THÁI BÌNH, Việt Nam (UCAN) – Thái Bình, một giáo phận nông thôn ở miền Bắc Việt Nam, đã trở thành giáo phận mới nhất trong nước có số giáo xứ mới và tân linh mục nhiều kỷ lục.

Trong năm qua, "giáo phận đã thành lập nhiều giáo xứ mới nhất kể từ khi được thành lập năm 1936", linh mục Đa Minh Đặng Văn Cầu, thư ký tòa giám mục Thái Bình, phát biểu với UCA News hôm 8-9.

Đức Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang của Thái Bình đã lập 20 giáo xứ mới ngày 3-12-2006 và lập sáu giáo xứ nữa ngày 4-8 vừa qua, cha Cầu cho biết. Mỗi giáo xứ trong số 26 giáo xứ mới có hơn 1.000 giáo dân.

Cha Cầu nói thêm, việc thành lập giáo xứ mới là một phần trong chương trình ba năm kỷ niệm 70 năm thành lập giáo phận.

Hiện nay, 36 trong số 90 giáo xứ của giáo phận vẫn chưa có linh mục sở tại và nhiều linh mục xứ mỗi người phải coi sóc trên 5.000 giáo dân. Ngài nói: "Việc thành lập giáo xứ mới là cần thiết để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho số giáo dân đang tăng". Ngài nói thêm, giáo phận không gặp trở ngại nào về phía chính quyền.

Cha Cầu, 46 tuổi, cho biết hôm 4-8 Đức cha Sang đã phong chức cho 9 linh mục, con số đông kỷ lục kể từ năm 1954 khi hàng ngàn người Công giáo địa phương bỏ chạy vào miền Nam sau khi cách mạng nắm quyền kiểm soát miền Bắc. Lễ phong chức linh mục diễn ra tại nhà thờ chính tòa mới, sẽ được khánh thành cuối năm nay, ở thành phố Thái Bình, cách Hà Nội 109 km về phía nam.

Cha Cầu nói số tân linh mục "sẽ giúp giảm thiểu tình trạng thiếu linh mục coi xứ trong nhiều thập niên qua và còn là dấu hiệu cho thấy giáo phận đang phát triển".

Sáu tân linh mục đã được bổ nhiệm làm chánh xứ ở sáu giáo xứ, một làm phó xứ chính toà, một giúp Đại Chủng viện Thánh Giuse ở Hà Nội và một làm việc tại văn phòng toà giám mục, nhưng chỉ có ba giáo xứ mới được bổ nhiệm linh mục xứ. Cha Cầu giải thích: "Giáo phận chỉ ưu tiên bổ nhiệm linh mục cho các giáo xứ đông giáo dân".

Tiêu biểu trong các cuộc nhận xứ mới là hôm 31-8 trong nghi thức đón linh mục xứ đầu tiên của mình, hàng trăm giáo dân đã đứng chờ từ đầu làng Nam Thái để đón tân linh mục Đa Minh Đào Văn Thiềng, 53 tuổi. Cộng đoàn 150 năm tuổi này, được nâng lên thành giáo xứ tháng 12 năm ngoái, hiện có 1.300 giáo dân.

Các giáo dân khác đi trên 18 xe ôtô dẫn đầu là các thanh niên đi xe gắn máy đã đón rước cha Thiềng từ giáo xứ Duyên Lãng, cách giáo xứ họ 60 km, nơi ngài ở với cha anh của mình là Đaminh Đào Trung Thành.

Tại đầu làng, dân làng đã đeo vòng hoa cho cha xứ đầu tiên của họ trong tiếng trống, kèn, chuông và tiếng vỗ tay liên hồi.

Đức ông Hieronime Nguyễn Phúc Hạnh, linh mục tổng đại diện giáo phận, đã chủ sự nghi thức trao giáo xứ tại nhà thờ giáo xứ. Trước khi nhà thờ được xây dựng năm 2000, giáo họ trước đây chỉ có một nhà nguyện. Ngoài ra còn có 30 linh mục khác cùng với đại diện chính quyền địa phương và Phật giáo cũng đến chúc mừng và tặng hoa cho cha Thiềng.

Vị tân linh mục nói với giáo dân: "Tôi được trao nhiệm vụ về đây phục vụ anh chị em. Từ nay tôi là một thành viên trong cộng đoàn giáo xứ, và tôi mong mọi người nên một và cùng nhau xây dựng giáo xứ vững mạnh về đức tin".

Ông Phêrô Trần Văn Hạnh, chủ tịch hội đồng giáo xứ, cho UCA News biết ông không nghĩ giáo xứ lại có cha xứ sớm như vậy. Ông đoán sự kiện lịch sử này sẽ giúp “giáo dân vững mạnh đức tin và đoàn kết để xây dựng Giáo hội địa phương".

Một giáo dân khác là anh Phêrô Trần Văn Thiện, 37 tuổi, làm việc ở tỉnh Quảng Ngãi, cách xứ 800 km, cho UCA News biết anh trở về giáo xứ để đón cha xứ mới. Anh Thiện hy vọng cha xứ của mình sẽ lo mục vụ cho giới trẻ, những người đi làm ăn xa nhà.

Kể từ giữa thập niên 1980, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa thị trường, tình hình Giáo hội đã được cải thiện nhiều mặt. Tháng 11-2006, giáo phận Phan Thiết ở miền Nam Việt Nam đã lập kỷ lục khi thành lập bảy giáo xứ mới nhằm tăng cường công tác mục vụ ở những nơi xa xôi không có linh mục coi xứ.

Trước đó chưa đầy một năm, tháng 12-2005, Đức Hồng y Crescenzio Sepe, lúc đó là tổng trưởng Thánh bộ Truyền giáo của Tòa Thánh, sang thăm và phong chức cho 57 linh mục thuộc tổng giáo phận Hà Nội và bảy linh mục thuộc chín giáo phận khác ở miền Bắc.