Đức Giáo Hoàng bước vào chỗ nào trong bức tranh?

Chữ giáo hoàng là dịch bởi chữ Pháp “Pape” hay chữ Anh “Pope” mà hai chữ này phát xuất từ chữ La Tinh Papa, nghĩa là “cha” và nguyên thủy nó là chữ thân mật để gọi các giám mục hay các linh mục thâm niên. Về mặt chính thức, phải tới thế kỷ 11, chữ này mới được dành riêng cho Giám Mục Rôma, và hiện nay vẫn được dùng theo nghĩa ngày xưa trong một số hệ phái Kitô Giáo. Như các Kitô hữu Coptic ở Ai Cập, chẳng hạn, vốn gọi vị thượng phụ của họ là “pope” (giáo hoàng).

Vì trọng tâm của Kitô Giáo Phương Tây đã chuyển về Rôma, điều tự nhiên là vị giám mục của thành này phải đảm nhiệm một vai trò lãnh đạo càng ngày càng quan trọng hơn. Gần cuối thế kỷ thứ tư, Rôma được coi như một trong năm giáo phận đáng kính nhất và có thế giá nhất trên thế giới, song song với Giêrusalem, Antiôkia, Alexandria và Constantinople của Giáo Hội Phương Đông. Giám mục Rôma, do đó, là một trong năm vị thượng phụ quan trọng nhất của toàn thể Kitô Giáo. Sau năm 1054, bốn vị thượng phụ khác của Phương Đông bước vào qũy đạo của Kitô Giáo Phương Đông, để “Rôma” một mình ở lại làm “siêu cường duy nhất” tại Phương Tây. Dù quyền lực Giáo Hoàng lên xuống trong các thế kỷ vừa qua, ngôi vị giáo hoàng ở đầu thế kỷ 21 vẫn là một chức vụ tôn giáo gây nhiều ảnh hưởng nhất trên hành tinh này. Các sách giáo khoa thời trung cổ dạy về khoa xã giao đã nổi tiếng dạy người ta rằng “Đức Giáo Hoàng không có người ngang hàng”, nghĩa là ngài là người đứng đầu bậc thang xã giao, và trong tường trình truyền thông và vị thứ nổi tiếng trong giới lãnh đạo tinh thần, điều này, về căn bản, vẫn còn đang đúng, dù có người cho rằng Dalai Lama đang ngang ngửa với ngài về phương diện này.

Truyền thống Công Giáo coi Thánh Phêrô là vị giáo hoàng đầu tiên, và nhìn nhận 265 vị kế nhiệm ngài trong suốt 2 ngàn năm qua, tuyệt đỉnh hiện nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Trưng dẫn con số này là điều dễ dàng hơn việc nói chính xác 265 vị giáo hoàng này là những ai, vì vào một số thời điểm, có những vị tranh chấp nhau về chức vụ này. Và thỉnh thoảng, người ta không thể nói ai là giáo hoàng hợp pháp. Trong nhiều thế kỷ, ở Âu Châu thời Trung Cổ, ngôi vị giáo hoàng là một thẩm quyền vừa thế tục vừa thiêng liêng, cai trị một số lãnh thổ miền trung Nước Ý có tên là Các Quốc Gia Giáo Hoàng, và có nhiều ảnh hưởng chính trị đối với các vụ việc của Âu Châu. Điều này đã chấm dứt với việc thống nhất Nước Ý vào cuối thế kỷ 19 và việc Đức Giáo Hoàng mất hết thẩm quyền trần thế.

Từ các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo Phương Tây, Giám Mục Rôma đã được coi như vị trọng tài tối hậu của các cuộc tranh cãi. Trong lãnh vực tín lý, vai trò này được chính thức qui định tại Công Đồng Vatican I năm 1870 với việc tuyên bố “tính vô ngộ của Đức Giáo Hoàng” nghĩa là: khi Đức Giáo Hoàng nói về đức tin và luân lý trong hiệp thông với các giám mục thế giới, ngài không thể sai lầm. Các nhà phê bình đôi khi cho rằng ngôi vị giáo hoàng trở nên có quá nhiều quyền lực và Đạo Công Giáo quá trung ương tập quyền, trong khi các người ủng hộ thì nhấn mạnh rằng nếu Đạo Công Giáo không có ngôi vị giáo hoàng, thì nó vẫn phải tạo ra ngôi vị này, vì giữ cho một Giáo Hội rải rác khắp nơi lại có tới 1 tỷ 200 triệu người đoàn kết với nhau đòi phải có một thẩm quyền mạnh ở trung tâm.

