Một Chuyến Đi


(Những tiểu khúc của một hành trình – Tết Đinh Hợi 2007)

Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói.
Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu
(Mt. 10:16)

Khúc Tự Sự:

Tôi thu xếp công việc Giáo Xứ, rồi lên đường về Việt Nam ăn cái tết quê hương sau 15 năm đón xuân xứ người. Trong tay cầm một số tiền kha khá do cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Augusta, Georgia, thu được trong việc tổ chức tết… sớm, và với sự gúp đỡ của một số bạn bè, làm hành trang cho công việc “lì xì" cho trẻ mồ côi, bụi đời.

Trước khi về VN tôi còn “can đảm” lên các website tìm bạn bốn phương tiếng Việt để đăng một profile kêu gọi những người có lòng từ thiện hãy cùng tham gia phát quà tết (dĩ nhiên tôi không nói tôi là một Linh Mục.) Bạn có tin không, tôi nhận tổng cộng được hơn 500 email (hầu hết là của con gái?!) muốn tham gia cùng với rất nhiều câu hỏi liên quan đến những công việc. Bí quá tôi đành phải email trả lời chung mọi người là tôi sẽ gặp tất cả ở công viên bên hông nhà thờ Đức Bà để chia xẻ và thông báo các ngày giờ và địa điểm xuất phát. Có khoảng gần 300 bạn đến buổi gặp mặt – số còn lại gọi tới điện thoại của tôi - biến nó thành cái tổng đài bất đắc dĩ. Sau khi nghe tôi trình bày là mình không đi đến thăm một trung tâm trẻ mồ côi nào cả mà mình sẽ lang thang hàng đêm trên các đường phố, tìm đến các nơi mà trẻ bụi đời ngủ, để sống và lì xì tết cho các em, thì ai cũng lo lắng về sự an toàn của mọi người. Tôi tóm gọn lại là tôi không thể bảo đảm được sự an toàn của ai cả, vì chính tôi còn không biết tính mạng tôi sẽ ra sao thì làm sao dám bảo đảm cho ai. Duy chỉ có một điều tôi dám hứa đó là “bình dầu sẽ không vơi và hũ bột sẽ không cạn” (Sách các Vua 17:14) – có nghĩa là tiền lì xì sẽ không thiếu! Chỉ cần các bạn có một tấm lòng yêu thương và “liều” một chút. Bạn có tin được không, sau buổi gặp mặt đó chỉ đúng có một người gọi cho tôi. Vâng đó là một cô gái, một cô gái rất đẹp - đẹp đến độ khi cô ta gọi điện thoại cho tôi để đi cùng, tôi nhận ra cô ngay, vì tôi đã ấn tượng cái tính cách khác thường và vẻ đẹp rất sắc của cô trong cả mấy trăm người trong khoảng 30 phút họp mặt. Nhưng xin bạn hãy chờ… chờ một tí… Tôi hứa sẽ kể cho bạn nghe về cô gái đẹp này!

Lần này tôi về Việt Nam khác với bao lần truớc, tôi sẽ không chỉ đơn thuần sống kiếp không nhà dưới các chân cầu, hay lang thang bán vé số, hay lượm rác với các trẻ mồ côi bụi đời mà tôi đã có lần chia xẻ với mọi người. Lần này, khác với mọi lần trước, tôi còn có người bạn đồng hành là các phong bì đỏ của mùa xuân nữa. Tôi sẽ lì xì cho mỗi em tôi gặp một phong bì 150,000 (một trăm năm mươi ngàn tiền Việt) - Khoảng 10 mỹ kim. Tôi có gần 5 ngàn dollars để lì xì, có nghĩa là tôi có trong tay gần 500 phong bì để sống một cái tết “lề đường” với trẻ mồ côi và bụi đời. Gia đình và bạn bè tôi hỏi: “Tết ngày Thông ăn tết ở đâu?” Tôi cúi mặt trả lời “Dạ ăn tết trên đường phố với trẻ bụi đời.”

