QUAN LẠI NHÀ NGUYỄN VÀ KHÂM SAI TRẦN LỤC

Ông tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Kim. Năm 1532 Nguyễn Kim lập một người con cháu nhà Lê đương lưu lạc bên Ai Lao lên làm vua tranh ngôi với nhà Mạc. Nương náu ở Ai Lao 8 năm, thấy thế lực đã mạnh, vua tôi nhà Lê trung hưng bèn cất quân chiếm lại được Thanh Hóa, Nghệ An. Năm 1545 Nguyễn Kim thừa thắng kéo quân tiến ra Bắc, không may tới Yên Mô trong tỉnh Sơn Nam thì bị một hàng tướng nhà Mạc đánh thuốc độc chết. Binh quyền truyền sang cho con rẻ là Trịnh Kiểm.

Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng. Cả hai đều là danh tướng lập được nhiều công. Nhưng khi con Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng đã chiếm được Thăng Long năm 1593, quyền hành lấn át cả vua Lê, thì Nguyễn Uông bị họ Trịnh mưu sát. Em là Nguyễn Hoàng thấy nguy bèn nói với chị là bà Ngọc Bảo, mẹ của Trịnh Tùng, vận động cho mình được vào trấn đất Thuận Hóa Quảng Nam. Thoạt tiên Nguyễn Hoàng lập dinh định phủ ở Ái Tử gần tỉnh lị Quảng Trị bây giờ, sau lại dời về Dinh Cát. Tuy làm chúa một phương trời riêng biệt, nhưng Nguyễn Hoàng là con người mềm dẻo: năm 1593, thấy vua Lê chưa vững ngôi, ông đã trở về và đã ở nán lại đó suốt 8 năm rồi mới trở lại miền Nam vào năm 1600, và mất vào năm 1613, thọ 89 tuổi. Con thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên, tục gọi là chúa Sãi, lên kế nghiệp cha. Vì quyết tâm ra mặt đối địch với họ Trịnh chuyên quyền tại Thăng Long, chúa Sãi thấy cần phải rời thủ phủ xa hơn về phía nam, do đó vào năm 1626, ông đã lập dinh ở Phúc Am trong tỉnh Thừa Thiên bây giờ. Kế sau vào năm 1636, Nguyễn Phúc Lan tục gọi là chúa Thượng, con chúa Sãi, lại định phủ tại Kim Long. Sau cùng khi Chúa kế nghiệp Nguyễn Phúc Trăn, tục gọi là chúa Nghĩa, lại dời bản doanh vào Phú Xuân, sau này là kinh đô các vua nhà Nguyễn.

Ngay từ năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã xưng vương, đổi phủ ra làm điện. Nhưng chưa đựơc bao lâu thì vào năm 1777, nhân thấy trong Nam có Nguyễn Phúc Loan chuyên quyền, Tây Sơn khởi nghĩa, quân nhà Trịnh bèn kéo vào Phú Xuân, khiến cho người con kế nghiệp Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ phủ điện, chạy vào Gia Định. Tại đây chúa sau cùng của Đàng Trong đã chết vì tay anh em Tây Sơn. Cùng với Nguyễn Phúc Thuần, anh em Tây Sơn tàn sát tất cả dòng tộc chúa Nguyễn, duy có Nguyễn Ánh là trốn thoát được.

Năm 1780, cũng chính tại Gia Định, Nguyễn Ánh lúc ấy mới có 17 tuổi đã khởi binh đánh lại nhà Tây Sơn. Lật đật từ năm ấy cho mãi tới năm 1802, ông mới thâu phục được hai miền Nam Bắc vào một mối và lên ngôi hoàng đế, tức là vua Nguyễn Thế Tổ, lấy hiệu là Gia Long.

Như vậy, mặc dầu các chúa Nguyễn đã khởi nghiệp vào năm 1558, và ngay từ năm 1744 Nguyễn Phúc Khoát đã xưng vương, nhưng theo lịch sử thì triều đại nhà Nguyễn chia ra làm hai thời kỳ: thời kỳ các chúa Nguyễn và thời kỳ các vua Nguyễn. Thời kỳ sau bắt đầu từ năm 1802, và có người cho rằng đã chấm dứt khi vị hoàng đế sau cùng là Bảo Đại thoái vị, để trờ về làm công dân Vĩnh Thuỵ; người khác lại cho rằng, các vua từ Hiệp Hòa, Kiến Phúc… trở về sau đều là những hình nộm do người Pháp dựng nên như một thứ nghi trương mà thôi, cho nên Nguyễn triều đã thực sự chấm dứt và nhường chỗ cho chính phủ thực dân Pháp vào năm 1883, sau khi vua Dực Tông Anh hoàng đế, tức là vua Tự Đức băng hà.

Mấy dòng sau này không có tham vọng viết đầy đủ lịch sử hai giai đoạn nhà Nguyễn, nhưng chỉ nhằm góp một vài ý kiến về quan lại nhà Nguyễn lần lượt trong hai thời kỳ, làm thư bối cảnh cho chức Khâm sai của Linh mục Trần Lục.

Ngay từ năm 1470, vua Lê Thánh Tông đã thành lập đất Quảng Nam, nhưng phải cho tới năm 1611, chúa tiên Nguyễn Hoang mới thành lập phủ Phú Yên xa hơn về phía nam; kể đó vào năm 1653 chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần mở ranh giời rộng thêm tới sông Phan Rang; và sang năm 1693 thì chúa Nguyễn Phúc Chu chiếm nốt phần còn lại của đất Chiêm Thành.

Trong cuốn Việt Nam sử lược, ông Trần Trọng Kim có biên mấy dòng thống thiết về cuộc hưng bại của nước Chiêm Thành. Sau khi diễn tả thời đại hưng thịnh rồi tới thời đại mạt vận của dân tộc vốn là nước Lâm Ấp, sử gia hạ một câu đầy cảm khái:

“Chỉ hiềm vì người nước ấy cứ hay sang cướp phá ở đất Việt Nam, thành ra hai nước không mấy khi hòa hiếu được với nhau. Đã là đối địch thì không sao tránh được cái luật chung của tạo hóa là khoẻ còn, yếu chết… Chẳng những mất nước với chúa Nguyễn mà chủng loại Chiêm Thành cũng chẳng còn được mấy nghìn người… Một nước như thế, mà nay như thế, dẫu rằng nước ấy đồng hóa với nước ta mặc lòng, song nghĩ cũng thương tâm thay!”

