Linh mục là ai?

Có nhiều định nghĩa về linh mục. Theo truyền thống, thì linh mục là mục tử, dựa trên hình ảnh của Chúa là đấng chăn chiên lành; là alter Christus, nghĩa là Đức Kitô đệ nhị vì ngài thi hành các bí tích thay mặt Chúa Giêsu; là môn đệ theo Chúa. Theo lối mới, linh mục là người Chúa gọi và chọn, thi hành ba nhiệm vụ căn bản trong Giáo hội: điều hành, giảng dậy và tư tế. Linh mục là người phục vụ, và Giáo hoàng là tôi tớ của các tôi tớ Chúa (servus servorum Dei). Vị giáo hoàng đầu tiên dùng cụm từ “tôi tớ của các tôi tớ Chúa” là thánh Gregory I (590-604). Vào thời đó, bị ảnh hưởng trần tục, tổng giám mục thành Constantinople là John the Faster chọn tước hiệu Giáo phụ Toàn Cầu (Ecumenical Patriarch). Đức giáo hoàng Gregory nhận tước hiệu khiêm hạ để chỉ vai trò và chức tước của người thay mặt thánh Pherô ở Roma. Sau đó, các vị giáo hoàng khác đôi khi cũng dùng tước hiệu này. Đến thế kỷ thứ 9 thì các vị giáo hoàng dùng thường xuyên hơn. Có vẻ “hay hay” vài hoàng đế Âu châu thời trung cổ cũng nhận mình là tôi tớ các tôi tớ. Từ thế kỷ thứ 12, cụm từ dành riêng cho Giáo hoàng. Sau công đồng Vatican II, các vị giáo hoàng dùng tước hiệu này rất thường xuyên thay vì những cụm từ khác quá nghi thức và trần thế.

Một định nghĩa mà nhiều người hiện nay, nhất là các bạn trẻ, ưa thích “linh mục là người bình thường có ơn gọi thần thiêng.” (Priests are “the ordinary people with a holy call.”)

Đúng vậy, linh mục là người bình thường như muôn vàn người khác. Theo kiểu nói Á đông, thì vẫn còn hỉ, nộ, ái, ố, thất tình, lục dục và khuy‎ết điểm. Trong khi cần giảng hay nói giỏi, có vị nói “cà lăm,” lắp bắp; cần điều hành tốt, thì trước khi đi tu, đứng gần bét các môn kinh tế và quản trị; cần xuất sắc với vai trò tư tế, tức là cử hành bí tích, thì “luống ca luống cuống, lập cà lập cập” trước đám đông. Có vị gặp người khác phái, run lẩy bẩy như thằn lằn đứt đuôi. Ngược lại, có vị bị phê bình, là nói chuyện cứ tươm tướp, dòn như pháo rang. Vị khác luôn xưng mình là cha, dù nói chuyện với các cụ lớn hơn cả tuổi bố mẹ mình. Lại đôi khi đi vào “lịch sử” cách không oai hùng cho lắm. Việt Nam chúng ta có nhiều đời vua, nào Tiền Lê rồi Hậu Lê, nào Tiền Lý rồi Hậu Lý. Tiền đây nghĩa là trước, nay bị ghép vào tên riêng các ngài thành ra tiền bạc.

Nhưng linh mục là người có ơn gọi thần thiêng. Điểm quan trọng, làm sao nhận ra ơn gọi thần thiêng? Phải chăng trong giấc ngủ, Chúa hiện ra và nói “cha chọn con” hay một dấu chỉ hữu hình cho thấy ứng viên là linh mục? Đã có nhiều câu truyện rất “thơ mộng” về ơn gọi, nhưng hình như trong vạn người, mấy ai được như vậy? Vài vị quả quyết “nếu Chúa chọn làm linh mục, dù ở trong bụi tre, Chúa cũng lôi ra.” Hỡi ơi, trên thực tế thì chưa thấy ai ở trong bụi tre mà Chúa gọi ra bao giờ, chỉ bị tre cào rách mặt thì nhiều!!!

Làm cách nào nhận ra ơn gọi thần thiêng?

