Liên quân do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Iraq loan báo là các đơn vị Mỹ và các dân quân Sunni đã đồng ý một loạt những biện pháp.

IRAQ -- Phát ngôn nhân dân sự của Liên quân, Dan Senor nói hai bên hứa hẹn là sẽ không tái tục tấn công nếu dân chúng địa phương đồng ý trao nộp vũ khí.

"Các phe phái đồng ý yêu cầu các công dân và các nhóm ngay lập tức giao nộp những vũ khí bất hợp pháp."

"Những người đồng ý giao nộp vũ khí sẽ không bị trừng phạt và những người không có vũ khí sẽ không bị tấn công."

Để cải thiện an ninh, sẽ có những cuộc đi tuần hỗn hợp giữa các lực lượng liên quân và cảnh sát Iraq, trong khi các nhà điều tra Iraq sẽ cầm đầu cuộc điều tra về vụ sát hại bốn nhân viên dân sự Mỹ ở Fallujah.

Những biện pháp này đã được điều đình bởi một phái đoàn từ Baghdad.

Phái đoàn này cũng nói là hai bên đã đồng ý cải thiện việc chăm sóc y tế và trợ giúp nhân đạo.

Khó khăn tự tạo?

Thoạt đầu là những lộn xộn nhỏ thường thấy sau một cuộc chiến, giới chỉ huy Mỹ bây giờ phải đương đầu với một cuộc nổi dậy phức tạp.

Số lính Mỹ tử trận gia tăng đáng kể tháng này, trong khi các lực lượng của Mỹ phải chống trả từ cả hai phía, các dân quân Shia, và nhóm Sunni lâu nay trung thành với cựu tổng thống Saddam Hussein.

Các vụ tấn công nhằm cắt mạch tiếp tế của liên quân đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng là thường xuyên có tử vong.

Hậu cần của Mỹ bị rối loạn, khiến các công ty vận chuyển dân sự của người Iraq không muốn hợp tác với liên quân.

Việc phải đóng một số con đường chính của quân đội chỉ làm cho công chúng thêm bất an.

Nay đại diện của Hoa Kỳ ở Iraq, Paul Bremer nhìn nhận các lực lượng an ninh của Iraq chưa đủ sức, 20 ngàn lính Mỹ đã được lệnh hoãn ngày đi phép lại, và nhiều đơn vị tiếp viện sẽ lên đường nếu cần.

Thực ra các cuộc nổi dậy vẫn còn trong tầm kiểm soát, nhưng chuyện tương lai mới làm cho nhiều người quan ngại.

Việc Hoa Kỳ không tái lập được an ninh trật tự sau môt năm lật đổ Saddam Hussein làm cho nhiều người lo lắng.

Những người chỉ trích nói đáng lý ban đầu phải có nhiều lính hơn, và việc giải tán quân đội Iraq là một sai lầm lớn.

Việc Tây Ban Nha rút về 1300 lính gây tác hại cho liên quân về mặt chính trị nhiều hơn, nhưng sẽ khiến các đồng minh khác của Hoa Kỳ nghĩ lại.

Nếu người Iraq và các đồng minh của Washington không thể hoặc chịu hợp tác nữa thì người Mỹ phải huy động thêm lính - một việc có lẽ không ai muốn làm khi đang sắp có bầu cử tổng thống. (BBC)