HUẾ - Sáng ngày 21.8.2010, giáo xứ Tây Linh hân hoan đón mừng cha Tân quản xứ Đôminicô Phan Phước. Đức Tổng Giám mục giáo phận Stêphanô Nguyễn Như Thể, cha Chưởng ấn Antôn Dương Quỳnh kiêm Hạt trưởng hạt Thành phố Huế, kiêm quản xứ chính tòa Phủ Cam đã đưa cha Đôminicô Phan Phước về nhiệm sở mới.

Hình ảnh đón Cha Quản xứ mới

Ngay từ sáng sớm, Hội đồng giáo xứ và rất đông bà con giáo dân thuộc giáo xứ Tây Linh đã tập trung tại nhà thờ, với một tâm tình nao nức chờ đợi vị mục tử kính yêu. Các giáo xứ Phú Lương, Đá Hàn, Thần Phù là những nơi cha Đôminicô Phan Phước đã từng coi sóc cũng đến dự nghi thức nhận xứ và chia sẽ tình cảm mến. Ngài cũng là Tuyên úy Liên đoàn Thiếu nhi Thánh thể Địa phận, và cũng từng là huynh trưởng Hướng đạo sinh nên rất đông anh em Hướng đạo và Thiếu nhi Thánh thể đến dự.

Đúng 8giờ sáng, Đức Tổng Giám mục, cha Quản hạt và cha Tân quản xứ tiến vào cổng giáo xứ, các em thiếu nhi tặng hoa trước sự âu yếm của các Ngài. Trước tiền đường nhà thờ, mở đầu nghi thức Đức Tổng đã giới thiệu cha Tân quản xứ với cộng đoàn, một linh mục năng nổ và nhiệt tình trong mọi công việc, ngài đã coi sóc nhiều giáo xứ và nơi nào ngài cũng xây dựng sửa chửa nhà thờ nhà xứ. Ngài là con người của xây dựng, không những xây dựng cơ sở vật chất mà ngài còn xây dựng tinh thần. Hôm nay ngài về đây nhận xứ, cộng đoàn giáo xứ đón nhận ngài và giúp đở ngài trong công việc mục vụ được tốt đẹp, sáng hôm nay ngài nhận ủy nhiệm của giáo hội trao cho ngài về mục vụ tại giáo xứ Tây Linh này. Đức Tổng đã trao chìa khóa nhà thờ cho cha Tân quản xứ, ngài mở cửa nhà thờ để đưa chúng ta vào nhà thờ, tức là ngài dẫn đưa chúng ta đến với Chúa.

Trước bàn thờ, Đức Tổng Giám mục, các linh mục và cộng đoàn đã dâng lời kinh Cầu xin Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng và ban ơn khôn ngoan để cha Tân quản xứ dìu dắt giáo xứ. Cha Chưởng Ấn An tôn Dương Quỳnh, hạt trưởng hạt Thành phố Huế đã đọc văn thư bổ nhiệm của tòa Tổng giám mục Huế và trao cho cha Tân quản xứ, Đức Tổng Giám mục trao sách Phúc âm để ngài rao giảng lời Chúa. Cha tân quản xứ lặp lại lời tuyên xưng Đức tin và tuyên hứa vâng phục Đấng Bản quyền, sau đó ngài mở cửa Nhà Tạm, xông hương trầm và cùng với cộng đoàn chầu Thánh Thể. Đức Tổng Giám mục trao bình an, sau đó ngài đến trao bình an với các linh mục và chào cộng đoàn.

Đại diện HĐGX Tây Linh nói lời tri ân Đức Tổng đã luôn quan tâm giáo xứ. Cảm ơn các cha hạt trưởng và các cha, các tu sĩ nam nữ, đại diện các giáo xứ đã đến chia sẽ niềm vui với giáo xứ Tây Linh. Các em thiếu nhi với vũ khúc Tạ ơn dâng lên Đức Tổng và quý cha cũng như cộng đoàn lòng quý mến và đầy yêu thương.

Trước khi ban phép lành, Đức Tổng đã nói lên thao thức trăn trở của Ngài trong bao năm qua: đó là ngôi trường của giáo xứ nằm trong khuôn viên nhà thờ mà từ lâu nay nhà nước mượn để làm trường học. Ngài đã nhiều lần gặp gở chính quyền để bàn bạc, vì với một mặt bằng nhỏ hẹp lại nằm trong khuôn viên nhà thờ, chỉ phù hợp với lúc khó khăn của những ngày mới thống nhất đất nước. Bây giờ quỷ đất nhiều, điều kiện xây dựng cơ sở vật chất trường học đầy đủ hơn, nhu cầu dạy học cao hơn và tiện nghi hơn, do đó Ngài đã đề nghị chính quyền trao trả lại cho giáo xứ để tiện việc dạy giáo lý, giáo dục thanh thiếu nhi, góp phần làm hữu ích cho xã hội.

Đôi nét về giáo xứ Tây Linh:

Là một giáo xứ thuộc phường Thuận Lộc, nằm trong Nội thành Huế. Theo sử liệu giáo xứ hình thành từ rất sớm, dưới thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, tên gọi là giáo xứ Cầu Kho, với ngôi nhà thờ bằng tranh, tọa lạc tại gần cổng đồn Mang Cá, sau khi đổi thành giáo xứ Tây Linh và xây ngôi nhà thờ mới hiện tại thì cơ sở này trao lại cho các cha dòng Tên mở trường trung học Tín Đức, sau ngày giải phóng chính quyền trưng dụng và đổi thành trường Thuận Lộc. Thánh tử đạo Micae Hồ Đình Hy sinh thời là quan tam phẩm triều đình cũng sinh hoạt tại họ đạo Cầu Kho này. Chính vì thế, sau khi xây dựng nhà thờ, cha sở Giuse Trần Thắng Trung đã xây ngôi trường tiểu học mang tên vị Thánh tử đạo gọi là Trường tiểu học Hồ Đình Hy, nằm trong khuôn viên nhà thờ như đã nói ở trên.

Đến năm 1950, giáo xứ Cầu Kho mới có cha sở chính thức đầu tiên là cha Phaolô Trần Bá Hạnh, lúc này số giáo dân chừng 500 người. Đến đời cha Trần Thắng Trung coi sóc, số giáo dân đã là 2000. Vào thời cực thịnh của giáo xứ, theo thống kê năm 1972 số giáo dân lên đến trên 4200 người.

Sau ngày giải phóng, giáo dân ly tán khắp nơi, một số đi vùng “kinh tế mới” theo chủ trương của nhà nước. Hiện nay, giáo dân chỉ còn khoảng 1000 người. Tuy vậy, với tinh thần đoàn kết yêu thương nhau, HĐGX vẫn tích cực và nhiệt tình, thường xuyên tham dự các khóa tập huấn do Tòa Tổng Giám mục tổ chức, các hội đoàn thường xuyên sinh hoạt, năng nổ nhất phải kể đến Gia đình trẻ.