Ông Trần Trọng Kim gọi hiện tượng Chiêm Thành biến khỏi bản đồ là một cuộc “đồng hóa”. Nhưng gần đây có một số người sau khi đọc qua lịch sử Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi đã vội cho rằng người Việt Nam tàn sát người Chiêm Thành, đến mức ngày nay chỉ còn sót lại mấy nghìn người ở vùng Phan Rang, Phan Rí… Họ còn suy diễn thêm và quả quyết: cuộc Pháp quân và Hồng quân xâm lăng rồi tàn phá giang sơn và phong hóa Việt Nam suốt từ năm 1883 cho tới nay là “quả báo” của tội diệt chủng dân Việt đã vi phạm, khi tàn sát người thua trận…

Thực ra lịch sử nước ta chỉ ghi lại rằng: sau khi đại thắng vua Chiêm vào khoảng năm 1470, và muốn cho Đồ Bàn không còn lực lượng quấy phá biên thuỳ nước ta nữa, vua Lê Thánh Tông đã chia nước họ một thành ba. Sử gia Phan Phát Hườn còn viết thêm: Người Việt hồi ấy được tự do kết bạn với người Chiêm Thành, nhưng về sau – vào quãng năm 1499 – vì sợ người mình bị đồng hóa với người Chiêm, vua Lê Hiến Tông đã xuống dụ cấm người Việt từ vua quan đến dân sự, không ai được kết hôn với người Chiêm Thành. Chỉ dụ này được áp dụng mới được vài ba năm thì sang triều Lê Uy Mục bị thu hồi.

Bước sang thời kỳ chúa Tiên Nguyễn Hoàng, thì người ta thấy ngay tại phủ chúa có khá nhiều cung nữ người Chiêm, trong số đó lịch sử còn ghi tên bà Minh Đức vương thái phi, mà theo tài liệu của nhà văn Bình Nguyên Lộc thì bà là một người Chiêm, còn gọi là Chàm.

Thực ra chính sách đồng hóa rất có lợi cho mọi người, vì công cuộc khai phá đất hoang đòi hỏi nhiều nhân lực, thì dại gì mà các chúa Nguyễn lại giết người Chàm? Vả lại khi nhà chúa bách hại người theo Thiên Chúa giáo, thì không có những vụ tàn sát tập thể như thế sau này sẽ thấy xảy ra vào thời Văn thân. Tuy chỉ là những vụ án lẻ tẻ như vậy, mà các giáo sĩ Thiên Chúa giáo cũng ghi thành tài liệu gửi về Âu châu. Huống chi nếu có những cuộc tàn sát người Chiêm Thành tới mức diệt chủng, thì tránh sao được tai mắt các giáo sĩ thời bấy giờ?

Đồng hóa được Chiêm Thành rồi, các chúa Nguyễn đã không ngừng nghỉ. Nhận thấy Việt kiều khai khẩn những miền đất hoang vu tại Chân Lạp bị bạc đãi, ngay từ 1658, chúa Hiền đã can thiệp vào nội bộ Chân Lạp. Sang năm 1698 đến lượt chúa Nguyễn Phúc Chu lập ra Trấn Biên (Biên Hòa) và Phan Trấn (Gia Định). Kế đó có người Tàu Quảng Đông tên là Mạc Cửu không chịu thần phục nhà Thanh bèn tìm đến Gia Định thì được chúa Nguyễn thu dụng và sai đi nhiều dân lập ấp lập ra khu vực Hà Tiên.

Nhìn tổng quát, người ta phải công nhận: không kể giai đoạn Nguyễn Phúc Loan chuyên quyền khiến cho các chúa Nguyễn phải mất nghiệp chúa, còn ngoài ra các nhà cầm quyền ở Đàng Trong đã thành công vượt bực, một mặt họ hãn ngữ không cho quân binh chúa Trịnh xâm phạm bờ cõi; một mặt họ tận tâm giúp dân nghèo khai khẩn đất hoang, và trong khi làm như vậy đã mở rộng bờ cõi từ Quảng Nam xuống tới Hà Tiên. Tại sao các chúa Nguyễn đã lập nên sự nghiệp vĩ đại như vậy? Là vì họ biết lấy câu “dân vị quí” của thầy Mạnh Tử làm quốc sách. Hơn nữa họ được nhiều nhân tài giúp rập: lịch sử chỉ ghi lại tên một số quan lại xuất sắc. Thuộc những thế hệ đầu thì có Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến; những thế hệ sau thì có Nguyễn Hữu Kính con Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Cử Vân, Trần Thượng Xuyên, Trương Phúc Du, Nguyễn Cư Trinh…

Thoạt tiên các quan lại đều do chúa Trịnh ngoài Bắc bổ vào, nhưng sau khi chúa Sãi là Nguyễn Phúc Nguyên ra mặt chống lại các chúa Trịnh thì quan lại trong Nam đều do chúa Nguyễn tự ý cắt đặt. Theo thói tục nước ta, cánh cửa mở vào hoạn lộ là các kỳ thi: thi hương tuyển cử nhân tú tài, và thi đình tuyển tiến sĩ bảng nhãn. Bằng cấp càng cao, chức vị càng lớn. Thế nhưng phương nam hồi đó là đất mới mở, chúa Nguyễn Hoàng vào trấn Quảng Nam Thuận Hóa vào năm 1600 mà mãi sang năm 1674 sĩ phu mới cắp lều chõng đi thi “chính đô” và “hoa vân” để chứng minh mình biết đọc biết viết, và biết… làm một bài thơ! Sang năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu mới mở các cuộc thi ở trong phủ, đại khái là để tuyển lựa những người đủ khả năng viết những bản báo cáo và giữ sổ sách. Sử gia Trần Trọng Kim có câu phê bình nền thi cử của các chúa Nguyễn: “Xem như vậy thì sự thi cử ở miền Nam đời bấy giờ còn sơ lược lắm”.

Xét ra chính vì thi cử giản dị như vậy, mà các chúa Nguyễn tuyển được những công chức có đầu óc bình thường, không quan liêu, không tự phụ vì mình đã biết mấy chữ “chi, hồ, giả, dã” thì nhất định ta đây phải là “đỉnh cao trí tuệ” của loài người!

Chẳng hạn trong số quan lại phục vụ các chúa Nguyễn bấy giờ có Đào Duy Từ. Họ Đào là người là Hoa Trai, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Vì là con xướng hát, ông không được đi thi, mới phẫn chí tìm đường lập công với các chúa miền Nam. Thoạt tiên ông phải chăn trâu cho một phú gia ở Hoài Nhân, tức là tỉnh Bình Định bây giờ. Về sau có quan Khâm lý Trần Đức Hòa tới quan sát dân sinh trong miền, thấy Đào Duy Từ là người có tài, bèn tiến cử lên nhà chúa, được chúa Sãi phong tước hầu. Đào Duy Từ cùng với các ông Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến, đều là người tỉnh Thanh Hóa hết lòng giúp Chúa lập đồn đắp luỹ, luyện tập binh lính, bày mưu lập kế… Chính nhờ có đám bầy tôi này, các chúa Nguyễn mới đứng vững được ở phương Nam.

Nhìn vào quần thần các chúa Nguyễn trong Nam, các chúa Trịnh không khỏi nực cười. Năm Đinh Mão 1627, Trịnh Tráng đòi chúa Sãi tiền thuế ba năm chưa nộp. Tờ sắc mượn danh nghĩa vua Lê theo thói quen, nhưng có điều bất thường là sắc viết bằng chữ Nôm, một lối viết phải đợi tới đời vua Quang Trung mới được tôn phong là thông ngữ của triều đình. Như vậy khi viết sắc bằng chữ nôm. Thăng Long muốn nhục mạ các quan lại miền Nam, và coi họ là đám người chưa đủ sức đọc chữ thánh hiền. Thế mà những người này đã cầm chân quân binh họ Trịnh trước luỹ Thầy. Thực là mỉa mai, kỹ sư đắp luỹ dọc sông Ling giang là Đào Duy Từ, một người không có bằng cấp gì hết, lại được dân miền Nam tôn làm tôn sư, làm “thầy”!

