Suy niệm mùa Phục Sinh

Những người xa lạ

Đây là đoạn Phúc Am hết sức súc tích (Gioan 21, 1-14). Đoạn nói về bất cứ ai đang trải qua những thời kỳ khó khăn trong cuộc sống.

Điểm thứ nhất được ghi nhận là những người đàn ông đang ở trong những chiếc thuyền đánh cá ở ngoài khơi; điều đó không chỉ có tính cách văn chương gợi cảm, nhưng bao hàm cả mặt tâm lý và tâm linh nữa. Dù Chúa Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần, các tông đồ vẫn còn chưa được hoàn hồn tiếp theo sau cơn sốc gây nên bởi điều khủng khiếp xảy ra trên đồi Calvariô. Họ đang còn bị chao đảo do sự mất mát về Chúa và Thầy của họ, một người độc nhất vô nhị. Ít ra họ đang đương đầu với điều đó. Rõ rệt nhất, họ đang cố gắng trở về với cuộc sống thường nhật, bao gồm những công tác và bổn phận. Họ trở về với những công việc mà họ quen làm. Họ đánh cá trở lại. Nhưng những điều chẳng may xảy tới do những biến cố gần đây cứ ám ảnh họ mãi. Thêm vào những đau buồn đó, họ lại đang gặp lúc không may mắn khác ở nơi biển hồ. Họ đã đánh cá suốt đêm. Họ đã tận lực nhưng chẳng thu hoạch được gì. Họ không bắt được một con cá nào. Họ trở vô bờ tay không, vừa theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thật không phải là một cảm giác dễ chịu chút nào!

Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều có những cảm giác trống trải đó khi nầy hay khi khác. Tuổi tác không dung tha một ai khỏi sự trống rỗng ghê sợ đến từ việc sa sút tinh thần hay bị thất bại chua cay. Một em bé gái nhỏ ngày kia đã đến với một linh mục ở trong sân trường, nơi mà cha dạy giáo lý trong tám năm. Cha mẹ em đã chia tay nhau và đối với em, đó là cả một thế giới bị sụp đổ. Em nói: “Thưa cha, sao Chúa không thể làm cho ba má con yêu nhau mãi mãi.” Có một lỗ hổng to lớn ở trong quả tim non nớt và nhỏ bé của em mà vị linh mục không thể khỏa lấp cho đầy được.

Nhặt từng mảnh vụn

Chúng ta nên ghi nhận mẩu đối thoại trong câu chuyện Tin Mừng nầy. Một tiếng nói từ trên bờ vọng xuống: “Các anh có bắt được gì không?” Họ trả lời: “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì.” Phải chăng đó không phải là những câu nói thường tình mà chúng ta đã nghe nhiều lần sao? Biết bao lần chúng ta cũng đã buông ra những lời tương tự như thế? Có thể chúng ta đã thốt lên những lời nói đó sau khi đã cố gắng một cách vô hiệu, để rồi chỉ phải nhặt lên những mảnh vụn tả tơi ngõ hầu đi vào giai doạn kế tiếp của cuộc đời - chẳng hạn sau cái chết của người phối ngẫu hay một người thân yêu, khi cuộc sống trở lại sau một sự bế tắt hoàn toàn, sau một cuộc ly dị hay một sự gãy đổ tiếp theo một sự tương giao đầy hứa hẹn, sau một cơn bạo bệnh kéo dài hay khi bị mất việc, khi thất bại trong một cuộc thử thách quan trọng, khi con cái bỏ nhà ra đi vĩnh viễn và tổ ấm gia đình trở nên trống vắng, khi bị gạt ra ngoài lề xã hội và cảm thấy bị mất thể diện. Sau những biến cố kể trên, chúng ta đã cố gắng mà vẫn thất bại nhưng vẫn phải tiếp tục cuộc sống. Cũng như các tông đồ, chúng ta phải trở lại với cuộc sống thường nhật. Chúng ta đã cố gắng để chu toàn những công việc quen thuộc nhưng không thể thay đổi cảnh ngộ khó khăn. Chúng ta càng cố gắng nhọc nhằn bao nhiêu thì sự việc càng trở nên tồi tệ bấy nhiêu. Chúng ta đã tận lực nhưng chỉ mang lại một mẻ lưới không và một lỗ hổng to tướng ở trong bao tử, một khoảng trống không thể khỏa lấp ở trong tâm hồn. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện.

Đánh được một mẻ cá lớn

Rồi một ngày sẽ đến khi chúng ta không một chút mong đợi và chợt nhận ra bóng dáng một người xa lạ đi bên cạnh cuộc đời chúng ta. Ban đầu chúng ta cảm thấy khó chịu để nhận diện họ là ai. Nhưng rồi bất chợt, một ai đó đã có mặt để hỗ trợ chúng ta khi gian truân sầu khổ. Có thể chúng ta không tức khắc nhận thấy sự liên kết siêu nhiên. Có thể chúng ta chỉ nhận chân được điều đó về sau thôi, khi chúng ta nhìn lui lại quá khứ và lúc bấy giờ chúng ta mới nói với họ: “Bạn là người Chúa gởi tới cho tôi khi tôi bị tất bật. Bạn đã cứu tôi khỏi chốn lầm than.” Và thật đúng họ như thế đó! Chúng ta không nói quá lời. Họ thật đúng như vậy. Người xa lạ đó có thể là một người bạn đã đi vào trong cuộc sống chúng ta mà chúng ta không chút nhận thức và sự hiện diện quí báu của họ đã nâng đỡ tinh thần ta lên. Có thể người xa lạ là một câu Thánh kinh hoặc một câu thơ mà chúng ta đã đọc cả trăm lần nhưng lần nầy đánh động tâm can chúng ta. Người xa lạ có thể là một câu nói khuyến khích hay một cử chỉ đầy khích lệ từ một người thường ân cần đối với chúng ta nhưng lần nầy đã làm cho cây đàn trổi lên một khúc nhạc mới. Hoặc giả có thể chỉ là một cú điện thoại tỏ ra quan tâm đến sự an sinh của chúng ta, hoặc nụ cười của một em bé, nhưng đó là một nụ cười chân tình thiết tha mang lại cho chúng ta một lý do để sống và để hy vọng trở lại. Giờ đây chúng ta đã đánh được một mẻ cá lớn. Chúng ta cảm thấy mình đã bắt được nhiều cá và cảm thấy phấn khởi an toàn.