Đức Giáo Hoàng cũng được biết đến dưới nhiều tước hiệu khác nữa: Đức Thánh Cha, Đấng Bắc Cầu Tối Cao (Supreme Pontiff), Đại Diện Chúa Kitô, Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, và Đầy Tớ Các Đầy Tớ của Thiên Chúa. Cho đến nay, vấn đề phải gọi Đức Giáo Hoàng chính xác ra sao cũng là một vấn đề có mùi chính trị. Năm 2006, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tuyên bố rằng ngài đã bãi bỏ một trong các tước hiệu truyền thống của ngôi vị giáo hoàng, tức Thượng Phụ Phương Tây. Những người ủng hộ ngài khen đây là một cử chỉ khiêm nhường, một cách vứt bỏ mức độ phô trương đế chế. Tuy nhiên, đối với một số nhà phê bình có đầu óc hay tố cáo người khác là âm mưu trong các Giáo Hội Chính Thống, thì đây chỉ là một trò chơi quyền lực, một cách để khẳng định quyền tối thượng không chỉ đối với Giáo Hội Phương Tây mà là đối với toàn thế giới. Cuộc tranh luận này cho thấy đầu thế kỷ 21, phong trào đại kết vẫn chỉ là một công trình còn đang diễn tiến.

Ai là những vị giáo hoàng tốt nhất và tệ nhất?

Đây là việc hoàn toàn có tính chủ quan. Ta có thể so sánh nó với việc tranh luận xem ai là người chặn bóng (fielder) tuyệt nhất mọi thời, dù là một lý luận ngu xuẩn vì câu trả lời hiển nhiên là Willie Mays! Một so sánh hay hơn có thể là cuộc thăm dò hàng năm của các nhà sử học Hoa Kỳ xem ai là tổng thống hay nhất ai là tổng thống tệ nhất, vì chính trị luôn là chuyện pha trộn. Các sử gia bảo thủ, chẳng hạn, thường xếp Ronald Reagan cao hơn các sử gia cấp tiến. Cũng thế, trong Đạo Công Giáo, các người cấp tiến luôn xếp Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, vị giáo hoàng đã triệu tập Công Đồng cải tổ Vatican II, vào danh sách “các giáo hoàng hạng nhất” của họ, trong khi các người bảo thủ thì xếp Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào bậc cao nhất.

Thành thử, sau đây không phải là sự kiện khách quan, mà đúng hơn là một thứ “thăm dò trung bình” một ít danh tính thường xuất hiện mỗi khi bạn yêu cầu các sử gia Giáo Hội cho biết những vị nào tốt nhất và những vị nào tệ nhất trong các vị giáo hoàng.

Ngoài ra, dù người Công Giáo nào cũng tin rằng Chúa Thánh Thần can dự cách nào đó vào việc bầu giáo hoàng, nhưng họ vẫn nhận rằng không phải vị nào nắm giữ chức vụ này đều là thánh cả. Ít năm trước khi được bầu, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI được một nhà báo yêu cầu giải thích vai trò của Chúa Thánh Thần trong mật nghị hội, tức biến cố bầu giáo hoàng. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger lúc đó trả lời rằng điều này không có nghĩa Chúa Thánh Thần thực sự chọn đức tân giáo hoàng. Ngài cho hay: có quá nhiều điển hình giáo hoàng mà Chúa Thánh Thần chắc chắn đã không chọn lựa!

Các Vị Giáo Hoàng tốt nhất

1. Đức Lêô I (cai quản trong các năm 440-461): Một cách tổng quát, bạn có thể vững bụng kết luận rằng bất cứ vị giáo hoàng nào được xưng tụng là “cả” đều là những vị giáo hoàng tốt lành, và Đức Lêô là vị giáo hoàng đầu tiên được xưng tụng như thế. Lý do để ngài được tước hiệu này là năm 452 khi ngài thuyết phục Attila, người Hung, từ bỏ việc xâm lăng Ý Đại Lợi. Là một nhà qúy tộc Ý, Đức Lêô còn là một nhà thần học quan trọng. Bộ sách thời danh của ngài đặt để các giáo huấn về bản tính Chúa Kitô, nhất là ý niệm hai bản tính của Người, vừa là Thiên Chúa vừa là phàm nhân, kết hợp trong một ngôi vị. Các giáo huấn này được chấp nhận tại Công Đồng Canxêđoan năm 451, khi truyền thống cho rằng các giám mục hiện diện lắng nghe bộ sách của Đức Lêô và sau đó hô lớn: “Thánh Phêrô đã nói qua miệng Lêô!”.

2. Grêgoriô I (590-604): Cũng được xưng tụng là “cả”, Đức Grêgôriô là vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ hậu cảnh đơn tu, và nổi danh là một trong các nhà lãnh đạo thiêng liêng quan trọng hơn hết mọi thời. Ngài lên sinh lực lại cho các cố gắng truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo, (trong đó, có việc truyền giảng Tin Mừng thành công cho người Anglo-Saxon của Thánh Augustinô thành Canterbury), phát động rất nhiều cuộc cải tổ phụng vụ đến nỗi được xưng tụng là “Cha việc thờ phượng của Kitô Giáo”, tổ chức một hệ thống hữu hiệu trợ giúp bác ái ở Rôma, và sản xuất một bộ trước tác lớn về thần học và linh đạo vẫn còn gợi hứng cho các độc giả suốt 1 thiên niên kỷ rưỡi nay. Ngay nhà cải cách Thệ Phản John Calvin, người chắc chắn không mộ mến gì Rôma, cũng đã phải ca ngợi Đức Grêgôriô, gọi ngài là “vị giáo hoàng tốt lành cuối cùng”.

