Tác giả Sidney Callahan, một nhà tâm lý và học giả nổi tiếng của The Hastings Center, một trung tâm đạo đức sinh học hàng đầu của Hoa Kỳ , ngày 2 tháng 4 vừa qua, trên Blog của tạp chí America, có kể lại câu truyện lời cầu của bà được “đáp ứng” cách bất ngờ ra sao.

Có khi nào lời cầu xin của ta được đáp ứng cách không ngờ hay không? Sáng Thứ Bẩy vừa rồi, tôi gặp một tai họa nhỏ. Sau khi đáp chuyến xe lửa 7 giờ 23 vào thành phố dự hội nghị Đạo Đức Sinh Học của Đại Học New York về Bộ Óc Luân Lý, tôi thấy đường xe điện ngầm bị đóng vì xây cất. Để tránh mưa và tiết kiệm thì giờ, tôi vội nhẩy lên một chiếc taxi với ý định kịp dự buổi nói truyện lúc 8 giờ 30 về “Đời Sống Luân Lý của Trẻ Sơ Sinh”.

Vừa đến cửa dẫn vào bàn đăng ký, tôi bỗng hốt hoảng thấy mình bỏ quên túi xách tay trong xe taxi. Ví tiền, bằng lái, sổ địa chỉ, 150 đôla, 5 thẻ tín dụng, điện thoại di động, chìa khóa, cây chì và tô môi, tất cả đều mất hết, dù tôi rất cẩn thận giữ được cây dù và tập hồ sơ của hội nghị. Làm sao gọi được ai giúp, mua được bữa ăn trưa và trở về nhà đây? Một lời cầu vô vọng bỗng bật khỏi môi tôi: “Ôi lạy Chúa, xin vui lòng, xin vui lòng, con thực sự cần Chúa giúp con trong lúc này”.

Ngay tức khắc, những nhân viên an ninh tốt bụng có mặt ở đấy cung cấp cho tôi cả điện thoại di động, lẫn cây viết, giấy và số điện thoại khẩn cấp để liên lạc. Nhưng làm gì có hóa đơn hay bất cứ ghi chép nào cho thấy số xe taxi. Và vì nghĩ rằng các buổi thuyết trình này có lẽ là những buổi mắc tiền nhất tôi từng tham dự, nên tôi vội vàng bước vào đại giảng đường.

Những mất mát kia đành bỏ lại phía sau vậy. Vả lại, có lẽ cũng nhờ tôi nhận ra một cách hợp lý rằng đó chỉ là một vấn đề nhỏ. Tuổi của mình, đáng lý ra còn có thể gặp những tai họa khủng khiếp hơn như bệnh tim, ung thư hay mất trí. Chứ cái mất mát này chỉ gây bất tiện và làm mình mắc cỡ và tự trách mình chút chút thôi. Hơn nữa, há tôi đã chẳng từng viết nhiều cuốn sách (Callahan viết tới 11 cuốn sách) để giải thích việc Chúa cho phép bất hạnh xẩy ra trên thế gian như một hệ luận cần thiết sóng đôi với tự do của ta đó sao?

Nhưng giữa lúc đang chăm chú ghi chép bằng cây viết đi mượn và đang dự buổi trình bày kế tiếp về các nền luân lý tương phản của Kant và Aristốt, nhìn lên, tôi thấy một nhân viên an ninh đang làm hiệu cho mình. Ông đến gọi tôi vì người tài xế xe taxi đã đem túi xách tay của tôi tới! Người công dân Hoa Kỳ gốc Á Châu chính trực đó đã cố gắng nhiều mới nhớ lại địa điểm tôi xuống xe và tới đây tìm tôi. Đây quả là điển hình đời thực của một bộ óc luân lý đang hành động. Từ khước bất cứ tiền bạc nào ngoài cái giá của cuốc xe, ông ta còn tỏ vẻ không thích khi được tôi ôm hôn tha thiết để cám ơn.

Tuy thế, tôi hoàn toàn té ngửa về phương diện xúc cảm trước tin mừng đáng ngạc nhiên này. Vì giờ đây tôi khỏi phải mắc cỡ thú nhận sự vụng về của mình với gia đình (họ vốn không có thói quen đọc blog của tôi). Nhưng dù muốn hay không, tôi vẫn phải nhìn nhận sự lệ thuộc của mình vào người khác và bản thân tôi quả dễ dàng gặp tai nạn và lầm lỗi biết là chừng nào.

Về phương diện thần học, tôi phải tự hỏi phải chăng mình đã quá coi thường các lời cầu xin. Đêm vừa qua, trong cầu nguyện, đang loay hoay với những ý nghĩ ấy, tôi cảm thấy Chúa gửi cho tôi một sứ điệp nửa đùa nửa thật rằng: “Và lúc đó, con có thực sự nghĩ là Cha có thể cứu con không?”. Câu hỏi quá đúng. Nếu không xử lý được các lời cầu xin ngay lúc này và ở đây, làm sao tôi có thể sẵn sàng với lời “xin vâng” đời đời của Thiên Chúa?