Cũng như tất cả chúng ta, một vị linh mục tuyên úy nhà tù Mountjoy đã nhận được rất nhiều tấm thiệp cám ơn. Cũng như chúng ta, cha không bao giờ giữ lại những tấm thiệp cám ơn đó. Nhưng lần nầy cha đã giữ lại tấm thiệp cám ơn của một người đàn bà mà cha gặp gỡ ở sân nhà tù vào một trưa Chúa nhật trống trải. Bà từ phòng thăm viếng đi ra và đang tiến về cổng chính với dáng vẻ âu sầu. Khi cha hỏi bà có sao không thì bà đã bật khóc thành tiếng. Bà vừa mới thăm con bà ra. Đó là lần đầu tiên bà ở giữa bốn bức tường khám tối và kinh nghiệm đó đã làm bà kinh hoàng. Cha tuyên úy không thể thốt lên lời gì để làm cho bà bớt đau khổ mà chỉ lắng tai nghe, khi bà đã không ngượng ngùng thổ lộ ra hết những nỗi đớn đau trong lòng. Cha hứa hẹn sẽ lưu ý đến con bà để được chắn chắn là cậu ta được an toàn và sẽ liên lạc thường xuyên với bà qua điện thoại. Cha đã tiễn đưa bà ra tận cổng chính. Bà vẫn còn khóc sướt mướt cho tới khi cha nói lời giả biệt. Vài ngày sau, cha đã nhận được tấm thiệp cám ơn của bà với những giòng chữ như sau: “Cám ơn cha vì những lời nói dịu ngọt, khi con gặp cha vào trưa Chúa nhật sau khi thăm viếng con trai của con là Michael. Cha đã giúp con khi bị sa sút tinh thần.”

Thiên Chúa bằng xương bằng thịt

Theo đúng Thánh kinh thì vị linh mục tuyên úy đó là người xa lạ đang đứng ở trên bờ hồ đối với người đàn bà đau khổ kia. Vào thời điểm đó, cuộc sống của bà hoàn toàn vô vọng, nhưng sau khi gặp người xa lạ, bà cảm thấy phấn khởi hơn lên để thoát ra khỏi chỗ sa sút tinh thần. Cha tuyên úy đúng là một người xa lạ đối với bà vì trong tấm thiệp cám ơn bà chỉ viết “Thưa cha tuyên úy” mà không ghi tên cha - có lẽ bà không biết tên - và bà đã ký tên là bà Murphy, chứ không phải tên thật là Sara. Đúng là một trong những điều huyền bí lớn lao của cuộc đời là Chúa đã dùng những dụng cụ nhân linh như chúng ta để hàn gắn những mảnh đời đổ vỡ thay thế cho Ngài. Thường khi đó là cách thức mà Chúa giơ tay ra để chúng ta hàng động hữu hiệu, bằng cách quan tâm đến những đường lối mà Chúa đưa dẫn.

Sứ điệp của đoạn Phúc Âm nầy là Chúa đang đứng ở trên bờ hồ mà chúng ta không nhận ra Chúa. Cũng như các tông đồ, có thể chúng ta không nhận ra tức khắc những người xa lạ đó là ai nhưng thật đúng họ là những người đã cứu vớt chúng ta. Họ là Thiên Chúa hiện diện bằng xương bằng thịt. Chúa đã đến dưới thiên hình vạn trạng.

Chúng ta đã ngạc nhiên khi thấy những lần Chúa Phục Sinh hiện ra không kèn không trống. Không có những thiên thần ca hát trên không trung, không có những vị đạo sĩ đến từ phương xa mang theo những lễ vật. Chúa Giêsu sống lại đã xuất hiện trong những trường hợp quá ư tầm thường, như trong một bữa cơm riêng tư của một nhóm nhỏ, như khi hai môn đệ đi lang thang trên con đường làng hiu quạnh, như khi một người đàn bà khóc lóc ở trong khu vườn vắng vẻ, như khi những người đàn ông đang đánh cá ở biển hồ, như khi vài người họp nhau picnic ăn uống ở bãi biển Galilê. Ngài vẫn còn hiện ra trong những dịp rất tầm thường trong cuộc sống chúng ta bây giờ và ở đây. Những ai có mắt để thấy - thấy với con mắt thứ ba, con mắt của linh hồn - thì sẽ nhận chân những bộ mặt Thiên Chúa bằng xương bằng thịt trong những người xa lạ đang đi bên cạnh cuộc đời chúng ta.

Phỏng theo bài suy niệm “STRANGERS” (Những Người Xa Lạ) của cha Vincent Travers O.P. trong sách “IN STEP WITH GOD” (Đồng Hành Với Chúa).