Bankok- Thái Lan: Linh Mục Trần Công Nghị, Giám Đốc Vietcatholic đã mở cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn tại Thái Lan, cuộc phỏng vấn đã được cho lên mạng Vietcatholic, nhưng vì có nhiều nơi không nghe được, cho nên toàn văn cuộc phỏng vấn đã được đánh máy lại. Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn.
************
LM Trần Công Nghị: Kính thưa quí vị thính giả ngày hôm nay rất được hân hạnh có Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn đã đang tham dự Khóa Giám Mục Á Châu về Công Lý và Hòa Bình. Kính thưa Đức Hồng Y, nhân dịp này chúng con muốn hỏi Đức Hồng Y một vài điểm về vấn đề tương quan giữa Vatican và nước Việt Nam nhân ngày 25/1/2007, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Đức Hồng Y có thể cho chúng con một vài nhận định về cuộc gặp gỡ này, thưa Đức Hồng Y?
ĐHY Phạm Minh Mẫn: Tôi nghĩ cuộc gặp gỡ này là một biến cố như một thời điềm loan báo cho chúng ta hay cái tin vui nàỵ Tin vui thứ nhất là Việt Nam và Vatican đang đồng hành trên một con đường, con đường đó là con đường đối thoại và hợp tác nhằm phục vụ cho sự sống phẩm giá của mọi người đặc biệt là của người Việt Nam trên đất nước Việt Nam cũng như các nơi khác. Tin vui thứ hai là cả đôi bên đều bày tỏ thiện chí và quyết tâm tiến tới bang giao bình thường cũng nhằm phục vụ tốt hơn cho dân tộc Việt Nam cũng như cho dân Chúa tại Việt Nam.
LM Trần Công Nghị: Thưa Đức Hồng Y, giả sử trong tương lai có bang giao với Việt Nam thì có lợi ích như thế nào cho người Công Giáo Việt Nam nói riêng và cho dân tộc Việt Nam nói chung ?
ĐHY Phạm Minh Mẫn: Nhìn lại quá khứ 30 thập niên qua, thì trong 2 thập niên đầu giáo hội Công Giáo Việt Nam được coi như một thế lực chống nhà nước Việt Nam, nhưng bắt đầu từ thập niên thứ 3 từ khi Việt Nam cố thoát khỏi bị cô lập để hòa nhập vào thế giới toàn cầu hóa thì Giáo Hội Việt Nam được nhìn như một cộng tác viên nhằm phát triển vững bền đất nước của mình, thăng tiến đời sống gia đình và xã hội, Trong bối cảnh này tôi hy vọng rằng con đường đối thoại và hợp tác sẽ đưa Việt Nam và Vatican sớm vượt qua những tồn tại cần được giải quyết và cũng sớm tiến đến bang giao bình thường hơn, nhờ đó mà mọi người đặt biệt là Giáo Hội Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn để góp phần của mình vào công việc xây dựng đất nước, cũng như xây dựng Giáo Hội Việt Nam.
LM Trần Công Nghị: Kính thưa Đức Hồng Y vào tháng 11 vừa qua thì Ban Thường Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có gặp chính quyền Hà Nội và bày tỏ những khó khăn giữa Giáo Hội và chính quyền cần được giải quyết, đồng thời qua cuộc gặp gỡ tại Vatican thì sau đó Tòa Thánh Vatican cũng đưa ra một bản thông cáo nói rằng đây là bước tiến đầu tiên thôi, và còn cần phải đối thoại nữa. Thưa Đức Hồng Y, Đức Hồng Y có thể cho chúng con biết những khó khăn gì đối với sự tương quan giữa Giáo Hội và chính quyền và sự đối thoại để có thể đưa đến sự sống hòa bình tốt đẹp hơn và lợi ích cho cả chính quyền cũng như cho cả giáo hội, thưa Đức Hồng Y?
ĐHY Phạm Minh Mẫn: Trong tháng 11 vừa qua, tôi cùng với 10 Giám Mục Việt Nam đến chào thăm và trao đổi với tân Chủ Tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, chúng tôi bày tỏ những quan điểm của mình như thế này: quan điểm của chúng tôi về tự do tôn giáo, bày tỏ quyền sở hữu của người dân cũng như của Giáo Hội và cái thứ ba là quan điểm của Giáo Hội trong việc góp phần xây dựng đất nước, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục và y tế. Cũng có đi vào những chi tiết cụ thể và ông Chủ Tịch Nước cũng đã lắng nghe và ghi nhận, cuối cùng thì ông nói rằng Nhà Nước Việt Nam sẽ nghiên cứu và từng bước giải quyết nguyện vọng chính đáng.
