Nếu trong lịch sử của một dân tộc nhiều khi xảy ra những biến cố có sự trùng hợp một cách hết sức ngẫu nhiên thì đó là phải kể đến sự kiện giáo dân giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới, Quảng Bình đến dựng lều cầu nguyện trên đất thánh còn đứng chơ vơ mặt tiền của ngôi giáo đường đổ nát vào ngày 20 tháng 7 năm 2009 và đã bị chính quyền cộng sản tỉnh Quảng Bình đánh đập, đàn áp một cách dã man.

Cách đây 55 năm, hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954, toàn bộ giáo dân giáo xứ Tam Tòa trên ba ngàn nhân khẩu lúc bấy giờ đã có một cuộc sống khá sung túc, dứt khoát vứt bỏ lại mọi thứ của cải, nhà cửa, vườn tược, mồ mả người thân, trường học, các tu viện và ngôi thánh đường thân yêu để lên đường vào Nam tìm tự do, hầu giữ vẹn được Đức Tin, mặc dầu không hề biết trước tương lai sẽ như thế nào. Người giáo dân Tam Tòa trong quá trình lịch sử hơn ba thế kỷ vốn là dân bốn phương quần tụ lại góp mặt, chung lòng sau các biến động lịch sử trong mục tiêu đi tìm đất hứa nghĩa là ở đâu có thể yên bề giữ đạo và xây dựng cuộc sống tốt đẹp thì ở đó là quê hương (ubi bene, ibi patria).

Từ xưa, tổ tiên giáo dân Tam Tòa đã nhận được ánh sáng Tin Mừng khoảng tháng 7 năm 1643 khi Thừa sai Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes) đến giảng đạo và làm phép rửa cho người dân quê các làng Mỹ Hương, Mỹ Phước, Xuân Hồi v.v… ở phía nam Quảng Bình, chịu sự dạy dỗ của nhóm “thầy giảng” 5 người do Thầy Inhaxu cầm đầu. Tin Mừng như vết dầu loang giữa cánh đồng phì nhiêu cả về thổ nhưỡng lẫn cả tinh thần:

Nhất Đồng Nai, nhì Hai Huyện…

Hai huyện là huyện Lệ Thủy và huyện Khang Lộc nơi ruộng đất mầu mỡ, thẳng cánh cò bay của tỉnh Quảng Bình.

Theo linh mục sử gia Nguyễn Hồng “ở vùng Thuận-hóa làng “Kẻ Đại”, ông Paolô và con ông là Philippô đã lôi cuốn được 300 người trở lại.” Làng Kẻ-Đại nói ở đây là làng Đại Phong cũng gọi là Kẻ Đại (hay làng Đợi), quê hương của cụ Cố Mệnh Đại Thần Ngô Đình Khả, nổi tiếng với câu chuyện “Đày vua không Khả”, thân phụ của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm sau này. Tại vùng biên giới giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài, thừa sai Đắc Lộ đã từng gặp gia đình một quân nhân rất đạo đức, được ơn trở lại nhờ một mẫu ảnh Đức Mẹ Mân Côi. Bà vợ trước khi trở lại là một cô đồng bóng với nhiều miễu thờ các cô các cậu trong nhà. Được người bên ngoại bán một một mẫu ảnh Đức Mẹ Mân Côi, bà đem về lập miễu thờ trong vườn đêm ngày hương đèn thờ phụng và nhờ đó được ơn trở lại. Sau khi rửa tội, hai ông bà Phanxicô và Têrêxa đã nhiệt thành hoạt động công tác tông đồ giáo dân, biến nhà họ thành trung tâm truyền đạo nhiệt thành.

Khi nghe thừa sai Đắc Lộ đến Đồng hới năm 1643, giáo hữu phía bắc sông Gianh đã bí mật gửi thư tha thiết mời cha ra bắc thăm họ. Đây là số giáo hữu mà năm 1627 khi bị chúa Trịnh tống xuất vào nam ngài đã rửa tội cho tại vùng Ba Đồn bên kia sông Gianh. Tinh thần cộng đoàn đã nối kết con nhà có đạo lại làm một với nhau trong “một đức tin, một phép rửa”. Linh mục Đắc Lộ tuy không đến thăm họ được nhưng đoàn thầy giảng 5 người do thầy Inhaxu hướng dẫn đã đến với họ. Sau đó một phái đoàn gồm 10 vị trùm xứ đã vào Nam thăm cha Đắc Lộ.

