Hãng tin Zenit tuần này đưa hai tin cho thấy trở ngại lớn lao cho phong trào đấu tranh dành văn hóa sự sống không hẳn đến từ bên ngoài, mà đến từ bên trong.

Đông Timor

Đông Timor là một quốc gia tại Đông Nam Á, diện tích chỉ là 15,410 cây số vuông, cách tây bắc Darwin của Úc khoảng 640 cây số. Tên “Đông Timor” chỉ là tên quen dùng trong báo chí. Tên chính thức là Cộng Hòa Dân Chủ Timor-Leste, gọi tắt là Timor-Leste. Thực ra, Leste là chữ của người Tetum, sắc tộc lớn nhất của đảo quốc này, có nghĩa là hướng đông. Mặc dù chính phủ của đảo quốc này nhấn mạnh tới tên Timor-Leste và chính Liên Hiệp Quốc cũng thế, nhưng phần đông vẫn chỉ gọi đảo quốc này là Đông Timor (East Timor).

Đông Timor bị người Bồ Đào Nha chiếm làm thuộc địa vào thế kỷ 16 và từ đó được biết dưới tên Timor thuộc Bồ Đào Nha cho đến ngày Bồ Đào Nha phi thuộc địa hóa nước này. Cuối năm 1975, nước này tuyên bố độc lập, nhưng chưa kịp được ai thừa nhận, thì đã bị Nam Dương xua quân xâm chiếm và biến thành tỉnh thứ 27 của họ. Năm 1999, tiếp theo đạo luật tự quyết do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, Nam Dương buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát đảo quốc và Đông Timor trở thành nước mới có chủ quyền đầu tiên của thế kỷ 21 vào ngày 20 tháng Năm năm 2002.

Do ảnh hưởng của Bồ Đào Nha, đại đa số người Đông Timor theo đạo Công Giáo (97%), hơn cả Phi Luật Tân. Dù sao, hai quốc gia này cũng là hai quốc gia duy nhất tại Á Châu có đa số dân theo Đạo Công Giáo. Hiến pháp Đông Timor chính thức nhìn nhận vai trò của Giáo Hội Công Giáo và trong số 15 ngày lễ nghỉ quốc gia, ta thấy có tới 6 ngày lễ Công Giáo (Thứ Sáu Tuần Thánh, Lễ Mình Thánh Chúa [Corpus Christi], Lễ Các Thánh, Lễ Các Linh Hồn, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm và Lễ Giáng Sinh); ngoài ra, còn có 7 ngày lễ được gọi là “ngày kỷ niệm chính thức” tuy không phải là ngày nghỉ quốc gia, nhưng vẫn có thể được phép nghỉ làm việc. Trong số 7 ngày này ta thấy có ba ngày lễ Công Giáo là Lễ Tro, Thứ Năm Tuần Thánh và Lễ Chúa Lên Trời. Điều ấy dĩ nhiên có nguyên nhân lịch sử của nó. Nền văn hóa Đông Timor chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa Công Giáo. Và không ai lại không nhớ vai trò của người Công Giáo trong diễn trình đấu tranh đầy xương máu dành độc lập cho đất nước, mà hình ảnh của giám mục Carlos Filipe Ximenes Belo, giải Nobel Hòa Bình năm 1996, là hình ảnh khó quên nhất.

Tuy nhiên, có lẽ cũng như Balan, một nước cũng nhờ ảnh hưởng Công Giáo, nhất là phần đóng góp trực tiếp của Tôi Tớ Chúa là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mà dành được tự chủ hoàn toàn nhưng sau đó mau chóng tự tách mình ra khỏi nhiều giáo huấn của Giáo Hội, người ta sợ Đông Timor cũng đang bước theo một con đường tương tự.