Bao nhiêu người, ngay cả những người thân yêu và giáo dân của tôi, khi nghe tôi kể về dự tính cho cái tết Đinh Hợi này, đã chất vấn tôi với bao nhiêu câu hỏi: “Cha “điên” hay sao mà cha lại làm như vậy? Cha không sợ nguy hiểm sao? Lỡ tụi nó đánh cha thì sao? Ai sẽ đi chung và bảo vệ cha?” Cho đến những lời gần như là xin tôi hãy đừng đi nữa: “Cha ơi, tụi con cần cha, biết bao nhiêu người cần cha, sao cha lại đi như vậy? Cha ơi, cha để lúc khác hãy đi, bây giờ cha không được khoẻ đó! Hoãn lại chuyến đi nghe cha.” Cho tới những câu đánh động tâm hồn của tôi, bắt tôi phải suy nghĩ thật nhiều như: “Cha ơi, ông bà cố có một mình cha đó. Lỡ có chuyện gì sảy ra với cha, ai sẽ lo cho ông bà cố? Cha có biết là những nơi cha đi nguy hiểm lắm không? Các trẻ bụi đời đó như những con thú hoang đang đói và nó sẽ vồ lấy mà ăn tất cả những gì trước mặt nó, mà cha lại mang theo tiền để lì xì.”

Vâng, tôi đã suy nghĩ nhiều, nhiều lắm. Và để trả lời cho tất cả các câu trên, tôi xin mượn lời Chúa trong Phúc Âm Thánh Matthêu: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu (Mt. 10:16) Tôi đã cảm nhận được Chúa đã sai tôi đi. Tôi cám ơn những lo lắng, tình yêu thương, lời cầu nguyện và sự giúp đỡ của mọi người. Tôi hứa sẽ cố gắng “khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như con chim bồ câu!”

“Tết, tết, tết, tết đến rồi! Tết, tết, tết, tết đến rồi! Tết đến trong tim mọi người!” Trên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về khách sạn vào nửa đêm 20 tết và tôi vẫn nghe bài nhạc tết này phát ra từ bao nhiêu quán cà fê và từ những chiếc loa trong các ngôi nhà. Thật vậy không khí tết đã “cao ngất trời mây” tại Sài Gòn. Năm nay người Việt trong nước ăn tết lớn. Họ gọi đó là cái tết “hội nhập”, cái tết mừng Việt Nam gia nhập WTO! Nhưng WTO thì có ảnh hưởng gì đến bọn trẻ mồ côi bụi đời, chúng vẫn đói khát và vẫn không nhà.

Sau khi nhận phòng khách sạn, rồi cùng với mấy người bạn ghé qua chợ ăn đêm Bến Thành kiếm cái gì bỏ bụng, tôi lại một mình trở về khách sạn, giở cuốn “các Giờ Kinh Phụng Vụ” ra đọc kinh sáng thứ 4 tuần 1. Tự nhiên bỗng giật mình khi đọc đến bài trích sách Tôbia 4:15a, 16a, 18a, 19: “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả. Hãy chia cơm sẻ áo cho người đói rách. Biết ai khôn ngoan thì tìm đến mà bàn hỏi. Hãy chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa mọi lúc; hãy xin Người dạy con cho biết theo nẻo chính đường ngay và giúp con thành công trong mọi đường đi nước bước cũng như mọi toan tính của con.” Tôi gần như bị thôi miên khi đọc đến đó. Thiên Chúa hay thiệt! Ngài biết những dự tính của tôi. Thế là như được Chúa Thánh Thần Thúc đẩy, tôi rời khách sạn lúc hai giờ sáng và vội vã lên đường chia xẻ những tấm áo mình đang có và niềm vui của sự cho đi theo gương mẹ Maria lên đường chia xẻ niềm vui với bà Elizabeth sau khi được Sứ Thần truyền tin (Luca 1:39-45)

Mời bạn hãy cùng tôi lên đường!

