Ngày Thứ Hai 24 -11-2010
Buổi chiều


Chủ đề: GIÁO HỘI VIỆT NAM VÀ SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

14g30: Đọc Kinh Chiều chung, sau đó các nhóm thảo luận theo các câu hỏi của phần 3 về Sứ Vụ với nhiều chủ đề khác nhau:

1. Khi nói về sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Giáo Hội Việt Nam phải thực thi, trong hiện trạng Giáo Hội và xã hội tại Việt Nam, anh chị nhận thấy phải nhấn mạnh hơn điểm gì?

2. Chủ đề truyền giáo
- Tài liệu làm việc xác định truyền giáo không phải là một hoạt động thêm vào những hoạt động khác, nhưng là yếu tố thấm nhập và chuẩn mực lượng giá mọi hoạt động và mọi lãnh vực. Anh chị có đề xướng nào để đưa tinh thần truyền giáo vào trong chương trình đào tạo nhân sự từ cấp địa phương đến địa phận và quốc gia?
- Để rao giảng Tin Mừng tại Á châu nói chung và tại Việt Nam nói riêng được hữu hiệu, nhất thiết phải gắn kết với đối thoại văn hóa, đối thoại liên tôn và đối thoại với người nghèo. Anh chị có những đề xuất gì về điều này?

3. Chủ đề giáo dục
- Làm thế nào để việc giáo dục nhân bản, tri thức, thiêng liêng và tông đồ cho các thanh thiếu niên trở thành quan tâm mục vụ thiết yếu trong Giáo Hội tại Việt Nam (địa phương, giáo phận và quốc gia)?
- Chất lượng của một nền phúc âm hóa sâu xa và vững chắc đi liền với việc giáo dục. Vậy, mỗi cộng đoàn Kitô hữu tại Việt Nam có thể tạo nên những ‘sân chơi’ lành mạnh nào cho các thanh thiếu niên?
-Giáo Hội tại Việt Nam có thể đóng góp gì cho nền giáo dục tại Việt Nam (thí dụ: hội thầy cô Công Giáo, tái lập quỹ khuyến học giáo xứ, vốn đã có từ thời xa xưa, v.v.)?

4. Chủ đề gia đình: Cộng đoàn Giáo Hội (giáo xứ, giáo phận, quốc gia) có thể đề ra những kế hoạch mục vị nào về gia đình, nhất là các gia đình trẻ, trong bối cảnh xã hội tục hóa hiện nay?

5. Chủ đề bác ái: Mặc dù những đáp ứng cấp thời trước những nhu cầu thiết yếu của dân nghèo luôn cần thiết, anh chị có đề nghị gì về một kế hoạch lâu dài trong việc thực thi bác ái của Giáo hội VN trên bình diện giáo xứ, địa phận và quốc gia?

6. Chủ đề công bằng xã hội
- Giáo hội tại Việt Nam có thể làm gì để bảo vệ phẩm giá và quyền của con người, nhất là của những người nghèo và bất hạnh?
- Làm thế nào để đào luyện lương tâm người tín hữu Việt Nam biết quan tâm đến công bằng và công ích?

7. Chủ đề di dân: Theo ‎ anh chị, Giáo hội tại Việt Nam nên có đường hướng chung và kế hoạch thống nhất nào cho việc mục vụ di dân trong nước và hải ngoại?

8. Chủ đề Truyền thông xã hội: Giáo hội phải sử dụng những phương tiện truyền thông Chúa ban như một tăng phẩm qu‎í giá để loan báo tin mừng và xây dựng văn hóa tình thương. Giáo hội Việt Nam có thể làm gì để cung ứng một nền giáo dục về truyền thông cũng như giúp giới trẻ sử dụng tốt đẹp các phương tiện truyền thông này? Gia đình và các công đoàn Giáo hội có thể cộng tác với nhau như thế nào trong sứ vụ cấp bách này?

Đại hội Dân Chúa: Chiều & tối 24.11.2010

17g30: Đúc kết chung, mỗi nhóm cử một người lên đúc kết ngắn gọn trong 3 phút.

Nhóm 1: Giáo Hội cần mạnh dạn hơn về giáo dục. (Sau khi phát biểu, Nhóm 1 đã tặng quà cho Đức cha Tôma Hiệu là GM Đặc trách UB Giáo dục của HĐGMVN).

Nhóm 2: Giáo Hội Việt Nam còn thiếu sự hiệp nhất trong một số lãnh vực. Cần lưu tâm hơn các vấn đề:
- Phụng vụ
- Giáo luật
- Tôn trọng bảo vệ sự sống

Nhóm 3: nhóm có 2 điểm nhấn:
- Cần có kế hoạch đường hướng xuyên suốt
- Chú trọng truyền giáo ad-intra: Tái Phúc Âm hoá, ad-extra: các nhóm dấn thân xã hội.