Ứng viên, khi bước lên đại chủng viện, cùng với văn hóa và hiểu biết trần thế, lưu tâm đến ba khía cạnh quan trọng “tu đức, trí thức và mục vụ.” Bên cạnh ba khía cạnh này, Hội đồng Giám mục Hoa kỳ trong “Priestly Formation Program” (PPF) nhấn mạnh huấn luyện nhân bản. Mục đích huấn luyện nhân bản giúp ứng viên nhận ra mình và tha nhân cùng nhịp cầu nối kết chứ không cản trở nhau. Nói cách khác, không sợ tha nhân, và không coi bản thân hoặc tha nhân như cơn cám dỗ. Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II đưa ra tiêu chuẩn huấn luyện qua “Pastores Dabo Vobis.” Nếu ứng viên nhận thấy hội đủ điều kiện như học vấn -ít là trung bình- chấp nhận sống đời thanh khiết, vâng phục quyền bính, không mê thích của cải trần thế, không đi tu trốn nợ đời, thì như vậy, có dấu hiệu làm linh mục, tức là ơn gọi thần thiêng.

Các loại linh mục: triều và dòng.

Khi đi tu, ứng viên lựa chọn một trong hai lối sống: triều hoặc dòng. Linh mục triều chú trọng mục vụ nơi xứ đạo, còn linh mục dòng, với ơn đặc sủng, thường chú tâm đến sinh hoạt liên xứ đạo, liên địa phận, như truyền giáo, cấm phòng chung, dậy học, truyền thanh, truyền hình, báo chí.. Linh mục triều ngày xưa còn được gọi là các cha quan triều. Lý do, các ngài đội mũ ba chòm trong giống mũ các quan. Lại có người giải thích quan triều vì làm quan cho Chúa. Linh mục triều tuyên thệ thanh khiết và vâng phục giám mục. Với nhu cầu mục vụ, ngài có quyền tư hữu sống độc lập. Còn linh mục dòng thì chung sống trong cộng đoàn. Nhà dòng đặt nền tảng trên đời sống chung và ba lời khuyên phúc âm, vâng lời, thanh sạch và thanh khiết, nên tu sĩ khấn ít là ba lời này. Tuy nhiên, thời nay, luật lệ về tư hữu và sống chung nơi linh mục dòng không đòi hỏi như xưa. Nhiều dòng cho phép tu sĩ ở riêng và sở hữu một số bất động sản thiết yếu như xe cộ, sách vở, quần áo, máy móc…

Số linh mục trên thế giới.

Dù là triều hay dòng, các vị được gọi chung là linh mục. Theo số thống kê hằng năm gửi đến tòa thánh, và do trung tâm CARA nghiên cứu tôn giáo của đại học Georgetown phổ biến, hiện có khoảng 408. 024 linh mục trên toàn thế giới.


* Tính theo triệu người.

• Bình quân, một linh mục coi sóc mục vụ hơn 3. 500 người Công giáo.

Tổng số linh mục không khác biệt nhiều tính từ năm 1970 đến 2007. Hơn thế nữa, hiện đang có chiều hướng ổn định và đi lên, nếu nhìn đến số tân linh mục (6.660 vị vào năm 2007). Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số tín hữu gia tăng rất nhanh. Từ 653.600.000 vào năm 1970 thành 1.147.000.000 người, tức là gần gấp đôi. Riêng số thống kê dành cho tu sĩ nam nữ là:


Như vậy, tổng số nam nữ tu sĩ giảm rất nhiều.

Riêng tại Hoa kỳ, thống kê như sau:


* Tính theo triệu người.

• Bình quân, một linh mục coi sóc mục vụ 6. 200 người Công giáo.

Còn tại Việt Nam, theo tài liệu của tổng giáo phận Huế thì:


• Bình quân, một linh mục Việt Nam coi sóc mục vụ 1. 600 người.

Các giáo phận có nhiều linh mục nhất tại miền Nam là tổng giáo phận thành phố Sài gòn (Hồ chí Minh) với 610; miền Trung là Nha Trang 179 và miền Bắc là Bùi chu 224. Tuy nhiên, nếu tính cả linh mục dòng không làm việc trực tiếp cho giáo phận, có lẽ con số còn cao hơn?

Mục vụ linh mục.

Như đã nêu trên, ba bổn phận chính của linh mục là tư tế (munus liturgicum,) giảng dậy (ngày trước gọi là tiên tri -munus docendi-) và điều hành (ngày trước gọi là vương giả -munus regendi-).

