Tết Trung Thu năm 2010, trời không mưa, trăng sáng vằng vặc, nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi đến giáo xứ Nghĩa Hiệp, hạt Phước Lý, giáo phận Xuân Lộc để chia mảnh trăng vàng đến một số gia đình nghèo và vui Trung Thu với các em thiếu nhi ở đây.

Xem hình ảnh

Làm quen với giáo xứ Nghĩa Hiệp

Huyện Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai chỉ cách thành phố Sài Gòn một con sông mà người ta phải đi qua một cái phà, đó là phà Cát Lái. Đến nhà thờ Nghĩa Hiệp thì xe chúng tôi đã đi được 50 km từ điểm khởi hành. Nhìn thấy ngôi nhà thờ nhỏ nằm trên một khu đất rộng mà chung quanh còn chưa tươm tất, chúng tôi thấy lạ nhưng lòng chợt rộn rã khi cuối nhà thờ là một tấm phông trên sân khấu có chữ “Vầng Trăng Yêu Thương”, với mặt trăng tròn vàng ửng, to đùng.

Tết Trung Thu năm nay chỉ cách ngày khai giảng năm học mới có hai tuần nên chúng tôi không nghĩ đến việc vui ánh trăng rằm vì quĩ đã cạn, nhưng áo Hằng Nga còn mới, lại có bạn tình nguyện làm chú Cuội và tiếc thời gian Chúa ban nên chúng tôi xin phép một cha xứ ở ngay trong lòng Sài Gòn có một số giáo dân là những người chài lưới với 400 em thiếu nhi để vui Trung Thu; nhưng rồi chẳng hiểu sao chúng tôi xin cáo lỗi để đi đến nhà thờ thuộc vùng Đồng Nai này với một đêm trăng rằm thật bất ngờ và hạnh phúc. Có lẽ thần linh Chúa hướng dẫn chứ nhóm Bông Hồng Xanh không hề có ý “tham vàng bỏ ngãi”, vả lại ở đây không hề có chú Cuội Hằng Nga.

Chúng tôi bước vào nhà xứ e dè vì có nhiều chó trong khi cha xứ Vinh Sơn Dương Đức Chiến trẻ trung, ôm con chó vẻ mặt vui tươi đón chúng tôi với giọng cười rất giòn. Cha mới về đây được hơn 8 tháng, cộng đoàn giáo xứ hạnh phúc như bắt được vàng vì đã 18 năm qua không có linh mục chánh xứ ở đây, chỉ có cha ở nhà thờ Nghĩa Mỹ quản nhiệm nơi này. Số giáo dân kỳ cựu có gốc ở các làng Trung Lai, Khánh Giàng, Ngọc Sơn, Dũng Vy thuộc tỉnh Bắc Giang, do một linh mục tên là Đoan dìu dắt di cư vào đây từ năm 1954, rồi nhà nguyện này được nâng lên hàng giáo xứ năm 1965, có đến 80% dân làm ruộng vì đất ở vùng này chỉ trồng được lúa và khoai mì.

Trước khi ánh trăng sáng lên, chúng tôi đến thăm một số gia đình nghèo trong vùng. Số giáo dân chưa đến 1.000 người còn diện tích giáo xứ chỉ trong khoảng 1 km, có một chỗ không có điện, đi đến nhà thờ phải đi xe đạp. Những gia đình nghèo thường xúc động, lúng túng khi có người đến thăm và tặng quà; còn chúng tôi thì quá quen với việc thăm người nghèo, theo thời gian liệu chúng tôi có còn cảm xúc?