LM Trần Công Nghị: Như vậy đó cũng là hy vọng và thao thức của Giáo Hội Việt Nam, vì từ trước tới nay hầu như trong tất cả các nước Á Châu nơi nào có Công Giáo thì cũng lo đến các vấn đề cứu tế xã hội, về nhà thuơng về vấn đề giáo dục, vấn đề giúp đỡ cho người nghèo, những người giúp đỡ cho bệnh AIDS,. Thế thì tương quan đó Đức Hồng Y cho rằng đây là những điểm mà nếu Giáo Hội được phép thực thi thì sẽ mang lại lợi ích rất nhiều cho công dân Việt Nam, có đúng như vậy không thưa Đức Hồng Y. Xin Đức Hồng Y có thể cho chúng con một vài thí dụ cụ thể về các dự án của Đức Hồng Y về chương trình giáo dục và xã hội?
ĐHY Phạm Minh Mẫn: Hơn 2 năm về trước thì nhà nước có mời Giáo Hội chăm sóc cho người mắc bịnh HIV/ AIDS, rồi trong thời gian gần đây cũng có mời trong việc hợp tác chăm sóc cho những người khuyết tật tại Trung Tâm sẽ được hình thành nay mai, rồi về phía Giáo Hội thuộc Thành Phố HCM thì tôi cũng đã bày tỏ muốn hình thành một Trung Tâm, để nơi đó chăm sóc cho các trẻ em phụ nữ nhiễm HIV, ý tôi là muốn chăm sóc cho họ được khoẻ mạnh hơn, giáo dục và dạy nghề, tại điều kiện để cho họ hành nghề, vì trong xã hội hiện tại thì những người nhiễm HIV này, đã bị loại trừ ra khỏi trường học, loại trừ ra khỏi công ăn việc làm, rồi không ai cấm cả đi nhà thờ nhưng mà khi đi nhà thờ những người lớn tuổi biết đến họ đã nhiễm HIV thì cũng đều xa lánh tránh né. Do đó họ bị cô lập hoàn toàn, tôi muốn xây dựng một xã hội để mà dần dần mọi người có thể chấp nhận họ.
LM Trần Công Nghị: Cám ơn Đức Hồng Y đã chia sẻ những thao thức và những quan tâm. Một điểm khác là với tư cách Chủ Tịch Ủy Ban Di Dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trước đây Đức Hồng Y cũng đã chia sẻ với chúng con về vấn đề di dân không phải chỉ đi nước ngoài, nhưng mà ngay chính nội địa cũng có rất nhiều người di dân, từ miền quê tới thành phố, bởi vì nghèo đói cho nên phải đi kiếm. Xin Đức Hồng Y có thể chia sẽ những khó khăn của người di dân Việt Nam tại nội địa như thế nào, Giáo Hội có phương hướng nào để giúp đỡ họ không?
