Một vài ghi nhận khi đọc Thông Điệp Bác Ái trong Chân Lý (Caritas in Veritate)
(Bài thuyết trình của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm được trình bày trong buổi Thường huấn các linh mục
của Tổng Giáo phận Sài Gòn lúc 8g30 sáng thứ Tư ngày 30-9-2009 tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn).
I. Lược đồ của thông điệp
Thông điệp gồm 79 số, được chia thành 6 chương như sau:
Phần mở (số 1-9)
Chương I Sứ điệp của Populorum Progressio (số 10-20)
Chương II Phát triển con người trong thời đại chúng ta (21-33)
Chương III Tình huynh đệ, phát triển kinh tế, xã hội dân sự (số 34-42)
Chương IV Phát triển các dân tộc, quyền lợi và trách nhiệm, môi sinh (số 43-52)
Chương V Sự hợp tác của gia đình nhân loại (số 53-67)
Chương VI Phát triển các dân tộc và kỹ thuật (số 68-77)
Phần kết (số 78-79)
II. Một thông điệp xã hội
Sau khi ban hành thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu và thông điệp Được Cứu Độ trong Hi Vọng, nhiều người nghĩ rằng thông điệp thứ ba của Đức Bênêđictô XVI sẽ bàn về Đức Tin, thế nhưng thông điệp thứ ba lại là một thông điệp về xã hội. Vậy đâu là đặc điểm của thông điệp mang tính xã hội này? Nó có đem lại điều gì mới mẻ hay cũng chỉ lập lại những giáo huấn quen thuộc trong giáo huấn của Giáo Hội về xã hội?
Trước hết, phải ghi nhận rằng Caritas in veritate là thông điệp liên kết với toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh tính liên tục trong giáo huấn của Đức Phaolô VI, ví dụ: sự thống nhất giữa Humanae Vitae và Populorum Progressio (số 15). Nhấn mạnh như thế là vì trong thực tế, có khuynh hướng tách hai thông điệp này ra tuỳ lập trường luân lý xã hội của mình, để một đàng ca tụng và đàng khác phê phán nặng lời. Chẳng hạn có những người hết sức ca tụng thông điệp Populorum Progressio về sự dấn thân xã hội nhưng lại lên án thông điệp Humanae Vitae, coi như Đức Phaolô VI phản bội Công đồng Vaticanô II. Ngược lại, có những người theo lập trường phò sự sống (pro-life) hết sức ca tụng Humanae Vitae nhưng lại phớt lờ giáo huấn xã hội của Populorum Progressio. Đức Bênêđictô XVI cho thấy cần phải thấy tính liên tục về mặt tư tưởng và giáo huấn giữa hai thông điệp này cũng như các thông điệp khác của Đức Phaolô VI. Cũng thế, phải thấy sự liên tục của Populorum Progressio với giáo huấn Công đồng Vaticanô II (số 11). Nếu một số người cho rằng Đức Phaolô VI và cả các giáo hoàng kế tiếp đã phản bội Công đồng Vaticanô II, thì Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh sự liên tục giữa giáo huấn của Công đồng và giáo huấn của các vị giáo hoàng sau Công đồng. Từ đó, vấn đề đặt ra không chỉ là văn bản Công đồng nhưng còn là cách giải thích những văn bản Công đồng. Xa hơn nữa còn là tính liên tục với toàn bộ lịch sử giáo thuyết của Giáo Hội từ thời các thánh tông đồ (số 12). Ở đây xuất hiện quan điểm mà nhà thần học Ratzinger từ lâu đã nhấn mạnh, được gọi là tính xuyên thời gian (dia-chronique), không chỉ là đồng thời gian (syn-chronique) khi trình bày giáo huấn của Giáo Hội.
Kế đó, Caritas in veritate là thông điệp quan tâm đặc biệt đến công lý và công ích (số 6). Đây là hai vấn đề lớn nhất của đời sống xã hội, cũng là hai đòi hỏi căn bản của bác ái: bác ái vượt trên công lý nhưng không thể có bác ái nếu không có công lý, đồng thời khao khát và nỗ lực vươn tới công ích chính là đòi hỏi của công lý và bác ái. Khi quan tâm đến công lý và công ích, Giáo Hội không muốn nhúng tay vào chính trị của Nhà Nước bằng bất cứ cách nào, nhưng cố gắng chu toàn sứ mạng phục vụ chân lý nhằm xây dựng một xã hội xứng với con người, với phẩm giá và ơn gọi của họ (số 9).
