Mà không ngạc nhiên sao được khi thấy có người đã bỏ sau lưng ánh đèn rực rỡ của Saigon để về thăm một nơi "khỉ ho cò gáy" như tỉnh Bình Tuy này, ngay trong ngày 24 của mùa Noel tràn đầy ánh sáng?
Những người từng sống lâu năm ở đây vẫn gọi chốn này một cách âu yếm là "Tỉnh Bình Tuy", nhưng trên thực tế Bình Tuy đã bị xóa sổ sau năm 75 và trở thành một quận hẻo lánh của tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ cũ là thị xã La Gi từ đó gia nhập hàng ngũ các "vùng sâu vùng xa" của chính sách "đánh tư sản mại bản" triệt để, bao gồm những cưỡng bức "đi vùng kinh tế mới" và những biến cố như bất ngờ xô cửa kiểm sóat bữa cơm gia đình, hầu bắt quả tang những vi phạm như "tại sao bữa cơm lại có cá? tại sao cơm trắng không có độn thêm khoai?"... Nếu khi đó cái tên La Gi còn được nhắc nhở tới, chỉ là vì nơi đây là điểm xe đò của những vợ con lính "Ngụy" đi thăm chồng hoặc cha ở trại cải tạo Hàm Tân.
Chiến tranh đã để lại nhiều dấu tích đau thương trên mảnh đất này, nhiều xác binh lính của cả hai bên nằm phơi xương ra bên ngòai những ngôi mộ chôn vội vàng trong chiến cuộc quanh khu rừng Lá. Từ năm 2003 đến nay, các Sơ Mến Thánh Giá đã thu nhặt từ những nấm mộ bị xoi mòn và cải táng cho trên 2800 hài cốt, để một ngày nào đó mong rằng sẽ có người thân tìm lại.
Dù là một vùng đất bị ngược đãi, nhưng nhờ có tài nguyên thiên nhiên từ rừng và biển, La Gi đã hồi sinh mau chóng khi nền kinh tế "mở cửa". Áp lực dân số tăng mau, lên gấp đôi thời Chiến Tranh, do sự tăng trưởng tự nhiên cộng thêm các làn sóng di dân từ miền Bắc vào. Diện tích thị xã đã lan rộng nhiều lần hơn, đường xá tăng thêm và các ngõ hẻm xuất hiện cùng khắp.
Hiện tượng "người tứ xứ" nhập cư ồ ạt đã kéo theo nhiều tệ đoan xã hội. Các Sơ cho biết trong thị xã La Gi, dù dân số chỉ vào khỏang 100 ngàn người, mà đã có tới 9 địa điểm phá thai. Trung bình mỗi tháng trên 400 thai nhi bị giết chết.
Các Sơ đã xin phép để được nhặt các thi hài về chôn cất cho tử tế, chỉ có 2 điểm phá thai chấp thuận. Từ năm 2005 đến nay, các Sơ đã phải chôn 17 ngàn thai nhi.
...Và trong tiến trình lân la đi lại giữa các điểm phá thai, khỏang 140 cháu được cứu thóat khỏi lưỡi hái của Tử Thần. Một số được rước đi làm con nuôi (1), một số được cha mẹ xin lại, còn 75 cháu hiện nay nhận lấy Mái Ấm Tình Thương làm nhà.
Xem hình ảnh
Dù là có một cái mái để nương thân, nhiều cháu sẽ không có "Hộ Khẩu". Chính sách của "Nhà Nước" là thúc đẩy phá thai, một cơ sở như thế này là "Phản Động". Luật lệ mới đòi hỏi người mẹ phải trở về nguyên quán để khai sinh cho con. Những bà mẹ sinh "chui" không sẵn sàng làm hoặc dám làm việc đó. Đó là trường hợp của một bà mẹ 14 tuổi hiện vẫn sống ẩn núp tại đây, nếu gia đình tìm được thì sẽ bị giết chết ngay!
