Chương tám: Đạo Công Giáo và tính dục

Ngay từ đầu, Đạo Công Giáo đã bị tố cáo là loan truyền một thứ thông điệp hỗn độn về tính dục. Một đàng, những vị anh hùng vĩ đại của đức tin đều là các vị đồng trinh phi tính dục một cách đặc trưng. Thánh Simong Cột, chẳng hạn, là một nhà tu khổ hạnh thế kỷ thứ 5 ở Syria, một người sống trên đỉnh một cây cột và nổi tiếng là không cho phép bất cứ người đàn bà nào tới gần nơi ngài ở. (Theo hạnh thánh của ngài, lệnh cấm này áp dụng cho cả mẹ ruột của ngài). Các nhà lãnh đạo chính thức của Giáo Hội Công Giáo tất cả đều là các người nam độc thân, và phần lớn các người đàn bà nổi tiếng nhất cũng đều là các nữ tu độc thân. Trong các thế kỷ qua, phần lớn người Công Giáo coi việc tiết dục là con đường cao thượng hơn về thiêng liêng, trong khi bậc sống vợ chồng của hầu hết giáo dân, kể cả sinh hoạt tính dục của họ, bị coi như một nhượng bộ đối với bản chất sa ngã của con người.

Thế nhưng, cùng một lúc, trong Đạo Công Giáo luôn có xu hướng mạnh mẽ cổ vũ các gia đình đông con. Hơn nữa, không thể chối cãi điều này: trong một số nền văn hóa Công Giáo, người ta thấy có nhiều nét gợi dục (carnal), ngược với chủ trương tiết dục (abstemiousness) rất đặc trưng của các xã hội Thệ Phản. Ở Âu Châu chẳng hạn, ta thấy có sự dị biệt giữa Phần Lan và Na Uy một bên và bên kia là Tây Ban Nha, Ý, và Bồ Đào Nha. Cũng không phải là chuyện tình cờ khi các xã hội Châu Mỹ La Tinh, những xã hội từng đem lại cho thế giới những điệu vũ gợi dục hơn hết, như tango và samba, lại là các xã hội đa phần áp đảo theo Công Giáo, tức Á Căn Đình và Ba Tây. Nếu bạn muốn được thấy một nền văn hóa Công Giáo đại chúng trong hành động, thì bãi biển để ngực trần ở Rio de Janeiro hẳn phải là một nơi cũng đáng chọn như nhà thờ chính tòa của nó. Ở Ý, các kênh truyền hình trong các giờ cao điểm, từ Telepace, một mạng lưới Công Giáo có khi phát tuyến trọn một giờ thánh, cho tới RAI, mạng lưới của nhà nước, rất thường trình chiếu hình những người đàn bà ăn mặc hở hang nhẩy nhót trên sân khấu, trong những điệu vũ nóng bỏng, tất cả đều nói lên, bằng những cách khác nhau, cùng một triết lý sống Công Giáo của đất nước.

Dĩ nhiên, biểu tượng sáng ngời cho cố gắng của Công Giáo nhằm đạt được cả hai yếu tố trên là Đức Nữ Trinh Matria. Theo truyền thống, ngài được chào kính vừa như một trinh nữ vừa như một người mẹ, và các nhà phê bình duy nữ thích chỉ trích cái tiêu chuẩn bị họ coi là bất khả này khi cột hai chuyện trái ngược nhau lại với nhau.