Cụ thể hơn, Caritas in veritate tiếp nối tinh thần thông điệp Populorum Progressio của Đức Phaolô VI. Populorum Progressio kêu gọi sự phát triển con người toàn diện và phát triển tất cả mọi người, mọi dân tộc: “Đức Phaolô VI đã soi sáng đề tài quan trọng về việc phát triển các dân tộc dưới ánh quang chân lý và ánh sáng tình yêu Chúa Kitô” (số 8). Populorum Progressio nhấn mạnh hai chân lý quan trọng: (1) Toàn bộ hoạt động của Giáo Hội, từ rao giảng đến cử hành bí tích và thực thi bác ái, phải nhắm đến việc phát triển con người toàn diện; (2) sự phát triển đích thực con người phải quan tâm đến tính toàn diện của con người trong mọi chiều kích (số 11), đồng thời là sự phát triển cho mọi người chứ không chỉ cho một số người và quốc gia giàu có, còn những người khác thì bị gạt ra bên lề (số 20-22). Nếu chỉ phát triển về kinh tế và kỹ thuật mà thôi thì không đủ. Sự phát triển cần phải đích thực và toàn diện. Việc bước ra khỏi tình trạng chậm phát triển về mặt kinh tế là một sự kiện tích cực, tuy nhiên sẽ không giải quyết được những vấn đề phức tạp liên quan đến sự tiến bộ của con người (số 23).
Caritas in veritate tiếp nối, đồng thời hiện tại hoá giáo huấn của Populorum Progressio như Đức Bênêđictô XVI khẳng định: “Bốn mươi năm sau ngày công bố thông điệp Populorum Progressio… tôi muốn lấy lại những giáo huấn về việc phát triển con người toàn diện, và dõi theo con đường đã được vạch ra để áp dụng cho hoàn cảnh ngày nay” (số 8). Những giáo huấn căn bản của Đức Phaolô VI vẫn còn mang tính thời sự cho thế giới ngày nay vì nhiều lý do. Trước hết, sự phát triển của nhân loại trong những thập niên qua vẫn còn xa với mục tiêu thông điệp Populorum Progressio đề ra. Một đàng, phải nhìn nhận rằng sự giàu có trên thế giới gia tăng rất nhanh, nhưng đàng khác sự bất bình đẳng cũng gia tăng ở tầm mức lớn. Đồng thời, bên cạnh sự nghèo khổ vật chất, lại xuất hiện những hình thức nghèo khổ mới (số 22). Do đó, Đức Bênêđictô XVI viết: “Sau bấy nhiêu năm, chúng tôi thực sự lo lắng khi thấy các cơn khủng hoảng cứ gia tăng tiếp nối trong thời đại chúng ta cũng như hậu quả chúng để lại; chúng tôi tự hỏi những sự mong chờ của Đức Phaolô VI đã được thoả mãn đến mức độ nào dựa theo mẫu thức phát triển được áp dụng trong những thập niên cuối cùng này” (số 21). Ngoài ra, thế giới trong những thập niên qua đã thay đổi rất nhanh. Vào thời của Đức Phaolô VI, dù xã hội đã tiến triển đến mức ngài có thể nói về vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, nhưng vẫn chưa tiến triển như ngày hôm nay (số 24), đặc biệt là tiến trình toàn cầu hoá với những hệ luỵ của nó: sự di chuyển của công nhân (di dân), di chuyển cơ sở sản xuất, những tập đoàn tài chính và sản xuất lớn làm gia tăng tính máy móc vô hồn (impersonnel), sự bùng nổ những mối tương thuộc ở tầm mức toàn cầu… (số 23-27). Do đó, cũng cần những giải pháp mới: “Những giải pháp này cần được tìm hiểu cùng với việc tôn trọng các luật riêng của từng thực tại và dưới ánh sáng của một cái nhìn trọn vẹn về con người, phản ánh nhiều phương diện khác nhau của con người, và một cái nhìn được đức ái thanh lọc” (số 32).