Tuy không làm được giấy khai sinh, các cháu vẫn được đặt tên. Chúng tôi ngạc nhiên khi nghe thấy nhiều cái tên rất quen tai, thì ra đó là những tên của mọi người trong một gia đình quen biết ở Dallas. Thường thì các Sơ lấy tên của một người bảo trợ nào đó mà đặt cho các cháu. Ngày hôm nay một cháu gái 4 ngày tuổi đã được đặt tên theo một 'bà mẹ' mới ở Mỹ, đó là một thiếu nữ trẻ đã hứa gửi cho cháu 10 dollars một tháng.
Cái tên này chỉ được công nhận trong khuôn viên Mái Ấm Tình Thương mà thôi, những đứa bé như vậy sẽ lớn lên không được xã hội công nhận. Chúng không hiện hữu, không phải là người, sẽ không có cơ hội ghi tên đi học ở trường, đi khám bệnh ở nhà thương hoặc đi làm việc...
-"Vậy khi các cháu đau ốm thì sao? có vị bác sĩ ân nhân nào lo cho các cháu không?"
-"Thưa, mình phải tự lo lấy hết, phải cố gắng hết sức mà thôi..."
Cũng may là chưa có một trường hợp nghiệt ngã nào xảy ra, đứa nào trông cũng khỏe mạnh, năng động, thi nhau ăn, ăn ngon miệng, không nũng nịu mè nheo, dù cho bữa ăn trưa chỉ là một chén cháo trộn với rau.
Chứng kiến khẩu phần khiêm nhượng của các cháu, tôi chạnh lòng đặt câu hỏi:
-"Thưa Sơ, menu của các cháu thì như thế nào?"
-"Menu?... thì mình cũng dựa theo phần ăn như các cô nhi viện khác."
Yên lặng một hồi, Sơ nói thêm:
-"và cũng còn tùy theo khả năng của mình..."
Quên bẵng đi rằng đây là một cơ sở "phản động", tôi hỏi thêm:
-"Thế thì nhà Dòng không có cách nào nhờ vả các Cơ Quan Chính Phủ được à?"
-"Thưa không được, hễ đụng tới cơ quan Nhà Nước thì phiền phức lắm..."
Mà vì không thể đi qua ngã Nhà Nước, cho nên sẽ không có hy vọng nào tìm được sự viện trợ của một cơ quan thiện nguyện quốc tế. Tất cả những tài trợ từ trước đến nay là từ ở những cá nhân, nói cách khác, nhờ sự "đi ăn mày vận động đó đây" của các Sơ.
Những vận động như vậy đã đem lại một số kết quả khả quan. Vẻ tươm tất của cơ sở chứng tỏ sự tài trợ là tạm ổn. Tuy nhiên những việc "ăn mày" này không phải là một nguồn thu thập vững vàng vì các cuộc vận động ở Quốc Ngọai cứ mỗi ngày mỗi khó khăn thêm.
Không phải vì người ta ít hảo tâm hơn, nhưng vì các cộng đòan người Việt ở bên ngòai cũng có những ưu tiên mới và những thế hệ trẻ 'kiếm ra tiền' cũng có những ưu tiên riêng không còn liên hệ với quê nhà nữa.
Trong lúc chuyện trò với Sơ Mai, người đã từng đi Hoa Kỳ lạc quyên nhiều lần, tôi dạm hỏi:
-"Chừng nào thì Sơ lại qua Mỹ lần nữa?"
Một phút yên lặng để ngăn chặn cảm xúc bồi hồi, Sơ trả lời:
-"Gian nan lắm, mất nhiều thì giờ lắm..."
Rồi như để cho câu trả lời có phần nhẹ nhàng hơn, Sơ nói thêm:
-"Mà nhớ các cháu lắm".
Các cháu của Sơ ở Mái Ấm Tình Thưong thì mỗi ngày mỗi đông lên, bây giờ nhiều đứa trẻ đã phải nằm chung giường, chúng sẽ lớn lên và sẽ cần sự riêng tư, ít ra là có sự riêng rẽ giữa nam và nữ. Các Sơ đang lo lắng xây thêm nhà.
