THÔNG ĐẠT TRONG HÔN NHÂN KITÔ GIÁO

Chúng tôi muốn nói đến việc hiến mình theo nghĩa Kitô giáo. Trong hôn nhân, đó chính là điều hai Kitô hữu đoan hứa với nhau. Nó là quà tặng cao cả nhất của tình yêu. Nhiều cặp vợ chồng vẫn tiếp tục sống với nhau và phục vụ nhau nhiều cách. Nhưng đó vẫn chưa phải là hiến mình, vì hiến mình chỉ có thể có khi ta sẵn sàng mở cửa trái tim mình cho nhau. Người ta có thể thực hiện nhiều việc yêu đuơng bề ngoài mà thực ra vẫn giữ lại cái quà tặng quí giá là chính con người bên trong của mình. Món quà ấy chỉ có thể cho đi bằng thông đạt mà thôi. Cũng như bất kì món qùa quí giá nào khác, món qùa này đắt giá lắm. Nhưng sự kết hợp giữa hai con người không thể nào có được nếu họ không chịu để cho nhau đi vào thế giới bên trong của nhau. Điều ấy bao giờ cũng bao hàm việc thổ lộ tâm tình.

Có những tâm tình khó thông đạt hơn những tâm tình khác. Có những người, vì một lý do nào đó, thấy gần như không thể nói được câu “anh yêu em”. Lại có những người, đặc biệt là đàn ông, thấy khó mà nhìn nhận nỗi sợ của mình, cảm thức thất bại của mình, hay nỗi buồn của mình. Nhiều người thấy khó khẳng nhận người khác, khó đưa ra những phản ứng (feedback) tích cực. Nhiều ông chồng không còn khen vợ đẹp nữa, vì cho rằng “bà ấy biết rồi ” hoặc “khen miết làm bà ấy phổng mũi mất”. Ở đời, làm gì có ai lại không cần những điều tốt được nói đi nói lại bao giờ (dù là chẳng tin mấy) hay quá phổng mũi vì được khẳng nhận nhiều lần. Nhưng trong hôn nhân, quả có một lý do khác khiến người ta kìm giữ không chịu nói ra những cảm nghĩ của mình. Vì người ta sợ, không muốn làm phật lòng người bạn đời của mình. Nên họ không dám nói ra những điều phật ý, những nỗi bất bình hay bất cứ tâm tình khó chịu nào hết.

Trong những liên hệ thân mật, điều gì sẽ xẩy ra khi ta cứ giữ kín những tâm tình khó chịu mãi? Sẽ có những cuộc bùng nổ dữ dội, khi những tâm tình ấy làm ta chịu không nổi nữa. Mấy chữ trên bàn bếp báo tin ly dị. Hay nhẹ nhàng hơn, là những mỉa mai cay độc, những lặng câm như hến, hay những hình thức trả đũa tinh tế khác. Chắc một điều: nếu người ta không biết đương đầu với giận dữ, họ cũng không thể nào thân mật được. Một là bạn có một mối liên hệ trong đó có lúc có những cơn giận qua lại, có lúc có những gần gũi ấm êm (thường là tiếp ngay sau cơn giận), hai là bạn có một mối liên hệ trong đó bề ngoài cái gì cũng êm xuôi cả mà bên trong khoảng cách tâm lý rộng đến độ chẳng cầu nào bắc nổi. Trong cái kiểu liên hệ thứ hai, ta thấy có những đề tài không ai dám đụng đến và những giây phút im lặng thì thật là nhiều.

Trong các liên hệ thân mật, thông đạt là kĩ năng nền tảng. Không còn gì căn bản hơn thế. Nó là điều kiện không thể không có của bất cứ cuộc kết hiệp nên một nào. Nó là chìa khóa giải quyết mọi tranh chấp. Nó là phương cách duy nhất nhờ đó hai con người có thể tiếp tục trưởng thành với nhau và ngay cả sống chung với nhau nữa.

Vấn đề là: phải thông đạt như thế nào? Thông đạt là một nghệ thuật, và cần có giờ mới trau dồi được nó. Sau đây là 11 đề nghị hướng dẫn.

1. Dùng kiểu nói Tôi hơn là kiểu nói Anh: nghĩa là nói về chính bạn hơn là nói về người bạn đời của bạn. Đừng nói những câu như “anh đâu có bao giờ lưu tâm đến ai”; tốt hơn nên nói: “Em thấy đôi lúc cô đơn chi lạ”. Đừng nói: “Anh có bao giờ đụng đến việc gì đâu”; tốt hơn nên nói: “Em thấy công việc nhà như quá sức em, đôi lúc em thấy không vui vì hình như không được công bằng lắm”. Nói cách khác, hãy nói về chính bạn, và những cảm nghĩ của bạn đối với những tác phong cụ thể của người bạn đời. Chứ đừng phê phán họ và nhất là đừng ra lệnh cho họ.

Phương thức trên khá bất trắc (risky) vì nó phơi bày con người bạn ra. Nhưng nó có những lợi điểm rõ rệt. Nó không làm người bạn đời của bạn phải thủ thế, và nhờ thế bạn có hy vọng được họ nghe hơn và đáp ứng tích cực hơn. Nó để người bạn đời của bạn đi vào thế giới bên trong của bạn, và cho họ thấy những dữ liệu quan trọng. Nó không phê phán ai đúng ai sai, nhưng để ngỏ vấn đề ấy. Chẳng hạn, nếu anh lo lắng về cách em xã giao trong các bữa tiệc, thì rất có thể đó là do lỗi em. Nhưng cũng có thể là do lỗi anh. Có thể vì anh quá bất an chăng, cứ bám riết lấy em chẳng hạn, sợ bị mất em, ghen bóng ghen gió. Lại cũng có thể vì anh giải thích sai những điều em đang làm. Còn khi thấy em tình cảm dạt dào, thì rất có thể em như thế thật. Nhưng cũng có thể vì anh là người ẩn ức về tình cảm, hay khó chịu khi thấy người ta tỏ bày tình cảm của họ ra, hoặc cũng có thể vì anh thấy anh không có khả năng thoả mãn những nhu cầu tình cảm mà em ngỏ với anh. Khi anh ở lại với chính những cảm nghĩ của anh, sở hữu các cảm nghĩ ấy và để em biết chúng, là anh để em biết anh, còn vấn đề ai phải làm gì thì anh để ngỏ ở đó. Bọn mình sẽ cùng giải quyết với nhau.

Còn nếu phải nói về người bạn đời của bạn, thì chỉ nên phát biểu cảm nghĩ của bạn về những tác phong cụ thể của họ. “Khi anh tới mà không chào, em thấy như bị hắt hủi”, “Anh lo lắng khi thấy em vui đùa với người đàn ông khác”. Trong những thí dụ ấy, bạn chỉ nói đến những tác phong cụ thể, những tác phong bề ngoài có thể quan sát được. Bạn không đoán mò cảm nghĩ cũng như ý định của họ, là những cái không quan sát được.

Có bốn kiểu nói Tôi (I-statements) căn bản rất quan trọng trong các mối liên hệ thân mật. Đó là: Tôi nghĩ, Tôi cảm thấy, Tôi muốn, Tôi cần. Chúng đều là những bước tích cực để tự khẳng quyết và đồng thời cho thấy lòng tự trọng. Chúng khiến anh thành yếu thế (vulnerable) đối với em. Chúng không nói đúng sai, cũng như không ra lệnh. Chúng chỉ cho em hay anh là ai và chuyện gì đang xẩy ra với anh ngay lúc này. Nếu em cũng tự bộc lộ như vậy, chúng mình sẽ có đủ chất liệu để mà học hỏi được cách quan tâm lẫn nhau.

2. Phát Biểu Cảm Nghĩ hơn là Ý Nghĩ: Không phải vì phát biểu ý nghĩ là việc xấu. Có lúc cũng phải phát biểu ý nghĩ. Nhưng cảm nghĩ của ta cho người ta thấy ta là ai nhiều hơn. Người ta có thể ngồi cả một giảng khóa trước nhiều vị giáo sư và biết nhiều về các ý nghĩ của họ, mà vẫn không mấy hiểu chính con người của họ. Một bà vợ đã từng diễn tả hùng hồn sự kiện đó khi cho rằng mọi sự chồng bà nói với bà đều có thể nói trên đài truyền hình. Ông là một kỹ sư, và đã sống ở phạm vi ý nghĩ nhiều hơn cảm nghĩ. Không phải vì ông ít nói, nhưng lúc nào bà cũng phải đoán mò xem điều gì đang xẩy ra bên trong con người của ông. Chính khi ta phát biểu các cảm nghĩ là khi ta tự cho mình đi. Chính cái cho đi đó mới là điều bà vợ mong chờ.

Đôi lúc người ta dấu cảm nghĩ phía sau các ý nghĩ của họ. Câu nói “vị trí của đàn bà là ở trong gia đình” rõ ràng là một phát biểu về nguyên tắc, nhưng cũng có thể là cách người đàn ông muốn nhắn nhe rằng ông sẽ rất xấu hổ khi phải để vợ ông ra ngoài làm việc kiếm tiền, hoặc ông sợ phải mất bà nếu bà ra ngoài giao du gặp gỡ nhiều người đàn ông khác. Những cái “sợ” đó chính là những cảm nghĩ ẩn phía sau cái tư tưởng trên. Những câu nói có chữ “nên” cũng có thể chỉ là những chiếc mặt nạ. “Em nên thưởng thức việc ân ái đi chứ” có thể chỉ có nghĩa là “anh khóai ân ái lắm” hay “anh thấy anh không phải là người yêu đúng nghĩa khi em tỏ ra hững hờ việc ân ái”, hoặc “anh bị chạm tự ái khi bị em làm cụt hứng”. Muốn cho việc thông đạt cởi mở hơn, ta chỉ nên đề cập đến các cảm nghĩ của ta, chứ không đề cập đến những thứ trật tự vĩnh cửu của sự vật (theo cái nhìn của ta) hoặc những thứ chân lý thông thường ai ai cũng biết (chỉ trừ có bản thân ta). Nói cho cùng, phần lớn các cảm nghĩ của ta đều phát sinh từ tính cách tương đối của văn hóa mà thôi.

Một số người thấy mình chả có cảm nghĩ gì hết. Bạn không thể thông đạt cái bạn không có. Muốn nhận ra các cảm nghĩ của mình, mỗi ngày ta nên tập thỉnh thoảng đi vào bên trong con người của mình, để quan sát xem lúc ấy mình đang cảm thấy gì. Hãy quan sát những thay đổi trong các hoàn cảnh đặc thù: như khi nói với con, thưa chuyện với xếp, nói chuyện điện thoại, đi ra mở cửa, thức giấc buổi sáng, xem truyền hình giấc đêm, đi làm hàng ngày, lên giường buổi tối. Khi các cảm nghĩ ấy trở nên sống động, ta sẽ dễ dàng thông đạt chúng hơn.

3. Chăm Chú Lắng Nghe, Đừng Ngắt Quãng: Muốn thông đạt tốt, nói hay mà thôi chưa đủ. Còn cần phải nghe hay nữa. Nghe mới khó. Nó đòi ta phải để mọi chuyện khác sang một bên, ngay cả những ngẫm nghĩ tư lự (ruminations of the mind) của mình. Nghe càng khó hơn khi ta không thích điều mình đang nghe, hay khi thấy mình đã nghe nó một lần rồi. Một trong những việc mà các nhà huấn đạo hôn nhân thường phải làm nhiều nhất là ngăn cản không để các cặp vợ chồng nói chen lẫn nhau. Họ đã đề nghị ra một diễn trình ba bước để cách mạng hóa cách nói năng giữa vợ chồng với nhau: (a) lắng nghe không nói chen; (b) nhắc lại điều mình nghe xem có đúng không; (c) đáp ứng lại điều mình nghe.

Trong những cuộc đối thoại nghèo nàn, người nghe cứ loay hoay lo soạn câu trả lời chứ không chịu lắng nghe, và chỉ những lăm le cắt ngang để nói lên câu trả lời đó khi nó đã sẵn sàng. Với phương thức đề nghị ở đây, bạn phải lắng nghe cẩn thận, nếu không, bạn sẽ không thể nói lại điều bạn đã nghe. Nghĩa là bạn phải làm sao nghe đuợc điều người đối thoại muốn nhắn gửi. Vì luôn luôn có những bất ngờ, như người nói muốn đính chính chẳng hạn. Như thế bạn mới đáp ứng đúng được. Điều ấy xem ra có vẻ rườm rà mất thì giờ. Nhưng nếu nhờ đó mà nhận đúng được điều người bạn đời muốn nhắn nhe và đáp lại đúng như thế chứ không phải chuyện khác, thì tựu trung bạn đã tiết kiệm được thì giờ chứ đâu có phí phạm. Phần người nói, họ sẽ cảm thấy vui khi được lắng nghe, dù kết quả cuối cùng có ra khác. Nếu hai người có thói quen nói chen lẫn nhau, lời qua tiếng lại hoài, thì trọn thì giờ noí chuyện đều vô ích. Chẳng ai chịu nghe. Chẳng ai chịu cởi mở. Chả có kết quả chi ngoại trừ bực mình thêm.

4. Kiểm Soát Xem Điều Bạn Thấy và Nghe Có Đúng Không: Trong diễn trình kiểm soát này, một phần là để tóm lược lại điều bạn nghe được từ người bạn đời đang nói và hỏi họ xem điều ấy có phải là điều họ muốn nói không. Mục đích là để cho câu chuyện tiếp tục đi đúng hướng đã định. Nhưng diễn trình kiếm soát ấy cũng có những khía cạnh khác nữa. Như lắng nghe những giận hờn, thất vọng, những cô đơn, sợ hãi. Và thử nghiệm xem điều bạn nghe ra ấy có đúng không bằng cách hỏi chẳng hạn như “nghe như anh có vẻ lo âu” hoặc “nghe như anh khó nói chuyện này”. Phương thức này đặc biệt hữu dụng đối với những người không muốn nói thẳng các cảm nghĩ của họ ra, nhưng chỉ muốn đề cập đến các dữ kiện, đưa ra những phán đoán đúng sai, và ra những lệnh trực tiếp hoặc gián tiếp. Bạn không thể bắt họ phải chơi theo luật chơi của bạn. Nếu bạn bảo họ, “Đừng phê phán, nhưng cho tôi hay anh có cảm nghĩ gì” là bạn đã ra lệnh cho họ thay vì cho họ thấy cảm nghĩ không hài lòng của bạn và để họ tự do. Ngay cả khi họ vẫn cứ tiếp tục lối nói cố hữu của họ, bạn vẫn có thể nghe ra các cảm nghĩ phía sau các lời nói đó, và kiểm soát xem có đúng như thế không.

Việc kiểm soát như trên có thể thực hiện bên ngoài thì giờ nói chuyện. Anh về nhà, xem ra mệt mỏi, ỉu xìu, hay xa vắng. Em cũng chả biết nữa. Nhưng phần lớn thì câm như hến. Để em có thể liên hệ với anh cách thích đáng, như để mặc anh, an ủi anh hoặc yêu cầu anh trút bầu tâm sự ra, em phải biết anh đang cảm nghĩ ra sao. Em có thể hỏi những câu hỏi vô thưởng vô phạt (open) như “Anh khỏe không?” hoặc em có thể kiểm soát xem cảm tưởng của em có đúng không như “Anh sao xa vắng thế?” hay “xem ra hôm nay anh gặp chuyện không vui phải không?”

Cách tiếp cận ấy sẽ làm người bạn đời tự giãi bày tâm sự. Lý tưởng là chính họ tự nói ra các cảm nghĩ cũng như các nhu cầu của ho. Nhưng cái lý tưởng ấy không luôn luôn có.

5. Tránh Đoán Mò (mind-reading): Đoán mò là ráng đi vào “cung thánh” tâm khảm người khác và nói ra điều đang xẩy ra tại đó. Bạn cho họ biết họ đang có cảm nghĩ gì hoặc đang có động lực gì. “Anh nói vậy vì anh đang ghen”, “em chỉ nói cho anh hay điều em nghĩ là anh muốn nghe”. Những câu nói như thế gần như lúc nào cũng làm người nghe nổi giận. Kể cũng đáng. Vì chúng phạm đến sự tư riêng của người khác, vả lại điều tố giác trên phần lớn không chính xác. Ta có cảm tưởng người khác cảm nghĩ như thế, và ta giải đoán các động lực của họ. Thăm dò là điều hợp lẽ. Ta cũng có quyền nói ra các cảm tưởng của mình, miễn là với tính cách dò chừng, nhìn nhận mình không chắc chắn. Đoán mò lại là việc khác. Nó phạm đến nhân vị người khác. Nó tỏ ra bất kính đối với sự liêm sỉ của họ, hủy diệt lòng tín nhiệm, khiến họ phải trả đũa.

6. Cho Người Bạn Đời Biết Các Nhu Cầu Của Bạn: Đôi khi những nhu cầu ấy có tính cách tổng quát, như “Khi đi làm về, anh cần được rảnh chừng nửa giờ trước khi bàn đến bất cứ chuyện gì”, hay “Mỗi tuần em cần được rảnh khỏi coi con một ngày”. Đôi khi chúng rất đặc thù như “Em muốn anh ôm em!”, “anh cần đi xa vào cuối tuần này”.

Có cặp vợ chồng kia đến xin được huấn đạo. Vấn đề được họ trình bày là người chồng hầu như lúc nào cũng cau có giận dữ. Sau mới vỡ lẽ là ông ta muốn vợ ông phải dự đoán ra các nhu cầu của ông và thoả mãn các nhu cầu ấy. Khi bà vợ không làm được, ông ta nổi giận. Ông ta muốn bà ta phải biết lúc nào ông cần giờ rảnh, thì lúc đó đừng nói chuyện với ông ta. Ông ta muốn bà ta phải biết lúc nào ông ta cần âu yếm, thì lúc ấy phải tỏ ra âu yếm. Khi bà ta đoán sai và hành động không tương ứng, ông ta nổi giận. Một trong những ảo tưởng thông thường nhất là thế này: “nếu em thực sự yêu anh, em phải biết anh đang nghĩ gì và cần gì chứ”. Làm gì có chuyện đó. Mỗi người chúng ta đều là một mảnh đất lạ, có khi lạ cả đối với chính chúng ta, nhưng chắc là với người khác. Các nhu cầu của mình chỉ hy vọng được thoả mãn khi mình quả quyết (assertive) nói chúng ra. Đương nhiên không phải lúc nào chúng cũng được thỏa mãn vì người khác cũng có những nhu cầu riêng của họ và những giới hạn trong khả năng thoả mãn các nhu cầu của ta. Nhưng những nhu cầu ấy cần được nói ra, ít nhất để còn thương thảo được.

7. Học Biết Ngôn Ngữ Yêu Đương Của Người Bạn Đời: Mọi người chúng ta đều có một thứ ngôn ngữ mà ta thích người khác dùng để nói cho ta hay họ thương ta. Ngôn ngữ của mỗi người đều khác với ngôn ngữ của người khác. Cái nói cho Rạng hay chàng được Bích yêu là một cú đấm bóp. Nhưng cái nói cho Bích hay nàng được Rạng yêu không phải là cú đấm bóp trả lễ, mà chỉ cần được chàng ôm. Cái nói cho mẹ bạn hay cha bạn muốn xin lỗi là một cành hồng đỏ, nhưng cái nói cho vợ bạn hay bạn muốn xin lỗi nàng lại không phải là một cành hồng đỏ mà là một lời xin lỗi đàng hoàng kèm với lời giải thích điều gì đã xẩy ra bên trong con người của bạn khi biến cố ấy xẩy tới. Người đàn bà có thể diễn tả tình yêu của mình bằng cách giữ cho cửa nhà tươm tất, nhưng cái thực sự nói cho ông chồng hay bà yêu ông lại có thể là những giây phút bà chịu thư dãn nhiều hơn với chính ông.

Thường trong hai năm đầu của cuộc hôn nhân, người ta yêu nhau rất nhiều, nhưng đôi khi cái tình yêu kia đuợc nói bằng ngôn ngữ riêng của bạn chứ không phải ngôn ngữ của người bạn tình, và do đó nó chả có tác dụng chi hết. Kỹ sảo là phải học được ngôn ngữ của bạn mình và nói thứ ngôn ngữ ấy. Một hoàn cảnh ngược đời đã xẩy ra cho cặp vợ chồng người bạn về cách họ muốn được đối xử khi lâm bệnh. Vợ thì thích được người ta vào phòng, làm sạch không khí, đem nước cam vắt vô, hỏi thăm mình, và để lại một bó bông. Chồng thì thích được ở một mình để ngủ cho đã. Ấy vậy mà khi nàng bệnh, chàng để mặc nàng một mình. Và khi chàng bệnh, nàng thường năng lui tới viếng thăm và làm đủ mọi điều tốt đẹp cho chàng. Phải một thời gian lâu họ mới khám phá ra ngôn ngữ của nhau. Điều ấy cũng là lẽ thường tình. Khuôn Vàng Thước Ngọc do đó là “Hãy làm cho người khác điều họ muốn bạn làm cho họ”.

8. Tránh Những Chữ Như “Luôn Luôn” và “Không Bao Giờ”: Đây là điều dễ hiểu nhưng không dễ làm. “Luôn luôn” và “không bao giờ” là những chữ rất cám dỗ, nhất là khi bạn đang giận. “Anh không bao giờ chịu nghe hết”, “Em luôn luôn cằn nhằn”, “Anh không bao giờ làm chi hết chỉ những TV thôi”. Vì những chữ này có tính phóng đại, nên chúng khiêu khích sự giận dữ, khiến người ta chối quách. Và do đó lời nói trở thành vô hiệu. Há chữ “đôi khi” không hay hơn chữ “luôn luôn” sao, chính xác và dễ nghe hơn ? Rồi chữ “thỉnh thoảng” nữa, hoặc nếu bạn muốn nhấn mạnh thì có thể dùng chữ “thường thường”. Không bao giờ dùng chữ “không bao giờ”.

9. Tránh Gọi Nhau Con Này Thằng Nọ (name-calling): “Con này thằng nọ” thường hay được sử dụng khi quá giận. Chúng làm người ta rất mếch lòng (chính vì thế mà người ta đã dùng chúng). Chúng lại còn bám cứng nữa. Đấy mới là vấn đề. Cuộc cãi vã đã kết thúc, hai bên đã giao hòa, mọi chuyện giả thiết phải trở lại bình thường như cũ. Nhưng người bạn đời không thể quên được caí “con” mà bạn đã dùng để miệt thị nàng. Thực sự bạn có muốn thế không? Nếu không muốn thế, sao lại nói ra? Bạn đã vô tình gieo một thứ cỏ dại, mà cỏ dại thì thật khó mà bứng được gốc.

Cặp vợ chồng kia có lần, trong một buổi huấn đạo, đã đồng ý với nhau hai điều cam kết như sau: sẽ không đoán mò nhau và sẽ không gọi nhau bằng “con này thằng nọ” nữa. Kết quả, những cuộc cãi vã của họ giảm đến 75%.

10. Xử Lý Những Hoàn Cảnh Mếch Lòng Ngay Khi Chúng Xuất Hiện: Bạn đã có bao giờ thấy mình gây ra những cơn giận lôi đình chỉ vì quên khuấy hay không, như đi đón vợ trễ năm phút chẳng hạn? Có thể vì liên tiếp đã có những tích lũy lâu đời rồi, nay chỉ cần thêm chút nữa là chiếc ly lôi đình nổ tung ra. Bạn sẽ không thể hiểu được nếu chỉ dựa vào một biến cố riêng rẽ hiện nay, nhưng sẽ hiểu nếu được kể lui lại tuần trước và tháng trước. Bạn đâu có ngờ là vợ bạn đã phải mang những giận hờn tủi hận lâu đến thế. Đến những gì xẩy ra, được vợ nhắc đến, bạn cũng còn chả nhớ nữa là.

Thành ra, vợ chồng, nếu muốn gần gũi thân thiết nhau hoài, thì cần phải học cách giải quyết các giận dữ của mình một cách ngay thẳng và xây dựng. Có nghĩa là phải xử lý chúng ngay khi chúng xẩy ra, đừng để chúng tích luỹ. Tránh không muốn làm phật lòng bạn mình bằng cách không nói cho họ hay điều bạn không thích quả là vô ích. Vì cuối cùng bạn còn làm hại họ hơn thế nhiều. Có điều mỗi lần nói sự thật, bạn phải làm cho sự thật ấy ra nhẹ nhàng bằng tình yêu thương trìu mến. Chỉ có cách đó bạn mới tránh được những trận lôi đình tưởng như tím mặt, những lời nói ngoa nhức óc, những cái tên “thằng này con nọ”, và cả những cú thượng cẳng chân hạ cẳng tay nữa.

11. Dành Giờ Nói Những Chuyện Không Hẳn Chỉ Là Cơm Mắm: Phần lớn các cặp vợ chồng đều lo giải quyết những vấn đề hàng ngày. Họ thông đạt với nhau đủ chỉ để trả các chi phiếu, để mua cơm mua mắm, săn sóc con cái, chiêu đãi bạn bè, sửa xe sửa cộ. Mà quên khuấy cả việc nói với nhau về chính họ. Chính cái việc từng làm cho thời gian tán tỉnh nhau trở thành ngây ngất hạnh phúc nhất trên đời là nói về em, nói về anh, nói về chúng mình nay bị đẩy từ trung tâm ra ngoài bià, rồi chết yểu bao giờ không hay. Chúng mình càng ngày càng làm tình ít đi, anh thấy thế, nhưng anh chẳng thèm nói gì. Càng ngày bọn mình càng làm những công chuyện riêng rẽ với nhau và càng ngày càng ít đề cập đến chúng. Anh đi làm và trầm ngâm về cái khúc rẽ cuộc đời ấy, nhưng anh giữ những ý nghĩ và những cảm nghĩ ấy cho riêng anh. Em đi về thăm ba má luôn. Bọn mình tiếp tục giải quyết các vấn đề hàng ngày, nhưng chẳng nói gì với nhau về chính chúng mình. Dù cả hai chúng mình đều nhận thấy có một cái gì xa cách đang lan rộng ra và đang làm mình buồn khổ.

Những khoá Gặp Gỡ Hôn Nhân chỉ có mục đích giữ cho các cuộc hôn nhân sống còn và thăng tiến. Mỗi ngày, mỗi cặp tự viết cho nhau những bức thư ngắn, không dài hơn mười phút, về một đề tài có thể rút ra cảm nghĩ. Nhiều cặp khác cũng đạt được cùng mục tiêu ấy nhưng theo cách khác. Họ thỏa thuận mỗi tuần một đêm sẽ cùng nhau làm một cái gì đó chung với nhau, ở bên nhau và nói với nhau về những vấn đề cả hai cùng cho là quan trọng. Có thể là một bữa ăn tối, mà cũng có thể chỉ là một cuộc cuốc bộ chung. Nhiều cặp khác cam kết cứ vài tháng lại đi nghỉ cuối tuần với nhau. Những biện pháp cốt ý để vun đắp cho mối liên hệ ấy quả là sinh tử. Thường thường chỉ cần loại bỏ những chướng ngại vật, những thách thức mà cuộc sống hàng ngày gây ra khiến ta không thông đạt với nhau cách sâu sắc được. Nếu ta biết thoát ra ngoài những chướng ngại vật ấy cách đều đặn, những dòng nước sâu hơn sẽ xuôi chẩy và nối vòng tay lớn với nhau. Liên hệ hôn nhân sẽ có sức hồi sinh kỳ diệu nếu ta không lãng quên nó quá lâu. Cục than xem ra như đã tàn, nhưng đừng vội cho nó đã tắt hẳn. Vợ chồng nếu biết dành chút thì giờ mà chăm sóc tàn lửa của nó sẽ thấy kết quả rực cháy. Thói quen ấy nên có ngay từ hai năm đầu.

Thông đạt là kĩ năng tạo nền, là chìa khóa dẫn vào mọi yếu tố khác xây dựng nên hôn nhân. Nó là một nghệ thuật cần được học hỏi với thời gian. Đọc về nó và tham dự một vài chương trình thăng tiến về nó quả là hữu ích để thăng tiến hôn nhân. Thực sự, hai con người có khả năng cởi mở và trung thực với nhau, trao phó cho nhau chính cái quà phúc trọn bản thân mình, và ngày càng trở nên một chứ không ngày càng trở nên hai. Điều ấy đòi họ phải can đảm, nhưng đó là một trong những kinh nghiệm thoải mái nhất mà cuộc đời đem lại cho ta.

Vũ Văn An, viết theo Thomas N. Hart và Kathleen Fischer Hart

The First Two Years of Marriage, New York: Paulist, 1983