Đặt lại vấn đề biên giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngòai là công việc của các sử gia và trong thực tế biên giới hai bên không phải là một con sông, sông Gianh hay như Thái Văn Kiểm nói là sông Ranh (ranh giới) mà là một vùng lưu vực gồm ba nhánh sông gọi là Nguồn Nậy, Nguồn Son và Nguồn Nan nơi đó nhân dân hai miền nam bắc đã đi lại, trao đổi sản vật, quan hệ gia đình, phối ngẫu và tín ngưỡng phụng tự.

Dưới thời người Pháp, Đồng Hới được mang cái tên dễ thương Thành Phố Hoa Hồng trước đây có tên Động Hải, vì là chốn thị tứ có đường giao thông trên bộ dưới biển nên đã dần dần quy tụ lại một số giáo dân để thành lập giáo xứ Động Hải, tiền thân của giáo xứ Tam Tòa, được linh mục Lorensô Lâu tường trình về Tòa Thánh Rô-Ma tháng 12-1692: “Tôi tới thăm các họ Đại Phong, Trung Quán, Dinh Mười, Động Hải, tại vùng này có dinh quan Chưởng Cơ và quân đội Chúa Nguyễn, có lũy lớn gọi là lũy Trấn Ninh, ở đây có 50 lính công giáo…” Vì bành trướng cơ sở họ đạo trên các vùng đất gần lũy Trấn Ninh nên giáo xứ Động Hải cũng gọi là họ Lũy. Khi chúa Nguyễn Phúc Chu bắt đầu cấm đạo từ những năm cuối thế kỷ 17 thì từ Huế đến sông Gianh chỉ còn lại hai linh mục Dòng Tên sống lẩn lút tại Phú Xuân nhưng tinh thần giáo xứ Họ Lũy vẫn kiên cường trung tín cùng Đạo Chúa.

Lính công giáo cũng là “Miles Christi” tức lính của chúa tể trời đất (mà như giáo sư thần học Trần Văn Toàn cho biết “ Thiên địa chân chúa” gọi tắt là Thiên Chúa). Hễ đã là lính thì nhiệm vụ họ là bảo vệ đất nước, bảo vệ danh dự. Giáo dân Tam Tòa thừa hưởng tinh thần người lính công giáo là sẵn sàng chết để bảo vệ danh dự làm con dân Thiên Chúa bởi lẽ tổ tiên họ là những tiền nhân đã hy sinh trong các biến cố lịch sử tôn giáo trước đây.

Năm 1798, họ Lũy đổi tên mới là xứ đạo Sáo Bùn ở khu vực Cầu Ngắn, nay thuộc phường Phú Hải vì là nơi cư dân sống bằng nghề chài lưới, bắt cá tôm bằng những tấm sáo (tre vót mỏng dùng dây đan lại với nhau) giăng trên sông, trong những vũng nước nông để bắt cá, dân gọi nôm na là “sáo bùn”.