• Bổn phận tư tế. Bổn phận này tập trung vào bí tích mà phổ thông nhất là bí tích thánh thể và giao hòa, tức là dâng lễ và giải tội.

• Bổn phận giảng dậy. Linh mục có trách nhiệm rao giảng và dậy dỗ lời Chúa. Cùng với giám mục, ngài là người thay mặt Giáo hội giải thích Thánh-Kinh, lời Chúa và các giáo huấn của Giáo hội.

• Bổn phận điều hành. Có lẽ không gì rõ nét cho bằng lời dậy dỗ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolo II gửi đến giám mục hai tiểu bang Pensylvania và New Jersey dịp “Ad Limina” vào năm 2004 do hãng thông tấn Zenith đăng tải. “Dựa trên nền tảng tốt đẹp của bổn phận “munus regendi” (điều hành) và với những thách đố của tân truyền giáo…vị giám mục, trước hết cần phải là một chứng nhân, một bậc thầy và là người điều hành khôn ngoan tài sản của Giáo hội..tất cả những gì vị giám mục nói và làm, diễn đạt uy quyền của lời nói và việc làm của Chúa. Anh em không chỉ là người kế vị các tông đồ với quyền bính và năng lực, nhưng trên hết, cần là chứng nhân qua đời sống tông đồ.”

Nếu giám mục có trách nhiệm “munus regendi” nơi giáo phận, thì linh mục cũng có bổn phận như vậy trong giáo xứ mà mình được bổ nhiệm.

Sau khi hội đủ đòi hỏi cần thiết và căn bản trong đại chủng viện, linh mục cần tiếp tục cập nhật hóa khả năng, qua khóa thường huấn do giáo phận hoặc dòng tu tổ chức. Khóa thường huấn không chỉ giúp linh mục giảng dậy hay và chính xác, mà còn hoàn thiện thêm bổn phận tư tế và điều hành. Nên nhìn nhận nơi đây, việc tham dự các khóa thường huấn không được chú trọng cho lắm. Đây là điểm đáng buồn. Thực tế cho thấy nhiều giáo dân tiếp tục cập nhật hóa hiểu biết về thần học, thánh kinh và mục vụ, trong khi bậc chủ chăn sống những “giáo huấn” của vài chục năm về trước. Chính vì vậy nhiều ngộ nhận đã xẩy ra.

Bổn phận linh mục với giáo xứ.

Bổn phận tư tế, giảng dậy, điều hành rất rõ nét trong mục vụ nơi xứ đạo.

• Bổn phận tư tế nơi giáo xứ. Vì Giáo hội Công giáo điều hành theo hệ thống kim tự tháp, nên xứ đạo là xương sống của giáo phận, và giáo phận là xương sống giáo hội. Giáo xứ hằng ngày có thánh lễ, hàng tuần có bí tích giải tội. Tang ma, hôn nhân, hội họp, sinh hoạt, ngay cả không thuộc phạm vi tôn giáo, cũng ở giáo xứ. Nhiều chức sắc tôn giáo bạn tỏ vẻ ngưỡng mộ lòng sùng đạo của giáo dân Công giáo. Thánh lễ Chúa nhật đầy chật nhà thờ. Trong khi đó, trừ những dịp đặc biệt như Tết, Trung thu, Ngày Vía, các tín đồ mới đến nơi thờ phượng. Bên cạnh bí tích là những phụng vụ tôn giáo –có khi được gọi là “á bí tích”- như chầu thánh thể, phụng vụ các giờ kinh, ngắm đàng thánh giá, lần hạt..Đa số đoàn thể Công giáo tiến hành đều quen thuộc với sinh hoạt phụng vụ này.