I. Cái Đêm Ấy Thế Mà… Bị Đánh:
(Bờ Kè Cầu Kinh Tẻ)

2 giờ sáng, Sài Gòn giờ đã chìm sâu trong giấc ngủ say. Đường phố thưa thớt người qua lại, chỉ còn lác đác vài chiếc xe ôm, và loanh quanh gần đó những “bóng hồng” đang đợi chờ khách ăn sương. Tôi giơ tay vẫy một chiếc xe ôm, tưởng bắt được khách “ăn khuya”, ào, ào ào, 4 chiếc Honda trờ tới. Ba chiếc chở ba cô gái, phấn son loè loẹt, đã quá mệt mỏi vì dạn dày “sương đêm” để cho tôi “chọn hàng”, và một chiếc không chở ai - chắc là để chở tôi.

- Không, tôi chỉ muốn một chiếc Honda ôm. Hôm nay tôi mệt mỏi lắm, không có sức làm gì đâu. (Chỉ có nói như thế thì mới không bị chèo kéo.)
- (Văng tục... ) tưởng là có mối - Tiếng một cô gái rít lên giữa đêm trường tĩnh mịch, rồi sau đó là tiếng rú của cả bốn chiếc xe lao vào bóng đêm. Chỉ còn lại mình tôiJ

Biết là không thể đón Honda ôm ở góc phố tối tăm này, tôi đi bộ ra chỗ có ánh đèn đường chiếu sáng và ung dung trèo lên một chiếc Honda trực chỉ bờ kè cầu Kênh Tẻ (nối liền giữa quận 1 và quận 4). Sau hai vòng chạy vòng quanh bờ kè quan sát tình hình, tôi nói anh lái xe ôm cho tôi xuống một chỗ trống, tối om, nhưng rất hôi thối sát bên góc của bờ kè. Móc ba mươi ngàn ra đưa cho anh, tôi nhận được một ánh mắt vừa tò mò vừa nghi ngờ từ người lái xe. Có thể anh đang suy nghĩ: “quái lạ, cái thằng này xuống đây để làm gì vào giữa đêm thanh vắng như vầy?” Hay có khi anh còn đang tự cám ơn là đã không bị tôi cướp xe của anh cũng không chừng.

Tôi ngồi vào một góc tối quan sát chung quanh. Trời Sài Gòn se se lạnh, dưới ánh đèn heo hắt xuyên qua các kẽ hở tôi thấy có một số người cuộn mình đang ngủ say. Lấy lại bình tĩnh, làm dấu và đọc một Kinh để xin ơn can đảm và khôn ngoan, rút túi ra khoảng hơn 10 cái phong bì, tôi mon men tiến lại các “mục tiêu” của mình:

- Thằng nào đó? Tiếng một người đàn ông quát vang lên giữa đêm trường tĩnh mịch.
- Dạ cháu đây! Cháu là một người làm việc xã hội muốn đến đây để lì xì tết cho các chú và các em nhỏ thôi. Cháu không không có phải là dân ăn trộm đâu. Tôi nhắm mắt, run sợ, nói như không kịp thở để thanh minh cho chính mình! Khi mở mắt ra, tôi đã thấy mình bị bao vây bởi khoảng hơn 30 người, tay ai cũng cầm một cái cây, hay một cục đá, hay một con dao - mặt ai cũng hằn hằn sát khí, dù vẫn còn đang ngái ngủ.
- (Văng tục...) Có thiệt không hay là vô đây ăn trộm đó? Anh bạn trẻ đang đứng trước mặt tôi nói buâng quơ. Vừa nói anh vừa cười, nhưng lại không nhìn vào tôi mà lại nhìn những người chung quanh.
- Chắc không phải đâu. Chắc nó là người tốt thật đó. Một người khác chen vào. Tay nó đang cầm phong bì lì xì kìa. Như bị ngớ người từ nãy tới giờ, tôi trở về với cái… sợ sệt của thực tại, và nói nhanh.
- Thật mà, cháu không có phải ăn trộm đâu, cháu đi lì xì tết cho các anh chị và đặc biệt là các em nhỏ mà.
- Mở phong bì ra tao coi coi, có tiền thiệt không? Một giương mặt chắc cũng đã quá 40, tự nhiên xuất hiện trước mắt tôi và hét to. Tôi lấy một cái phong bì, mở ra cho họ xem rồi bóc ra trong đó có ba tờ giấy năm mươi ngàn tiền Việt Nam.
- (Văng tục...) có từng đó thì ai có ai không. Anh chàng lại có vẻ như thị uy.
- Tại em không biết ở đây có nhiều người như vậy, nên chỉ mang có khoảng 20 phong bì thôi, với lại mục đích là lì xì cho các trẻ mồ côi thôi…
- Còn các người già không con cháu như tui thì sao? Một ông lão xen vào không để cho tôi nói hết ý.
- Dạ thì các cụ không con cái cũng có, con hứa là sẽ có.