Trong văn chương Công Giáo, giáo phụ Tertulliano (155-222) đã nói: “Máu tử đạo là hạt giống sinh người giáo hữu”. Giáo dân Tam Tòa đã chung niềm hãnh diện khi tiền nhân của họ là Trùm hạt Quảng Bình là Matthêô Nguyễn Văn Phượng tức Đắc thuộc giáo xứ Sáo Bùn đã bị bắt cùng linh mục Đoạn Trinh Hoan ngày 3-01-1861 khi ngài đến làm công tác mục vụ tại nơi đây, bị giam tại nhà lao Đồng Hới và bị buộc xuất giáo nhưng hai vị đã cương quyết chối từ. Ngày 26-5-1861, cụ Matthêô Nguyễn Văn Phượng và linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan đã bị chém đầu nơi pháp trường ở ngoại thành Đồng Hới. Đức tin của người giáo dân Tam Tòa còn được bồi dưỡng, vun tưới bằng giòng máu tử đạo của các vị khác trong toàn vùng đất bên này và bên kia sông Gianh như Chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện (1820-1838) thuộc làng Trung Quán, Giám Mục Pierre Borie (cố Cao, 1808-1838), Linh mục Vinxentê Nguyễn Thế Điểm (1765-1838), Linh Mục Phêrô Vũ Đăng Khoa (1790-1838), Trùm Hạt Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh (1768-1840), Thầy Giảng Phêrô Nguyễn Khắc Tự (1809-1840). Giáo dân Sáo Bùn sống cuộc đời vật chất nghèo khổ trong cảnh bùn lầy nước đọng nhưng sung mãn ơn phúc của Chúa Trời.

Khoảng năm 1886, xứ đạo Sáo Bùn có độ 200 nóc nhà với 1200 giáo dân với một viện dục anh nuôi trẻ con nghèo, bị bỏ rơi và có tu viện Dòng Mến Thánh Giá đào tạo hàng lớp các nữ tu.

Sức sống đức tin trên vùng đất nghèo tỉnh Quảng Bình vẫn trào dâng mãnh liệt với biến cố ngày 24-6-1886 khi quân Văn Thân khắp tỉnh, nói là hưởng ứng hịch “Bình Tây Sát Tả” đã tràn vào đốt phá các làng Công Giáo như Mỹ Hương, Đại Phong, Trung Quán, Xuân Hồi và nhất là xứ đạo Sáo Bùn, với cảnh nhà thờ bị đốt, giáo dân bất kể già trẻ lớn bé đều bị đâm chết, đánh đập. Dân hai làng Diêm Điền (làng của hòa thượng Thích Trí Quang) và làng Đồng Đình đột kích giáo xứ Sáo Bùn, giết chết 52 giáo dân, đốt phá nhà thờ nên số giáo dân còn lại cùng một số từ các xứ đạo Mỹ Hương, Mỹ Phước, Đại Phong chạy về tị nạn tại thành Đồng Hới. Cha sở là Claude Bonin (cố Ninh) mới liên hệ được chính quyền người Pháp và xin được một rẻo đất bên bờ sông Nhật Lệ, sát chân Lũy Thầy thuộc đất làng Lệ Mỹ mà lập nên một họ đạo mới lấy tên là giáo xứ Tam Tòa. Dân lịch sử đã gặp vùng đất lịch sử bởi vì Lũy Thầy, sông Nhật Lệ là nơi chứng kiến nhiều trận thư hùng quyết liệt giữa hai bên Đàng Trong với Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn. Nơi đây còn có Bàu Tró (cách giáo xứ Tam Tòa độ 1 cây số về phía bắc) là một địa điểm khảo cổ học nổi tiếng phát hiện từ năm 1925 do công lao của Etienne Patte và linh mục Henri de Piney về cư dân nguyên thủy Quảng Bình thời hậu kỳ đồ đá mới. Theo bà Madeleine Colani, ở Bàu Tró không chỉ có các loại đồ gốm mà còn nhiều di vật khác như lớp đất Kjokkenmodding (đất sét với đá vôi kết cấu lại do sự đun bếp). Sở dĩ có tên Tam Tòa, trong sách Les lieux historiques du Quang-binh, linh mục Léopold Cadière (cố Cả) nói: “Ở trung tâm căn cứ xưa có ba tòa nhà (les trois édifices) từ đó mà có danh xưng Tam-Tòa dùng đặt cho giáo xứ ngày nay chiếm ngụ vùng ấy.” Từ-nguyên (étymologie) của hai chữ Tam Tòa không được linh mục Cadière giải thích thêm, tuy vậy, theo nhà Quảng Bình học Nguyễn Tú (1920-2005) cho biết sở dĩ có danh xưng Tam Tòa là vì nơi đây có ba miếu thờ: Cửu Thiên huyền nữ, Liễu Hạnh công chúa và Huyền Trân công chúa. Nhà báo Lữ Giang cho rằng “ sở dĩ gọi là giao xứ Tam Tòa vì tại khu vực này trước đây có Tam Pháp Tòa của nhà Nguyễn” có lẽ không được đúng, vì Quảng Bình là một tỉnh nhỏ, không thể có một cơ quan trung ương như Tam Pháp Tòa thường được dựng tại kinh đô xử các vụ kiện lớn. Bà vợ ông Bùi Hữu Nghĩa dưới thời vua Minh Mạng đã phải từ Miền Nam đội đơn ra Huế minh oan cho chồng cũng tại tòa án này.

