thánh biết "nội dung" Văn Thư đề ngày 9-10-2002 của Hội Đồng Giám Mục VN gửi nhà cầm quyền CSVN thì Linh Mục đã làm nhiệm vụ của "MẸ" (MATER) như GIÁO HỘI đã tuyên xưng mình là MẸ...để bênh vực cho con cái, bênh vực cho đồng bào của mình. Giáo Hội có quyền và có bổn phận loan báo cho tất cả mọi người biết công việc của Giáo Hội đã làm, đang làm và sẽ làm. Các phương tiện thông tin hiện đại quá tinh xảo, bất cứ nơi đâu trên thế giới có xảy ra chuyện gì thì cả thế giới đều biết.

Trong tháng 10-2002 vừa qua, sau khi nhận được tin Công An đã mời LM Nguyễn Ngọc Sơn lên làm việc nhằm mục đích "hù dọa", "gây áp lực" đối với ngài..anh Khúc Minh, xướng ngôn viên của đài RADIO BOLSA (đồng hương VN thường gọi là "đài Việt Dzũng") đã gọi điện thoại cho tôi và xin tôi phát biểu về sự việc nầy. Với tư cách cá nhân, tôi đã trả lời rằng: "Cha Sơn có quyền làm việc đó, bất cứ ai cũng có quyền làm nhiệm vụ thông tin cho mọi người biết về một biến cố vừa xảy ra. Không một chính quyền nào có quyền cấm mọi công dân loan báo "sự thật".

Khi LM Nguyễn Văn Lý lên tiếng về sự vi phạm quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam thì mọi người trên thế giới đều muốn biết LM Nguyễn Văn lý là ai? Tất nhiên họ phải tìm đến bà con, bạn bè của Cha Lý để hỏi. Nhiều người biết tôi có quen Cha Lý (vì cùng ở tù với Cha Lý tại trại Nam Hà, vì là người đồng hương với Cha Lý, trước 1975, gia đình tôi ở cùng xóm với Cha Mẹ của Cha Lý tại Quảng Biên...) và đã hỏi tôi về lý lịch Cha Lý. Cách tốt nhất để trả lời cho mọi người là viết một bài về "Cuộc đời tranh đấu của LM Nguyễn văn Lý"... để nhờ các báo đăng tải cho mọi người biết. Tôi đã làm việc đó vào đầu tháng 12/2000. Cha Lý lên tiếng, cha Lý tranh đấu...thì bà con Cha Lý, bạn bè Cha Lý...khắp nơi phải tiếp tay với ngài. Đó là chuyện "đương nhiên". Người ta tìm anh em Cha Lý, cháu chắt Cha Lý, bạn bè Cha Lý (bạn học, bạn tù...) để hỏi tin tức về Cha Lý. Khi Cha Lý bị bắt, các cháu của Cha Lý (Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Vũ Việt, Nguyễn Trực Cường..) kêu cứu mọi người lên tiếng bênh vực Cha Lý. Các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh,v.v. tìm đến bà con, bạn bè Cha Lý...hỏi thăm tin tức. Đó là điều hợp tình hợp lý. Tại sao lại có thể buộc tội các cháu của Cha Lý là "hoạt động gián điệp" được ?

Đó là điều vô lý ! Nhà tôi bị cướp thì tôi kêu cứu, xóm giềng của tôi kêu cứu. Ai tới hỏi thăm thì chúng tôi kể cho họ nghe. Đó là lẽ thường tình. Cha Lý bị bắt thì con chiên của Cha đi thông báo cho Đức Giám Mục, cho các Linh Mục, cho bà con, cho mọi người. "Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã" (Thấy điều nghĩa mà không làm là người hèn) đó là lời của Đức Khổng Tử, bậc thánh hiền của Á Đông. Cộng Sản bắt Cha Lý, kết án Cha Lý một cách bất công, theo luật rừng "lý của kẻ mạnh"...thì mọi người ai biết được gì phải nói lên. Con cháu gia đình, dòng họ của Cha Lý, bạn bè của Cha Lý, con chiên của Cha Lý...lên tiếng, thông tin ra ngoài cho thế giới biết để lên tiếng "bênh vực" Cha Lý...Đó là việc làm hợp lý hợp tình. Tại sao lại đi áp bức "đàn bà", "trẻ em" cho đó là "hành động gián điệp" được? Lương tâm của con người nhất là người Công Giáo thì không thể "im lặng" được. LÀ THẦY (MAGISTRA) thì phải hướng dẫn, dạy dỗ, chỉ đường cho con cái "tránh" những điều xấu, trái với luân lý, đạo đức, tránh những điều bất công trong xã hội...để thực hiện đúng tinh thần "TIN MỪNG" của Chúa. Giáo Hội thay mặt Chúa Giê Su để loan báo "TIN MỪNG" của Đức Kitô cho các dân tộc, cho tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt gia cấp. Vì trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều được gọi là "con cái của Ngài" và "đều được bình đẳng"... TINH THẦN TIN MỪNG CỦA ĐỨC KITÔ LÀ SỰ DẤN THÂN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU.

