VATICAN CITY (Zenit.org).- Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI thúc giục nước Anh tạo ra một bầu khí đặc biệt cho các nhà lãnh đạo thế giới, và nhớ đến người nghèo khổ trong cuộc họp thượng đỉnh G-20 tuần này tại London. Trong một lá thư gửi hôm thứ Hai vừa qua cho Thủ tướng Gordon Brown của Anh quốc, Đức giáo hoàng nói thay cho những người “tiếng nói có ít sức mạnh nhất trên trường chính trị” nhưng lại “gánh chịu những hậu quả tai hại nhất do một cuộc khủng hoảng mà họ không có trách nhiệm gây ra.”

Lá thư được gửi sau khi Thủ tướng Brown thăm viếng Vatican và nói về hội nghị thượng đỉnh G-20 dự trù họp vào hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này.

Đức thánh cha đề cập đến cảnh ngộ khốn khó của châu Phi, cho biết ngài vừa trở về sau cuộc tông du tại đó khi ngài “có cơ hội được thấy trực tiếp thực tế nghèo khổ trầm trọng và những người bị đặt ra ngoài lề mà cuộc khủng hoảng này có nguy cơ làm tồi tệ thêm một cách khốc liệt.”

Đức giáo hoàng nêu lên rằng G-20, đại diện cho những quốc gia có tới 90% tổng sản lượng thế giới và 80% mậu dịch toàn cầu, mà trong số này chỉ có một quốc gia ở vùng châu Phi hạ-Sahara.

Ngài nói: “Tình trạng này phải gợi lên một sự suy nghĩ sâu xa nơi các thành viên tham dự hội nghị thượng đỉnh.” Vì vậy, Đức giáo hoàng thúc giục phải nhờ cậy vào những tổ chức như Liên hiệp quốc chẳng hạn “nhằm để lắng nghe được tiếng nói của mọi quốc gia và đảm bảo rằng các biện pháp và những bước tiến quyết định tại các phiên họp của G-20 được tất cả mọi người ủng hộ.”

Tin tưởng vào con người

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nói rằng một yếu tố khác nữa mà các nhà lãnh đạo trong hội nghị thượng đỉnh nên suy nghĩ tới, đó là nguyên nhân gây ra cuộc suy trầm về kinh tế.

“Những cuộc khủng hoảng tài chánh nổ ra – một phần nào do ở sự suy thoái trong cung cách hành xử đúng đắn theo đạo đức – khi những người hoạt động trong khu vực kinh tế mất đi niềm tin vào các phương thức điều hành và vào các hệ thống tài chính. Tuy nhiên, tài chánh, thương mại và các hệ thống sản xuất là những sáng tạo không chắc chắn của con người, khi trở thành những đối tượng của lòng tin mù quáng, đã mang trong chính chúng những căn nguyên của sự suy thoái rồi.

“Nền tảng chân thật và vững chắc duy nhất là niềm tin nơi con người nhân bản. Vì lý do này tất cả mọi biện pháp đề ra để kìm hãm cuộc khủng hoảng này phải tìm kiếm rốt ráo việc cung ứng sự an toàn cho các gia đình và sự ổn định cho các công nhân và, bằng những luật lệ và kiểm soát thích hợp, tái lập đạo đức cho thế giới tài chánh.”

Và Đức giáo hoàng tuyên bố, cuộc khủng hoảng hiện nay không thể đưa tới việc “hủy bỏ hay giảm thiểu quyết liệt các chương trình trợ giúp bên ngoài, nhất là cho châu Phi và cho những quốc gia kém phát triển khác.”

Ngài khẳng định: “Viện trợ để phát triển, gồm cả các điều kiện thương mại và kinh tế thuận lợi cho những quốc gia kém phát triển và xóa nợ bên ngoài cho những nước nghèo nhất và nợ nần nhiều nhất, đã không phải là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng và, xét theo lẽ công bằng căn bản, không được là nạn nhân của khủng hoảng.

