Vatican City (CNA).- Tòa thánh Vatican chính thức thông báo một hội nghị về thuyết tiến hoá sẽ được tổ chức tại Roma vào tháng Ba sắp tới. Mục tiêu của hội nghị là tái thiết lập một cuộc đối thoại giữa đức tin và khoa học liên quan đến vấn đề tiến hóa.

Như chúng tôi đã loan tin trước đây, hội nghị sẽ có chủ đề "Biological Evolution: Facts and Theories. A Critical Appraisal 150 years after 'The Origin of Species'" (Tiến hóa Sinh học: Sự kiện và Lý thuyết. Phê bình Định giá 150 năm sau ngày cuốn ‘Nguồn gốc Muôn loài’ xuất bản), và họp từ ngày 3 đến 7 tháng 3. Hội nghị thượng đỉnh này là một phần trong Dự án STOQ (Science, Theology and the Ontological Quest, Khoa học, Thần học và Kiếm tìm Bản thể học) do Tòa thánh đồng bào trợ.

Tại cuộc họp báo sáng nay, Đức Tổng giám mục Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, nói rằng mục đích của hội nghị nói trên là để “lập lại cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin, bởi vì không yếu tố nào trong hai có thể giải đáp đầy đủ huyền nhiệm về con người và vũ trụ.”

Hội nghị sẽ chia làm 9 phiên họp, theo lời giải thích của linh mục giám đốc hội nghị là cha Marc Leclerc thuộc Dòng Tên. Các phiên họp sẽ đề cập đến rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như: “thuyết tiến hóa dựa trên các sự kiện thiết yếu nào, các sự kiện liên kết với môn cổ sinh vật học (palaeontology) và khoa sinh học phân tử (molecular biology );…nghiên cứu khoa học về cơ cấu của sự tiến hóa,…và khoa học phải nói gì về nguồn gốc của con người.”

Cha Leclerc nói thêm rằng cũng phải chú ý đến “những vấn nạn nhân chủng học lớn lao liên quan đến thuyết tiến hóa… và những nội dung hợp lý của lý thuyết này đối với các lãnh vực tri thức luận (epistemological) và siêu hình (metaphysical) cũng như đối với triết học về thiên nhiên.”

Cha cho biết hai phiên họp cũng sẽ dành riêng cho việc nghiên cứu thuyết tiến hóa “theo nhãn quan đức tin Kitô giáo, dựa trên sự bình giải đúng đắn các văn bản Kinh Thánh liên quan đến công cuộc sáng thế, và sự tiếp nhận thuyết tiến hóa của Giáo hội.”

Giáo sư Saverio Forestiero, hiện giảng dậy khoa động vật học tại trường Đại học Torvergata ở Roma, đề ra một giả thuyết thích thú về kết quả của hội nghị sắp tới. Ông nhận định rằng “tính uyển chuyển tương đối của lý thuyết tiến hóa phần lớn là nhờ ở một loạt những khám phá đạt được trong 25 năm cuối thế kỷ trước, những khám phá này cần phải có lý thuyết tổng hợp để sắp xếp lại và có thể dẫn tới một lý thuyết tiến hóa thuộc thế hệ thứ ba.”

Ông nói tiếp: “Theo quan điểm của tôi, hội nghị này đưa ra một cơ hội, chẳng phải để tuyên truyền hoặc để hối tiếc, cho các nhà khoa học, các triết gia và các nhà thần học được gặp gỡ và thảo luận về những câu hỏi căn bản do sự tiến hoá sinh học đặt ra – đã được công nhận và thảo luận như một sự kiện không còn nghi ngờ gì nữa – nhằm khảo sát các biểu thị và những cơ cấu phát sinh, và để phân tích ảnh hưởng cũng như phẩm chất của các lý thuyết giải thích đã được đề ra cho đến nay.”

Linh mục Tanzella-Nitti, giáo sư thần học, cũng trình bày ý kiến của ngài về những đóng góp mà khoa thần học có thể đưa ra trong cuộc thảo luận về thuyết tiến hóa.

Cha Tanzella-Nitti tuyên bố: “từ viễn cảnh thần học Kitô giáo, sự tiến hóa sinh học và sự sáng tạo vũ trụ không loại trừ nhau chút nào… Không có cơ cấu tiến hóa nào phản bác lại điều khẳng định rằng Thiên Chúa đã muốn – hay nói cách khác, đã tạo dựng nên – con người. Cũng không phải là điều đó bị phản biện bởi tính chất thất thường của nhiều biến cố xảy ra trong thời kỳ phát triển chậm chạp của sự sống, khi chỉ dựa vào cơ may là giải thích một hiện tượng đơn thuần theo khoa học.”

Vị giáo sư dậy môn Thần học Cơ bản này nói rằng ngài hy vọng “các khoa học tự nhiên có thể được thần học dùng như là một nguồn thông tin tích cực, chứ không phải được coi như là nguồn gốc gây ra những khó khăn… Tôi không tin rằng sự tiến hóa sinh học có thể xảy ra được trong một thế giới vật chất, mà không có thông tin, không có đường hướng, không có hoạch định. Trong một thế giới đã được tạo dựng, vai trò của thần học đúng là để nói với chúng ta về thiên nhiên và ý nghĩa của nó, về Ngôi Lời, như Bênêđictô XVI ưa nói, là nền tảng tự hữu của mọi sự và của lịch sử.”