Thực vậy, tuần này, một đạo hình luật của Đông Timor vừa được thêm một điều khoản cho phép các vụ phá thai vì lý do ‘khẩn trương’, dù bị chống đối mạnh. Từ trước đến nay, tại nước này, phá thai bị cấm ngặt. Nay, nếu sức khỏe của bà mẹ bị đe dọa, người ta được phép phá thai. Luật này nói rằng: trong hoàn cảnh khẩn trương, sự sống của người mẹ phải có ưu tiên hơn là mạng sống của đứa con chưa sinh. Tuy nhiên, ba bác sĩ và cha mẹ phải nhất trí thì mới tiến hành được việc “trục thai nhi ra khỏi người mẹ”. Tại vùng quê, vì thiếu bác sĩ, nên các cô đỡ được phép thực hiện các vụ phá thai này.

Trong lá thư mục vụ đề ngày 15 tháng Tư, các vị đứng đầu cả hai giáo phận Đông Timor là Đức Cha Alberto Ricardo da Silva của Dili và Đức Cha Basilio do Nascimento của Baucau, đã nói lên sự chống đối đối với luật trên lúc nó còn là dự luật. Theo các ngài, Giáo Hội buộc các bác sĩ phải cứu mạng sống của cả mẹ lẫn con, cả trong hoàn cảnh khẩn trương. Đức Cha da Silva đã đích thân gặp Thủ Tướng Xanana Gusmao, vào ngày 9 tháng Ba để thảo luận dự luật ấy. Cũng thế, Đức Cha Nascimento cũng đã gặp Phó Thủ Tướng José Luís Guterres vào ngày 13 tháng Ba để nhấn mạnh với ông giáo huấn Công Giáo về phá thai.

Ngài cho hay: “Giáo Hội Công Giáo không bao giờ thay đổi lập trường về phá thai, vì một trong Mười Điều Răn nói rằng ‘ngươi không được giết người’”. Còn thư mục vụ của các giám mục thì khẳng định “bản chất thánh thiêng và không thể vi phạm của sự sống từ lúc tượng thai đến lúc chết”. Các ngài cho rằng điều ấy dựa trên giáo huấn của Giao Hội đã đành mà nó còn dựa cả trên nền văn hóa cổ truyền của Đông Timor nữa.

Thư mục vụ kêu gọi các nhà lãnh đạo đất nước hãy chăm lo cho các nhu cầu của cả bà mẹ lẫn con cái họ, và trừng phạt những người có trách nhiệm trong việc dùng bạo lực chống lại họ.

Như trên đã nói, Đông Timor được độc lập vào tháng Năm năm 2002, sau hơn hai năm dưới quyền quản trị tạm thời của Liên Hiệp Quốc. Tháng rồi, Viện Gia Đình Công Giáo và Nhân Quyền tường trình rằng nước này đang bị Liên Hiệp Quốc áp lực mạnh phải cho phép phá thai. Theo tường trình trên, bất chấp khuynh hướng chung muốn tiếp tục kết án nạn phá thai, một số tổ chức phi chính phủ như Qũy Alola và Rede Feto, với sự hỗ trợ của Qũy Dân Số Liên Hiệp Quốc cũng như Qũy Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc, đang vận động hành lang để có những đạo luật lỏng lẻo hơn về phá thai. Không có những lực lượng từ bên trong này, thật khó mà có sự lỏng lẻo kia.

Cần phải rõ ràng và mạnh mẽ hơn đối với phá thai

Đó cũng là nhận định của Cha Pavone, thuộc tổ chức Các Linh Mục Phò Sự Sống, nhân vụ hạ sát bác sĩ Tiller, một chuyên viên phá thai vào giai đoạn cuối (sau 21 tuần). Các Linh Mục Phò Sự Sống là một hiệp hội các linh mục Công Giáo nhằm nhấn mạnh tới việc cổ động và bênh vực tính thánh thiêng của sự sống nhân bản. Theo cha Pavone, thực ra linh mục Công Giáo nào thì cũng ủng hộ mục tiêu trên. Tuy nhiên, đối với các linh mục trong hiệp hội, thì việc phò sự sống phải là việc chính yếu của họ, để chiến đấu chống lại nền văn hóa sự chết, nhất là phá thai và an tử (euthanasia).