Giữ vững mặt bắc rồi, quan lại các chúa Nguyễn thuộc thế hệ sau dồn tất cả năng lực vào việc chiêu dân lập ấp. Vì khu vực từ Hà Tĩnh vào Quảng Nam, đất đai cằn còi, mưa nắng thất thường, đồng thời trong Nam thiếu nhân lực, có nhiều đất bỏ hoang, nhất là trong lãnh địa Thuỷ Chân Lạp. Thành ra người Việt đã không dừng chân ở biên giới Chiêm Thành cũ, họ đã tiến luôn vào miền đồng bằng mầu mỡ ở hạ lưu sông Cửu Long. Sử không nói tướng nào đã cầm đầu toán viễn chinh Việt quân năm 1658, được chúa Hiền sai đi làm áp lực bắt vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân phải triều cống và nhất là phải bảo vệ an ninh cho các Việt kiều sinh sống tại Chân Lạp. Nhưng người ta biết rằng vào năm 1674, khi thấy quân Tiêm La muốn can thiệp vào nội bộ Chân Lạp, chúa Hiền lại cho quân vượt biên giới: lần này hai tướng cầm quân là các ông Nguyễn Đình Phái và Nguyễn Dương Lâm.

Năm 1688, chúa Nguyễn Phúc Trăn lại phải cử binh can thiệp nội bộ Chân Lạp, nhưng sử không ghi tên tướng cầm quân. Sang năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu thấy khu vực gần cửa hai sông Đồng Nai và Cửu Long bấy giờ đã đông người Việt, bèn có ý tổ chức thành quận huyện, mới sai ông Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược. Họ Nguyễn chiêu mộ thêm người Trung Việt, lập ra thôn xã… Cả người Trung Hoa trốn nhà Thanh đến đó cư ngụ từ trước cũng xin làm người Việt Nam. Nối chí Nguyễn Hữu Kính là Nguyễn Cửu Vân, có công đánh phá quân Tiêm La lần thứ nhất (1705); Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Cửu Phù đánh phá quân Tiêm La lần thứ hai (1714). Vào các năm 1753 và 1755, hai lần nữa chúa Nguyễn phải can thiệp nội bộ Chân Lạp thì đã sở cậy tới ông Nguyễn Cư Trinh. Cuối cùng vào năm 1772 mặc dầu tình thế nội bộ đã bết bát lắm, chúa Nguyễn Phúc Thuần thấy quân Tiêm La chiếm đóng Nam Vang đã sai Nguyễn Cử Đàm đem binh sĩ tới đuổi. Vừa thấy bóng quân Việt, binh tướng Tiêm La đã vội vàng bỏ chạy…

Tất cả những nhân tài nói trên, duy có ông Nguyễn Cư Trinh là được biết đến, còn ngoài ra công nghiệp lẫy lừng là thế mà danh tính các ông đều nằm im trong các… thư viện. Nhưng so với quan lại phục vụ các vua nhà Nguyễn, thì công trạng của bầy tôi các chúa Nguyễn quả là hơn người.

So sánh giai đoạn các chúa nhà Nguyễn với giai đoạn các vua nhà Nguyễn thì có thể được sự nghiệp các vua nhà Nguyễn không đáng kể, và quan lại thời đại sau cũng thua xa quan lại thời đại trước.

Người ta thường tôn vinh vua Gia Long đã thống nhất sơn hà. Nhưng xét ra công nghiệp ấy đã được vua Quang Trung Nguyễn Huệ nhà Tây Sơn thực hiện mấy năm trước rồi, sau khi đại phá quân nhà Thanh. Người khác lại khen Nguyễn Ánh có tài quân sự: Tây Sơn hùng mạnh là thế, mà đã phải đầu hàng. Thực ra khi phất cờ khởi nghĩa, Nguyễn vương mới lên 17 tuổi, tài cán chắc chưa có bao nhiêu, nhưng ông đã thành công vì lòng dân không phục vua Tây Sơn Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản quá nhu nhược, việc triều chính bỏ mặc cho Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, khiến cho các quan ai cũng oán giận. Đàng khác Tây Sơn có Vũ Văn Dũng, Trần Quang Diễn, Bùi Thị Xuân, toàn là những tướng giỏi; thì Nguyễn vương ở Gia Định thoạt tiên có Đặng Trần Thường, kế đến lại có Võ Tánh, Ngô Tòng Chu, Lê Chất, Trần Văn Thành và Lê Văn Duyệt, sau cùng lại có một số người Pháp đứng đầu là Giám mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) lấy tư cách cá nhân hết lòng giúp đỡ. Mọi người không ai ngờ sau này mình sẽ bị các vua nhà Nguyễn bạc đãi. Thực vậy, trừ trường hợp Giám mục Bá Đa Lộc khi chết được chính Nguyễn Vương mai táng trọng thể, và hai tướng Võ Tánh với Ngô Tòng Chu đã tự ải khi cố thủ thành Qui Nhơn, còn tất cả các đại thần có công khai quốc đều bị chủ nhân họ làm hại: không mất mạng thì cũng bị xua đuổi (trường hợp mấy người Pháp); không trước khi chết thì cũng sau khi chết, không ở tay vua Gia Long thì cũng ở tay vua Minh Mạng

Mở đầu sổ đoạn trường là Nguyễn Văn Thành. Ông theo vua Gia Long ngay từ hồi phất cờ khởi nghĩa. Vốn là người văn võ song toàn, sau khi lập xong nhiều thành tích ở chiến trường, ông có công bình định đất Bắc Hà, kế sau vào kinh ông lại giúp nhà vua viết sử và soạn thảo bộ luật Gia Long, phỏng theo bộ luật của nhà Thanh. Thế mà chỉ vì một bài thơ, do con trai ông là Nguyễn Văn Thuyên sáng tác, khẩu khí có phần ngạo nghễ, mà hai cha con phải mất mạng: con thì bị chém, cha thì bị sợ tội phải uống thuốc độc tự vẫn.

Nạn nân thứ hai là Đặng Trần Thường. Ông này cũng theo phò Nguyễn Ánh rất sớm, lập được nhiều công, lên tới chức Binh bộ Thượng thư. Nhưng rồi vua Gia Long nghe lời gièm pha, cũng khép ông vào án giảo, chỉ vì mấy tội vu vơ.