Đèo Ngang đất Quảng lô nhô
Đi vô Đá Nhảy là thôn Lý Hòa
Thẳng dong một cạnh thuận đà
Đến gần Động Hải ba tòa nhà cao.


Qua rồi cơn biến động tang thương của lịch sử, người giáo dân Tam Tòa cần mẫn xây dựng lại cuộc sống với ngôi nhà thờ bằng tre gỗ, mái tranh được dựng lên làm nơi thờ phượng, và các nghề nghiệp nuôi sống giáo dân được phát triển như nghề đánh cá, nghề đúc đồ đồng (cụ Nguyễn Thi, được truyền từ làng Mỹ Hương), nghề làm nước mắm (cụ Nguyễn Phi Long, cụ Hoàng Thừa) và nhất là nghề tạc tượng bằng gỗ (do cụ Huyện Tư tức Nguyễn Văn Tư truyền từ làng Thuận Lý, huyện hàm này do triều đình ban cho) vào năm 1895, dưới sự hướng dẫn của linh mục Cadière vốn là nhà văn hóa uyên bác khi làm cha sở Tam Tòa, đã nâng nghề này lên hàng nghệ thuật thánh. Đức tin công giáo của giáo dân Tam Tòa được tiếp tục phát triển dưới sự dìu dắt của linh mục Henri de Pirey (cố Huề) vốn là tay bỉnh bút của tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis Du Vieux Huế) khi ngài giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật chạm gỗ hết sức tinh xảo này với các giới thưởng ngoạn ở trong nước và tại Pháp, Anh, Ý v.v…

Năm 1935, khi linh mục René Morineau (cố Trung), đổi đến làm cha sở Tam Tòa, với sự giúp sức của ông Huyện Tư và giáo dân trong giáo xứ, một ngôi thánh đường bằng gạch khang trang được dựng lên mặt tiền hướng về quốc lộ I, lưng xây lại với sông Nhật Lệ được hoàn thành vào năm 1940 với tháp chông đường bệ. cao vút trên đỉnh ngân nga những hồi chuông sớm chiều là niềm vui bất tận của người giáo hữu. Ngôi thánh đường Tam Tòa có cấu trúc vòm cung giữa các hàng cột giống bên trong ngôi thánh đường La Vang vì cũng do linh mục René Morineau xây và cả hai còn lại ngày nay như là di tích lịch sử đau thương của chiến tranh Việt Nam.

Với một lịch sử thăng trầm, tân toan trong đạo hạnh, giáo xứ Tam Tòa đã trở thành giáo hạt Tam Tòa hay giáo hạt Quảng Bình nằm phía nam sông Gianh, thuộc cương vực của địa phận Huế có cơ sở giáo dục (Trường Trung Học Chân Phước Phượng), cơ sở tu viện (Chi Dòng Thánh Tâm Huế, tu viện Dòng Mến Thánh Giá), cơ sở xã hội (Viện Dục Anh), các hội đoàn như Nghĩa Binh Thánh Thể, Legio Mariae, Ca đoàn, hội Lễ sinh, một linh mục chánh xứ và ba, bốn linh mục phó xứ mà hân hạnh cho giáo xứ Tam Tòa, năm 1953, được Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận làm phó xứ lúc đó cho linh mục chánh xứ Hoàng Văn Tâm.