• Bổn phận giảng dậy. Giáo xứ khác nhau không chỉ vì cấu trúc và văn hóa, nhưng còn do khả năng Chúa ban cho các vị mục tử khi giảng dậy. Một giáo xứ có các cha soạn bài giảng kỹ lưỡng cộng thêm với năng khiếu truyền đạt tư tưởng sẽ thu hút nhiều người nghe hơn. Một số dòng tu chú trọng giảng thuyết và dùng giảng thuyết như phương tiện truyền giáo chính. Địa phận St. Peterburgh bang Florida, số báo ngày 12-12-2009 khuyên linh mục nên chuẩn bị bài giảng ít là trước một tuần để vừa sống, vừa chiêm niệm và soạn bài. Ngoài ra, thăm dò cho biết, bài giảng trung bình vừa đủ để người nghe ghi nhớ là khoảng từ 10-13 phút. Có lẽ cần ghi nhận nơi đây sự khác biệt giữa bài giảng của mục sư tin lành và linh mục Công giáo. Linh mục Công giáo soạn bài giảng (homily) theo khuôn mẫu phụng vụ. Còn mục sư tin lành soạn bài giảng theo chủ đề (sermon). Chủ đề có thể dựa trên khía cạnh xã hội, mục vụ, triết lý và Thánh-Kinh. Tuy nhiên, thực sự thời giờ mục sư dành cho soạn bài giảng 20 tiếng cho một tuần! Bên cạnh chú ý đến bài giảng như trung tâm phụng vụ, lợi điểm nữa nơi mục sư là họ nhận được sự góp ý chân thành và nâng đỡ từ gia đình. Thường thường mục sư “giảng” cho vợ con –có khi nhiều lần- nghe trước khi giảng cho cộng đoàn. Vợ con hiểu thì cộng đoàn hiểu? Còn nơi linh mục Công giáo thì không rõ thống kê thực tập bao nhiêu lần và dành bao nhiêu giờ cho bài giảng!!!

• Bổn phận điều hành nơi giáo xứ. Đây là thách đố lớn nữa nơi các linh mục. Một mặt các ngài cố tránh khỏi ràng buộc của vật chất, mặt khác cần rành rẽ điều hành, mà có điều hành nào không liên quan đến vật chất? Hơn thế nữa, chủng viện không dậy quản trị kinh doanh, đến lúc làm cha xứ thì phải lo cả kinh doanh lẫn quản trị. Vào thời buổi kinh tế khó khăn, cha xứ bận tâm lo tài chánh. Không đủ chi thu thì không thể điều hành giáo xứ tốt đẹp; muốn đủ chi thu thì phải nói đến tiền; nói đến tiền thì rất dễ bị gắn thêm bảng hiệu tiền vào tên mình. Bên cạnh đó, còn trăm thứ phải lo, nào là thuế má, tu bổ, sửa sang, xây dựng, trả các thứ “bill,” bảo hiểm. Đấy là chưa kể đến một vài thuế khác đóng cho địa phận ngoài số phần trăm dựa trên tiền thu nhập hằng năm. Tưởng cũng nên biết, ý nhất có 3 loại cần nộp cho địa phận hằng năm: thuế dựa trên lợi tức giáo xứ, tiền truyền giáo (DSF –Diocesan Service Fund hoặc DDF –Diocesan Development Fund), và tiền phí tổn trả cho nhân viên thu tiền của mình !!! Nhiều cha xứ than phiền về loại đóng góp cuối cùng. Đã phải đóng tiền mà còn trả tiền cho việc đóng tiền. Đương nhiên hàng năm địa phận thường xuyên cử nhân viên xuống kiểm soát sổ chi tiêu, tài sản cách kỹ lưỡng. Nhân viên không là người của địa phận người là của công ty tư nhân độc lập, nhờ vậy, các nhận xét và phê bình mang tính cách khách quan.

Bên cạnh các bổn phận chính, một giáo xứ sinh động nhờ sinh hoạt trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến giáo xứ. Nhiều địa phận phân chia đoàn thể hoặc ủy ban làm nhiều loại:

• Ủy ban phụng vụ: đây là những hội đoàn trực tiếp liên quan đến sinh hoạt phụng vụ như ca đoàn, đọc sách thánh, thừa tác viên thánh thể ngoại lệ, giúp lễ.
• Ủy ban điều hành giáo xứ như nhân viên văn phòng, hội đồng tài chánh, hội đồng mục vụ.
• Công giáo tiến hành như hội các bà mẹ Công giáo, thiếu nhi thánh thể, liên minh thánh tâm, dòng ba Đa minh, Phanxicô, Giới trẻ.
• Công giáo tương trợ như Guadalupanas, Knight of Columbus, yểm trợ ơn gọi.
• Dĩ nhiên không thể quên xót một sinh hoạt rất quan trọng phải có. Đó là giáo lý cho tân tòng và các em xưng tội rước lễ, thêm sức. Giáo xứ Hoa kỳ rất chú trọng chương trình này, và không ngần ngại đầu tư công sức cũng như tài chánh vào huấn luyện thiếu nhi. Nói cách khác đi, một giáo xứ chết và không tương lai nếu không lưu tâm chương trình giáo lý.