Nạn nhân thứ ba là Tả quân Lê Văn Duyệt, ngày nay còn đền thờ ở tỉnh lị Gia Định. Ông có tính tình cương trực được vua Gia Long tin dùng, người trên kẻ dưới ai cũng kính mến. Nhưng khi vua Gia Long băng hà, ông muốn dành quyền kế vị cho ngành trưởng, tức là cho con cháu Đông cung Hoàng tử Cảnh, lúc đó đã qua đời. Nhưng cuối cùng hoàng tử Đảm thuộc ngành thứ được lên ngôi, đặt niên hiệu là Minh Mạng. Nhớ chuyện cũ, tân quân đem lòng thù ghét ông Lê Văn Duyệt. Nhưng vì thanh thế Tả quân quá lớn, vua Minh Mệnh phải nhẫn nại chờ cơ hội. Cơ hội tới quá chậm, Tả quân đã mất được vài ba năm thì Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt, không chịu nổi thái độ hiềm thù của nịnh thần vua Minh Mệnh, nhất là chức Bố chính Phiên An là Bạch Xuân Nguyên, bèn hạ sát ông này rồi nổi loạn. Triều đình phải ra quân ròng rã hai năm mới dẹp được, thì lúc đó Lê Văn Khổi đã chết. Nhà vua bèn trút cơn giận lên mồ mả ông Lê Văn Duyệt. Vua Minh Mệnh ra án kể rõ bảy tội nên trảm; hai tội nên giảo, rồi hỏi ý kiến bá quan. Mọi người đều xin y đình nghị! (Đây là dấu hiệu đầu tiên, chứng minh lớp quan lại triều Nguyễn đã mục nát đến tận xương tuỷ).

Sau đó người ta san bằng ngôi mộ của Tả quân, dựng bia ghi câu nhục mạ rồi đặt một dây xiềng vòng chung quanh bia… Trong vụ này cháu ông Lê Văn Duyệt cũng bị hại.

Năm sau 1836, đến lượt ông Lê Chất. Vì bấy giờ ông này cũng đã mất rồi, cho nên án kể ra 6 tội nên chết của ông, sau đó người ta lại xiềng mả của ông.

Được tin công thần bị bạc đãi, sĩ phu trong nước ai cũng ngao ngán rụng rời. Thiết tưởng đây là lí do chính khiến cho nhân tài ẩn mặt không ai muốn ra giúp nước nữa.

Lí do thứ hai làm cho các vua Nguyễn không có – hay là có mà không dùng- nhân tài, là bệnh “hủ nho” hoặc “kiêu nho”. Vì cả quân cả thần quan niệm Nho giáo với trí óc hẹp hòi, triều đình Huế lẫn lộn thế kỷ 19 với thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu. Họ không chịu nhìn nhận sức mạnh kỹ thuật của người Tây phương mà họ gọi là bạch quỷ. Họ đặt mọi mối hy vọng vào Bắc Kinh. Luật Hồng Đức của vua Lê Thánh Tôn tiến bộ như vậy, nhưng đã bị vua Gia Long thay thế bằng một luật mới chép đúng gần từng chữ bộ luật nhà Thanh. Nhất là vì bệnh hủ nho, vua Minh Mệnh và các vua kế tiếp quên câu răn của Đức Khổng tử “quân tử hòa nhi bất đồng”, mà ra lệnh cấm đạo Thiên Chúa giáo trên toàn quốc, giết hại không biết bao nhiêu người vô tội. Các sắc chỉ quái ác này bắt buộc quan tòa phải hành động ngược lại lương tâm của họ, cho nên có người xin lỗi tội nhân trước khi đem người ta ra hành hình, nhiều người khác đành ngồi nhà theo gương ông Lã Vọng… Nhiều nơi người bên lương không nỡ nặng tay với người bên giáo cho nên họ vịn lẽ “phép vua thua lệ làng” mà có thái độ thờ ơ. Thấy thế nhà vua ra lệnh cho dân chúng phải “học tập chính trị” để biết cách diệt trừ “tả đạo Giatô” cho nhiệt thành hơn. A ha! Chính sách trưng cầu ý kiến bá quan (dân ý) và bắt người chưa thấu triệt đường lối phải đi học tập, té ra đã ra đời ở đất nước này ngay từ đời vua Minh Mệnh!

Lịch sử ghi rằng: vua chúa chúng ta bắt đầu cấm đạo ngay từ thế kỷ 17. Mặc dầu các nước Tây phương thấy chúa Trịnh ngoài Bắc Hà, rồi tới chúa Nguyễn ở Nam Hà liên tiếp làm hại các giáo sĩ công dân của họ, nhưng không có nước nào dám ra tay can thiệp. Họ chưa động thủ, chắc là vì họ e ngại lực lượng quân sự của cả hai miền Bắc Nam. Miền Nam tuy yếu hơn miền Bắc nhưng binh sĩ và các danh tướng Việt Nam ra vào Chiêm Thành rồi Chân Lạp như chỗ không người! Và nhất là người ngoại quốc sợ uy danh của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đã toàn thắng quân Thanh ở trận Đống Đa năm Mậu thân (1788).

Bỗng đâu cuộc chiến tranh Nha phiến (1839-1842) bùng nổ, một cơ hội hiếm có giúp Tây phương nhận ra nhà Thanh chỉ là con hổ giấy. Đồng thời ở Chân Lạp tướng Trương Minh Giảng một thời hùng cứ Nam Vang, lúc này như hùm sa hố thẳm phải xin vua Thiệu Trị (lên ngôi năm 1841) xuống chiếu cho phép rút quân về. Lui về An Giang, tướng Trương Minh Giảng vừa xấu hổ vừa buồn bực, đã phát bệnh mà chết sau đó không lâu.

Năm 1847, có tàu Pháp vào Đà Nẵng xin triều đình Việt Nam thôi bắt đạo. Cuộc điều đình cứ rềnh rang, mà quân Pháp thấy quân Nam lập lờ bố trí trên bờ dưới nước. Họ bèn nổ súng vào mấy đồn ải bên bờ biển, rồi nhổ neo kéo đi. Đó là một vụ báo động chính lẽ đã phải làm cho vua tôi nhà Nguyễn bừng tỉnh. Nhưng triều đình Huế cứ như ngủ mê.

Cuộc đụng chạm lần thứ hai xảy ra vào năm Bính Thìn, Tự Đức thứ 9, 1856. Lần này quan Pháp liên minh với I-pha-nho (Tây Ban Nha) đem chiếc tàu Catinat vào Đà Nẵng rồi dâng lên vua Tự Đức một lá thư của Pháp đình, xin nhà vua tha đạo. Triều đình Huế không trả lời, liên quân bèn nổ súng vào mấy đồn trên bờ, rồi rút êm, mang theo giám mục Pellerin lên đường về Pháp để bệ kiến hoàng đế Nã Phá Luân đệ tam. Còi báo động lần này rúc lên inh ỏi, thế mà vua quan nhà Nguyễn vẫn không chịu thức giấc.

Sau mấy lần thăm dò, biết chắc Việt Nam yếu hèn, tháng 7 năm Mậu Ngọ (1858) là năm Tự Đức thứ 11, liên quân Pháp và I-pha-nho mới quyết chí sống mái. Với một lực lượng không đáng kể (3000 quân sĩ trên 14 chiến thuyền) tướng Rigault de Genouilly đem theo giám mục Pellerin trở lại Đà Nẵng. Cứ như giám mục dự tính, quân Pháp mà nổ súng, thì người có đạo trong cả nước sẽ nhất tề nổi dậy, sau đó liên quân sẽ đổ bộ tiến vào kinh thành…

Nhưng người Thiên Chúa giáo đâu có phản quốc, họ đâu có theo kẻ xâm lăng! Thấy kế hoạch bế tắc, liên quân bỏ Đà Nẵng xuống Gia Định. Ở đây họ đã làm chủ tình thế dễ dàng. Kéo vào thành, họ thu được 200 khẩu đại bác rỉ và cũ, 80 ngàn kí thuốc súng và 180.000 franc, và đao kiếm lương thực không biết bao nhiêu mà kể.