Cuộc đối thoại còn kéo dài nữa, nhưng sợ độc giả sẽ chán nên tôi xin cắt mẩu đối thoại ở chỗ này để đưa độc giả vào phần… hồi hộp của câu chuyện.

Tôi đặt “bàn toạ” vào cái khoảng trống đã được dành riêng cho tôi trong một vòng tròn khoảng trên 10 em vòng trong và cũng khoảng từng đó số người lớn ngồi ở vòng ngoài. Và bắt đầu bài “diễn văn nói dối” của mình đã được chuẩn bị từ trước và thuộc lòng cho lần ra quân lần này ở Việt Nam.

- Cũng như các em, anh Thông cũng đã từng đi bán vé số, đi lượm rác, và đi ăn xin trên các đường phố Sài Gòn như các em (Chuyện này có thật, không có dối. Độc giả có thể đọc lại những bài chia xẻ cũ. Tuy nhiên tôi chỉ sống với các em một thời gian, chứ không phải là… kẻ bụi đời chuyên nghiệp.) nhưng anh Thông đã không nản lòng, không làm điều gì sai, không ăn cắp ăn trộm cái gì của ai cả. Anh Thông đã cố gắng vươn lên trên số phận và giờ đây anh đã có công ăn việc làm ổn định và muốn về thăm các em cùng cảnh ngộ như anh hồi trước thôi…
- Dzậy “Chú” là Dziệt Kiều hả? Một em nhỏ với giọng miền nam rặt cắt ngang.
- Không chú (tôi đổi từ “anh” qua “chú” một cách trơn tru) mà là Dziệt Kiều cái gì. Chú là Dziệt Nam chính gốc luôn đó - Gốc bự à nghen. Tôi vừa pha trò vừa cố gắng che đậy cái tung tích Dziệt Kiều của mình.
- Tại tưởng Chú Dziệt Kiều nên hỏi thôi.
- Không, chú đã nói rồi, chú là Dziệt Nam 100% đó - Dziệt Nam thiệt à nghen, không phải Dziệt Gian đâu. Chú bây giờ có công việc cũng khá ổ định nên dùng một tháng lương để giúp các cháu thôi. Chú nói thiệt nghen, hồi nhỏ mà chú bố mẹ cho một bộ quần áo mới là chú vui lắm, vui hết sức luôn đó. Năm nay chú không có giờ đi mua quần áo nên các cháu thông cảm. Chú sẽ lì xì cho các cháu mua đồ tết. Tiếng vỗ tay vang dội cùng với tiếng reo hò của bọn trẻ làm cắt ngang bài “diễn văn” của tôi. Bọn trẻ nghe nói tới lì xì là nhao nhao lên, không cho tôi hết lời, thế là tôi đành phải phát lì xì cho chúng.

Trước khi bắt đầu phát lì xì tôi bắt chúng xếp hàng một, và từng em lên tới trước mặt chúc tết cho tôi. Làm như thế cũng là cách để tôi nhận diện và có thể phân biệt được những em nào đã được tôi lì xì. Em nào nhận xong thì đứng qua bên phải hay bên trái của tôi chứ không được trở lại hàng. Trong khi tai tôi nghe những lời chúc, mắt tôi thì phải “láo liên” nhìn cuối hàng xem có em nào ăn gian không. Bạn nghĩ là có hay không? Bạn đoán thử coiJ Có đó, có hai em vừa nhận phong bì xong, đã lợi dụng lúc tôi không để ý, chạy ngay ra cuối hàng. Làm cho tôi phải tạm ngưng công việc phát phong bì và nhắc nhở các em. Cuối cùng thì tôi cũng đã lì xì xong cho các bọn trẻ và những người già tự nhận là người… neo đơn. Tuy nhiên chính vì phải lì xì thêm cho các cụ mà tôi bị… cướp và đánh cho một trận nhừ tử.