Nhóm 4: Nhấn mạnh sự hiệp thông: canh tân bí tích Giao hoà, linh mục cần trực tiếp dạy giáo lý. Cần “Mục vụ bà bầu” để bảo vệ sự sống... Chôn cất thai nhi (khoảng 42 nghĩa trang anh hài công giáo). Cần có các phòng đọc thiếu nhi, lưu xá sinh viên, mục vụ tù nhân, ban mục vụ hoà giải, mục vụ di dân… những đóng góp xây dựng gia đình Giáo Hội này là trách nhiệm của toàn dân Chúa.

Nhóm 5: Cần quan tâm mục vụ gia đình, xây dựng những cộng đoàn gia đình cơ bản, ủng hộ các sáng kiến. Xã hội / Công bằng: triển khai học thuyết Xã Hội Công Giáo. Cần các Văn phòng mục vụ di dân – phổ biến sách báo công giáo.

Nhóm 6: Nhất trí với Tài Liệu Làm Việc, nên nhấn mạnh thêm giáo dục lương tâm. Đề nghị cụ thể: giáo dục nhân bản, quan tâm huấn luyện tu sinh, chủng sinh, mở nhà lưu xá. Cấp giáo xứ: tận dụng đoàn thể, phong trào. Cấp gia đình: chú ý trách nhiệm và tự do, giáo dục lương tâm từ nhỏ, cổ võ các chương trình truyền thông lành mạnh, thi sáng tác thi ca, nghệ thuật…

Nhóm 7: Xác định truyền giáo tại Việt Nam là loan báo Chúa Giêsu bằng đời sống yêu thương. Cần đưa tinh thần truyền giáo vào gia đình: quỹ truyền giáo, cầu nguyện và hy sinh, đối thoại với người nghèo, quan tâm đồng bào sắc tộc. Về giáo dục: kiến nghị để tham gia phục vụ giáo dục + y tế, quỹ khuyến học, quy tụ thầy cô giáo dạy thêm cho các em phối hợp với giáo lý. Có lớp huấn nghệ, tổ chức quỹ tín dụng, để giáo dân đứng. Cần đào luyện lương tâm: thành thật và công bằng, dạy trong gia đình và giáo lý hôn nhân. Mục Vụ di dân: kết hợp nơi đi + nơi đến.

Nhóm 8: Nên đặt ra những ưu tiên để thực hiện, có lượng giá cụ thể ở các cấp. Nhóm đề nghị 5 ưu tiên:
• lên tiếng về các vấn đề bảo vệ sự sống + môi sinh,
• lên tiếng về các vấn đề công lý hoà bình,
• huấn luyện lương tâm,
• cẩm nang hướng dẫn hội nhập văn hoá,
• chú trọng sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại / huấn luyện đức tin và luân lý cho giới trẻ.

Nhóm 9: Điểm nhấn công bằng xã hội.
- Ưu tiên phục vụ: người nghèo và bất hạnh.
- Đào tạo và chương trình mục vụ thăng tiến con người, dấn thân trăn trở hơn, mạnh mẽ bênh vực công lý cả những vấn đề nhạy cảm.
- Trao đổi thông tin tạo hiệp nhất trong Giáo Hội.

Nhóm 10: Đề nghị sứ điệp kết thúc Đại hội nhắc đến vấn đề thiên tai, quyên góp lũ lụt cuối Đại hội. Nhóm mạnh dạn đưa ra các đề nghị:
1. Đề nghị Nhà Nước để Công giáo đóng góp trong giáo dục.
2. Đại hội cần lên tiếng về vấn đề đất đai. GM địa phương lên tiếng về vấn đề công bằng xã hội, và trao đổi với Uỷ Ban GM liên hệ, đồng thời cần có chuyên viên cố vấn.
3. Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể cần có quy chế và chương trình chung.
4. Truyền giáo bằng Loan báo Tin Mừng + cầu nguyện hy sinh, ý thức quyền tự do tôn giáo.
5. Truyền thông: dự án phần mềm quản lý nhân sự chung cho các giáo phận.

Nhóm 11: Sứ vụ có 2 ý nghĩa:
1. Dấn thân phục vụ như cha ông đã làm và rất thành công.
2. Ngày nay sứ vụ được hỗ trợ bằng những nguyên tắc mới: Thiên Chúa là tình yêu – bản chất Giáo Hội là đời sống phụng tự, hoạt động bác ái và sứ vụ truyền giáo.
Bác ái dựa vào sự thật. Hiện nay còn nhiều người nghèo... Xã hội bất an, người Việt Nam nhiều tật xấu, muốn sửa cần giới thiệu các giá trị Tin Mừng, phản ánh Thiên Chúa nguồn chân thiện mỹ. Đề nghị soạn Cẩm nang hướng dẫn.