III. Bác ái trong chân lý: sức mạnh điều hướng sự phát triển đích thực
Có thể nói điều mới mẻ mà Caritas in veritate đem tới chính là chỉ cho ta thấy: trọng tâm của giáo huấn Giáo Hội về xã hội là Bác ái cần được thực thi trong chân lý. Bác ái trong chân lý là sức mạnh điều hướng chính yếu cho sự phát triển đích thực mỗi người và toàn thể nhân loại (số 1). Thiên Chúa của Kitô giáo vừa là logos vừa là agape, cho nên tình yêu gắn liền với chân lý (số 3). Phải liên kết bác ái với chân lý, nếu không, hoặc chúng ta rơi vào chủ nghĩa duy cảm (đánh mất nội dung xã hội và tương giao) hoặc chạy theo chủ nghĩa duy tín (đánh mất chiều kích nhân văn và vũ trụ): “Chỉ trong chân lý, bác ái mới có thể chiếu toả và được sống cách đúng đắn” (số 3). Đây là vấn đề lớn trong thế giới hôm nay khi con người có khuynh hướng tương đối hoá chân lý, có khi còn phủ nhận sự hiện hữu của chân lý tuyệt đối và khách quan.
Bác ái phải đi đôi với sự thật. Sự thật ở đây là chính thực tế và những gì đang diễn ra trong thực tế. Không thể chỉ dựa vào những thành quả đạt được mà phủ nhận thực tế này: tình trạng nghèo đói của một phần lớn nhân loại, sự chênh lệch giàu nghèo, sự phá huỷ môi trường sống… Ngoài ra sự thật nền tảng mà Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh là sự thật về con người, cho nên ngài khẳng định: “Vấn đề xã hội ngày nay đã trở thành vấn đề nhân học ở căn để” (số 75). Chính quan niệm lệch lạc hoặc quá đơn giản về con người đã đưa sự phát triển đến chỗ lệch hướng. Ẩn bên trong những phê phán của Đức Bênêđictô XVI về tài chính, chính trị, kỹ thuật… là quan niệm về con người. Ví dụ: con người của thế giới kỹ thuật chỉ biết đặt câu hỏi “Làm sao, làm thế nào?” mà không quan tâm đến câu hỏi “Tại sao?” trong khi câu hỏi đó mới định hướng cho hoạt động của con người (số 70). Chính cái nhìn toàn diện về con người đòi hỏi phải tôn trọng những giá trị đạo đức trong mọi lãnh vực của đời sống cá nhân và xã hội. Những giá trị này được xây dựng trên một nền đạo đức nhìn nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của nhân vị và giá trị siêu việt của luật luân lý tự nhiên. Một nền đạo đức mà không nhìn nhận hai cột trụ này, chắc chắn có nguy cơ đánh mất ý nghĩa riêng của đạo đức và làm mồi cho những hình thức lạm dụng, có khi còn là phương thế biện minh cho những dự án phi đạo đức (số 45). Cho nên người ta có thể nói nhiều đến đạo đức kinh doanh, đạo đức sinh học, đạo đức chính trị mà có khi chỉ là phi đạo đức vì thiếu sự thật nền tảng về con người.
Để kiếm tìm sự thật về con người, cần có sự tương tác giữa các ngành tri thức: “Sự hiểu biết của con người không đầy đủ, và những kết luận của khoa học ở tự nó không thể dẫn đến sự phát triển con người toàn diện… Đứng trước tính chất phức tạp của vấn đề, rõ ràng các ngành khoa học khác nhau phải cùng cộng tác theo hướng trao đổi liên ngành… Giáo huấn xã hội của Giáo Hội có một chiều kích liên ngành quan trọng, cho phép đức tin, thần học, siêu hình học và khoa học tìm được vị trí của mình trong sự cộng tác để phục vụ con người” (số 30 và 31). Cũng ở đây, cần thấy mối tương quan giữa đức tin và lý trí. Đức tin không lý trí có nguy cơ xa rời cuộc sống thường ngày, đồng thời, lý trí mà không có đức tin có nguy cơ rơi vào ảo tưởng về sự toàn năng của kỹ thuật (số 74).