Chuyện bắt đầu khi tôi lì xì xong cho các em và phải mở túi quần lấy thêm phong bì để biếu các cụ tự xưng là mình không có… con cháu. Thế là tôi bị lộ, lộ ra là mình còn có tiền cất trong cái quần có tới gần chục cái túi của tôi. Khi đang biếu tiền cho các cụ tôi đã nghe được tiếng của mấy người khác nói với nhau:

- (Văng tục... ) thằng này còn tiền. Mỗi túi nó móc ra có mấy cái phong bì.
- Mày coi kìa quần của nó có tới bao nhiêu túi. Một giọng khác chen vào.

Nói xong tôi thấy họ lặng lẽ đứng dậy bỏ đi ra ngoài. Xương sống tôi bắt đầu cảm thấy lạnh; tóc gáy dựng lên từ từ; tâm trí tôi dao động và lo lắng. Đang đưa phong bì cho các cụ già mà đầu óc tôi thì đang để đi đâu – Lo lắng và sợ hãi.

Sau khi đã trao quà cho các cụ, tôi nấn ná ngồi lại nói chuyện với các cụ và các em nhỏ, nhưng thực chất là để suy tính cách nào mình sẽ phải thoát ra chỗ này. Và những con đường nào có thể thoát thân. Sau ít phút nói chuyện tôi lấy cớ là các cụ và các em cần phải nghỉ, và tôi thì phải về vì mai còn phải lo công việc. Tôi nhờ một hai cụ dẫn tôi lên đường cái viện cớ là không biết chỗ nào có Honda ôm, nhưng thực chất là hy vọng có sự hiện diện của người lớn tôi sẽ không bị nhóm thanh niên man nữ kia cướp. Thế là tôi chào tạm biệt mọi người rồi hai cụ dẫn tôi lần mò trong bong đêm. Bỗng dưng

- Sao không lì xì cho tao hả thằng kia? Còn tiền không vậy? Tôi không trả lời gì hết và tiếp tục đi.
- (Văng tục... ) mày khinh người hả? Sao tao hỏi mà không trả lời?
- Hết tiền rồi anh ơi. Cho các em nhỏ và các cụ hết rồi…

Chưa dứt lời thì… rầm, rầm, rầm hai cái đá và một cái đấm vào hông. Tôi chỉ kịp lấy hai tay che mặt để bảo vệ, còn mặc cho họ đánh, nếu họ muốn. Vì biết có chạy cũng không thể thoát được. May thay, họ không đánh tôi nữa, mà một người bẻ hai tay tôi ra đằng sau, rồi một người lấy một mảnh vải (rất hôi) quấn vào đầu tôi. Họ lục lọi hết 7 cái túi quần của tôi (sau khi về khách sạn tôi đếm mới biết là có 7 túi) lấy hết các phong bì và trước khi bỏ đi có người lên tiếng dạy tôi:

- (Văng tục... ) lần sau đi lì xì thì phải công bằng nghe, lớn nhỏ gì cũng phải có đầy đủ đó.
- Cũng đừng có nói láo nữa. Hễ còn tiền thì nói – nói láo là tao đánh chết “mẹ” mày đó. Một tiếng nói khác chen vào.
- Mày đừng có nghĩ đi báo Công An nghe chưa. Giọng nói ồm ồm, nhưng rất chua chát của người đang bẻ tay tôi cất lên – cùng với lúc anh ta tăng thêm áp lực trên cánh tay của tôi đang bị bẻ làm cho tôi la lên vì đau. Anh ta lại gằn giọng nói tiếp.
- Mày nhớ chưa, không được báo Công An. Mày mà báo công an thì tao đốt nhà mày, nghe rõ chưa.
- Dạ rõ. Tôi vừa nói vừa than đau, nhưng vẫn tiếp tục nói. Tôi nói thật với các anh, chứ nếu tôi mà muốn báo công an, tôi đã không vào đây để lì xì cho mọi người một mình. Tôi biết có thể là tôi bị cướp, nhưng tôi không thể hình dung là các anh sẽ đánh tôi.
- (Văng tục... ) mày dạy đời tao hả. Anh ta thả cánh tay bị bẻ của tôi ra rồi quát. Hai phút nữa tự gỡ khăn bịt mặt ra rồi đi ra khỏi đây, nghe chưa.
Sau khi anh ta dứt lời, tôi nghe tiếng chân người chạy mỗi lúc một xa. Sau khi không còn nghe gì nữa tôi tự cởi cái “áo” thối ơi là thối, quấn đầu và mặt tôi, hít thở một hơi dài và bình tĩnh, (vâng không biết tại sao lúc đó tôi rất bình tĩnh, có lẽ là đã hết tiền) và ung dung bước ra khỏi bờ kè, trèo lên trên đường chính và bắt taxi (chứ không đi Honda ôm nữa, vì không có chiếc nào) trở về trước chợ Bến Thành cho dù khách sạn của tôi ở cách đó gần cả cây số.

Đã gần 5 giơ sáng, Sài Gòn chuyển mình thức giấc, tôi lê từng bước mệt nhọc, lững thững trở về lại căn phòng của mình – Cái run sợ vẫn còn đó, cái đau đớn thân xác đang tăng dần, nhưng niềm vui và hạnh phúc thì dâng trào!

Chút Suy Tư:

Vâng, tôi vẫn đã từng dự đoán là tôi có thể sẽ bị cướp, nhưng sẽ không bị đánh vì tôi lập luận: “Mình có làm gì đâu mà bị đánh, mình đến giúp họ mà.” Và tôi tin rằng tôi không phải là người duy nhất có những lập luận đó mà chắc qúy độc giả cũng có người đã lập luận như tôi. Nhưng sau khi bị đánh tôi về suy nghĩ lại và nhận ra rằng dù cho tôi đã sống và làm việc với trẻ mồ côi và bụi đời gần 10 năm nay, tôi vẫn còn… non trong cách suy nghĩ của họ.

Dĩ nhiên, họ sẽ đánh tôi. Và nếu tôi là họ tôi cũng sẽ đánh khi cướp người đến giúp tôi. Nhưng mà đánh cho… sợ chứ không phải đánh cho… chết. Họ đánh cho tôi sợ để tôi không báo công an. Vì chỗ họ sống là trái luật, nên nếu họ chỉ cướp tôi, chắc chắn tôi phải đi báo công an, và một khi tôi đã báo chắc chắn công an sẽ phải tới “rờ gáy" họ thôi. Thế là họ lại phải trở thành những người vô gia cư khi bị cưỡng ức rời các căn nhà bằng giấy và lá để đi tìm chỗ tạm trú khác.

Đúng là: “Sông sâu còn có chỗ dò – Nào ai lấy thước mà đo long người.” Ôi Lạy Chúa, con không dám đo lòng của ai, vì chính con đôi khi còn chưa đo được lòng mình. Xin cho con đừng phán đoán ai, nhưng hãy là cánh tay vươn dài của Chúa. “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, … để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem tình thương đến chốn u sầu…” (Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô)

www.hayyeuthuongnhau.org

Còn tiếp những những “đoản khúc” khác của một chuyến đi như:
  • Người Phu Quyét Rác (Câu chuyện người quét rác đêm Giao Thừa)
  • Ngã Ba… Sung Sướng (Bãi Rác và Nghĩa Trang Đông Thạnh – Hóc Môn)
  • Cô Gái Đến Từ… Internet (Chuyên gia câu… Việt Kiều)
  • Tưởng Chừng Sẽ… Chết (Bãi Rác Sâm Sua – Trà Vinh)
  • Trở lại… Bình Hưng Hoà (Nghĩa Trang Bình Hưng Hòa – Quận Tân Phú)
  • Đứa Bé Đội Mồ… “Sống Dậy” (Câu chuyện đứa bé được cứu ra từ cỗ quan tài)