Trước năm 1975 khi còn ở tại Miền Nam Việt Nam và sau năm 1995, khi qua định cư tại Hoa Kỳ, người viết bài nầy đã được may mắn có nhiều cơ hội đến thăm và nghiên cứu tại Âu Châu, và gần đây nhất vào tháng 4-2001...Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi chú ý là những nhà cửa, làng xóm quây quần chung quanh một ngôi nhà thờ cổ ở trên NGỌN ĐỒI. Nơi khác, thì những nhà cửa, làng xóm đó lại quây quần chung quanh một ngôi nhà thờ cổ ở trong một THUNG LŨNG. Đó là hai hình ảnh lịch sử, dấu vết của sự DẤN THÂN của người Kitô hữu thời Trung Cổ tại Âu Châu. Khi nghiên cứu về sự phát triển của xã hội Âu Châu thời Trung Cổ, các sử gia, nhất là những nhà nghiên cứu lịch sử nông nghiệp tại Âu Châu, sẽ không bao giờ bỏ quên hai HÌNH THÁI LÀNG XÃ ở Âu Châu này...Các tu hội xây nhà dòng trên đồi gọi là Prémonstrés và tu hội xây nhà dòng dưới thung lũng gọi là Cisterciens. Dân chúng đã đến với họ, dưới sự hướng dẫn che chở của họ. Họ dã nghiên cứu về nông nghiệp, đào sông, alm thủy lợi khai khẩn đất hoang để sống và giúp cho dân sống. Họ đã dạy cho dân học chữ, trước hết là để học kinh, học giáo lý...sau là để phát triển văn hóa, phát triển xã hội, nâng cao trình độ dân chúng. Họ đã nguyên cứu về Y tế để chữa bệnh co dân và khi có giặc cướp đến đánh phá thì họ mở cửa tu viện cho dân chạy vào ấn núp để chiến đấu tự vệ.

Vai trò của Giáo Hội thời Trung Cổ là một sự dấn thân của người Kitô hữu vào các lãnh vực trần thế. Trong thời đế quốc La Mã cực thịnh, họ đã xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ Âu Châu, họ đã chia lãnh thổ Âu Châu cho các lãnh chúa thuộc hoàng tộc La Mã, mỗi người chiếm một phần, bắt dân đóng thuế cho họ, bắt dân phải phục vụ cho họ. Người nông dân ở trong đất của lãnh chúa thật vô cùng khốn khổ. Đó là những người dân nô lệ, mất hết mọi quyền tự do. Những nhà truyền giáo từ La Mã đi rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô, đã đến với các dân tộc Âu Châu sau đạo quân viễn chinh của đế quốc La mã. Cùng đi trên một con đường, cùng đi chung trên một chiếc thuyền vượt qua Địa Trung Hải...nhưng mỗi người có một mục đích, một lý tưởng khác nhau. Đạo quân của đế quốc La Mã đi chiếm đất chiếm dân, chiếm tài nguyên để mở rộng đế quốc làm giàu cho vua chúa của mình. Nhà buôn thì đi tìm nguồn hàng hóa trao đổi kiếm lời. Nhưng những nhà truyền giáo, người đi loan báo Tin Mừng thì với mục đích rao truyền tình bác ái và huynh đệ; vai trò của người phụ nữ được đề cao, người nô lệ được giải phóng, tinh thần bình đẳng giữa nam nữ được tôn trọng, mọi người được sống tự do. Đế quốc La Mã dùng bạo lực để bành trướng nhưng những nhà truyền giáo dùng tình thương và bác ái để chinh phục. Đế quốc La Mã ngày nay không còn, nhưng tôn giáo vẫn tồn tại. Tuy nói rằng mục đích của các nhà truyền giáo là "chinh phục các linh hồn", là "loan truyền giáo lý của Đức Kitô"...Nhưng rồi họ cũng không khỏi băn khoăn khi nhìn đến cuộc sống của các Kitô hữu khác trong xã hội: Vấn đề trước mắt là phải làm sao cho cuộc sống vật chất của bản thân và của anh em mình mỗi ngày một tốt đẹp hơn; làm sao cho cái xã hội mà mình đang sống được lành mạnh, được phú cường. Mọi người phải có cơm ăn, áo mặc, phải được học hành, được thăng tiến, được hưởng sự hòa bình, có an ninh, không bị đe dọa, không bị áp bức.