Tới đây thì bên Trung Quốc liên quân Anh Pháp đụng độ với quân nhà Thanh ở Hoàng Hải, rất cần hạm đội Pháp đương hoạt động tại Việt Nam gửi quân tới tăng cường. Vì vậy tướng Rigault de Genouilly – rồi sau đó tới tướng Page nối quyền ông trước cầm đầu liên quân – mấy lần xin giảng hòa. Họ chỉ ra một điều là Việt Nam chấm dứt cuộc bắt đạo. Vua tôi nhà Nguyễn chẳng hiểu tình hình gì cả, cứ ngồi im, không đánh cũng không giảng hòa. Chờ cho tới năm 1861, việc can qua bên Tàu đã êm, viện binh xé lẻ đã trở lại đầy đủ, tướng Pháp là Charner với 3.500 quân đã đánh chiếm luôn Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long…

Để chuộc lại ba tỉnh mới mất, vua Tự Đức sai ông Phan Thanh Giản cầm đầu một sứ đoàn sang Paris. Việc không thành, nhưng thấy vua Tự Đức thúc đẩy mãi, có khi còn mỉa mai ông nữa, lão thần Phan Thanh Giản đành để lại một lá thư tuyệt mệnh, xếp đồ triều phục và sắc phong, rồi nhịn ăn mà chết năm 1867, thọ 71 tuổi. Được tin ông tự tử, vua Tự Đức xuống chỉ đục bỏ tên ông Phan Thanh Giản ra khỏi tấm bia ghi tên các tiến sĩ.

Sau khi mới đi sứ Pháp trở về, họ Phan kêu gọi triều đình phải mau cải cách. Quần thần không có ai chịu nghe, còn buộc cho ông tội tâng bốc người, làm giảm uy thế mình, khiến cho ông phải than thở:

Từ ngày đi sứ Tây kinh

Thấy việc Âu châu phải giật mình.

Kêu tỉnh đồng bang mau kíp bước,

Hết lời năn nỉ chẳng ai tin!

Sau ông Phan Thanh Giản còn rất nhiều người khác, như ông Nguyễn Trường Tộ đã lên tiến xin vua Tự Đức tỉnh ngộ, nhưng kết quả không tốt đẹp hơn.

Như vậy thì rõ ràng là cái vạ nước ta mất vào tay người Pháp phải quy cho các vua nhà Nguyễn và quần thần. Đâu có phải là do người Thiên Chúa giáo bán nước! Thực ra, không phải là tất cả các quan lại nhà Nguyễn đều u mê tối tăm. Bên cạnh Phan Thanh Giản còn có những ông Trương Minh Giảng, Bùi Viện, Nguyễn Công Trứ… hết lòng phục vụ quốc gia. Đặc biệt có một vị đại thần thuộc loại Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến đời các chúa Nguyễn: nghĩa là ông làm quan mà không bao giờ cắp quyển đi thi. Chung quanh ông đám sĩ phu ngơ ngác: có người như ông Phan Đình Phùng hận vì nước mất nhà tan bèn trút cơn giận lên đầu mấy đồng bào theo Thiên Chúa giáo vô tội; người khác như Tôn Thọ Tường, Hoàng Cao Khải thì khuất thân bắt chước Tôn phu nhân qui Thục mong được tối uống sâm-banh, sáng sữa bò; kẻ khác nữa như ông Phan Bội Châu lại hô hào lớp trẻ xuất dương học tập, chờ cơ hội mới. Riêng vị đại thần này chủ trương không khác ông Phan Chu Trinh: người cầm đầu phải sống với dân chết với dân, giang sơn đã đổ nát thì công dân phải can tâm chấp nhận sự thực mà bảo nhau xây dựng lại, và muốn được như vậy mọi người phải giải tỏa các mối hiềm khích giữa anh em, càng bị kẻ thù đè nén mọi người càng phải sát cánh với nhau bảo trì tài sản kinh tế và văn hóa ông cha để lại, đồng thời học hỏi cái hay từ chính kẻ thù… Ông là một linh mục Thiên Chúa giáo: Cha Trần Lục.

Linh mục Trần Lục, tục danh là Hữu. Ông sinh năm 1825 tại làng Mĩ Quan, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ theo học Hán tự. Lớn lên cậu Hữu (tới đây đổi tên là Triêm) đã học thêm Latin, triết lý và thần học; nhưng chưa kịp trở thành một linh mục thì vào năm 1858, trong mộc cuộc quan quân truy nã người theo Thiên Chúa giáo, chàng phải bắt giải về Phủ Lý, và hôm sau bị điệu lên Hà Nội. Tại công đường, viên chánh án đòi chàng đạp chân lên thập giá để chứng minh chàng sẵn sàng bỏ đạo. Nhưng chàng không nghe cho nên đã chịu tra tấn cực kỳ dữ tợn rồi sau cùng bị phát vãng lên Lạng Sơn. Bấy giờ là năm Tự Đức thứ 11, trúng vào năm liên quân Pháp I-pha-nho bắn phá Đà Nẵng và lăm le đổ bộ tiến vào kinh thành. Sau 11 năm dưới quyền đám người bất tài cai trị, khắp nước Việt Nam giặc giã nổi lên như ong. Chung quanh Lạng Sơn, hay nói đúng hơn là suốt một giải đất từ Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh cho tới Cao Bằng, có tên Phụng nổi lên quấy phá. Mạo xưng là Lê Duy Minh, con cháu nhà Lê, tên Phụng thông đồng với giặc khách, lại liên lạc cả với thiếu tướng Bonard ở Nam kỳ, đồng thời không quên kêu gọi những người theo Thiên Chúa giáo mau mau nhập đảng với y để được tự do giữ đạo.

Hãy trở lại nói chuyện “thầy Triêm”. Tuy là thân tội đồ, nhưng có tài giao thiệp lại hay chữ, cho nên không bao lâu thầy Triêm được quan tỉnh Lạng Sơn thu làm thơ kí. Cùng bị phát lưu lên Lạng Sơn, có người em của thầy tên là Pháp. Anh em gặp nhau chưa kịp tay bắt mặt mừng thì cậu Pháp đã chết sớm: chàng kiệt lực sau mấy năm sống cảnh lưu đồ.

Với tư cách là kẻ thân tín của quan tỉnh, “thầy Triêm” đã giúp quân triều đình đóng ở Lạng Sơn đánh thắng được tên Phụng nhiều trận. Đặc biệt nhất là trận giải vây thành Lạng Sơn; trong đó cả dân cả quân cố thủ trong thành có thầy Triêm và nhiều người công giáo. Biết rõ tình hình, tên Phụng kêu gọi những người công giáo theo y làm phản, nhưng không ai nghe. Sau khi lập được nhiều chiến công, thầy Triêm được đi lại thong thả, và tuy nhà nước lúc đó còn cấm đoán, nhưng thầy Triêm vẫn giảng đạo khá công khai. Thấy thế giám mục Jeantet (tên Việt là Khiêm) kêu thầy bí mật trở về Kẻ Sở gần Phủ Lý, truyền cho thầy chức linh mục rồi bảo cứ trở lại Lạng Sơn mà hoạt động dưới danh xưng mới là Cụ Sáu, phiêm nôm tên bộ của ngài là Trần Lục.

