Trong một bản tin ngắn ngày 25 tháng 6, 2011 của Suheil Damouny, Đài SBS của Úc với hình tân giám mục Vincent Long tay cầm “gậy vàng” tay kia cầm chiếc mũ của đội AFL Swan Sydney, với hàng tít: Giám Mục Vincent Long thú nhận ông là người ái mộ Đội Swan dù sống ở Melbourne. Vượt thoát Việt Nam trên chiếc thuyền gỗ, Ông Vincent Long, năm nay 49 tuổi, tới Úc năm 1980 và vừa được tấn phong giám mục thứ nhất của Úc sinh tại Việt Nam. Người cựu tị nạn này mô tả việc thụ phong của mình như một biến đổi sâu sắc trong đời.

Tổng Giám Mục Denis Hart của Melbourne cử hành buổi lễ dài 80 phút, được hơn 4,000 người chứng kiến. Họ đến từ khắp nước Úc và cả từ ngoại quốc nữa. Trong số ấy, nhiều người thuộc cộng đồng Việt Nam nơi ông từng làm chánh xứ hơn một thập niên.

(Đức Cha) Long cám ơn giáo hội và quê hương chấp nhận ông. Ông nói với cộng đoàn: “Tôi, một người cựu tị nạn, đang đứng trước quí vị như một chứng tích cho tâm thức công bằng (fair-go) từng lên khuôn thước cho đất nước vĩ đại của chúng ta”.

Trước đó, ngày 24 tháng 6, Đài ABC chạy hàng tít: “Cựu tị nạn người Việt trở thành giám mục Công Giáo”. Đây là bản tin của Liz Hobday với hình tân giám mục đang phát biểu sau khi thụ phong và dòng phụ đề: “Vincent Long Văn Nguyễn nói ông hãnh diện là người Úc”.

Giám mục Công Giáo đầu tiên của Úc sinh tại Việt Nam vừa được thụ phong tại Melbourne. Vincent Long Văn Nguyễn sống 8 ngày trên một con thuyền dài 17 thước với gần 150 người khác, khi ông trốn thoát khỏi Việt Nam do Cộng Sản cai trị.

30 năm sau, người tị nạn 49 tuổi này trở thành giám mục người Việt đầu tiên tại Úc. Ông được thụ phong tại Nhà Thờ Chánh Tòa St Patrick của Melbourne. Giám mục Long từng làm cha xứ tại Springvale thuộc Melbourne, và Kellyville thuộc Sydney. Sau lễ thụ phong, giám mục Long nói ông tự hào là người Úc. Đài này cũng trích dẫn câu nói trên đây của tân giám mục.

Hãng thông tấn Công Giáo Cathnews, ngày 22 tháng 6, đăng hình tân giám mục lúc còn là linh mục với cổ cồn La Mã ngoài mặc áo ấm, tươi cười với ống máy ảnh và hàng tít: “Việc tấn phong vị giám mục đầu tiên của Úc sinh tại Á Châu”.

Theo thông cáo báo chí của Tòa Tổng Giám Mục Melbourne, vị giám mục đầu tiên của Úc sinh tại Á Châu sẽ được thụ phong tối nay tại Nhà Thờ Chánh Tòa St Patrick ở East Melbourne. Việc tấn phong của Đức Cha Vincent Long, Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu, được coi là sẽ có hàng nghìn người tham dự, trong đó có cộng đồng Việt Nam sở tại. Lễ này sẽ được trực tiếp truyền hình trên mạng www.cam.org.au.

Giám mục tân cử Long được 18 tuổi khi trốn chạy chế độ cộng sản vào năm 1980. Ngài trốn thoát trên một chiếc thuyền dài 17 thước với 147 người khác. Sau 8 ngày đêm hãi hùng, ngài và 147 người khác kia đã vào được Mã Lai yên ổn.