ĐHY Phạm Minh Mẫn: Riêng tại Sài Gòn, có khoảng 2 triệu người di dân đến từ khắp nơi trên đất nước, đa số 2/3 là từ miền Bắc vào, trong số 2 triệu người này thì khoảng 1 triệu người có công ăn việc làm còn khoảng gần 1 triệu người thì không có công ăn việc làm, cho nên các tệ nạn nó phát xuất từ đó. Tôi đã có lần trình bày với các vị lãnh đạo trong chính quyền Thành Phố về vấn đề này. Các vị cũng nói rằng chúng tôi không thể nào làm hết mọi việc. Tôi đã đặt vấn đề, tại sao các tổ chức xã hội, tôn giáo không có thể góp phần trong công việc này, thì chưa có câu trả lời, thế nhưng đối với người Công Giáo di dân, thì họ quy tụ đến nhà thờ, dần dần chúng tôi cũng nhờ qua trung gian những người đến nhà thờ để tiếp xúc với những người chưa có công ăn việc làm, đến những người chưa đến nhà thờ, qui tụ họ lại để tổ chức thành nhóm, để họ sinh hoạt chung với nhau, nhóm đó sẽ trở thành chỗ dựa cho những người xa nhà, xa quê hương, xa gia đình, chỗ dựa tình cảm, chỗ dựa cho đời sống đạo và đời sống đời nữa. Tại Thành Phố có những Trung Tâm qui tụ rất lớn tại 3,4 nơi, mỗi ngày càng qui tụ nhiều hơn. Tôi đã qui tụ lại và trước tiên là báo cáo tình hình, nhu cầu và nguyện vọng của họ, tôi đã gặp gỡ có lần qui tụ hơn 1000 người, có lần 3 hay 4000 người. Nói chung họ đã nói lên tình trạng của họ, ở đâu có khu công nghiệp thì ở đó có di dân, ở đâu có di dân thì có mấy cái tiêu cực này: thứ nhất là nạn ly dị đếm không xuể, rồi đến phá thai cũng đếm không xuể, kế tiếp là HIV và Siđa. Để giúp cho các bạn đó làm sao để họ phòng chống và giúp nhau, cho nên chính mình giúp đỡ họ để họ giúp nhau phòng chống vấn đề này và góp phần chặng đứng dịch HIV trong giới của họ. Ngoài ra còn giúp đỡ về phần tâm linh, tình thần và vật chất khác nữa. Cho nên những người nào đến qui tụ tại nhà thờ, trong khuôn viên nhà thờ thì những dịp này như trong tuần này là tuần di dân thì cũng đã qui tụ đến 5000 người. Ngày cuối cùng vào Chủ Nhật tuần qua thì tôi đã đến sinh hoạt với họ, thêm những lời an ủi khuyến khích nhắc nhở họ, qua lời cầu nguyện với Thiên Chúa và giúp đỡ nhau.
LM Trần Công Nghị: Kính thưa Đức Hồng Y, một vấn đề khác mà Giáo Hội cũng đang quan tâm là đất đai, các cơ sở cũ. Từ trước đến nay Giáo Hội đã cho mượn, và để tiến trình những công tác mục vụ tông đồ của mình theo kinh nghiệm của Đức Hồng Y, qua sự giao tế của Đức Hồng Y với chính quyền qua sự quen biết với ông Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, Đức Hồng Y đã xin lại một số cơ sở. Trong tương lai những cơ sở của Giáo Hội có thể được hoàn lại như thế nào để Giáo Hội cùng cộng tác để góp phần giúp đỡ cho công dân, thưa Đức Hồng Y?
ĐHY Phạm Minh Mẫn: Cụ thể thì Hội Đồng Giám Mục cũng đã trao đổi với những văn bản cụ thể, tôi đã bắt đầu đến những chuyện cụ thể và dễ giải quyết. Thí dụ như đã nói với các vị đề nghị trao lại miếng đất của Tòa Khâm Sứ Hà Nội rồi đến đất La Vang. Về đất La Vang thì có hai mươi mấy mẫu và tỉnh họ đã lấy 20 mẫu và đề nghị giao lại, tại miền Nam thì có Giáo Hoàng Học Viện (tại Đà Lạt). Ông Chủ Tịch cũng đã hứa là từng bước sẽ giải quyết, nhưng có vấn đề là chỗ này, thí dụ nơi đó chưa có làm gì thì dễ giải quyết, nhưng nếu tại nơi đó đã làm cơ sở gì đó thì vấn đề là phải di dời đi chỗ khác rồi mới có thể trả lại được, cho nên nó lâu hơn.
LM Trần Công Nghị: Câu hỏi cuối cùng là trong thời gian gần đây, chính quyền cũng dễ dãi trong việc Giáo Hội Việt Nam cử người đi tham dự những Hội Nghị Quốc Tế như thế này và Đức Hồng Y đã đi nhiều nơi khác nhau. Chính quyền cũng dễ dãi để cho các Giám Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân đi tham dự các Hội Nghị, Khi Đức Hồng Y sang Thái Lan tại đây, thì Thái Lan có khoảng chừng trên dưới 300, 000 tín hữu Công Giáo, thế nhưng những cơ sở tại đây ở Bangkok, tại Chang-mai cũng như tại Tay-ya đã tổ chức những hội nghị như thế này, riêng Đức Hồng Y có chân trong Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, họ cũng đã nhờ Đức Hồng Y là có thể tổ chức Đại Hội như thế này không? Thế thì Đức Hồng Y có dự định trong tương lai sẽ tổ chức để mời và tổ chức những cuộc đại hội lớn như thế này không, thưa Đức Hồng Y?
