Giáo Hội Việt Nam khởi động "Năm Tu đức"

Xuân Lộc (AsiaNews) – Các giám mục Việt Nam đã thiết lập "Năm Tu đức" nhằm giúp giải quyết một trong những vấn đề đang nổi lên nơi Giáo Hội Việt Nam; sự cần thiết linh mục ở các vùng nông thôn, và các khu vực dân tộc thiểu số, hỗ trợ cho sự trưởng thành của tín hữu. Vấn đề này cũng được thảo luận tại Hội nghị thường niên các Đại Chủng viện Việt Nam do Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức tại Xuân Lộc từ ngày 4 đến 9 tháng Bảy. Hội nghị quy tụ những người đứng đầu các đại chủng viện gặp nhau tại Giáo phận Xuân Lộc. Hội nghị có sự tham dự của 49 người gồm các giáo sư và các giám đốc Đại chủng viện trong nước. Các báo cáo đã được trình bày và các chủ đề chính cho việc chuẩn bị đào tạo linh mục cũng được thảo luận, chẳng hạn như kinh nghiệm nhân bản, các bí tích và các hoạt động mục vụ, nhất là chú ý đến tầm quan trọng của sự hiệp thông trong các chủng viện.

Mục đích của hội nghị là để thiết lập các hướng dẫn cho "Năm Tu đức" do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phát động. Tầm quan trọng và mục tiêu của Năm Tu đức đã được nhấn mạnh, đưa ra các chủ đề: đào tạo con người, kiến thức và chuẩn bị cho công tác mục vụ và giáo dục thiêng liêng, và các thông số để đánh giá Năm Tu đức cũng được thiết lập. Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký của Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh, đã nói về việc chuẩn bị cho chức linh mục tại Việt Nam, phác thảo một chương trình đã được các giám mục phê duyệt và thông qua.

Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo cho hãng Tin Tức Á Châu hay: "Tôi rất quan tâm đến việc đào tạo các linh mục tương lai, làm thế nào chúng ta có thể giúp các chủng sinh yêu mến Chúa Giêsu, tin tưởng vào Chúa Giêsu và theo Ngài bằng niềm vui. Tất nhiên mọi Kitô hữu đều cần đến tình yêu của Chúa Giêsu và đây là lý do tại sao các linh mục phải là một mẫu gương để noi theo. Việc đào tạo không dừng lại ở các khái niệm thần học, chúng ta phải suy nghĩ và sống như Chúa Giêsu".

Việt Nam đã mở cửa để phát triển về kinh tế và xã hội từ năm 1987. Trong bối cảnh của kinh tế thị trường, nhiều người Công Giáo đã di cư từ các cộng đồng nghèo khó của miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Giờ là thời điểm cần các linh mục hơn nữa để phục vụ trong các giáo xứ, các linh mục làm việc vì quyền lợi của các cộng đồng và góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế của đất nước.

Theo thời gian, Giáo Hội đã hiện diện trong cơ cấu xã hội và đóng góp vào sự phát triển. Năm 1993, Tổng Giáo Phận Hà Nội có gần 2 triệu thành viên so với dân số gần 34 triệu người, Tổng Giáo Phận Huế đã có 553 ngàn người so với dân số 10,5 triệu người, và Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã có 2,2 triệu thành viên so với dân số 25,8 triệu người.

Đến năm 2008, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã có 3.541 linh mục và 6,187 triệu tín hữu, so với dân số Việt Nam là 86,16 triệu người (chiếm khoảng 7% dân số). Năm 2011 có khoảng 7 triệu giáo dân, quy tụ quanh 7.000 nhà thờ, với hơn 4.000 linh mục. Nhưng giáo dân và các nhóm dân tộc thiểu số sống ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh thiếu linh mục cùng làm việc với họ và giúp họ đạt đến sự phát triển con người toàn diện.

Trong chuyến thăm chủng viện của giáo phận Xuân Lộc ngày 01 tháng Năm, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, cho hay: "Chúng ta cần nhiều linh mục, nhưng các linh mục phải nên thánh, theo mẫu gương của Chúa Giêsu, công bố Tin Mừng và là mục tử của cộng đoàn mà Thiên Chúa trao phó cho họ. Do đó cần thúc đẩy để tu dưỡng đời sống tinh thần của anh em và tiếp tục công cuộc giáo dục của anh em nhằm thực hiện công việc mà Thiên Chúa đã trao phó cho anh em".