Hơn mười năm về trước, thanh thiếu niên chỉ học đến lớp 10 là nghỉ học để đi làm mướn, làm ruộng, trồng khoai; nay có công ty xí nghiệp mọc lên thì dân có khá hơn vì làm công nhân. Khi đi ngang mấy vuông ruộng, quí ông trùm nói với chúng tôi một sự thật đau lòng: “Nhà máy Vê-đan ở đây thu mua khoai mì để làm bột ngọt. Họ bán ra một loại phân bón nước, dân chúng ngây ngô mua vào bón cây, khoảng hai năm đầu cây xanh tươi rất tốt nhưng đến năm thứ ba, thứ tư thì đất bị hư, trồng cây gì cũng không được. Những người sống bằng nghề bắt tôm cá hai bên sông Thị Vải, bị ảnh hưởng trực tiếp nước thải của Vê-đan thì còn được đền bù, còn những người tưới phân bón do Vê-đan bán thì có mà kêu trời! Nhiều gia đình thiếu trước hụt sau, đang đi vào con đường nợ nần. Trồng một mẫu khoai mì chỉ lời khoảng 3-4 triệu đồng thì cũng rất vất vả vì nhặt cỏ”. Chúng tôi phẫn nộ trong lòng khi nghe kể như vậy.

Chúng tôi hăm hở đi vào khu du lịch Bò Cạp Vàng vì nghe quảng cáo từ lâu mà nay mới có dịp đến. Khu này đẹp xấu thì tùy mỗi người nhận xét nhưng ông trùm nói với tôi là cha xứ cấm Thiếu Nhi Thánh Thể lui tới khu du lịch này vì nhiều người dân thành phố về đây có người nghỉ mát, cũng có người làm những việc không tốt lành. Riêng chúng tôi lại thấy thích những mảng cây xanh hai bên đường đến đây.

Đêm trăng rằm tuyệt vời!

Thật bất ngờ với chúng tôi, thánh lễ Trung Thu ở đây được làm trên sân khấu ngoài trời. Hàng trăm chiếc ghế được xếp ra giữa sân trong khi cung thánh thật rực rỡ vì sắc màu. To nhất là lồng đèn chiếc thuyền được đưa lên ngay “cung thánh”, dài nhất là lồng đèn cá chép, đẹp truyền thống là đèn kéo quân, đèn chùm ông sao, đèn con ong…do Thiếu Nhi Thánh Thể tự vót tre dán giấy làm thành. Bong bóng trang trí làm khán đài thêm rực rỡ.

Thánh lễ được bắt đầu khi đoàn lân tiến ra từ hai bên cánh nhà thờ, các em lớp khai tâm cầm lồng đèn đi theo, cha chủ tế đi sau cùng. Tất cả tiến ra trước khán đài, các em treo lồng đèn treo trên cung thánh rồi vào chỗ ngồi dự thánh lễ một cách trang nghiêm. ( http://www.youtube.com/watch?v=42ZR6GatmfI ). Nhìn quang cảnh này, ai có đầu óc tưởng tượng phong phú cũng có thể nghĩ rằng Thiên Chúa đã ném vầng trăng đẹp vào vũ trụ để trẻ con trên trái đất này được vui vẻ, được quan tâm.

Cha chủ tế giảng rất sinh động, bầu khí thật trang nghiêm sốt sắng. Lễ vật dâng hôm nay thật đơn sơ và đẹp, đó là hai chùm bong bóng, những chiếc lồng đèn, hai giỏ hoa và nến. Đơn sơ và đẹp vì nó được bàn tay của các thiếu nhi dâng lên trong niềm thành kính, tin yêu.

Sau thánh lễ, cha chủ tế làm phép bánh. Thật là vui khi chú Cuội Hằng Nga của nhóm Bông Hồng Xanh xuất hiện ( http://www.youtube.com/watch?v=h8yJcZdLH34 ). Bằng hình thức phóng viên phỏng vấn chú Cuội chị Hằng, các em thiếu nhi rất thích thú về các câu hỏi đáp:

“ – Chú Cuội và chị Hằng có phải là một gia đình trên cung trăng không?

- Không đâu! Chúng tôi chỉ là bạn, một tình bạn thật là đẹp! Nếu chúng tôi là một gia đình thì ngày nay trên cung trăng có khá nhiều người và nhiều trẻ em lắm rồi!