IV. Bác ái trong chân lý: nguyên tắc hướng dẫn mọi lãnh vực của đời sống
1. Đời sống kinh tế
Đức Bênêđictô XVI khai triển suy tư về hiện hữu nhân sinh như một quà tặng, từ đó ngài nói đến thứ lô-gích của quà tặng. Bên cạnh lô-gích của thị trường (cho đi để có lại) và lô-gích của Nhà Nước (cho đi vì bổn phận), phải có chỗ cho lô-gích của quà tặng dựa trên nguyên lý nhưng không (principe de gratuité): “Để chiến thắng tình trạng chậm phát triển, đòi hỏi phải có hành động không những làm cho tốt hơn hoạt động hoán chuyển dựa trên việc trao đổi sản phẩm và thiết lập những cơ cấu phục vụ phúc lợi chung, nhưng nhất là phải từ từ mở ra ở tầm vóc toàn cầu những hình thức hoạt động kinh tế được đánh dấu bằng tính nhưng không và tính xã hội” (số 39). Ngoài ra, để vận hành cách đúng đắn, kinh tế cần đến đạo đức, không phải bất cứ thứ đạo đức nào nhưng là nền đạo đức thân hữu với nhân vị (số 45), nền đạo đức tôn trọng phẩm giá con người và luật tự nhiên. Cũng thế, phải tôn trọng môi sinh vì thiên nhiên là quà tặng Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người: “Thiên nhiên nằm trong tầm tay sử dụng của chúng ta không phải như ‘một đống đối tượng được tung rải cách ngẫu nhiên’ nhưng như là quà tặng của Đấng Sáng tạo” (số 48). Do đó, “Việc sử dụng môi trường đặt chúng ta trước một trách nhiệm đối với người nghèo, với thế hệ tương lai và với toàn thể nhân loại (số 48).
2. Cộng đồng chính trị
Để tiến đến sự phát triển toàn diện, nhân loại phải hợp tác với nhau như một gia đình: “Một trong những hình thức nghèo đói nhất mà con người có kinh nghiệm, đó là sự cô lập”. Thay cho sự cô lập đó, nhân loại cần “nhận thức mình là một gia đình duy nhất, cùng làm việc chung với nhau trong mối hiệp thông đích thực, chứ không chỉ đơn thuần là một nhóm người tình cờ sống kề cận bên nhau” (số 53). Chính trong tinh thần hợp tác này, thông điệp bàn đến nhiều vấn đề như sự tôn trọng các tôn giáo và các nền văn hoá, áp dụng nguyên tắc bổ trợ và liên đới, viện trợ, du lịch… Cũng trong tinh thần hợp tác, thông điệp đưa ra đề nghị cải tổ Liên Hiệp Quốc cũng như những cơ cấu kinh tế và tài chính quốc tế: “Để hướng dẫn kinh tế thế giới hòng chữa trị các nền kinh tế bị thiệt hại vì khủng hoảng, để báo trước sự gia tăng tệ hại của cuộc khủng hoảng và từ đó đưa đến sự bất bình đẳng, để thực hiện việc giảm thiểu hoàn toàn vũ khí, để tiến đến việc bảo đảm lương thực và hoà bình, để điều chỉnh việc bảo vệ môi trường và dòng người di tản, cần phải có một thẩm quyền thế giới về mặt chính trị” (số 67)
3. Kỹ thuật
Sự phát triển như vũ bão của kỹ thuật khiến nhiều người nghĩ rằng chỉ cần kỹ thuật là đủ và dần dần hình thành nền văn hoá kỹ trị, đồng hoá cái “thật” với cái “có thể làm ra” (số 70). Thực ra, kỹ thuật là nỗ lực của tinh thần muốn vươn lên trên những giới hạn của vật chất, là sự đáp trả của con người trước mệnh lệnh của Thiên Chúa trao cho con người (St 2,15). Chính vì thế, kỹ thuật cũng cần đến đạo đức: sự phát triển kỹ thuật chỉ có thể đem đến phát triển đích thực khi nó đi kèm theo những quyết định đúng đắn về mặt đạo đức (70). Tiêu chuẩn này cần được quan tâm đặc biệt trong lãnh vực sinh học cũng như trong việc xây dựng hoà bình, sử dụng các phương tiện truyền thông (số 70-74).
Kết luận
Trên đây chỉ là một vài ghi nhận mở đầu về một số tư tưởng chủ đạo trong thông điệp Caritas in veritate. Những tư tưởng này cần được triển khai sâu rộng hơn và áp dụng vào từng lãnh vực của đời sống cá nhân cũng như xã hội, đặc biệt trong Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam. Nếu Đề Cương về Giáo Hội tại Việt Nam trình bày ba chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, thiết nghĩ Caritas in veritate là tài liệu quý báu cho Giáo Hội Việt Nam trong việc suy tư, định hướng và sống sứ vụ của mình.