Tất cả sinh hoạt của những đoàn thể trên cần sự nâng đỡ của cha xứ.

Liên hệ giữa giáo xứ, giáo dân và cha xứ

Chuyên gia tôn giáo nhận định, tệ hại nhất sẽ xẩy ra khi chỉ nhìn giáo xứ như thể chế thế quyền mà cha xứ đóng vai trò “manager”, chủ nhân, quản trị, điều hành, nhân viên được thuê. Vai trò này có thể do giáo dân nhìn vào cha xứ, có thể do cha xứ sống như vậy. Thực rõ ràng, một cha xứ được giáo dân thương mến nhiều hay ít, phần lớn nhờ khả năng và cố gắng, hơn là chức vị ngài đang mang. Dĩ nhiên, với tư cách linh mục, giáo dân thường dễ bầy tỏ lòng yêu thương và nâng đỡ, nhưng không có nghĩa đó sẽ là việc tất nhiên.

Giáo xứ là thân thể hữu hình của Đức Kitô. Giáo xứ đem mọi người hợp nhất trong Nước Trời. Đây là nơi chốn chuẩn bị mầu nhiệm Nước Trời khi sống yêu thương, đùm bọc và tha thứ. Qua việc cử hành bí tích, mọi người nhận ra mình là anh em của cùng một Cha, dù khác mầu da, ngôn ngữ, trẻ già, nam nữ, nhân dạng.

Liên hệ giữa giáo xứ, giáo dân và cha xứ được định đoạt qua trình độ tinh thần của giáo xứ. Linh mục là vị lãnh đạo, là mục tử hướng dẫn đoàn chiên mà giám mục ủy thác. Linh mục không phải chỉ là người điều hành. Ngài là người lo lắng đời sống tinh thần và xã hội cho giáo xứ, cho giáo dân của ngài. Ngài chịu trách nhiệm trước giám mục và hơn thế nữa, trước Thiên Chúa.

Nhưng giáo xứ cũng làm nên linh mục. Cầu nguyện cho các ngài, góp ý, thực thi chương trình, tham gia sinh hoạt giáo xứ, tích cực đóng góp truyền giáo qua giáo xứ. Và đương nhiên, nhất là qua yêu thương, tương kính giữa cha xứ với giáo dân. Nhiều cha chánh, phó xứ đã buồn rầu chia sẻ: “Mình có làm gì đâu mà sao cả nhà họ chê bai, dèm pha mình? Mình chào, họ cũng phớt lờ đi.” Trong khi đó, giáo dân thì cho biết: “làm cha mà không khiêm tốn, mặt lúc nào cũng nghếch lên trời, giống như vừa đi vừa vác cằm!” Khổ nỗi chính cha cũng không biết thế nào là “vác cằm.” Mà không biết ai vác cằm nhỉ? Cha hay giáo dân?

Câu truyện phổ thông kể lại, đức giám mục địa phận đến thăm hầu hiểu dân trước khi bổ nhiệm cha xứ mới. Đa số nguyện vọng đều rất giá trị như “chúng con xin một cha giảng hay; chú tâm đến giới trẻ đang bị bỏ rơi; lo lắng các cụ già cô đơn; đừng chỉ đến với người giầu; tận tâm truyền giáo cho anh em tân tòng, người bỏ đạo; mở thêm lớp dậy Thánh-Kinh; lưu ý ý dân, đừng độc tài; không kiêu hãnh; hòa nhã; nối lại nhịp cầu với các vị chức sắc của hội đồng mục vụ đã bị cha xứ cũ bỏ quên; đừng chỉ nghe người thân cận; liên hệ tốt với nhà nước..” Vài tháng sau, giáo xứ vẫn chưa có cha xứ mới. Giáo dân viết thư hỏi tại sao. Đức giám mục trả lời: “Tôi vẫn chưa tìm ra, vì chính tôi cũng không hội đủ tiêu chuẩn mà ông bà đề nghị.”