Một trong những chương trình lạc quyên để phát triển cơ sở là ngày "Bữa Cơm Huynh Đệ" tổ chức ngay sau Noel vào ngày 28 tới. Đây là một bữa cơm dành cho 200 trẻ khuyết tật ăn mừng Giáng Sinh. Dự trù sẽ có khỏang 500 thực khách tham dự, sẽ rất chật chội trong cái sân nhỏ hẹp.
Một đòan thể Phật Tử mới liên lạc với ban tổ chức và hứa tặng cho một số tiền. Họ sẽ phái một phái đòan gồm các sư sãi, ni cô và phật tử đến tham dự, tổng số là 120 người.
Đột biến bất ngờ này làm cho Sơ Mai phải tất tưởi chạy ra phố cả buổi sáng để mượn thêm bàn ghế và nhờ người nấu các món ăn chay.
Nhưng đó là chuyện vất vả mà những người lớn phải lo liệu, còn bây giờ, những đứa trẻ vô tư ba bốn tuổi vẫn chỉ biết vui đùa với những người khách viếng thăm, cành đông càng thích. Chúng đòi bế, đòi nói chuyện, đòi ôm chặt lấy khách và không muốn rời xa. Trườc mắt chúng, đây là các cha mẹ, đây là những người thân. Chúng đói khát tình thương.
Chung sống trong cảnh mồ côi, chúng san sẻ tình thương cho nhau và đùm bọc lấy nhau. Có một bé gái khỏang 7 tuổi lăng xăng đem cơm đi đút cho những đứa bé 3 tuổi 'chậm ăn' khác, gọi là những đứa em của nó. Sau bữa ăn, khi các em nó xếp hàng ngồi trên các 'ống bô' trong một hành động 'đi cầu' tập thể, nó lại lấy khăn lau miệng cho từng đứa một.
Thấy tôi chú ý tới nó, một Sơ chép miệng than:
-"Tội nghiệp con bé, nó thì giỏi việc lắm, nhưng mà học hành thì lại kém lắm!"
Câu nói bọc lộ nỗi lòng của một người mẹ mong muốn cho con mình được phận tốt hơn.
Trước khi ra về, tôi quan sát thấy giữa mặt tiền của căn nhà có bức tượng của thánh Gêrađô, một vị thánh Dòng Chúa Cứu Thế là quan thầy của các bà mẹ sinh con. Ngài đã bỏ nhà để đi tu với một lời nhắn viết lại cho mẹ mình: "từ giã mẹ, con đi làm thánh".
Thật là xúc động khi suy diễn rằng, các đứa trẻ bị bỏ rơi này đang gởi lời an ủi tới những người mẹ lỗi lầm của chúng, là những tâm hồn ray rứt không kém phần bất hạnh, rằng việc chia ly không nên vì đó mà phải u sầu, rằng chúng đang được bình an hạnh phúc trong vòng tay che chở của một vị Chúa Chiên Lành.
Ra cổng, vẫn còn tiếng vọng của những lời chào pha lẫn vài tiếng nức nở, chúng tôi bước đi mà lòng nặng trĩu.
"Tạm biệt các cháu, chỉ là tạm biệt mà thôi, sẽ có ngày gặp lại!"
(1) Hiện nay các Sơ đã chấm dứt chương trình con nuôi vì những thủ tục nhiêu khê nẩy sinh ra tệ nạn "buôn bán con nít".
(2) Địa chỉ Mái Ấm Tình Thương:
Nt: Mary Nguyễn Thị Thanh Mai
Cơ Sở bảo trợ Mái Ấm Tình Thương
Box: 18 Tân An - Lagi - Bình Thuận
Email: srthanhmai@yahoo.com.vn
Tel: 062.3560291 - Cell:0986843770