Năm 1947, khi Việt Minh bắt đầu khủng bố đối với Liên đoàn Công Giáo ở giáo phận Vinh (bên kia sông Gianh), các linh mục, thanh niên Công Giáo, các tu sĩ ở Hà Tĩnh, Nghệ An chạy trốn bạo lực Cộng Sản bằng cách tìm đường về Đồng Hới thì giáo xứ Tam Tòa (ở trong vùng Pháp kiểm soát) là nơi tiếp đón an toàn đối với các vị đó như Linh mục Cao Văn Luận (năm 1956 trở thành Viện Trưởng Viện Đại Học Huế), linh mục Nguyễn Phương (sử gia, dạy sử tại Đại Học Huế từ 1957 đến 1975), linh mục Trương Cao Khẩn, tổng đại diện Giáo Phận Vinh di cư, linh mục Nguyễn Tiến Huynh (Hiệu Trưởng Trường Trung Học Thiên Hữu ở Huế), linh mục Nguyễn Hữu Khai v.v… cùng các vị sau này là sĩ quan trong QLVNCH như Đại Tá Nguyễn Quang Thông (Tùy viên quân sự Tòa Đại sứ VNCH tại Tây Đức), Trung Tá Hoàng Đình Tư (Chỉ Huy Trưởng Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ) thời Cố TT Ngô Đình Diệm, TT Đỗ Mậu và Thiếu Tá Phạm Bá Thích, chỉ huy ngành An Ninh Quân Đội tại Sài Gòn và Huế và hằng trăm người khác. Giáo dân Tam Tòa đã thương mến nhường cơm xẻ áo, cho nơi tạm trú đối với các anh chị em giáo hữu Nghệ Tĩnh Bình trong những năm hoạn nạn từ 1947 đến 1954 khi xảy ra hiệp định Genève chia đôi đất nước. Giáo xứ Tam Tòa đã trở thành vùng đất hứa tìm về của các anh chị em tín hữu bắc sông Gianh trên đường tìm về sinh lộ và sống chết trung thành với đức tin Ki Tô giáo.

Cũng không dễ gì có được một đời sống vị tha bác ái như vậy nếu không ý thức được cuộc sống này chỉ là cõi tạm và bản thân người giáo dân Tam Tòa đã kinh qua biết bao khổ hạnh trong cuộc đời của nhiều thế hệ cha ông trước đây và lấy đó làm kinh nghiệm nuôi dưỡng đức tin, nên một khi tôn giáo bị làn sóng vô thần đe dọa với hiệp định Genève ký ngày 20-7-1954 là họ lên đường đi vào Nam ngay.

Bằng tất cả mọi phương tiện di chuyển lúc bấy giờ tại thành phố Đồng Hới là nơi quân đội Pháp còn trấn giữ, giáo dân Tam Tòa ngậm ngùi từ giã quê hương lên tàu quân đội Pháp, các loại máy bay dân sự của hãng hàng không Pháp như Air France, Air d’Azur, Cosara, máy bay quân sự trực chỉ trên một lộ trình ngắn từ phi trường Hoàn Lão (phía bắc Đồng Hới) vào phi trường Đông Hà (Quảng Trị). Một số ít giáo dân Tam Tòa định cư ở Bãi Dâu (phía Gia Hội, Huế) nhưng đa số đều vào Đà-Nẵng ở đây vì số giáo dân quá đông nên chia ra hai nhóm một nhóm đông đảo theo linh mục Đỗ Bá Ái lập nên giáo xứ Tam Tòa (giữ lại tên cũ) ở gần kế ga xe lửa Đà Nẵng, một nhóm ít hơn kết hợp với một số giáo dân người Bắc theo linh mục Lê Văn Cần lập nên giáo xứ Thanh Bình cách đó hai cây số. Tất cả bàn thờ, tượng thánh giá, nhà tạm do các nghệ nhân Tam Tòa làm bằng gỗ quý có lịch sử hơn một trăm năm, kể cả bàn ghế trong nhà thờ đều được linh mục Neyroud (cố Sáng), tuyên úy quân đội Pháp ở Đồng Hới nhờ xe quân đội chở vào Đà Nẵng bằng đường bộ. Ba quả chuông trên tháp nhà thờ do một trung úy công binh Pháp với một số lính dùng bánh xe “róc-rách” trục xuống bằng dây dù an toàn. Các tượng ảnh trong nhà thờ như tượng thánh Matthêô Nguyễn Văn Phượng và linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan, tượng Thánh Nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, tượng thánh An Tôn đều được cho vào hòm gỗ đem chôn trong vườn nhà cha xứ. Trong giáo xứ độc nhất chỉ có một phụ nữ ở lại đó là chị Ph. Chị lấy chồng người ngoại giáo trở lại đạo, tên Triệu. Lúc bấy giờ hai người đã có một cháu gái một tuổi. Chị Ph. bồng con trèo lên xe theo đường bộ đi vào Nam, nhưng chưa qua khỏi thành phố Đồng Hới thì anh chồng đuổi theo giựt đứa con gái lại, vì vậy chị Ph. đã phải hủy bỏ dự định đi Nam. Sau khi anh chồng bệnh chết, nhà chị Ph. ở giáo xứ Tam Tòa là nơi đón rước linh mục đến làm lễ chui cho giáo dân suốt mấy chục năm nay, với một trại cưa bên cạnh làm chỗ tập hát cho ca đoàn. Tất cả rõ ràng là nền nếp sinh hoạt của một giáo hội hầm trú!