(Bài thuyết trình của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm được trình bày trong buổi Thường huấn các linh mục
của Tổng Giáo phận Sài Gòn lúc 8g30 sáng thứ Tư ngày 30-9-2009 tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn).
I. Lược đồ của thông điệp
Thông điệp gồm 79 số, được chia thành 6 chương như sau:
Phần mở (số 1-9)
Chương I Sứ điệp của Populorum Progressio (số 10-20)
Chương II Phát triển con người trong thời đại chúng ta (21-33)
Chương III Tình huynh đệ, phát triển kinh tế, xã hội dân sự (số 34-42)
Chương IV Phát triển các dân tộc, quyền lợi và trách nhiệm, môi sinh (số 43-52)
Chương V Sự hợp tác của gia đình nhân loại (số 53-67)
Chương VI Phát triển các dân tộc và kỹ thuật (số 68-77)
Phần kết (số 78-79)
II. Một thông điệp xã hội
Sau khi ban hành thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu và thông điệp Được Cứu Độ trong Hi Vọng, nhiều người nghĩ rằng thông điệp thứ ba của Đức Bênêđictô XVI sẽ bàn về Đức Tin, thế nhưng thông điệp thứ ba lại là một thông điệp về xã hội. Vậy đâu là đặc điểm của thông điệp mang tính xã hội này? Nó có đem lại điều gì mới mẻ hay cũng chỉ lập lại những giáo huấn quen thuộc trong giáo huấn của Giáo Hội về xã hội?
Trước hết, phải ghi nhận rằng Caritas in veritate là thông điệp liên kết với toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh tính liên tục trong giáo huấn của Đức Phaolô VI, ví dụ: sự thống nhất giữa Humanae Vitae và Populorum Progressio (số 15). Nhấn mạnh như thế là vì trong thực tế, có khuynh hướng tách hai thông điệp này ra tuỳ lập trường luân lý xã hội của mình, để một đàng ca tụng và đàng khác phê phán nặng lời. Chẳng hạn có những người hết sức ca tụng thông điệp Populorum Progressio về sự dấn thân xã hội nhưng lại lên án thông điệp Humanae Vitae, coi như Đức Phaolô VI phản bội Công đồng Vaticanô II. Ngược lại, có những người theo lập trường phò sự sống (pro-life) hết sức ca tụng Humanae Vitae nhưng lại phớt lờ giáo huấn xã hội của Populorum Progressio. Đức Bênêđictô XVI cho thấy cần phải thấy tính liên tục về mặt tư tưởng và giáo huấn giữa hai thông điệp này cũng như các thông điệp khác của Đức Phaolô VI. Cũng thế, phải thấy sự liên tục của Populorum Progressio với giáo huấn Công đồng Vaticanô II (số 11). Nếu một số người cho rằng Đức Phaolô VI và cả các giáo hoàng kế tiếp đã phản bội Công đồng Vaticanô II, thì Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh sự liên tục giữa giáo huấn của Công đồng và giáo huấn của các vị giáo hoàng sau Công đồng. Từ đó, vấn đề đặt ra không chỉ là văn bản Công đồng nhưng còn là cách giải thích những văn bản Công đồng. Xa hơn nữa còn là tính liên tục với toàn bộ lịch sử giáo thuyết của Giáo Hội từ thời các thánh tông đồ (số 12). Ở đây xuất hiện quan điểm mà nhà thần học Ratzinger từ lâu đã nhấn mạnh, được gọi là tính xuyên thời gian (dia-chronique), không chỉ là đồng thời gian (syn-chronique) khi trình bày giáo huấn của Giáo Hội.
Kế đó, Caritas in veritate là thông điệp quan tâm đặc biệt đến công lý và công ích (số 6). Đây là hai vấn đề lớn nhất của đời sống xã hội, cũng là hai đòi hỏi căn bản của bác ái: bác ái vượt trên công lý nhưng không thể có bác ái nếu không có công lý, đồng thời khao khát và nỗ lực vươn tới công ích chính là đòi hỏi của công lý và bác ái. Khi quan tâm đến công lý và công ích, Giáo Hội không muốn nhúng tay vào chính trị của Nhà Nước bằng bất cứ cách nào, nhưng cố gắng chu toàn sứ mạng phục vụ chân lý nhằm xây dựng một xã hội xứng với con người, với phẩm giá và ơn gọi của họ (số 9).