Về tri cảm công cộng, các sứ điệp pha trộn trên hết sức sinh động ở đầu thế kỷ 21. Trong nhiều giới, Đạo Công Giáo bị coi là “Bác Sĩ Không” của nền luân lý tính dục: không được thủ dâm, không được ngừa thai, không được phá thai, không được sinh sản nhân tạo, và không được kết hôn đồng tính. Một số nhà phê bình thấy các lập trường này đơn giản chỉ làm bực mình hay lỗi thời, trong khi nhiều người khác coi chúng như một thứ vi phạm có tính luân lý; họ tố cáo Đạo Công Giáo làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng HIV/AIDS khi chống đối bao cao su (condom). Những lời cáo buộc này là một nguồn gây thất vọng sâu xa nơi các nhà lãnh đạo Công Giáo; các ngài nhấn mạnh rằng phía sau mọi lời “không” đều có một lời “có” sâu sắc hơn và sứ điệp Công Giáo về dục tính con người tích cực từ căn bản. Dù các vị giáo hoàng rõ ràng đứng về phía hạn chế trong hầu hết các cuộc tranh luận về tính dục hiện thời, nhưng các nhà lãnh đạo Công Giáo cũng thường xuyên công khai chỉ trích hướng đi dân số học của thế giới đã phát triển, nhất là Âu Châu, trong việc họ ủng hộ các gia đình ít con; các ngài cho rằng xu hướng này, rốt cuộc, sẽ khiến Tây Phương phạm tội “tự tử về dân số”. Đối với một số người, sứ điệp chính thức của Công Giáo dường như là “hãy hưởng tính dục, chắc chắn như thế, nhưng chỉ nên theo các hướng dẫn của chúng tôi mà thôi”.

Bất chấp quan điểm của người ta, hiểu được các thái độ của Công Giáo đối với tính dục và gia đình là một điều tiên quyết để nắm được vai trò của Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Điều gì làm nền tảng cho thái độ của người Công Giáo đối với tính dục?

Nhờ óc tưởng tượng bí tích của họ, người Công Giáo nhìn thấy dấu chỉ thần linh nơi các sự vật thể lý của thế giới này, kể cả thân xác con người, thay vì nhìn vật chất và xác thịt như những gì đồi bại từ trong nội tại. Người Công Giáo khiêu vũ, uống rượu, hút những điều xìgà ngon, và ăn những bữa ăn ngon, coi tất cả những thứ này như các ơn phúc trong tạo thế của Thiên Chúa, và nói chung, họ coi sắc đẹp thể lý và kích dục cũng như thế. Một ủng hộ lành mạnh đối với khoái cảm nhục tính (sensuality), không bác bỏ nó, luôn là bản năng của người Công Giáo bình thường. Những thúc đẩy loại này có nền tảng rõ rệt trong thần học Công Giáo. Thí dụ, trong thông điệp Caritas Deus Est năm 2005 của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI cho rằng tình yêu gợi dục (erotic love) được cảm nghiệm giữa một người đàn ông và một người đàn bà trong hôn nhân là một hình tượng, một hình ảnh, của tình yêu Thiên Chúa.

Một điểm chủ yếu cần phải nắm về nền luân lý tính dục Công Giáo là: các nhà lãnh đạo Giáo Hội nhấn mạnh rằng giáo huấn của các ngài về các điểm này phát xuất từ luật tự nhiên, nghĩa là các nguyên tắc luân lý phát xuất từ giới tự nhiên. Theo nghĩa này, việc Giáo Hội chống đối phá thai không giống như qui luật của Giáo Hội về việc tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật; việc tham dự này vốn là một bổn phận có tính tuyên tín (confessional). Trái lại, Giáo Hội coi việc bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai cho tới lúc chết tự nhiên như một vấn đề nhân quyền căn bản, chứ không phải là một lập trường chỉ có tính Công Giáo chuyên biệt mà thôi. Dưới mắt các ngài, đây không phải là việc đẩy nền luân lý Công Giáo xuống cổ họng nền văn hóa đa nguyên cho bằng bảo vệ các chân lý luân lý phổ quát mà mọi người có khả năng nhận biết. Như các ngài vốn nói, những điều này không đúng chỉ vì Giáo Hội nói thế; đúng hơn, Giáo Hội nói thế vì chúng đúng sự thật.

Giáo Hội dạy gì về việc kiểm soát sinh đẻ?

