Thánh nhân không phải là ngoại lệ, mà là mẫu mực hành xử có tính tiêu chuẩn cho những con người nhân bản. Vì như Charles Péguy từng nói: “Nói cho cùng, đời chỉ có một thảm kịch đó là việc đã không là một thánh nhân”. Thực vậy, theo nghĩa Thánh Kinh, mọi tín hữu đều là thánh nhân. Thánh chỉ có nghĩa là thánh thiện (holiness). Mọi người đàn ông lẫn đàn bà, trẻ em lẫn người lớn, người đã sinh lẫn người chưa sinh, người đẹp lẫn người xấu, người thẳng lẫn người cong (gay), đều là thánh, vì họ đều mang hình ảnh Thiên Chúa.

Thánh nhân không đối nghịch với tội nhân. Trên đời này, không hề có người đối nghịch với tội nhân. Chỉ có các tội nhân được cứu rỗi và các tội nhân không được cứu rỗi. Như thế, người thánh thiện không có nghĩa là “người vô tội” mà chỉ là người “được để riêng ra”, được mời gọi bước ra khỏi thế gian hướng về đích điểm ngất ngây với Thiên Chúa.

Thánh nhân là ai? Trước nhất, đó là người biết rằng mình là kẻ có tội. Thánh nhân là người biết đủ thứ tin, cả tin xấu của tội lỗi lẫn tin vui của cứu chuộc. Thánh nhân là khoa học gia đích thực, là triết gia chân chính: Thánh nhân biết sự thật. Thánh nhân là người biết nhìn, thấy được điều gì ở đàng kia. Thánh nhân là người duy thực (realist).

Nhưng thánh nhân cũng là người duy lý tưởng (idealist). Thánh nhân ôm lấy đau thương anh hùng bằng tình yêu anh hùng. Thánh nhân cũng ôm lấy niềm vui anh hùng. Một trong các tiêu chuẩn để được phong hiển thánh là phải vui tươi.

Thánh nhân là đầy tớ của Chúa Kitô. Thánh nhân cũng là người chiến thắng vĩ đại hơn Alexăng Đại Đế, người vốn chỉ chiến thắng thế gian. Thánh nhân chiến thắng cả chính mình. Con người nào được ích chi nếu chỉ chiến thắng thế gian mà không chiến thắng được chính mình?

Thánh nhân cởi mở đến có thể nói như Thánh Phaolô “Tôi học được cách biết tự cho mình đầy đủ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tôi biết cách sống trong những hoàn cảnh khiêm tốn; tôi cũng biết cách sống trong cảnh sung túc” (Phil. 4:11-12). Thánh nhân kết hôn với Thiên Chúa “lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc mạnh khỏe cũng như lúc bệnh hoạn, cho đến chết. Thánh nhân cũng có quyết tâm, cũng kiên quyết đến có thể chết chứ không chịu làm hại chân lý, sẵn sàng dùng máu mình viết niềm tin trên cát khi chết. Một vị thánh thực sự đã làm việc này.

Thánh nhân là kẻ thù có tuyên thệ của thế gian, của xác thịt và của ma quỉ. Thánh nhân tự giam mình vào cuộc chiến đấu quyết tử chống lại các vương đế và cường quyền. Thánh nhân cũng là bạn và là người yêu của thế giới. Thánh nhân ôm hôn thế giới đang bị ung thư vì tội lỗi này bằng nụ hôn dịu dàng của Thiên Chúa trong Gioan 3:16. Thánh nhân tuyên cuộc chiến của Thiên Chúa với thế gian này, sẵn sàng chọc thánh giá như lưỡi gươm vào thẳng kẻ thù đang chiếm đóng trái đất… Đồng thời, thánh nhân cũng giang rộng đôi cánh tay trên cùng thánh giá ấy như muốn nói: “Thấy không, tình yêu của tôi dành cho các bạn cũng rộng như cây thánh giá này!”