- Tại sao chị hằng không già, không xấu đi mà trẻ đẹp lâu như vậy?

- À, chị thường làm việc tốt, giúp đỡ nhiều người nên chúa mới cho trẻ đẹp như vậy! Sắc đẹp phải gắn liền với lòng mến mới tồn tại!

- Ngươì ta thường nói: “nói dối như Cuội!” bây giờ chú còn nói dối hay nói xạo nữa không?

- Trước đây chú Cuội hay nói dối nói xạo, nhưng từ lúc lên cung trăng không còn nói dối……mà làm từ thiện!

- Mỗi một năm chú Cuội chị Hằng xuống trần gian chơi với các em có một ngày rằm tháng 8, còn 364 ngày kia chú làm gì?

- À, ngày nào chú cũng làm việc, chú sản xuất lúa gạo, đồ dùng…gửi xuống trần gian bằng Appolo để giúp người ta.

- Chú Cuội chị hằng có được học giáo lý không? Và thờ phượng Chúa như thế nào?”

Bỗng có câu hỏi của một em bé vang lên: “Nhà thờ của con chưa xây thì làm sao xây được?” Chú Cuội trả lời: “Chắc là để chú về bán cung trăng đi được mấy tỷ để xây nhà thờ nghen!”. Các em thích quá, cứ vỗ tay rào rào. Nói chung, chú Cuội chị Hằng trả lời tung hứng theo câu hỏi, rất sinh động. Và sau cùng là tặng các em bài hát “Đứng nói mày, tao”. Bài này tuy cũ với chúng tôi nhưng lại mới với các em ở đây. Cha xứ thích bài này quá, bắt thiếu nhi hát đi hát lại mấy lần. Rồi các em được phát quà, bong bóng, nhận vé số. Trước khi sổ số trúng thưởng, cha xứ muốn các em rước đèn ra ngoài đường cái.

Thế là con lân màu xanh đi trước, chú Cuội chị Hằng đi sau, nối tiếp là các em thiếu nhi. Đặc biệt các lồng đèn lớn như thuyền, cá chép, kéo quân đều có bánh xe cũng được kéo đi, thế là đoàn rước đèn Trung Thu hoành tráng đến bất ngờ, đi một đoạn đường dài rồi quay trở lại sân khấu.

Vì háo hức mong trúng thưởng với tấm “vé số” trên tay nên các cháu và người lớn lại tụ tập đông đủ, rất trật tự sau khi rước đèn, thật đáng khen cho thiếu nhi ở đây! Chương trình sổ số do nhóm Bông Hồng Xanh thực hiện, cha và quí ông trùm lên bốc xổ số rất “trịnh trọng”. Vui quá là vui với 20 giải “mười ngàn đô-la”, một vài giải “hai chục ngàn đô-la” và một giải độc đắc “năm chục ngàn đô-la”. Giản dị mà cười quá trời! Cái màn “xổ số và bong bóng” bao giờ cũng sinh động. Chắc là năm sau chúng tôi sẽ cho chú Cuội nhảy “hip hop” và chị Hằng nhảy điệu val của Pháp cho vui hơn.

Sau cùng, cha cho các cháu hát bài “Trái đất này là của chúng mình” và cảm ơn Chúa, nhóm Bông Hồng Xanh để kết thúc một đêm trăng rằm vui vẻ, thành công vì không mưa gió.

Chúng tôi ăn cháo gà với cha và quí ông trùm rồi lên xe về lúc 22 giờ 00. Đến gần 24 giờ 00 chúng tôi mới về nhà mà xe cộ vẫn đi lại trong lòng thành phố Sài Gòn, một Sài Gòn thức rất khuya và trỗi dậy mệt mỏi.

Xin cảm ơn ánh trăng vàng tuyệt đẹp của Chúa. Xin cảm ơn những lời cầu nguyện chân thành cho các cháu thiếu nhi Việt Nam được vui Trung Thu vui vẻ, khô ráo và an lành.