Tổ chức này bắt đầu tại San Francisco dưới quyền điều động của Cha Lee Kaylor và được nhìn nhận là Hiệp Hội Tư của Tín Hữu bởi Đức Tổng Giám Mục John Quinn vào tháng Tư năm 1991. Hiện tổ chức này có 16 vị giám mục tham gia Hội Đồng Cố Vấn. Cha Frank A. Pavone là Giám Đốc toàn quốc, trụ sở tại Nữu Ước và Phụ Tá Giám Đốc toàn quốc là Cha James Heyd, thuộc tổng giáo phận Chicago.

Nhân vụ sát hại bác sĩ Tiller, cha Pavone tỏ ý lo ngại rằng vì vụ này, phong trào phò sự sống có nguy cơ mắc cỡ đến trở thành im lặng. Ngài cho hay: ngài nhất trí với các vị lãnh đạo khác trong phong trào phò sự sống để lên án kẻ sát hại bác sĩ Tiller vì “mục đích không bao giờ biện minh cho phương tiện” và “bạo lực không có chỗ đứng trong cố gắng chấm dứt việc phá thai”.

Cha cho hay: một hậu quả tiêu cực của vụ sát hại kia là nó có thể bôi bẩn tiếng tăm của phong trào phò sự sống, mặc dù những kẻ sát hại các chuyên viên phá thai luôn là những người tách biệt với các tổ chức phò sự sống. Theo cha, một hậu quả khác là nó có thể khiến chính phủ nặng tay hơn trong việc sử dụng Tu Chính Án Thứ Nhất mà chống lại các hành động chống phá thai.

Tuy nhiên, cha cho hay đấy không hẳn là các nguy cơ tệ hại nhất. Ngài cảnh cáo mọi người chú tâm tới “kẻ thù bên trong”, coi nó như nguy cơ lớn hơn, tức sự sợ sệt và tự hoài nghi mình là những thứ ta rất dễ sa vào. Cha giải thích: “Chính tiếng nói từ bên trong làm ta cảm thấy mặc cảm tội lỗi khi nói: ‘phá thai là giết người’ hay ‘phá thai là diệt chủng’ hay ‘các trẻ thơ đang bị giết cần phải được bảo vệ ngay bây giờ”.

Nguy hiểm lớn nhất, cha nhấn mạnh, “là một số người sẵn sàng lắng nghe những người trong phong trào phò phá thai là những người hiện đang cố gắng đổ lỗi cho chúng ta gây ra bạo lực và… nghĩ rằng chỉ cần nói ‘phá thai là giết người’ là đã đủ để bị truy tố vì câu nói đó dẫn tới bạo lực chống lại người phá thai”.

Cha Pavone nhấn mạnh rằng giáo huấn của Giáo Hội dạy “ta phải nhìn thẳng vào sự ác” và gọi nó “bằng đích tên của nó”. Ngài nói tiếp “Nay không phải là lúc co cụm khỏi thực tại đang diễn ra hàng ngày trong việc phá thai. Các trẻ em đang bị sát hại, và lý do của việc ấy là vì có quá nhiều đồng bào của chúng ta không nhìn thấy vấn đề ấy”.

Cha nhắc tới tiến sĩ Martin Luther King, Jr, người, khi trả lời những ai chỉ trích cho rằng các nhà tranh đấu dân quyền đang khích động bạo lực, đã nói: “Điều ấy giống như nói người có tiền khích động tên cướp hành động”. Cha quả quyết rằng: “vạch trần bạo lực đang diễn ra, gọi nó theo tên của nó, và dóng lên lời cảnh báo để nó dừng lại, đâu phải là khích động bạo lực”.

Cha nhấn mạnh: phong trào phò sự sống “là một phong trào bất bạo động, bất cứ bạo động ấy mang hình thức nào. Ta hãy lớn tiếng và rõ ràng phản đối vụ sát hại ông Tiller và cũng hãy phản đối cả những vụ sát hại mà ông ta cũng như những người phá thai khác phạm phải”.