3. Innôxentê III (1198-1216): Nếu “tốt nhất” có nghĩa là mạnh mẽ nhất hay gây ảnh hưởng nhất, thì Đức Giáo Hoàng Innôxentê III có lẽ phải đứng đầu bảng. Ngài đã mở rộng một cách đáng kể quyền kiểm soát về hành chánh của ngôi vị giáo hoàng đối với Kitô Giáo Phương Tây, chủ yếu qua việc ban hành các sắc lệnh về luật lệ và qua việc cải tổ hệ thống luật Giáo Hội. Một số sử gia tin rằng “ngôi vị giáo hoàng đế chế”, nghĩa là ngôi vị giáo hoàng như thẩm quyền tối cao trên thực tế chứ không phải chỉ trên lý thuyết (de jure) của đời sống Giáo Hội, bắt đầu dưới thời Đức Innôxentê III. Ngài cũng đã bảo vệ quyền độc lập của Giáo Hội chống lại các ông hoàng thế tục, bằng cách thắng thế trong các cuộc đấu tranh chính trị to lớn về vấn đề “tấn phong” (investiture), nghĩa là các giáo sĩ lãnh nhận chức vụ của họ từ Đức Giáo Hoàng hay từ nhà vua. Thực vậy, Đức Innôxentê III là người chủ trương Vatican phải là một sức mạnh có chủ quyền, độc lập trong các vụ việc thế giới. Chủ trương này vẫn còn giá trị tới tận đầu thế kỷ 21 này.

Các vị giáo hoàng tệ nhất

1. Alexandrê VI (1431-1503): Phần lớn ai cũng đồng ý vị giáo hoàng tệ nhất là Rodrigo Borgia, cháu một vị giáo hoàng cũng đã mua chức giáo hoàng vào thời điểm ngôi vị này trở thành trò chơi trong tay các gia đình giầu có. Alexandrê VI đã lạm dụng trò chơi này nhiều nhất; có lời tố cáo vị này đã sinh ra ít nhất 7 người con bất hợp pháp với các nhân tình khác nhau, bổ nhiệm nhiều tân Hồng Y để lấy tiền, và đã hoặc cầm tù hoặc xử tử các địch thủ của mình bằng những lời cáo gian bịa đặt. Tuy nhiên, phải nhận rằng phần lớn các dã sử đen phát xuất từ các kẻ thù của ngài và, vào thời ấy, nhiều người cùng thời coi ngài là nhà ngoại giao và chính khách có khả năng, bất kể tác phong luân lý của ngài.

2. Gioan XII (955-964): Được bầu làm giáo hoàng lúc mới có 18 tuổi, Gioan XII là một vị giáo hòang khác mà ký ức bị lên khuôn bởi những người không thích ngài cho lắm. Người ta đồn rằng ngài lăng nhăng với một số nàng hầu và nhân tình, kể cả cháu gái, và dưới thời giáo hoàng của ngài, tông điện bị coi là một ổ điếm. Gioan XII cũng bị tố cáo là đã phong chức cho các giám mục để lấy tiền, trong đó, có một bé trai 10 tuổi, và đã khẩn cầu thần Rôma ngày xưa khi chơi xúc xắc, là trò ngài rất thích. Một số sử gia tin rằng dã sử thời trung cổ về giáo hoàng Joan, một thứ huyền thoại nhân gian về một nữ giáo hoàng, đã phát sinh do ảnh hưởng của các nhân tình của vị giáo hoàng này.

3. Stêphanô VI (896-897): Vì chỉ làm giáo hoàng có một năm, nên có lẽ sẽ là điều bất công khi đặt Stêphanô VI vào bảng các vị giáo hoàng tệ nhất. Tuy nhiên, vị giáo hoàng này được liệt kê là do tai tiếng “thượng hội đồng xác chết” (cadaver synod). Thời đó, nhiều phe phái thay phiên nhau kiểm soát ngôi vị giáo hoàng, và vị đương nhiệm luôn phải lo lắng trước việc một địch thủ muốn chiếm ngôi vị của mình. Đức Formosô, qua đời năm 896, thuộc một trong nhóm địch thủ này. Để làm mất uy tín của vị này và các đồ đệ, Stêphanô VI ra lệnh quật xác vị này khỏi mồ và đem ra xử, chỉ có một phó tế đứng ra bào chữa. Sau khi kết án vị này với đủ thứ tội, trong đó có tội bội thề và bỏ bê chức vụ giám mục, Stêphanô VI cho lột hết phẩm phục của ngài, cắt đứt 3 ngón tay thường dùng để ban phép lành và mọi cuộc phong chức của vị này bị tuyên bố vô hiệu. Xác ngài được chôn cất lại, chỉ để sau đó lại bị quật mồ một lần nữa để liệng xuống Sông Tiber.

Còn tiếp