Ngày mồng 5 tháng 6 năm 1862, vua Tự Đức xuống chỉ tha đạo. Cụ Sáu được tự do trở về Nga Sơn chưa bao lâu thì tới năm 1865 giám mục bổ ngài về Phát Diệm, một trung tâm công giáo lúc đó rất xác xơ: nhà thờ là một mái tranh, còn hai cha sở thì mới theo nhau bỏ mình vì đạo Chúa.

Sẵn tài kinh bang tế thế, “bể một góc mà (Cụ Sáu) mưu thành nơi đông đúc” (sắc phong tử hậu do vua Khải Định ban ra năm 1925), và cứ như thế khả năng Cụ Sàu càng ngày càng nổi bật.

Công tác đầu tiên có tầm vóc quốc gia Cụ Sáu hoàn thành được, đã xảy ra vào năm 1874.

Bấy giờ người Pháp đã lấy thêm ba tỉnh miền Tây và hoàn toàn làm chủ Nam kỳ. Họ đặt soái phủ tại Sài Gòn và tha hồ dùng sông Cửu Long làm đường buôn bán với Cao Miên. Nhưng Cao Miên sánh thế nào được với Vân Nam? Vì vậy họ lăm le muốn chiếm luôn miền châu thổ sông Hồng, để dùng sông này làm đường buôn bán với nhiều tỉnh Trung Quốc. Muốn thực hiện kế hoạch, có người lái buôn tên là Jean Dupuis tìm đến Hà Nội. Dựa thế mình đã có giấy phép của vua quan nước Tàu, y tự tiện chở muối gạo lên Vân Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam có ý ngăn chận thì y gây khó dễ. Thấy việc không xuôi, triều đình Huế yêu cầu thống đốc Nam kỳ đứng ra hòa giải. Người Pháp chỉ chờ có thế. Họ lập tức gọi đại uý Francis Garnier từ Thượng Hải về, và sai đi Hà Nội. Đến đâu đại uý cũng được tiếp đón nồng hậu. Ngờ đâu vừa tới nơi thì Garnier liên lạc ngay với Dupuis rồi tự ý tuyên bố mở sông Hồng cho các tàu buôn Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc được tự do đi lại. Bị Hà Nội phản đối, Garnier nã súng bắn vào thành. Hôm ấy là ngày 20-11-1873. Cầm cự được non một giờ thì thành đổ, khâm sai Nguyễn Tri Phương bị trọng thương và bị bắt. Quá tủi nhục, ông Nguyễn Tri Phương nhịn ăn mà chết.

Hạ xong Hà Nội, Francis Garnier mộ lính tập ở các tỉnh được 14.000 người và với quân số chưa luyện tập đó, không đầy một tháng đại uý đã lần lượt hạ luôn các thành Ninh Bình, Phủ Lý và Nam Định.

Sử gia Trần Trọng Kim viết: “Quân ta hễ thấy người Tây đến là bỏ chạy. Bởi vậy, chỉ có người Pháp là Hautefeuille và 7 người lính Tây mà hạ được thành Ninh Bình”.

Thấy biến, triều đình một mặt sai ông Trần Đình Túc làm khâm sai đại thần và hai ông Nguyễn Trọng Hợp, Trương Gia Hội làm phó sứ ra ngay Hà Nội dàn xếp với Garnier; một mặt sai hai ông Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường vào Sài Gòn thương thuyết với Suý phủ Pháp. Cùng đi với phái đoàn Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hiệp có giám mục giáo phận Huế là Sohier (tên Việt là Bình). Tới Phát Diệm, phái đoàn đón thêm Cha Trần Lục, và tới Hà Nội lại có linh mục (có người viết là giám mục, có khi là vị phụ tá của giám mục Puginier?) Dangelzer nhập bọn. Công việc thương thuyết chưa kịp bắt đầu, thì đại uý Francis Garnier bị quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích giết chết ở ô Cầu Giấy gần Hà Nội.

Tất cả những mưu kế xâm lăng Bắc Việt đều do Soái phủ Sài Gòn sắp đặt mà không hỏi ý kiến Paris. Nguyên tại Âu Châu, nước Pháp đã bị nước Phổ đánh thua xiểng liểng vào năm 1870, và cho tới lúc đó là năm 1873, vẫn chưa phục hồi, thành ra Pháp đình không muốn sinh sự với ai cả. Vì vậy khi được tin đại uý Garnier làm quá trớn, Paris liền phái ông Philastre, với tư cách pháp quan ra ngay Hà Nội thẩm định tình hình. Cùng đi có Nguyễn Văn Tường. Hai người chưa tới nơi thì được tin Francis Garnier tử trận. Xém chút nữa thì Philastre tức giận bỏ về, nhưng nhờ có Nguyễn Văn Tường khéo léo giải thích, thống soái Philastre đã đi tiếp đoạn đường còn lại, và khi đến nơi, ông ra lệnh trao cả các thành đã bắt được cho triều đình Việt Nam; còn tàu bè và quân lính Pháp thì tập kết cả về Hải Phòng chờ ngày rút lui sau khi ký xong hiệp ước.

Tới đây thì Soái phủ Sài Gòn cho ông Rheinard ra thay thế ông Philastre cần trở về Sài Gòn hội kiến với thiếu tướng Dupré, để hạ bút xong thì ông này sẽ đem tờ hòa ước về ngay cho chính phủ Pháp.

Mặc dù trên giấy tờ, đại diện cho Pháp là thiếu tướng Dupré không phải là Philastre, và đại diện cho Việt Nam không phải là các ông Nguyễn Trọng Hiệp và Trần Đình Túc nhưng là hai ông Lê Tuấn và Nguyễn Văn Tường, thế nhưng vì các điều thỏa hiệp đã xác định ngay tại Hà Nội, cho nên lịch sử quen lấy tên ông Philastre mà đặt cho tờ hòa ước này. Tờ hòa ước có tất cả 22 khoản, và sau đây là mấy khoản chính yếu:

Khoản 2: Chính phủ Pháp nhận quyền độc lập của Việt Nam- một nước không phải thần phục nước nào – và mỗi khi vua nước Nam cần đến binh lực, nước Pháp sẵn lòng giúp mà không đòi điều kiện.

Khoản 3: vua nước Nam chấp nhận chính lược ngoại giao của nước Pháp, đặc biệt là chiến lược ngoại giao hiện hành vào lúc ký hòa ước.

Ngoài ra nước Pháp lại tặng vua nước Nam:

- 5 chiến hạm trang bị đầy đủ;

- 100 khẩu đại bác mẫu mới, mỗi khẩu kèm thêm 200 viên đạn.

- 1000 khẩu súng tay kèm thêm 5000 viên đạn, tới giúp quân đội nước Nam; cho kỹ sư sang giúp xây cầu cống, và cho chuyên viên tới đào tạo công chức hành chính.