Nếu bạn tìm mục “kiểm soát sinh đẻ” hay “ngừa thai” trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, bản mục lục sẽ chỉ bạn tới phần nói về hôn nhân. Điều ấy được sắp xếp theo kế sách, vì Giáo Hội coi giáo huấn của mình về đạo đức tính dục như một phần của viễn kiến rộng lớn hơn về ý nghĩa và mục đích của hôn nhân và gia đình con người. Tiêu chuẩn quan trọng nhất trong giáo huấn Công Giáo hiện nay về kiểm soát sinh đẻ là thông điệp nổi tiếng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1968 tựa là Humanae Vitae (Sự Sống Con Người). Dựa vào tinh thần canh tân của Công Đồng Vatican II, nhiều quan sát viên hy vọng rằng Đức Phaolô VI sẽ xem xét lại việc ngăn cấm của Giáo Hội, và đa số các thành viên của Ủy Ban đặc biệt do Đức Giáo Hoàng thiết lập để nghiên cứu vấn đề cũng đề nghị như thế. Thế nhưng, cuối cùng, Đức Phaolô VI đã duy trì giáo huấn truyền thống; ngài nhấn mạnh rằng việc sử dụng các phương tiện ngừa thai nhân tạo vi phạm kế hoạch của Thiên Chúa đối với tính dục con người.

Nói một cách tóm tắt, giáo huấn Công Giáo như được trình bầy trong Humanae Vitae chủ trương rằng giao hợp tính dục chỉ hợp phép trong bối cảnh hôn nhân mà thôi, nơi nó được xác định phục vụ hai mục đích của hôn nhân, tức các chức năng “kết hợp” và “sinh sản”. Nghĩa là, hôn nhân nhằm để kết hợp cặp vợ chồng trong một tình yêu và một hiệp thông thiêng liêng luôn sâu sắc hơn, và mở cửa chào đón sự sống mới dưới hình thức con cái. Sự bất trung vi phạm chức năng kết hợp của hôn nhân thế nào, thì việc ngừa thai nhân tạo cũng được hiểu là vi phạm mục đích sinh sản như thế bằng cách tách rời việc giao hợp ra khỏi khả thể có con. Điểm mấu chốt ở đây là “mỗi một và mọi hành vi hôn nhân phải luôn mở cửa cho việc truyền sinh”.

Giáo huấn Công Giáo nhìn nhận rằng có thể có những “lý do chính đáng” khiến cặp vợ chồng được phép hạn chế số con họ đem vào đời, như thiếu khả năng kinh tế để duy trì một gia đình đông con, nguy cơ về sức khỏe cho người mẹ nếu sinh thêm hoặc các căng thẳng tâm lý và xúc cảm khi có thêm con. Bao lâu vợ chồng không hành động vì lòng “vị kỷ”, mà đúng hơn vì “lòng đại lượng thích hợp với việc làm cha mẹ có trách nhiệm”, Giáo Hội dạy rằng các cặp vợ chồng được phép tránh có thai, miễn là họ sử dụng các phương thế được phép về luân lý. Phương thế phổ thông nhất nơi những người Công Giáo coi trọng giáo huấn chính thức là “kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên”, đôi khi còn được gọi là “phương pháp tiết dục định kỳ” (Rhythm method) trong đó, cặp vợ chồng chỉ giao hợp tính dục vào những thời kỳ tự nhiên không thể thụ thai.

Về phương diện quốc gia và quốc tế, giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng các chính phủ được coi là hợp pháp khi quan tâm tới cỡ dân số và cố gắng ảnh hưởng tới hướng tiến dân số của nước mình. Tuy nhiên, các phương thế sử dụng không được mang tính cưỡng bức và phải nhất quán với luật luân lý; nghĩa là trên thực tế, Giáo Hội Công Giáo chống lại các cố gắng cổ vũ việc kiểm soát sinh đẻ nhân tạo như một vấn đề chính sách của chính phủ.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội nói gì về bao cao su và bệnh AIDS?

Giáo Hội Công Giáo bị chỉ trích đặc biệt về lập trường ngừa thai ở Châu Phi và một số nơi khác trên thế giới, nơi việc phân phối bao cao su thường là thành phần của chiến dịch chống AIDS. Để trả lời, các giới chức của Giáo Hội thường nêu ra 3 điểm sau:

• Giáo Hội Công Giáo bảo trợ lối đáp ứng nhân đạo nhất đối với đại dịch HIV/AIDS trên trái đất. Theo một ước lượng, 27 phần trăm tất cả các bệnh nhân AIDS được chăm sóc bởi các cơ sở Công Giáo. Dưới góc cạnh này, các vị cho rằng các lời cáo buộc Giáo Hội dửng dưng là hoàn toàn không hợp tình hợp lý.