Giám mục tân cử cho hay ơn gọi làm linh mục của ngài đã trở nên kiên vững ngay tại trại tị nạn ở Springvale, một khu ngoại ô của Melbourne, nơi ngài sống đầu tiên khi tới Úc. Ở Việt Nam, ngài từng sống tuổi thơ của mình trong cảnh nghèo và chiến tranh, nhiều đêm co ro trong hầm trú bom với anh chị em và cha mẹ.
Năm 1983, giám mục tân cử Long trở thành tu sĩ của Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu và theo học để làm linh mục ngay tại Melbourne. Nghi thức tấn phong ngài sẽ bắt đầu lúc 7 giờ 30. Chủ phong sẽ là Đức TGM Denis Hart với Đức HY George Pell và Đức TGM Giuseppe Lazzarotto, Khâm Sứ Tòa Thánh tại Úc, làm phụ phong. Mười chín vị TGM và GM khác cùng hàng trăm linh mục sẽ đồng tế.

Thông cáo báo chí ngày 22 tháng 6 của Tổng Giáo Phận Melbourne cũng gọi Đức Cha Long là “Giám mục Úc đầu tiên sinh tại Á Châu” và coi đây là một lễ tấn phong lịch sử và nhắc tới “cộng đồng Việt Nam đầy hãnh diện”. Thông cáo cho hay: khi chuẩn bị cho lễ tấn phong, giám mục tân cử Long đã tới kính viếng mộ “của một trong những vị thánh vĩ đại nhất của Giáo Hội” là Thánh Phanxicô Assisi, ở Ý.

Thông cáo cũng nhắc đến sự có mặt của vị tổng quyền, Cha Marco Tasca, của Dòng Anh em Hèn Mọn Viện Tu đến từ Rôma cũng như các thân nhân cận kề của tân giám mục đến từ Úc, Hoà Lan và Việt Nam. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của nhiều thành viên Quốc Hội Liên Bang và Tiểu Bang.

Đầu tháng 6 sau khi được tin về việc bổ nhiệm cha Vincent Long làm giám mục phụ tá Melbourne, Tờ The Age cho chạy hàng tít: “Từ Người Tầm Trú thành Tân Giám Mục Công Giáo”, có lẽ để nhắc mọi người nhớ đến số phận những người tầm trú đang được dư luận Úc đầy chia rẽ bàn cãi sôi nổi. Bản tin này của Barney Zwart với hình Cha Long đang đứng nghiêm chỉnh trong một thánh đường với cổ cồn La Mã ngoài mặc áo ấm và hàng phụ đề: “Người Việt tị nạn Vincent Long Văn Nguyễn vừa được cử làm giám mục Công Giáo tại Tổng Giáo Phận Melbourne”.

The Age thuật lại cuộc hải trình đầy kinh hãi kéo dài 8 ngày của người tịn nạn vốn nghĩ là mình khó lòng sống thoát này. Mới hôm qua đây, ông kể lại “chúng tôi tùy thuộc vào lòng thương xót của thời tiết. Lương thực của chúng tôi cạn vào ngày thứ hai do số người nhẩy bừa lên thuyền vào phút chót”. Tuy nhiên, khác với phân nửa số người tuyệt vọng trốn chạy chính phủ Cộng Sản trong hai thập niên 1970 và 1980 và đã chết vì những con thuyền không đáng đi biển, thời tiết xấu hay hải tặc, mọi người trên thuyền của Long đã tới được Mã Lai.

16 tháng sống tại trại tị nạn cũng khó khăn không kém nhưng nó đã định ra nẻo đường đời cho người thanh niên 18 tuổi này. Nẻo đường phục vụ ấy sẽ được công chúng nhìn nhận vào tháng này khi ông được tấn phong làm giám mục Công Giáo Á Châu đầu tiên của Úc. Nhưng ông không coi đó chỉ như một nhìn nhận dành cho bản thân ông mà là dành cho sự đóng góp to lớn của người Công Giáo Việt Nam đối với Giáo Hội.