Cụ thể hơn, Caritas in veritate tiếp nối tinh thần thông điệp Populorum Progressio của Đức Phaolô VI. Populorum Progressio kêu gọi sự phát triển con người toàn diện và phát triển tất cả mọi người, mọi dân tộc: “Đức Phaolô VI đã soi sáng đề tài quan trọng về việc phát triển các dân tộc dưới ánh quang chân lý và ánh sáng tình yêu Chúa Kitô” (số 8). Populorum Progressio nhấn mạnh hai chân lý quan trọng: (1) Toàn bộ hoạt động của Giáo Hội, từ rao giảng đến cử hành bí tích và thực thi bác ái, phải nhắm đến việc phát triển con người toàn diện; (2) sự phát triển đích thực con người phải quan tâm đến tính toàn diện của con người trong mọi chiều kích (số 11), đồng thời là sự phát triển cho mọi người chứ không chỉ cho một số người và quốc gia giàu có, còn những người khác thì bị gạt ra bên lề (số 20-22). Nếu chỉ phát triển về kinh tế và kỹ thuật mà thôi thì không đủ. Sự phát triển cần phải đích thực và toàn diện. Việc bước ra khỏi tình trạng chậm phát triển về mặt kinh tế là một sự kiện tích cực, tuy nhiên sẽ không giải quyết được những vấn đề phức tạp liên quan đến sự tiến bộ của con người (số 23).
Caritas in veritate tiếp nối, đồng thời hiện tại hoá giáo huấn của Populorum Progressio như Đức Bênêđictô XVI khẳng định: “Bốn mươi năm sau ngày công bố thông điệp Populorum Progressio… tôi muốn lấy lại những giáo huấn về việc phát triển con người toàn diện, và dõi theo con đường đã được vạch ra để áp dụng cho hoàn cảnh ngày nay” (số 8). Những giáo huấn căn bản của Đức Phaolô VI vẫn còn mang tính thời sự cho thế giới ngày nay vì nhiều lý do. Trước hết, sự phát triển của nhân loại trong những thập niên qua vẫn còn xa với mục tiêu thông điệp Populorum Progressio đề ra. Một đàng, phải nhìn nhận rằng sự giàu có trên thế giới gia tăng rất nhanh, nhưng đàng khác sự bất bình đẳng cũng gia tăng ở tầm mức lớn. Đồng thời, bên cạnh sự nghèo khổ vật chất, lại xuất hiện những hình thức nghèo khổ mới (số 22). Do đó, Đức Bênêđictô XVI viết: “Sau bấy nhiêu năm, chúng tôi thực sự lo lắng khi thấy các cơn khủng hoảng cứ gia tăng tiếp nối trong thời đại chúng ta cũng như hậu quả chúng để lại; chúng tôi tự hỏi những sự mong chờ của Đức Phaolô VI đã được thoả mãn đến mức độ nào dựa theo mẫu thức phát triển được áp dụng trong những thập niên cuối cùng này” (số 21). Ngoài ra, thế giới trong những thập niên qua đã thay đổi rất nhanh. Vào thời của Đức Phaolô VI, dù xã hội đã tiến triển đến mức ngài có thể nói về vấn đề xã hội mang tính toàn cầu, nhưng vẫn chưa tiến triển như ngày hôm nay (số 24), đặc biệt là tiến trình toàn cầu hoá với những hệ luỵ của nó: sự di chuyển của công nhân (di dân), di chuyển cơ sở sản xuất, những tập đoàn tài chính và sản xuất lớn làm gia tăng tính máy móc vô hồn (impersonnel), sự bùng nổ những mối tương thuộc ở tầm mức toàn cầu… (số 23-27). Do đó, cũng cần những giải pháp mới: “Những giải pháp này cần được tìm hiểu cùng với việc tôn trọng các luật riêng của từng thực tại và dưới ánh sáng của một cái nhìn trọn vẹn về con người, phản ánh nhiều phương diện khác nhau của con người, và một cái nhìn được đức ái thanh lọc” (số 32).