• Một số nghiên cứu có tính thực nghiệm cho thấy các nước nhấn mạnh tới việc tiết dục (abstinence) và trung thành vợ chồng như là thành phần của chiến dịch chống AIDS toàn diện đã thành công trong việc làm giảm tỷ lệ lây lan hơn là các nước chủ yếu dựa vào bao cao su.

• Lòng trung thành trong hôn nhân và sự tiết dục ở bên ngoài hôn nhân là các phương thế hết sức rõ ràng, ai cũng hiểu cũng áp dụng được, để ngăn chặn sự truyền bệnh. Chỉ phân phối bao cao su mà không kèm theo việc đào tạo luân lý, trên thực tế, chỉ khuyến khích người ta dấn thân vào các tác phong nguy hiểm hơn nữa.

Trong cốt lõi, đường lối chính thức là: những người đau khổ vì bệnh HIV/AIDS đáng được Giáo Hội cảm thương và nâng đỡ. Nhưng theo các nhà lãnh đạo Giáo Hội, lòng cảm thương thực sự là giúp người ta thực hiện các lựa chọn có trách nhiệm về luân lý.

Há nhiều người Công Giáo không đồng ý với đường lối của Giáo Hội về kiểm soát sinh đẻ đó sao?

Đúng thế. Trong cả các tường thuật truyền thông lẫn các cuộc thảo luận công cộng, vấn đề kiểm soát sinh đẻ thường được coi như điển hình rõ ràng nhất cho thấy hàng giáo phẩm đã không nắm được đoàn chiên của mình. Các cuộc thăm dò ý kiến ở cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua đã liên tiếp cho thấy đại đa số người Công Giáo có vấn đề với việc ngừa thai và nhiều người sử dụng nó. Cuộc thăm dò hồi tháng Năm năm 2012 của Viện Gallup cho thấy 82 phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ tin rằng kiểm soát sinh đẻ là điều có thể chấp nhận được về phương diện luân lý; kết quả này khá gần với 89 phần trăm dân số cả nước có cùng một quan điểm này. Chỉ có 15 phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ cho rằng nó sai lầm về luân lý mà thôi. Một cuộc thăm dò hồi tháng Hai năm 2012 của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Công Cộng cho hay 58 phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ thậm chí ủng hộ việc đòi các chủ nhân cung cấp kiểm soát sinh đẻ như một phần của kế hoạch bảo hiểm y tế, bất chấp sự chống đối mạnh mẽ của các giám mục Hoa Kỳ. Việc ủng hộ của người Công Giáo còn cao hơn cả sự ủng hộ trung bình của cả nước là 55 phần trăm…

Trong nhiều thế kỷ, các nhà thần học vốn nói đến “việc tiếp thu” học lý như là thước đo thẩm quyền của nó, nghĩa là mức độ nó được tín hữu giáo dân chấp nhận, và nhiều nhà tư tưởng cấp tiến cho rằng ngừa thai là điển hình cổ điển về một học lý chưa được “tiếp thu”. Dĩ nhiên, Giáo Hội Công Giáo không phải là một nền dân chủ, và các nhà lãnh đạo Giáo Hội nhấn mạnh rằng sự thật và sự giả không do các cuộc thăm dò xác định. Vả lại, theo các ngài, sự kiện nhiều người Công Giáo thấy mình không có khả năng thực thi trọn vẹn luật lệ luân lý của Giáo Hội không phải là một điều mới lạ gì. Trong nhiều thế kỷ qua, Giáo Hội luôn giảng dậy rằng nói dối, lường gạt, và ăn trộm là điều xấu, nhưng điều này không ngăn cản rất nhiều người Công Giáo vẫn cứ làm như thế. Các ngài cho rằng thách thức ở đây không phải là thay đổi luật lệ, mà là cố gắng hơn trên bình diện mục vụ để giúp người ta tiến gần lại việc thi hành chúng nhiều hơn.

Còn tiếp