Giải thích sự hiện diện “quá tương xứng” của người Việt trong các chủng viện Úc, tân giám mục Văn Nguyễn cho hay: “vì những gian khổ của họ, vì kinh nghiệm của họ, họ vốn có một lối sống đức tin Công Giáo rất đặc biệt. Lối sống ấy không phải chỉ là đi lễ Chúa Nhật. Bất cứ họ ở đâu, ở đấy cũng có một sinh khí và một năng động tính khác với một giáo xứ Công Giáo gốc Ănglô”. Cha mẹ ông cũng là thuyền nhân từng ra khơi năm 1954 khi hàng triệu người Việt chạy vào Miền Nam trốn chế độ Cộng Sản. Hôm qua, dù cả hai không biết nói tiếng Anh, nhưng niềm hãnh diện của họ thì như rờ mó được. Họ ăn vận bảnh bao nhất để chụp hình trước bàn thờ gia đình cùng với người con trai.

Lúc còn ở Việt Nam, cha của giám mục Văn Nguyễn là một nông dân và người khéo tay (handyman). “Tuổi thơ của tôi diễn ra trong cảnh nghèo và chiến tranh. Tôi còn nhớ như in nhiều đêm cha mẹ tôi phải lùa chúng tôi vào hầm trú ẩn mà nhà nào ở Việt Nam cũng phải có”. Rồi người Cộng Sản thắng cuộc. Họ tàn ác, nhất là đối với người Công Giáo. Long vào chủng viện gần Sài Gòn lúc 14 tuổi, nhưng Cộng Sản giải tán chủng viện này. “Lúc ấy tôi chỉ chờ bị gọi đi lính vì chúng tôi đang có hai cuộc chiến, người Trung Hoa ở phía bắc và người Khmer Đỏ ở phía nam”.

Hai người anh trốn thoát một năm trước tới Hòa Lan. Đâu có gia đình nào dám trốn một lượt. “Nếu bạn mất là mất tất cả, đâu có đường trở lui. Các gia đình đành gửi thanh niên đi trước, sau đó, nếu có khả năng, mới gửi các đứa con khác, cuối cùng là cha mẹ”. Ông tự học tiếng Anh tại trại tị nạn, rồi giúp người khác học. Chính việc giúp người khác này đã củng cố ý nguyện hiến thân làm linh mục của ông.

Từ Mã Lai, ông được gửi tới Springvale, tại đây, vì cảm phục việc làm của các tu sĩ Phanxicô, ông đã trở thành một trong số họ. Ông sống 4 năm tại một giáo xứ ở Sydney, rồi làm cha xứ 7 năm tại Springvale trước khi cầm đầu Dòng của cả Úc vào năm 2005, rồi phụ tá bề trên cả vùng Á Châu và Úc năm 2008. Ông sẽ là một trong 4 vị giám mục của Melbourne, phụ trách vùng phía Tây nhiều di dân sinh sống. “Tôi không rõ giáo dân cũng như giáo sĩ sẽ chấp nhận tôi ra sao, nhưng tôi là tôi, và tôi muốn bắn một phát ngoạn mục nhất để xem nó dẫn tôi tới đâu”.

Bản tin trên cũng đã được tờ Canberra Times đăng lại cùng ngày với tự đề “Đường Hy Vọng, từ thuyền nhân thành giám mục”. Thiển nghĩ đây là một tựa đề ý nghĩa. Người viết “Đường Hy Vọng” từng leo lên hàng Tổng Giám Mục, rồi Hồng Y của Giáo Hội, lãnh trọng trách lèo lái một cơ quan giáo triều ngang hàng thánh bộ là Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý và Hoà Bình. Ước mong người thuyền nhân Vincent Văn Long Nguyễn cũng đi cùng một đường mầu nhiệm và quan phòng như người cùng họ Nguyễn kia. Dù gì, cũng cầu chúc người cựu thuyền nhân, người cựu tị nạn Cộng Sản này, con đường thánh thiện chói ngời của người cùng một tên họ.