Từ năm 1954 đến 1975, hai thập niên được thở hít bầu khí tự do, dân chủ của Miền Nam Việt Nam, giáo dân Tam Tòa ở Đà Nẵng đã trải qua một giai đoạn xây dựng đức tin Công Giáo, có những người con thân yêu trở thành linh mục, tu sĩ, giáo dân với nhiều thành phần dân cử, giáo sư, sĩ quan, lãnh đạo dân sự v.v…đã đóng góp nhiều công lao trong việc xây dựng xã hội tốt đẹp, nhưng lòng vẫn luôn luôn hướng về quê cũ với nỗi niềm hoài vọng quá khứ.

Năm 1954, tôi rời giáo xứ Tam Tòa năm 13 tuổi, đến nay hơn nửa thế kỷ chưa lần nào thăm lại quê hương nên vẫn mang tâm sự của một Thôi Hạo của Trung Quốc ngày trước:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

(Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai).
(Tản Đà dịch)

Ngày 20 tháng 7 năm 2009, lịch sử đã dành giáo dân Tam Tòa cơ hội ngàn năm một thuở để chung sức cùng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam viết tiếp trang sử mới trong việc đòi công lý và sự thật cho quê hương. Chính quyền cộng sản Việt Nam đã nói chung và chính quyền tỉnh Quảng Bình nói riêng đã sống trên nỗi thống khổ của toàn dân trong việc chiếm đoạt đất đai của giáo dân Tam Tòa, xà xẽo khu đất quanh ngôi nhà thờ đổ nát với ý định dần dà sẽ tiến chiếm toàn bộ phạm vi vùng đất thánh thiêng này. Lời Mác nói thật đúng: “Chỉ có loài lang sói mới quay lưng lại với nỗi đau đồng loại để chăm sóc cho bộ da của mình.”

Trước biến cố ngày 20-7-2009, đa số giáo dân Tam Tòa hiện cư ngụ tại các tiểu bang Hoa Kỳ như California, Oregan, Texas, Pennsylvania, Ohio, New Jersey, và các quốc gia Âu châu và Bắc Âu như Pháp, Hòa Lan, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Anh Quốc bày tỏ niềm khâm phục trước tinh thần bất khuất của giáo dân Tam Tòa trong nước qua việc tranh đấu cho Công lý và Sự thật, cùng với tập thể giáo dân Việt Nam ở hải ngoại và trong nước sát cánh cùng giáo xứ Tam Tòa đối đầu với các thủ đoạn gian manh của Đảng Cộng sản Việt nam.

New Jersey, ngày 23-7-2009

* Để hiểu thêm về lịch sử giáo xứ Tam Tòa, xin đọc tác phẩm của Nguyễn Đức Cung, Quảng Bình chín trăm năm nhìn lại (1075-1975) tập I, nhà xuất bản Nhật-Lệ 2006, liên lạc với tác giả: cungdnguyen@aol.com và cell: 201-736-5108.