III. Bác ái trong chân lý: sức mạnh điều hướng sự phát triển đích thực
Có thể nói điều mới mẻ mà Caritas in veritate đem tới chính là chỉ cho ta thấy: trọng tâm của giáo huấn Giáo Hội về xã hội là Bác ái cần được thực thi trong chân lý. Bác ái trong chân lý là sức mạnh điều hướng chính yếu cho sự phát triển đích thực mỗi người và toàn thể nhân loại (số 1). Thiên Chúa của Kitô giáo vừa là logos vừa là agape, cho nên tình yêu gắn liền với chân lý (số 3). Phải liên kết bác ái với chân lý, nếu không, hoặc chúng ta rơi vào chủ nghĩa duy cảm (đánh mất nội dung xã hội và tương giao) hoặc chạy theo chủ nghĩa duy tín (đánh mất chiều kích nhân văn và vũ trụ): “Chỉ trong chân lý, bác ái mới có thể chiếu toả và được sống cách đúng đắn” (số 3). Đây là vấn đề lớn trong thế giới hôm nay khi con người có khuynh hướng tương đối hoá chân lý, có khi còn phủ nhận sự hiện hữu của chân lý tuyệt đối và khách quan.
Bác ái phải đi đôi với sự thật. Sự thật ở đây là chính thực tế và những gì đang diễn ra trong thực tế. Không thể chỉ dựa vào những thành quả đạt được mà phủ nhận thực tế này: tình trạng nghèo đói của một phần lớn nhân loại, sự chênh lệch giàu nghèo, sự phá huỷ môi trường sống… Ngoài ra sự thật nền tảng mà Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh là sự thật về con người, cho nên ngài khẳng định: “Vấn đề xã hội ngày nay đã trở thành vấn đề nhân học ở căn để” (số 75). Chính quan niệm lệch lạc hoặc quá đơn giản về con người đã đưa sự phát triển đến chỗ lệch hướng. Ẩn bên trong những phê phán của Đức Bênêđictô XVI về tài chính, chính trị, kỹ thuật… là quan niệm về con người. Ví dụ: con người của thế giới kỹ thuật chỉ biết đặt câu hỏi “Làm sao, làm thế nào?” mà không quan tâm đến câu hỏi “Tại sao?” trong khi câu hỏi đó mới định hướng cho hoạt động của con người (số 70). Chính cái nhìn toàn diện về con người đòi hỏi phải tôn trọng những giá trị đạo đức trong mọi lãnh vực của đời sống cá nhân và xã hội. Những giá trị này được xây dựng trên một nền đạo đức nhìn nhận phẩm giá bất khả xâm phạm của nhân vị và giá trị siêu việt của luật luân lý tự nhiên. Một nền đạo đức mà không nhìn nhận hai cột trụ này, chắc chắn có nguy cơ đánh mất ý nghĩa riêng của đạo đức và làm mồi cho những hình thức lạm dụng, có khi còn là phương thế biện minh cho những dự án phi đạo đức (số 45). Cho nên người ta có thể nói nhiều đến đạo đức kinh doanh, đạo đức sinh học, đạo đức chính trị mà có khi chỉ là phi đạo đức vì thiếu sự thật nền tảng về con người.
Để kiếm tìm sự thật về con người, cần có sự tương tác giữa các ngành tri thức: “Sự hiểu biết của con người không đầy đủ, và những kết luận của khoa học ở tự nó không thể dẫn đến sự phát triển con người toàn diện… Đứng trước tính chất phức tạp của vấn đề, rõ ràng các ngành khoa học khác nhau phải cùng cộng tác theo hướng trao đổi liên ngành… Giáo huấn xã hội của Giáo Hội có một chiều kích liên ngành quan trọng, cho phép đức tin, thần học, siêu hình học và khoa học tìm được vị trí của mình trong sự cộng tác để phục vụ con người” (số 30 và 31). Cũng ở đây, cần thấy mối tương quan giữa đức tin và lý trí. Đức tin không lý trí có nguy cơ xa rời cuộc sống thường ngày, đồng thời, lý trí mà không có đức tin có nguy cơ rơi vào ảo tưởng về sự toàn năng của kỹ thuật (số 74).