Nhóm12: Truyền giáo của Giáo Hội trong bối cảnh hiện nay: tinh thần đồng trách nhiệm, mỗi gia đình liên kết với 1 gia đình ngoài Công giáo, hội nhập cùng thao thức vui buồn. Truyền giáo là trách nhiệm của mọi Kitô hữu.

Nhóm 13: Quan tâm nhiều giáo dục thiếu nhi: mở ra các sân chơi lành mạnh, câu lạc bộ, phòng internet... Cần có kế hoạch tìm việc cho sinh viên ra trường. Làm những câu chuyện hoạt hình, minh hoạ giúp hiểu Kinh thánh. Giáo dục việc làm dấu thánh giá. Làm Karaokê thánh ca giúp giới trẻ hiểu Kinh thánh. Lập Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể trong mọi Giáo phận.

Nhóm 14: Chủ đề giáo dục nhân bản từ gia đình, đào tạo nhiều giáo lý, có bộ sách giáo lý chung cho toàn quốc, tạo sân chơi cho người trẻ, quyền mở trường, có phát ngôn viên về công lý hoà bình, tìm chuyên viên các lãnh vực, đặc biệt về pháp luật cần thông thạo luật. Về thông tin xã hội: nên thiết lập mạng lưới truyền thông mạnh mẽ hướng dẫn dư luận

Nhóm 15: Quan tâm sứ vụ Loan báo Tin Mừng nhấn mạnh tái Phúc Âm Hoá: cần hiểu Lời Chúa, thực hiện bác ái Kitô giáo, tông đồ giáo dục, xin các linh mục tin tưởng giao việc, cung cấp kiến thức. Gây ý thức trách nhiệm truyền giáo cho mọi thánh phần dân Chúa, đối thoại văn hoá và đối thoại liên tôn, trực tiếp tiếp cận Lời Chúa, bổ sung các phương tiện tinh thần vật chất cho người tham gia làm việc. Cần hỗ trợ chuyên môn cho giới giáo chức, tránh xa những tiêu cực, dạy vì lương tâm đạo đức, không là phản chứng cho các giá trị Tin Mừng. Tận dụng các phương tiện truyền thông, xây dựng tài nguyên dùng chung, phần mềm chuyên môn dạy nhân bản...

Nhóm 16: Lưu ý giáo dục, cần nhấn mạnh song hành giáo dục nhân bản và đức tin cho mọi lứa tuổi: nhà trẻ, thiếu nhi thiếu niên cần đoàn ngũ hoá, thanh niên nên tạo sân chơi lành mạnh, thống nhất nội dung giáo lý các cấp toàn quốc tránh những hiểu lầm do không đồng bộ. Giáo dục chỉ hiệu quả khi nối kết chặt chẽ với gia đình. Những đề nghị trên cần cộng tác giữa gia đình và giáo xứ mà vai trò cha xứ rất quan trọng.

18g15: ĐTGM Stêphanô tổng kết: chúng ta cảm nghiệm được tình gia đình hiệp thông, các đại biểu đóng góp con tim khối óc, nhiều tâm nguyện thao thức trăn trở biểu lộ lòng yêu mến Giáo Hội, ước mong xây dựng Giáo Hội cách tích cực. Chúng ta cử hành ĐHDC, chứ không chỉ dự họp, trao đổi trong bầu khí suy tư và cầu nguyện, lắng nghe và chia sẻ huynh đệ. Chúng ta cám ơn Chúa, cám ơn nhau, đặc biệt TGP Sài gòn.

Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm: “Ngày hôm nay mỗi nhóm đúc kết, dự kiến hết 1g 30 phút, nhưng không ngờ lại nhanh hơn mấy ngày trước. Đức cha Nha Trang nhiều lần chưa kịp lắc chuông người báo cáo đã nói xong rồi. Người vui nhất là Đức cha Tôma Hiệu, vì không ai được quà trừ ngài...”

Sau đó Phêrô mời Đức Cha Giuse Thống hát một bài tặng Đại hội. Bài hát “Tôi mơ” là bài ca rất dễ thương, Đức Cha Giuse đã hát tặng cho Đại hội...

18g40: Mọi người hân hoan tham dự Hội Chợ ẩm thực. Nhiều người đã tận dụng cơ hội này để giao lưu chia sẻ kết nối tình thân.

(Nguồn: daihoidanchua.net, November 24, 2010)