Khoản 5: Vua nước Nam phải nhượng đứt Nam kỳ cho nước Pháp.

Khoản 9: Vua nước Nam phải để cho các giáo sĩ được tự do giảng đạo và người dân được tự do theo đạo.

Khoản 11: Vua nước Nam phải mở cửa Thị Nại (Qui Nhơn), Ninh Hải (Hải Phòng), và sông Hồng kể cả Hà Nội cho các tàu ngoại quốc được tự do buôn bán.

Khoản 22: Hòa ước ký xong, nước Pháp sẽ đặt sứ thần ở Huế, vua nước Nam sẽ có đại diện ở Sài Gòn và sứ thần ở Paris.

Như vậy thì triều đình nước ta chỉ phải chấp nhận một tình thế đã rồi, và đổi lại nước Pháp thỏa thuận giúp nước ta canh tân. Nếu hai bên thành thực thi hành hòa ước, thì mặc dầu mất Nam kỳ, ít là vua Nam còn giữ được Trung Bắc kỳ, và nhất là vẫn đứng độc lập, không phải thần phục nước nào cả. Kết luận được rằng: trong các giấy tờ ký kết giữa hai chính phủ Pháp Nam, tờ hòa ước năm Giáp Tuất 1874 cũng là năm Tự Đức thứ 27 có lợi cho Việt Nam hơn hết. Phải chăng là vì ông Philastre là con người công bằng? Phải chăng là vì các quan lại nhà Nguyễn đột nhiên trở thành sáng suốt? Hay là nhờ có phái đoàn giáo sĩ ba vị gồm cả Pháp cả Việt hết lòng tranh đấu cho quyền lợi dân nước ta?

Tiếc thay, sau khi “nước Pháp đã công nhận nước Nam độc lập, không thần phục nước nào nữa, mà (sau này) vua Tự Đức vẫn tiếp tục theo lệ cũ mà triều cống nước Tàu, có ý mong hữu sự nước Tàu sang giúp” (Trần Trọng Kim). Vịn cớ đó, người Pháp đã chiếm luôn cả nước Việt Nam.

Dù sao vào lúc này nhà vua đã ban tặng Linh mục Trần Lục kim khánh kim tiền để thưởng công khó nhọc. Nhưng khó nhọc ngần ấy đã thấm vào đâu, nếu đem so sánh với nỗ lực Cụ Sáu đã tận tuỵ hòa giải lương giáo, để đối phó với nạn Văn thân?

Xét tình trạng yếu hèn của nước ta, thì hòa ước năm 1874 phải coi là thuận lợi không thể hơn được. Tuy nhiên ở Nghệ An có hai người tú tài Trần Tấn và Đặng Như Mai chẳng hiểu tình thế gì, cứ cho là triều đình đã đầu hàng người Pháp, nhưng sĩ phu quyết chí không chịu. Họ bèn ra bài hịch gọi là “Bình tây sát tả”; chữ “tả” phải hiểu là người có đạo Thiên Chúa giáo bị buộc tội bán nước cho người Pháp.

Được tổng đốc Nghệ An là Tôn Thất Triệt dung túng, bọn Văn thân cả thảy độ non ba ngàn người kéo nhau đi đố phát những làng có đạo. Sau đó họ còn thông đồng với đám giặc cỏ kéo đi đánh chiếm thành Hà Tĩnh, vây phủ Diễn Châu. Triều đình phải sai ông Nguyễn Văn Tường ra dẹp, vất vả bốn năm tháng mới xong. Tưởng rằng nạn Văn thân tới đây là chấm dứt, nào ngờ nó còn bùng lên lần thứ hai, dữ dội hơn trước dưới sự lãnh đạo của Đình nguyên Phan Đình Phùng.

Ông Phan Đình Phùng là người Hà Tĩnh, đỗ tiến sĩ năm Đinh Sửu 1877. Được sơ bổ về làm tri phủ Yên Khánh, giáp với Kim Sơn Phát Diệm, họ Phan cùng với Cha Trần Lục trở thành lân cận. Tuy nhiên hai người không phải là cận thân, như sẽ thấy sau này.

Vốn dân hai phủ Yên Khánh, Yên Mô lúc đó không có thiện cảm với dân Kim Sơn, kể từ khi ông Nguyễn Công Trứ mộ người Trà Lũ về lập ra huyện mới, cắt đứt phần đất tân bồi của hai phủ, mỗi năm mỗi mở rộng thêm dọc theo bờ biển. Trong một vụ kiện tụng về đất đai giữa người dân huyện bên này với người dân phủ bên kia, Linh mục Trần Lục phải có mặt tại Yên Khánh. Một linh mục Thiên Chúa giáo 52 tuổi, mới lập công lớn và trong tương lai sẽ là Khâm sai Tuyên phủ sứ phụ trách an dân ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đối diện với một quan tân khoa 34 tuổi, còn say sưa chiến thắng Đình nguyên, và một ngày nọ sẽ chém giết người theo Thiên Chúa giáo không biết là bao nhiêu cũng trong ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh… việc gì sẽ xảy ra?

Trong cuốn Giai thoại làng nho, Lãng Nhân Phùng Tất Đắc viết: “Họ Phan thấy linh mục hay ỷ thế hiếp dân, nên nhân một vụ lộng quyền, ông cho nọc lịnh mục ra đánh!” Tin phi báo về vua Tự Đức. Nhà vua cho triệu họ Phan về kinh gấp, khiển trách họ Phan quá nóng nảy, rồi năm sau mới cho họ Phan một chức ngồi chơi xơi nước là chức ngự sử Đô sát viện.

Sang năm 1855, Bắc Kì đã mất rồi, quân ta đánh phá đồn Mang Cá ở Huế không nổi, vua Hàm Nghi phải xuất bôn. Khi nhà vua chạy đến Quảng Bình thì họ Phan ra mắt, được phong làm Tán lí Quân vụ. Với chức vị đó, ông lập bản doanh tại Vũ Quảng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, rồi dưới chiêu bài Cân vương, ông Phan Đình Phùng lên tiếng “bình tây sát tả” một phen sau cùng. Liên lạc với nhóm Ba Đình của Đinh Công Tráng làm thế ỷ dốc, quân lính ông Phan Đình Phùng kéo nhau đi đốt phá các làng có đạo trong ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh. Một điều trớ trêu là chẳng thấy ông đánh Tây được trận nào, ngoài ra dăm ba cuộc đụng độ không mấy quan trọng giữa quân của ông và một số lính tập do một vài sĩ quan Pháp chỉ huy hay là lính triều đình do Nguyễn Thân điều khiển.

Chắc rằng ông Phan Đình Phùng không phải là một thứ Hitler nhưng không hiểu làm sao mà ông thương nước lại không thương nòi? Tại sao ông biết phát đồng phục cho quân lính, và biết luyện cho họ giẫm chân đi đều, vai mang súng kiểu 1874… (tài liệu của đại uý Gosselin), mà ông lại quên không dạy người dưới quyền phải trọng quân kỉ, theo gương ông Lê Trực, cũng phò vua Hàm Nghi như ông?