IV. Bác ái trong chân lý: nguyên tắc hướng dẫn mọi lãnh vực của đời sống
1. Đời sống kinh tế
Đức Bênêđictô XVI khai triển suy tư về hiện hữu nhân sinh như một quà tặng, từ đó ngài nói đến thứ lô-gích của quà tặng. Bên cạnh lô-gích của thị trường (cho đi để có lại) và lô-gích của Nhà Nước (cho đi vì bổn phận), phải có chỗ cho lô-gích của quà tặng dựa trên nguyên lý nhưng không (principe de gratuité): “Để chiến thắng tình trạng chậm phát triển, đòi hỏi phải có hành động không những làm cho tốt hơn hoạt động hoán chuyển dựa trên việc trao đổi sản phẩm và thiết lập những cơ cấu phục vụ phúc lợi chung, nhưng nhất là phải từ từ mở ra ở tầm vóc toàn cầu những hình thức hoạt động kinh tế được đánh dấu bằng tính nhưng không và tính xã hội” (số 39). Ngoài ra, để vận hành cách đúng đắn, kinh tế cần đến đạo đức, không phải bất cứ thứ đạo đức nào nhưng là nền đạo đức thân hữu với nhân vị (số 45), nền đạo đức tôn trọng phẩm giá con người và luật tự nhiên. Cũng thế, phải tôn trọng môi sinh vì thiên nhiên là quà tặng Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người: “Thiên nhiên nằm trong tầm tay sử dụng của chúng ta không phải như ‘một đống đối tượng được tung rải cách ngẫu nhiên’ nhưng như là quà tặng của Đấng Sáng tạo” (số 48). Do đó, “Việc sử dụng môi trường đặt chúng ta trước một trách nhiệm đối với người nghèo, với thế hệ tương lai và với toàn thể nhân loại (số 48).
2. Cộng đồng chính trị
Để tiến đến sự phát triển toàn diện, nhân loại phải hợp tác với nhau như một gia đình: “Một trong những hình thức nghèo đói nhất mà con người có kinh nghiệm, đó là sự cô lập”. Thay cho sự cô lập đó, nhân loại cần “nhận thức mình là một gia đình duy nhất, cùng làm việc chung với nhau trong mối hiệp thông đích thực, chứ không chỉ đơn thuần là một nhóm người tình cờ sống kề cận bên nhau” (số 53). Chính trong tinh thần hợp tác này, thông điệp bàn đến nhiều vấn đề như sự tôn trọng các tôn giáo và các nền văn hoá, áp dụng nguyên tắc bổ trợ và liên đới, viện trợ, du lịch… Cũng trong tinh thần hợp tác, thông điệp đưa ra đề nghị cải tổ Liên Hiệp Quốc cũng như những cơ cấu kinh tế và tài chính quốc tế: “Để hướng dẫn kinh tế thế giới hòng chữa trị các nền kinh tế bị thiệt hại vì khủng hoảng, để báo trước sự gia tăng tệ hại của cuộc khủng hoảng và từ đó đưa đến sự bất bình đẳng, để thực hiện việc giảm thiểu hoàn toàn vũ khí, để tiến đến việc bảo đảm lương thực và hoà bình, để điều chỉnh việc bảo vệ môi trường và dòng người di tản, cần phải có một thẩm quyền thế giới về mặt chính trị” (số 67)
3. Kỹ thuật
Sự phát triển như vũ bão của kỹ thuật khiến nhiều người nghĩ rằng chỉ cần kỹ thuật là đủ và dần dần hình thành nền văn hoá kỹ trị, đồng hoá cái “thật” với cái “có thể làm ra” (số 70). Thực ra, kỹ thuật là nỗ lực của tinh thần muốn vươn lên trên những giới hạn của vật chất, là sự đáp trả của con người trước mệnh lệnh của Thiên Chúa trao cho con người (St 2,15). Chính vì thế, kỹ thuật cũng cần đến đạo đức: sự phát triển kỹ thuật chỉ có thể đem đến phát triển đích thực khi nó đi kèm theo những quyết định đúng đắn về mặt đạo đức (70). Tiêu chuẩn này cần được quan tâm đặc biệt trong lãnh vực sinh học cũng như trong việc xây dựng hoà bình, sử dụng các phương tiện truyền thông (số 70-74).
Kết luận
Trên đây chỉ là một vài ghi nhận mở đầu về một số tư tưởng chủ đạo trong thông điệp Caritas in veritate. Những tư tưởng này cần được triển khai sâu rộng hơn và áp dụng vào từng lãnh vực của đời sống cá nhân cũng như xã hội, đặc biệt trong Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam. Nếu Đề Cương về Giáo Hội tại Việt Nam trình bày ba chiều kích mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ, thiết nghĩ Caritas in veritate là tài liệu quý báu cho Giáo Hội Việt Nam trong việc suy tư, định hướng và sống sứ vụ của mình.