NGHỆ AN - Trên con đường lênh đênh truyền giáo, điểm đầu tiên các thừa sai nước ngoài đặt chân đến giảng đạo là các cửa biển. Cũng như cửa Cờn, cửa Quèn, cửa Lò, cửa Hội ở Nghệ An và cửa Gianh Quảng Bình; cửa Sót – Hà Tĩnh là nơi vinh dự đón nhận Phúc âm sớm. Hạt giống Đức tin bên bờ biển Đông ngày nào đã vươn lên trở thành một giáo xứ lớn mạnh và trổ sinh nhiều hoa trái ngọt ngào.

Xem hình ảnh

135 năm xây dựng và trưởng thành

Thành lập năm 1875 nhưng trước đó, Trung Nghĩa đã là một giáo điểm truyền giáo phồn thịnh tại miệt ven biển Hà Tĩnh. Sử liệu chép lại trên chuyến hải hành rời Đàng Ngoài, thừa sai Đắc Lộ và đoàn có ghé thăm gia đình hai giáo dân tên là Phêrô và Anrê tại Cửa Sót trước khi lên đường vào Nam. Tại đây, Ngài đã rửa tội thêm được rất nhiều người tạo nên một cộng đoàn tiền thân giáo xứ Trung Nghĩa vững mạnh.

Đến giai đoạn Cần Vương khởi nghĩa, Trung Nghĩa lúc này đã thành lập và trở thành mục tiêu của Văn Thân nơi đây. Sau khi nhận được lệnh tiêu diệt công giáo ngày 20.10.1886 từ phía triều đình Hàm Nghi, Văn Thân đã mang một lực lượng gồm 6000 dân quân tiến đánh làng Trung Nghĩa. Bằng một cuộc kháng cự oanh liệt chỉ với 200 nam giáo dân đã đẩy lui khiến địch quân phải thua chạy. Sự kiện đó đã trở thành điểm son chói lọi bồi đắp thêm lòng cậy mến vào tình yêu Chúa.

Truyền thống lịch sử đã xây dựng một Trung Nghĩa mạnh về Đức tin, mạnh về tổ chức và các đoàn thể. Tính đến cuối năm 2008, với con số giáo dân lên tới 7809 người; Trung Nghĩa là giáo xứ lớn nhất tại Hà Tĩnh. So với toàn Giáo phận, giáo xứ đứng ở vị trí thứ tư sau Thanh Dã (11.142), Thuận Nghĩa (10.876) và Xã Đoài (8.308).

Đại đa số dân cư xứ đạo vẫn sống bằng nghề truyền thống là đánh bắt cá ven bờ. Một số hộ đã mở rộng việc nuôi trồng thủy sản, đóng tàu lớn và kinh doanh dịch vụ thu lại nguồn lợi lớn. Dân cư Công giáo sống tập trung tại các họ Trị sở, Kim Đôi, Trung Cự và Xuân Hải thuộc địa bàn hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim, trung tâm của huyện mới Lộc Hà.

200 em học sinh lãnh nhận bí tích Thêm sức

Sinh sống trên một mảnh đất giàu truyền thống đạo hạnh đó, giới trẻ trong xứ đã được nuôi dưỡng trong Đức Tin và lòng yêu giáo hội. Dù lập nghiệp ở nhà hay mưu sinh trên mọi nẻo đường, người Trung Nghĩa vẫn giữ được nét quê. Cộng đoàn đồng hương Trung Nghĩa tại miền Nam đang lớn mạnh và có nhiều sinh hoạt mang nhiều lợi ích thiết thực.

Quê hương cũng đã sản sinh nhiều người con ưu tú đang nắm giữ nhiều trọng trách trong xã hội và xã hội. Nơi đây có trên dưới 20 linh mục, gần 15 chủng sinh và nam nữ tu sỹ; nhiều người con Trung Nghĩa khá thành đạt ngoài xã hội, có nhiều đóng góp cho giáo hội như bác sỹ Dâng (Giám đốc Bệnh viện Đông Y Hà Tĩnh), bác sỹ Hanh (Bệnh viện Đông Y Nghệ An), doanh nhân Lê Dinh...

Giới trẻ Trung Nghĩa dưới sự điều hành của linh mục tiền nhiệm và hiện tại là cha xứ Phaolô Nguyễn Đức Vĩnh tiếp tục phát huy được những mặt tốt đẹp của cha anh đi trước và giữ cho mình trước những cám dỗ của lối sống hưởng thụ. Phong trào học tập văn hóa và giáo lý được thúc đẩy, con số sinh viên các trường chiếm tỷ lệ lớn.

Trong thánh lễ ban Thêm sức cho gần 200 em trong xứ diễn ra buổi sáng ngày 9.12.2010, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã biểu dương truyền thống lịch sử của giáo xứ. Đức Cha Phaolô cảm thấy rất vui khi các câu hỏi về các vấn đề giáo lý, xã hội mà Ngài đưa ra đều được các em học sinh trả lời mạch lạc, đúng trọng tâm và nhất là thể hiện được niềm tin vào Giáo hội cũng như đời sống tu trì.

Trước lúc cử hành thánh lễ, cộng đoàn đã dành thời gian tưởng niệm linh mục Gioan Trần Thanh Lan vừa được Chúa gọi về lúc 5h45’ cùng ngày. Cha Gioan là người con ưu tú của giáo họ Kim Đôi, hiện quản xứ Lộc Mỹ. Trên đường Ngài về quê tham dự thánh lễ đã bị tai nạn giao thông trên tuyến đường 22.12 thuộc địa bàn xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, cách đều hai giáo xứ Gia Hòa và Cam Lâm chừng 5km.