Có một con lừa kia rơi xuống giếng cạn của một bác nông dân. Nói là giếng cạn, nhưng vùng đồi núi phải đào sâu. Bác nông dân lượng sức mình không thể cứu nổi con lừa, vả lại, chiếc giếng cũng không thể dùng được nữa. Không đành nghe những tiếng kêu não nùng của con vật đáng thương. Bác mượn một hai người dân xung quanh, rồi quyết định dùng những xẻng đất hất đất xuống để lấp chiếc giếng không còn tác dụng kia, và cũng là hóa kiếp cho con lừa khỏi cơn hấp hối kéo dài đau đớn dưới đáy giếng.

Con lừa choáng ngợp một lúc rồi nó nhận ra cái khung cảnh mà nó phải đối đầu, đó là những xẻng đất từ trên cao hất xuống. Những xẻng đất đó cứ tiếp tục, tiếp tục mãi, cho đến khi lấp đầy miệng giếng.
Điều bất ngờ xảy ra là khi đất lấp đầy lên đến miệng giếng thì cũng là lúc con lừa vùng dậy và chạy thoát lên khỏi miệng giếng. Thì ra, mỗi một xẻng đất khi hất xuống giếng thì con lừa vùng dạy nhảy lên trên xẻng đất đó. Và cứ như thế, như thế, con lừa đã chồi lên được tới mặt đất. Nó đứng dậy trong những giây phút quyết định cuối cùng để có thể lên khỏi mặt đất, thoát chết, chạy khỏe như thường.


Câu chuyện về con lừa này là hình bóng của cuộc sống mỗi người nơi trần gian. Thánh Phanxicô Assisi, quen gọi là Phanxicô khó khăn đã gọi thân xác của chúng ta là con lừa. Con lừa ấy cũng chẳng khác gì con lừa trong câu chuyện. Chúng ta đang ở mãi dưới vực sâu của cuộc sống. Và rồi tất cả những áp lực của cuộc sống cứ từ từ, từ từ hất xuống như những xẻng đất đổ trên lưng, trên vai mỗi người chúng ta. Đó là những cái ách nặng của cuộc sống hàng ngày mà Chúa Giêsu gọi là “Sự khốn khó ngày nào, đủ cho ngày ấy”( Mt 6,34). Con lừa kia đã biết đạp lên từng xẻng đất, từng những áp lực của những vật có thể đè chết nó, để rồi từ từ nó chồi lên mặt đất và được giải thoát. Nếu như nó đón nhận những xẻng đất kia chắc chắn nó mãi mãi chôn vùi dưới lòng đất trong đáy giếng cạn. Nhưng không! Từng lúc, từng bước nó đã thắng vượt lên trên những xẻng đất đó, nên nó sống.

Nhiều người đã nhận những xẻng đất đó của kinh tế, của của cải, của chức quyền, của danh vọng, của hưởng thụ thế gian... Cho nên họ mãi mãi chôn vùi dưới danh nghĩa của những của cải, của những hưởng thụ. Như thánh Phaolô đã nhận xét: “Ai gieo trong xác thịt, sẽ gặt lấy sự hư nát”(Gl 6,8). Những người đứng lên; những người chấp nhận một ý chí can trường và vượt lên trên tất cả những vật chất đó; những khó khăn; những áp lực của cuộc sống đó. Họ là những người như Đức Giêsu đã dạy các tông đồ hôm nay: “Đừng mang bao bị, tiền túi, giày dép. Vào thành nào, nhà nào các con hãy chúc bình an cho nhà đó, thành đó” (Mc 6,8-10; Mt 10,10-12). Chúa Giêsu dạy cho các tông đồ một bài học, trao cho các tông đồ một hành trang:

- Đó không phải một của cải;
- Đó không phải là sức mạnh của đồng tiền;
- Nhưng đó là hành trang của ơn thánh.

Thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Ephêso trong bài đọc hai hôm nay (x.Eph 1, 3-10a), cũng cho chúng ta thấy sự tín thác nơi Đức Giêsu Kitô là tất cả sức mạnh, là tất cả kho tàng cho Hội Thánh của chúng ta. Vì vậy, chúng ta không ngưỡng vọng vào những của cải trần gian; chúng ta cũng không hưởng thụ sức nặng của vật chất, người tông đồ đích thật của Chúa Kitô là một sự siêu thoát.

Nói như vậy, không có nghĩa là người tông đồ của Chúa Kitô hôm nay sống tị thế như những vị ẩn tu ngày xưa sống trong sa mạc. Không! Họ vẫn sống giữa trần gian, dùng phương tiện của trần gian nhưng đạt tới cứu cánh siêu nhiên. Họ là những người biết dùng những tiền của vật chất như phương tiện để đạt tới một mục đích của nước trời. Bởi vì phương Tây có câu: “Tiền của, vật chất là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ tồi”. Ai là người đội tiền của, vật chất thế gian lên đầu thì nó sẽ là ông chủ hà khắc, tồi tàn, tệ bạc và nó sẽ đè nén con ở của mình đến chết, nhưng nếu là phương tiện thì nó sẽ giúp cho con người đạt tới cứu cánh tốt đẹp của mình.

Các tông đồ hôm nay được lệnh của Chúa, coi tiền của vật chất là những phương tiện để rồi giúp cho các ngài đi được đến các thành, các làng mà trao ban bình an cho họ. Kho tàng này không lệ thuộc vật chất đã vậy lại còn đòi hỏi một sự đón nhận xứng đáng nữa: “Thành nào, làng nào xứng đáng thì sự bình an ở với họ. Bằng không các con hãy phủi bụi đó, làng đó để làm bằng chứng tố cáo họ”(Mt 10,13; Mc 6,11). Những người không đón nhận “Bình an của Chúa Kitô”, bản thân họ đã phải chịu những gánh nặng của vật chất, họ phải chịu đến những hạt bụi cuối cùng mà Chúa Giêsu gọi là: “các con hãy phủi bụi chân lại”(Mc 6,11). Những hạt bụi, mà Chúa Giêsu tuyên bố là: “Họ sẽ không ra khỏi đó cho tới khi phải trả đến đồng xu cuối cùng”(Mt 5,26).

Thật là ý nghĩa, thật là quý, khi mà trong Năm Linh Mục này, chúng ta gặp được một câu chuyện của một linh mục kia đã sống nghèo theo hành trang của Đức Giêsu Kitô. Trong suốt cuộc đời nghèo khó, phục vụ tận tình ấy cho tới ngày vị linh mục ấy nhắm mắt lìa đời. Trước khi lìa đời, cha già đáng kính ấy đã nói lại với con cái vây quanh rằng: “Cha rất mãn nguyện và vui lòng ra đi. Vì cha nhớ lời thân phụ của cha ngày xưa đã dặn cha thế này: 'Con hãy sống thế nào để khi con sống con không nợ ai một xu; khi con chết con không còn một xu để lại và khi con nhắm mắt con cũng không vướng tội nào.'” Lời căn dặn của thân phụ linh mục kia là lời cho chúng ta một ý thức về đức khó nghèo mà vị linh mục đã thực hiện được trong đời sống. Điều đó phản ánh đức khó nghèo của chính Đức Giêsu Kitô đã dạy bài học khôn ngoan cho các tông đồ và cũng là tiêu chuẩn mẫu mực cho tất cả những ai có tâm hồn tông đồ và thiện chí truyền giáo.

Lạy Chúa,
Xin đừng để chúng con chết gục dưới những lưỡi xẻng
của áp lực vật chất,
của của cải trần gian.
Nhưng cho chúng con đứng lên như con lừa trong câu chuyện
để chúng con đạt tới sự sống là giá trị cao quý nhất trong cuộc đời.
Nhờ ơn Chúa chúng con
được giải thoát khỏi những áp lực của thế gian, của Satan
Và chúng con đạt tới hạnh phúc đời đời
trong chính Chúa – Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.