“Niềm tin tích cực vào con người nhân bản, và trên hết cả, niềm tin vào những người nam nữ nghèo khổ nhất – của châu Phi và những miền khác trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nạn nghèo đói cùng cực – là điều cần thiết nếu chúng ta thực tâm muốn giải quyết dứt khoát cuộc khủng hoảng này một lần cho xong, không quay lưng lại bất cứ vùng đất nào, và nếu chúng ta quyết tâm muốn ngăn ngừa bất cứ chuyện tái tục tình huống tương tự nào như tình huống chúng ta đang trải qua bây giờ.”

Sẵn sàng để giúp đỡ

Phúc đáp lá thư của Đức giáo hoàng, Thủ tướng Brown đảm bảo rằng nước ông muốn giúp việc bảo vệ những người nghèo khổ.

Ông khẳng định: “Điều cốt yếu là các nước giầu giữ lời họ đã hứa về viện trợ, ngay cả vào những lúc khó khăn này.”

Thủ tướng nói đến 4 ưu tiên của cuộc họp thượng đỉnh.

Ngoài việc giúp người nghèo khổ, ông cũng chú ý tới việc tìm ra sự ủng hộ trong các nỗ lực đối phó với sự thay đổi khí hậu, cũng như việc tái tăng cường sinh lực cho nền thương mại toàn cầu, và thỏa thuận “các biện pháp cứng rắn để điều hành tốt đẹp hơn các ngân hàng, các quỹ phòng ngừa, và đảm bảo cho việc điều hành hệ thống ngân hàng trong bóng tối.”

Thủ tướng Brown kết luận: “Đây là lúc quyết định cho nền kinh tế thế giới, chúng ta phải có một sự chọn lựa. Chúng ta có thể hoặc để cho sự suy thoái tiếp tục chạy theo con đường của nó, hoặc là có thể cùng nhau quyết tâm như một cộng đồng quốc tế để đoàn kết, để đứng chung với hàng triệu người đang đấu tranh trong những giờ phút cam go này, để chống trả cuộc suy thoái toàn cầu nay đang làm tổn thương quá nhiều người trong mọi châu lục. Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo thế giới có thể cùng nhau đứng lên đương đầu với thách đố này.”

Cảm thức tôn giáo

Thủ tướng Brown sau đó đề cập tới lá thư của Đức giáo hoàng trong một bài diễn từ ông đọc tại Nhà thờ chính toà Thánh Phaolô (St. Paul's Cathedral), khi nói rằng “thị trường cần đến luân lý đạo đức.”

Trong một bài diễn từ với những xác quyết không đặc trưng về tôn giáo nào, thủ tướng khẳng định rằng các tín hữu thuộc nhiều tôn giáo chia sẻ cùng một ý thức luân lý, đã vạch ra con đường để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Ông nói: “Tín hữu Kitô giáo không nói rằng con người nên bị đơn thuần giảm thiểu xuống tới mức họ có thể sản xuất hoặc tới mức nào họ có thể mua được […] Và khi người theo Do thái giáo nói rằng hãy yêu người lân cận như chính mình. Khi người Hồi giáo nói lúc nào ta muốn cho anh em mình điều ta ao ước cho chính ta thì mới thành một tín đồ được.

“Khi các Phật tử nói đừng gây cho người khác nỗi khổ mà ta thấy điều đó gây ra đau khổ cho chính ta […]. Mỗi một và tất cả những người đó phản ảnh một ý thức rằng tất cả chúng ta cùng chia sẻ nỗi đau của người khác, và […] tin tưởng ở một điều gì đó lớn lao hơn chính chúng ta – rằng chúng ta không thể thực tâm tự mãn khi những người khác phải đối đầu với tuyệt vọng.”

--- --- ---

Có thể đọc toàn văn lá thư của Đức giáo hoàng và của Thủ tướng Brown trên trang mạng của Zenit:

http://www.zenit.org/article-25531?l=english

http://www.zenit.org/article-25530?l=english