Chắc chắn nhà truyền giáo thời đó, cũng như chúng ta bây giờ phải suy nghĩ nhiều khi đọc Tin Mừng của Luca, đoạn thứ 3 câu 16,17,18: nhắc lại một lần Đức Chúa Giêsu vào hội đường của người Do Thái nhằm ngày sabát (ngày Chúa Nhật). Người ta mang đến cho người sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra và đọc: "Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo khó, công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa". Qua đoạn Kinh Thánh nêu trên thì Tin Mừng của Đức Kitô chính là:"đến với người nghèo khó, giải phóng người bị giam cầm, chữa bệnh cho người đau ốm, trả tự do cho người bị áp bức..." Đó là SỰ DẤN THÂN CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU: "đến với mọi người trong xã hội, phải có trách nhiệm đối với anh em mình, đối với người chung quanh mình, đối với xã hội mà mình đang sống. Phải đem lại ấm no cho mọi người, phải xóa bỏ bất công, giải phóng cho người bị áp bức, phải làm cho xã hội đó nên tốt đẹp". Qua lời tường thuật của Luca (đoạn 3 câu 16,17,18) và Matthêu (đoạn 25 câu 31-49), chúng ta thấy Chúa Giêsu đã kêu gọi người Kitô hữu phải dấn thân vào giữa trần thế, giữa xã hội mà mình đang sống. Các bài đọc và Phúc Âm (Tin Mừng) trong ngày Chuá Nhật 24-11-2002 vừa qua, cũng đã nhắc lại nội dung trên đây:"Hãy đến, hỡi những kẻ Ta chúc phúc, hãy lãnh phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn, Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã cho Ta mặc, Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm. Ta bị tù đày các ngươi đã đến với Ta".

KẾT LUẬN: Có một số người, vì lý do nầy hay lý do khác, hễ nghe nói đến Cha Lý là họ lên tiếng:"Cha Lý làm chính trị!" mà "chính trị" theo họ có nghĩa là "lư manh, lường gạt, cướp bóc, nói chung là xấu.." Họ vốn sẵn có "dị ứng" khi nghe nhăc đến Cha Lý. Khi họ thấy người Kitô hữu "dấn thân" vào lãnh vực xã hội, chính trị, văn hóa, tôn giáo (hợp tác với các tín đồ của các tôn giáo khác, với tư cách người công dân để tranh đấu chống bất công xã hội...) thì họ cho người đó là "làm chính trị" với ý nghĩ đó là "điều xấu" phải xa lánh. Thái độ "chưa trưởng thành" đó càng giúp cho "kẻ thù của dân tộc và Giáo Hội" là Cộng Sản được thuận lợi để tiếp tục "đè đầu cỡi cổ" đồng bào chúng ta, tiếp tục bóc lột nhân dân, tiếp tục tiêu diệt Giáo Hội...Cũng có người được gọi là trí thức, có địa vị trong xã hội...nhưng vẫn mang cái mặc cảm "sợ làm chính trị"... nên đã tiếp tay ngăn chận mọi nỗ lực tranh đấu cho tự do tôn giáo, cho nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi ước mong rằng "ĐÊM THẮP NẾN" tại Trung Tâm CGVN là cơ hội để cho mọi người đoàn kết, cùng nhau tranh đấu cho Quê Hương và Giáo Hội CG, cho tất cả các Giáo Hội khác trong dân tộc Việt Nam được quyền tự do tôn giáo đó là quyền tối cao trong tất cả các quyền của con người.

(Ngày 6-12-2002
Nhật báo Người Việt)