Thánh nhân là nàng dâu của Chúa Kitô, hoàn toàn gắn bó, trung trinh và tùng phục. Thánh nhân cũng hoàn toàn độc lập, xa lánh mọi ngẫu tượng và bất cứ người chồng nào khác. Thánh nhân làm việc giữa tiền tài, quyền lực, khoái lạc, như người đàn bà có chồng làm việc cạnh những người đàn ông khác, nhưng nhất định không kết hôn với họ, cũng không ve vãn họ.

Thánh nhân cao hơn bất cứ ai trên thế giới. Thánh nhân là người leo núi đích thực. Nhưng thánh nhân cũng thấp hơn bất cứ ai khác trên thế giới. Giống như nước, thánh nhân chẩy xuống những chỗ thấp nhất, như Calcutta chẳng hạn. Trái tim thánh nhân tan nát vì mọi sầu buồn và tội lỗi nhỏ nhất. Trái tim thánh nhân cũng mạnh đến độ ngay cái chết cũng không bẻ gẫy được nó. Nó bất khả tiêu diệt vì không ai bẻ gẫy được nó.

Thánh nhân rút tay ra khỏi tay lái cuộc đời và để mặc tình Thiên Chúa lèo lái. Điều này quả là khiếp đảm, vì Thiên Chúa vốn vô hình. Thánh nhân cũng có đôi tay di chuyển được thế giới. Ngài có đôi chân rảo khắp thế giới bằng những bước đi chắc nịch.

Thánh nhân không để người khác chơi trò chơi Thiên Chúa đối với mình. Ngài nhận lệnh từ vị Đại Tướng, chứ không từ quân đội. Thánh nhân cũng không chơi trò chơi Thiên Chúa đối với người khác.

Thánh nhân là một Chúa Kitô bé nhỏ. Không những ta thấy Chúa Kitô qua các thánh nhân của Người, như thấy ánh sáng quả cửa sổ kính mầu, ta còn chỉ hiểu được các ngài qua Chúa Kitô, như ta hiểu trái trứng qua con gà vậy

Thánh nhân là gia đình ta. Ta là một Thân Thể. Các ngài là chân tay ta và ta là chân tay các ngài. Bởi thế lễ của các ngài là lễ của ta. Như Pascal từng nói: “Điển hình do cái chết cao thượng của những người Spartan và nhiều người khác tạo ra ít có ảnh hưởng tới ta… nhưng gương sáng do cái chết của các vị tử đạo tạo ra ảnh hưởng tới ta, vì họ là chi thể của ta… ta không nên giầu có nhờ thấy người xa lạ giầu có, mà nhờ thấy người cha hay người chồng giầu có”.

Ta trở thành thánh nhân không nhờ nghĩ về việc đó và nhất là không nhờ viết về việc đó, mà chỉ nhờ làm việc đó. Sẽ đến lúc câu hỏi “thế nào?” phải chấm dứt và ta chỉ làm nó mà thôi. Nếu ai đó được ta yêu thương đến gõ cửa xin vào, liệu ta có thắc mắc về việc khóa cửa vận hành ra sao, và làm thế nào ta vận dụng được bắp thịt để mở nó ra hay không?

Thánh Phanxicô thành Assisi có lần nói với các đan sĩ của mình rằng nếu họ đang được Hưởng Nhan Thánh Chúa và một kẻ lang thang đến gõ cửa xin một ly nước lạnh, thì quay mặt khỏi ngắm Nhan Thánh để giúp người lang thang mới thật là thiên đàng, chứ quay mặt làm ngơ người lang thang để tiếp tục hưởng Nhan Thánh thực ra là quay mặt khỏi chính Thiên Chúa vậy.

Thánh nhân là người nhìn ra người lang thang là ai: là chính Chúa Giêsu.

Theo Kreeft, Peter. “What is a Saint?” National Catholic Register. (October 1987). Peter Kreeft dạy tại Cao Đẳng Boston, ở Boston, Massachusetts và có chân trong Hội Đồng Cố Vấn của Trung Tâm Tài Nguyên Giáo Dục Công Giáo.