ĐHY Phạm Minh Mẫn: Năm ngoái, vị thư ký của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã nhắn với tôi 2, 3 lần, nhắn Giám Mục này đến Giám Mục kia hoặc nhắn đến các Linh Mục mà họ gặp, để xem có thể tổ chức Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu vào năm 2008 tại Việt Nam hay không. Tôi đã suy nghĩ và trao đổi với Đức Cha Nguyễn Văn Hòa, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể, rồi mới qua đây, ông Thư Ký đã gặp tôi và nhắc lại chuyện đó. Tôi nói rằng là bây giờ chúng tôi chưa c có điều kiện sẵn sàng, cho nên họa may mới có thể tổ chức Đại Hội vào năm 2012. Tôi đã có bàn với Đức Cha Chủ Tịch và Đức Tổng Thể, đất La Vang không chỉ để xây dựng nơi hành hương, nhưng cũng có thể xây dựng để tụ tập, trao đổi với nhau không chỉ riêng cho đất nước Việt Nam của mình, mà còn cho các nước Á Châu xung quanh này nữa. Tôi nghĩ là với ý thức, góp phần của nhiều người đặc biệt là đồng bào Công Giáo Việt Nam của mình trong cũng những ngoài nước muốn đóng góp cho Giáo Hội Việt Nam. Thì tôi nghĩ là có thể hình thành chuyện đó được.Hy vọng đến năm 2012 thì có thể tiếp đón các đại diện các Hội Đồng Giám Mục Á Châu, giống như nhà nước Việt Nam cũng đã mở ra và đã mời cả đến mấy ngàn người trong đại hội APEC. Đối với chúng tôi, tôi nghĩ về phía chính quyền thì sẽ không có vấn đề gì, chỉ có vấn đề đối với chúng ta là phải có lực để tổ chức như thế nào, không chỉ riêng về cơ sở vật chất nhưng còn phải cần đến nhân sự nữa. Nhân sự phải biết tiếp đón, tiếng nói của người ta để giao tiếp, tiếp đón. Nhân sự đâu phải 1 hay 2 người nhưng phải cần nhiều người, do đó phải cần thời gian thì chúng ta cũng có thể chuẩn bị được, để bắt kịp đà tiến với các Giáo Hội giống như Việt Nam bắt theo đà tiến của các nước xung quanh, thì Giáo Hội Việt Nam cũng dần dần bắt kịp đà tiến của các Giáo Hội xung quanh mình.
LM Trần Công Nghị: Đức Hồng Y cũng mong muốn, dĩ nhiên là đối với Giáo Hội Á Châu, thì Giáo Hội Việt Nam cũng luôn luôn nói là Giáo Hội đứng hàng thứ 2 về dân số tín hữu Công Giáo và Giáo Hội cũng nức nở để tổ chức một cái gì đó để họ viếng thăm mình. Chắc chắc khi Đức Hồng Y trở về thì sẽ có một chương trình cụ thể, thì dụ như tại La Vang hay tại một nơi nào đó mà cần đến sự hỗ trợ của người tín hữu Công Giáo trong cũng như ngoài nước. Có lẽ đây cũng là vấn đề tinh thần như Đức Hồng Y đã đề cập tới, vấn đề vật chất cũng rất quan trọng và chắc chắn Đức Hồng Y sẽ đề cập tới lên Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phải không, thưa Đức Hồng Y?
ĐHY Phạm Minh Mẫn: Những dự án cụ thể như kinh phí, chi phí thì sẽ đi vào chi tiết chuyên môn hơn sau này. Bây giờ nó là chủ trương chung như thế.
LM Trần Công Nghị: Chúng con chân thành cám ơn Đức Hồng Y đã chia sẻ những kinh nghiệm, thao thức mong chờ của Đức Hồng Y cũng như của Giáo Hội Việt Nam. Chúng con cám ơn Đức Hồng Y đã cho chúng con được tháp tùng và hiện diện trong những ngày qua, đó cũng là niềm hãnh diện cho chúng con và chiều nay kính chúc Đức Hồng Y thượng lộ bình an trở về Việt Nam.
ĐHY Phạm Minh Mẫn: Cám ơn Cha, cám ơn quí vị thính giả đã theo dõi.