Cứ như thế cho tới 1895 là năm họ Phan mất. Mặc dù thiếu người lãnh đạo, phong trào Văn thân như rắn mất đầu, không bao lâu đã tan rã hàng ngũ, nhưng từ 1874 cho tới lúc này 1895, phong trào Văn thân đã gây ra bất hòa trầm trọng giữa lương và giáo. Qua nhiều năm vua chúa nước ta bắt đạo, “bên lương” có ưu thế vẫn thương “bên giáo” bị bách hại. Bây giờ bọn Văn thân đã gây nên oán thù chồng chất giữa hai bên rồi, pảhi chăng đã đến lượt “bên giáo” có ưu thế sẽ báo thù “bên lương”? Đó là lý do khiến triều đình Đồng Khánh kêu gọi Cha Trần Lục ra giúp nước.

Năm 1885, triều đình ban sắc phong Cụ Sáu làm Khâm sai Tuyên phủ sứ, đi an dân ba tỉnh Thanh Nghệ Tĩnh, linh mục đã làm xong phận sự cách tốt đẹp, khiến cho vua Thành Thái vào năm 1899 đã ra sắc phong cho ngài thêm chức Lễ bộ Thượng thư. Nhận được sắc phong mấy ngày thì Cụ Sáu qua đời, sau khi hoàn thành một ngôi đền thờ vĩ đại xây cất theo kiểu Á Đông, hiện nay hấp dẫn khá nhiều khách du lịch.

Cụ Sáu không ra làm quan với nhà Nguyễn.

Trước khi chấm dứt bài này, thiết tưởng cần phải xác định một điểm sau cùng: Linh mục Trần Lục không bao giờ xin ra làm quan với nhà Nguyễn; ông chỉ được các vua nhà Nguyễn cảm phục công lao mà đặc phong quan tước cho ông mà thôi.

Linh mục không ra làm quan là sự dễ hiểu, vì đã là linh mục công giáo thì ai cũng chỉ nhằm phục vụ Giáo hội. Nhiệm vụ chính yếu các linh mục là cầu nguyện, tức là dâng lễ Misa để cảm tạ Thiên Chúa, sau đó các vị mới nghĩ đến công cuộc an uý người đau khổ, nuôi dưỡng người nghèo, người già, người bệnh hoạn, và các hoạt động xã hội khác. Như vậy thì các ngài còn thì giờ đâu mà ra làm quan? Gần đây Tòa thánh Vatican có xuống lệnh cấm linh mục ra làm quan, và nếu bất đắc dĩ cần tham gia chính trị thì phải treo mũ áo linh mục. Biện pháp này gắt gao thế nào, người ta dễ nhận thấy trong trường hợp ông Aristide, tổng thống Haiti.

Một lý do nữa khiến cho Linh mục Trần Lục không ra làm quan là vì người công giáo hồi ấy rất ít người ra làm quan với triều đình; vì các vua cấm đạo. Hơn nữa họ biết mình đâu có tài trí bằng các ông Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường, Lê Chất, Lê Văn Duyệt…? Nếu các đại công thần còn bị bạc đãi, thì họ còn gì mà mong? Lịch sử Giáo hội Việt Nam còn ghi lại vụ Thánh Phạm Trọng Khảm, quê làng Trà Lũ, tỉnh Nam Định làm quan tới chức án sát. Năm 1859, lúc đã về hưu và tuổi hạc đã gần 80 mà còn bị bắt rồi bị vua Tự Đức ra lệnh giết tại Nam Định vì tội theo đạo. Về phía võ quan có Thánh Tống Viết Bường làm quan tới chức Tổng quản đoàn cận vệ phụ trách gìn giữ an ninh cho hoàng cung, được vua Minh Mệnh rất tin dùng. Torng một dịp đi thị sát mặt trận ở Quảng Nam, ông không có mặt trong buổi lễ ban sư tại chùa Non Nước. Vua Minh Mệnh gạn hỏi lý do, thì ông thú nhận rằng mình có đạo. Tội trạng chỉ có thế mà Tống Viết Bường bị giáng cấp xuống làm lính. Một năm sau, trong khi kiểm tra tín ngưỡng đoàn cận vệ, nhà vua thấy khá đông người theo Thiên Chúa giáo, lại gạn hỏi thì có người mách là đám cận vệ có đạo đã nghe “lời quyến dụ” của Tống Viết Bường. Lần này (1833), Bường bị trảm quyết, đầu treo ba ngày để làm gương.

Các vụ như thế không hiếm.

Lý do thứ ba khiến cho Linh mục Trần Lục không ra làm quan được vì ông không ôm lều chõng đi thi, không có tên ở bảng vàng. Thực ra Cụ Sáu có theo học Hán văn từ nhỏ, và nhờ văn hay chữ tốt, cho nên thân phận là tù nhân, mà ông đã được quan tỉnh Lạng Sơn trọng dụng. Về sau, khi phụ trách giáo xứ Phát Diệm, Cụ Sáu đã viết nhiều ca vè còn truyền tụng cho tới bây giờ. Khi gọi các sáng tác của mình là “ca vè”, Cụ Sáu nhìn nhận sự thực, bởi vì các bài Cụ viết không thuộc loại thi văn kiêu sa, như Cung oán hay Kiều mà chỉ là những câu có vần giúp người bình dân dễ hiểu dễ nhớ.

Chính vì Cụ Sáu biết nhìn nhận chữ nghĩa của mình có hạn, cho nên về sau Cụ đã mời một vị khoa bảng nổi tiếng về Phát Diệm dạy học. Đó là ông Nguyễn Tư Giản, đỗ tiến sĩ năm Giáp Thìn 1844, năm thứ tư triều vua Thiệu Trị. Nguyễn Tư Giản đã từng đi sứ Trung Hoa vào năm 1868, lúc về có viết một bài điều trần dâng lên vua Tự Đức nói rằng nước Tàu cũng đang loạn thì trông mong họ giúp mình làm sao được. Lời văn bài điều trần rất là chải chuốt, rất ít tìm thấy ở trong kho tàng văn học Việt Hán.

Sau đó, đau lòng vì Nam kỳ bị Pháp chiếm là thuộc địa, ông Nguyễn Tư Giản xin vua Tự Đức nên liên lạc với nước Phổ bên Âu châu. Ý kiến độc đáo thay! Quả nhiên sang năm 1879, nước Phổ đã đại thắng hoàng đế Nã Phá Luân đệ tam của Pháp.

Sang năm 1855, tình thế đen tối vô cùng” vua Hàm Nghi xuất bôn, triều đình bị người Pháp lũng đoạn, Nguyễn Tư Giản cảm thấy mệt mỏi, bèn lui về Phát Diệm dạy học. Cha Trần Lục không cho người địa phương hay biết sự nghiệp của ông, và người ta thường gọi ông là Cụ Đồ Giản.

So sánh hai thời kỳ nhà Nguyễn, người ngày nay thấy rằng quan lại của các chúa Nguyễn - không nặng tinh thần khoa bảng – đã có công lớn với nước; còn quan lại các vua nhà Nguyễn – nặng óc hủ nho – đã có tội lớn với nước. Chẳng hay, nếu Linh mục Trần Lục xuất thân là đạo nho, ông có khỏi mắc chứng bệnh quan liêu gàn dở như các người chung quanh hay không?

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo