Vatican (CNS) – Một đại diện Tòa thánh Vatican nói rằng việc gia tăng giá cả thực phẩm trên toàn thế giới mới đây đang đe dọa sinh mạng của một tỉ người, những người tiêu pha gần hết lợi tức hàng ngày để mua thực phẩm nuôi sống.

Tổng giám mục Silvano Tomasi hôm 22 tháng 5 nói với Uỷ ban Nhân quyền LHQ tại Geneva rằng cuộc khủng hoảng thực phẩm hiện nay bật sáng lên “ngọn đèn đỏ báo động” về những bất công trong cơ cấu của nền kinh thế nông nghiệp trên khắp thế giới.

Đây là bản tuyên bố mạnh mẽ thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần lễ của các viên chức Tòa thánh về cuộc khủng hoảng thực phẩm, đã gây nên bạo loạn ở một số quốc gia trong những tháng vừa qua. Tòa thánh phổ biến văn bản này hôm 23 tháng 5.

Tổ chức Thực phẩm và Nông nghiệp của LHQ tại Roma tường trình rằng trong 9 tháng qua giá cả thực phẩm đã tăng 45%, riêng giá gạo tăng 83% kể từ tháng 12 năm ngoái. Phần lớn sự gia tăng giá cả được đổ lỗi cho việc giá nhiên liệu cao hơn trước.

Tổng giám mục Tomasi đề cập đến vấn đề này trước phiên họp đặc biệt của hội đồng bàn về quyền được có thực phẩm nuôi sống. Ngài nói rằng giá cả thực phẩm gia tăng làm đe dọa sự ổn định của các quốc gia đang phát triển và kêu gọi quốc tế có ngay hành động.

Ngài nói: “Mỗi năm có 4 triệu người gia nhập thêm vào với số 854 triệu dân đã đói khổ trầm trọng. Điều này bắt ta phải chú ý tới chức năng yếu kém của hệ thống thương mại toàn cầu.”
Trẻ em đói ăn ở Phi châu


“Hy vọng rằng phiên họp này sẽ mở mắt cho công luận về cái giá phải trả cho đói kém trên bình diện toàn cầu, thường tạo ra: thiếu sức khỏe và giáo dục, xung đột, di cư bừa bãi, hư hoại môi trường, dịch bệnh và cả khủng bố nữa.”

Đức Tổng giám mục cho biết sự gia tăng giá cả hiện nay có thể gây bất ổn cho những gia đình trong các nước đã phát triển nữa; họ thường tiêu phí 20% lợi tức để mua thực phẩm.

Ngài nói: “Tuy nhiên, giá cả như thế đe dọa đến sinh mạng 1 tỷ người sống trong các quốc gia nghèo, bởi vì họ bắt buộc phải tiêu gần hết cả số tiền 1 mỹ kim một ngày kiếm được để mong có thực phẩm nuôi sống.”

Tổng giám mục Tomasi nhấn mạnh rằng, dựa theo nhiều khảo cứu, cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra không phải tại thiếu thực phẩm nhưng do thiếu tiếp cận với các nguồn tài nguyên nông nghiệp.

Ngài cho biết khó khăn đó có thể khắc phục được, nhưng phải thay đổi cấu trúc. Một vấn đề là việc tự do hóa mậu dịch trong các sản phẩm nông nghiệp có khuynh hướng làm lợi cho các ngành thương mại đa quốc gia và làm hại cho sản phẩm của các nông trang nhỏ, sản xuất của những trang trại nhỏ này vẫn là căn bản bảo đảm cho vấn đề cung ứng thực phẩm trong các nước đang phát triển.

Đức Tổng giám mục kêu gọi:

  • Đầu tư vào sự phát tirển nông nghiệp và nông thôn
  • Dùng các biện pháp để ngăn chặn việc tích trữ thực phẩm và đầu cơ giá cả
  • Bảo vệ quyền tài sản cá nhân, cả của phụ nữ
  • Hủy bỏ các phụ cấp bất công về thực phẩm
  • Tổ chức các cơ cấu hợp tác để cứu vãn những hạn chế mà các nông trang nhỏ đang phải đối đầu.


Ngài nói: “Trong cuộc tranh luận phức tạp và cấp bách này về quyền được có thực phẩm tiêu dùng, cần phải có một tâm thức mới. Phải đặt nhân vị con người ở trọng tâm, không chỉ tập chú vào lợi nhuận kinh tế.”

Tại trụ sở LHQ ở New York hôm 16 tháng 5, Tổng giám mục Celestino Migliore cũng đã kêu gọi phải trợ giúp nhiều hơn nữa cho các nông dân làm ăn nhỏ. Ngài nói cuộc khủng hoảng thực phẩm đang gây nên thiệt hại nặng nề về thể lý. tâm thần và tinh thần cho những người nghèo nàn nhất.

Tổng giám mục Migliore là quan sát viên thường trực của Tòa thánh Vatican cạnh LHQ, đã nói với Ủy ban của LHQ về Phát triển Thực phẩm rằng các chính sách nông nghiệp cần “tái khám phá con đường của lý trí và thực tại” để cho nhu cầu sản xuất thực phẩm và nhu cầu quản lý tốt trái đất được quân bình.